Hình internet
Hiếu thuận là căn bản của đạo làm người. Cổ nhân có câu:
“bách thiện hiếu vi tiên”, ý rằng trong trăm đức tính tốt thì hiếu đứng
đầu. Người á đông coi hiếu thuận chính là phẩm chất quan trọng nhất, là bài học
đầu tiên mà ai cũng cần phải biết.
Cổ nhân giảng, hiếu là cái gốc làm người.
Người bất hiếu là người đã quên mất cái gốc của mình, vậy là có tội
Vào triều Thanh, tại huyện Sùng Minh, tỉnh Giang Tô có người họ Ngô sinh được
bốn đứa con trai. Lúc còn trẻ, bởi vì gia cảnh nghèo khó nên ông phải
bán 4 đứa con cho những gia đình giàu có làm nô bộc.
Nhờ siêng năng cần mẫn nên khi lớn lên cả 4 người con trai đều dần dần thoát
khỏi cảnh tôi tớ và tự lập thân mình. Sau khi cưới vợ, họ xây dựng được một căn
nhà lớn và cả đại gia đình cùng chung sống một nơi, thay nhau chăm sóc cha
mẹ già.
Bọn họ sống ở phía Tây huyện nha. Lão Đại mở tiệm gạo, lão Nhị mở
tiệm vải, lão Tam mở tiệm thịt muối, lão Tứ mở tiệm tạp hóa. Bốn
cửa hàng đặt song song nhau, còn có một gian ở chính giữa làm nhà
chung.
Bốn anh em phụng dưỡng cha mẹ hết sức hiếu thuận. Bọn họ ban đầu có
ý định xoay vòng nhau phụng dưỡng cha mẹ trong một tháng.
Tuy nhiên có một cô con dâu nói: “Cha mẹ đã lớn tuổi, nếu mỗi
gia đình phụng dưỡng trong một tháng thì phải chờ đến 3 tháng sau mới lại
có cơ hội hầu hạ phụng dưỡng cha mẹ. Như vậy tình cảm đối với cha mẹ chẳng phải
sẽ phát sinh gián cách hay sao? Chi bằng mỗi người chỉ lo phụng
dưỡng trong một ngày sẽ tốt hơn!”.
Nhưng rồi những cô con dâu khác cũng không chịu. Một người trong đó
nói: “Nếu mỗi người phụng dưỡng một ngày, như vậy cũng phải đến 3 ngày
sau mới đến lượt mình, cũng là quá lâu. Thôi thì mỗi người hãy phụng dưỡng cha
mẹ trong một bữa ăn mà thôi”.
Và tất cả mọi người đồng ý thỏa thuận với nhau từ đó về sau cứ mỗi người lo
việc phụng dưỡng chu đáo cho cha mẹ một bữa ăn trong ngày, ví dụ, buổi sáng
ăn điểm tâm ở nhà con cả, buổi trưa ăn ở nhà con thứ hai, buổi tối ăn
ở nhà con thứ ba, sáng hôm sau lại ăn điểm tâm ở nhà con thứ tư. Cứ
như vậy mà thay phiên nhau.
Mỗi tháng cả gia đình lại sum họp vào những ngày cố định, 4 con trai
ngồi ở giữa phòng chính, cha mẹ ngồi ở phía Nam, phía Đông là cháu
trai, phía Tây là con dâu và cháu gái. Căn cứ vào thân phận mà phân
chia chỗ ngồi, sau đó từng người mời rượu chúc thọ, đã thành thói
quen như vậy.
Trong nhà còn có một chiếc tủ đựng tiền chung của 4 anh em. Mỗi khi
Lão Ngô ăn cơm xong, thường tùy ý lấy một ít tiền đi ra
ngoài du ngoạn, mua chút hoa quả, bánh ngọt để ăn. Khi chiếc tủ hết
tiền, mấy người con trai lại lặng lẽ bỏ tiền vào, không để cho lão
Ngô biết.
Thỉnh thoảng lão Ngô lại đến nhà bằng hữu chơi cờ hoặc đánh
bài, bốn người con nghe được liền lặng lẽ phái người mang 300
đồng tiền tới chỗ người bạn của cha, rồi dặn dò vị bằng
hữu kia giả bộ thua tiền để cha vui. Lão Ngô sau khi chơi thắng trở
về, trong lòng rất cao hứng, nhưng lại không biết đó đều là do những
đứa con sắp xếp.
Vòng xoay luân phiên phụng dưỡng cha mẹ như thế kéo dài qua nhiều năm mà vẫn
trước sau như một, không có ai trong bọn họ tỏ ra chán nản hay mệt mỏi. Cho đến
khi Ngô lão ông đã được 99 tuổi, lão bà cũng đã 97 tuổi, con trai trưởng 77
tuổi, con trai thứ 76 tuổi, còn con trai thứ ba và tư cũng đều bạc tóc, mà cả
đại gia đình họ vẫn sống chung ấm êm hòa thuận.
Gia đình họ Ngô này cả năm thế hệ cùng sống chung dưới một mái nhà, cháu chắt
đông đúc, hết thảy đến hơn 20 người, thật hiếm có trên đời. Đó đều là do
nơi lòng hiếu thuận của những người con và dâu của Ngô lão, tất cả đều đồng
lòng lo việc đáp đền công ơn cha mẹ, thật đáng kính phục thay!
“Hiếu thuận cha mẹ” là một loại mĩ đức trong văn hóa truyền thống, cũng là một
loại lý luận quy phạm. Người xưa vì sao lại coi trọng “đạo hiếu”, lại còn giảng
“trăm thiện hiếu đứng nhất” như vậy? Bởi vì “hiếu” và “tu thân” có quan hệ mật
thiết với nhau, một người con có hiếu tất sẽ có một trái tim thiện lương mà đây
lại là tố chất cần phải có trong đối nhân xử thế bởi trong đó còn bao hàm rất
nhiều phương diện mĩ đức khác như: cảm ân, báo ân, không quên nguồn cội, tôn
kính bề trên, suy nghĩ cho người khác.
Thử nghĩ, nếu như đối đãi với cha mẹ của mình đều không thể lấy thiện tâm để
đối đãi, thì làm sao có thể thật sự thiện đãi người khác đây? Làm sao có thể
“tề gia, trị quốc, bình thiên hạ” được đây? Vậy nên bắt đầu từ thời nhà Hán, triều
đình liền lấy “hiếu liêm” (hiếu thuận song thân, liêm khiết chính trực) làm
phương diện khảo hạch quan trọng để tuyển chọn nhân tài.
Bồi dưỡng một trái tim lương thiện, mở rộng tình cảm cá nhân thành lòng thương
người, bắt đầu từ việc thiện đãi người thân bên cạnh, thiện đãi hết thảy mọi
người xung quanh, lấy đây làm chuẩn tắc đối nhân xử thế, có thể đây chính là
mục đích thật sự mà người xưa coi trọng “hiếu đạo” vậy.
Tuệ Tâm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét