“Vaccine giúp giảm mức độ nặng của bệnh chứ không phải 100% không mắc bệnh. Vì vậy, dù đã tiêm vaccine, người dân vẫn nên thực hiện nghiêm quy định 5K và giãn cách để tránh tình trạng lây nhiễm”, Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Nguyễn Văn Vĩnh Châu chia sẻ.
Tôi bắt đầu tiêm mũi vắc-xin thứ 2
vào cuối tháng 8-2021 – thời điểm TP HCM vẫn còn bùng phát dịch dữ dội. Khi có
tấm bùa này, tôi nghĩ bụng mình sẽ an toàn, ai ngờ những ngày điều trị Covid-19
đầy khổ sở đã đến rất nhanh.
Sau khi tiêm liều 2 vắc-xin được 14 ngày, tôi đã cùng một số nhóm tình nguyện đi hỗ trợ người dân.
Buổi sáng, trước khi đến địa điểm tập kết, tôi bắt đầu cầm điện thoại khai báo y tế, mặc đồ bảo hộ, bịt kín khẩu trang và kè kè bên người chai nước sát khuẩn.
Từng thành viên trong nhóm cũng đã được chích đầy đủ 2 liều vắc-xin và luôn tự tin rằng virus SARS-CoV-2 sẽ không thể nào xâm nhập được. Nhưng rồi tình huống xấu nhất đã xảy ra. Lần lượt từng người dương tính, trong đó có cả tôi.
Tiếp theo đó chuỗi ngày khủng hoảng tâm lý diễn ra. Bao nhiêu triệu chứng của người nhiễm gồm sốt, ho, mỏi cơ, mất vị giác và khứu giác đều được nếm trải liên tục trong 4 ngày đầu. Căn phòng cách ly dù đã chật kín thuốc và dụng cụ y tế nhưng lúc nào cũng cảm giác bấy nhiêu đó vẫn chưa đủ.
Trước đó ít ngày, nhóm chúng tôi đã chứng kiến rất nhiều trường hợp mất người thân. Chỉ trong một con hẻm nhỏ 122 Tôn Đản, quận 4, "cơn lốc" Covid-19 đã càn quét và gây ra tổn thương cho 8 hoàn cảnh với 10 cháu bé bị mồ côi.
Từ trên cầu Xóm Củi, xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh nhìn xuống, tôi đã sốc khi 1 căn nhà trọ của 4 đứa trẻ mồ côi mất ba vì Covid-19 hiện ra bé xíu. Các em chỉ biết quanh quẩn khu đất sau nhà, mượn căn chòi mà cha tự cách ly trước khi mất, làm nơi ngủ trưa.
Nỗi bất an về những ký ức mất mát cứ hiện ra, chập chờn giữa những cơn sốt khiến tôi có lúc tưởng tượng mình cũng rơi vào cảnh ly biệt. Sự lo sợ đã khiến cho nồng độ oxy trong máu (SPO2) giảm chỉ còn 92%. Tôi đã sử dụng bình oxy để có thể trấn tĩnh trở lại.
Bác sĩ cho rằng nếu một người không tiêm vắc-xin thì khả năng phục hồi sẽ chậm hơn, thậm chí chuyển biến nặng. Tuy nhiên, với trường hợp của tôi, hiện nay, nồng độ virus trong người rất thấp. Việc khỏe mạnh sớm so với bình thường nhờ hai yếu tố tinh thần lạc quan và chích ngừa đầy đủ.
Những ngày sau, các bác sĩ điều trị đã liên tục thăm và khám qua điện thoại. Những biểu hiện của tôi chỉ là triệu chứng vốn xảy ra đối với người mắc Covid-19. Được hỗ trợ và tư vấn, tinh thần tôi bắt đầu ổn định trở lại.
Mặc dù đã mất vị giác và khứu giác việc ăn uống chẳng mấy ngon lành nhưng tôi cố gắng ăn đầy đủ, không bỏ bữa nào. Sức khỏe tôi tiến triển rõ theo từng ngày. Những trận sốt và khó thở đã dần mất đi.
Khi khỏe hơn, tôi bắt đầu tìm những công việc khác để trụ vững tinh thần. Mỗi buổi sáng, tôi làm quen việc tập hít thở và chạy bộ trong phòng. Những lúc mệt, tôi lựa chọn giải pháp mở nhạc, nằm sấp bấm huyệt ở các đầu ngón tay để cơ thể được thư giãn.
Vốn là dân ghiền uống nước đá nhưng từ ngày mắc Covid-19, tôi đã chuyển sang dùng nước ấm. Mỗi ngày, tôi xông thuốc ít nhất 2 lần, rửa mũi thường xuyên… Nhờ kiên trì, đến ngày thứ 10, tôi đã có kết quả xét nghiệm nhanh âm tính với virus SARS-CoV-2.
Hôm nay (1-10), TP HCM mở cửa từng bước và cho nhiều ngành nghề, dịch vụ hoạt động trở lại. Tôi tin rằng rất nhiều người đã có suy nghĩ như tôi trước kia. Thế nhưng, tiêm đủ 2 mũi vắc-xin không phải đã có "tấm khiên" miễn nhiễm.
Tôi đã trải qua những ngày tháng lo âu, nếm cảm giác là F0 như thế nào. Giờ đây, mọi suy nghĩ về việc có vắc-xin sẽ an toàn không còn nữa nếu không cảnh giác với Covid-19 và đừng quên tuân thủ 5K.
LÊ PHONG