Tuy nhiên, các chuyên gia của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo việc tiêm vắc xin Moderna mũi 2 có thể trì hoãn tới 12 tuần…
Ông Trần Văn Khanh - giám đốc Bệnh viện Lê Văn Thịnh (TP Thủ Đức) - cho biết những ngày qua có khá nhiều người dân gọi điện hoặc nhắn tin hỏi lịch tiêm vắc xin Moderna mũi 2. "Chúng tôi rất thấu hiểu mong chờ ấy của người dân nhưng vắc xin Moderna hiện đã tiêm hết số lượng phân bổ. Với nhóm này chúng tôi giải thích và khuyên họ tiếp tục chờ đợi thêm một thời gian" - bác sĩ Khanh chia sẻ.
28 ngày được hiểu là thời gian tối thiểu để tiêm vắc xin Moderna. Về nguyên tắc nếu tiêm đúng ngày sẽ tạo ra trí nhớ miễn dịch, cũng giống như học bài nếu để lâu có thể quên chút ít, còn nếu tiêm muộn cũng không có gì quá khác biệt cả.
Bất ngờ và ngóng chờ
Chị T.H. (ngụ phường Tân Định, quận 1, TP.HCM) cho biết ba mẹ chị đều là người cao tuổi, kèm theo bệnh lý nền đái tháo đường. Đầu tháng 8 cả hai ông bà được địa phương lên danh sách tiêm vắc xin Moderna. Thế nhưng từ lúc tiêm mũi 1 cho đến nay đã quá 30 ngày (khuyến cáo của Moderna tiêm mũi 2 sau 28 ngày), ông bà vẫn ngày ngày trông ngóng thông tin về lịch tiêm mũi 2. "Ở địa phương chưa có thông báo gì về kế hoạch tiêm vắc xin mũi 2 cả, gia đình tôi có hỏi nhưng địa phương cũng chưa biết lúc nào vắc xin mới về. Cả ông lẫn bà đều khá lo lắng, sợ đến khi có vắc xin tiêm mũi 2 thì mũi 1 đã mất đi hiệu quả bảo vệ" - chị H. chia sẻ.
"Tôi rất bất ngờ" - chị V.H. (ngụ phường Hiệp Bình Chánh, TP Thủ Đức) không giấu nổi niềm vui khi cả ba và mẹ đều được tiêm vắc xin Moderna vào đầu tháng 8. Nhưng "kịch bản" cũng giống nhiều trường hợp khác, kể từ lúc tiêm mũi 1 đến nay đã 30 ngày trôi qua lịch tiêm vắc xin mũi 2 vẫn "im ắng", gia đình cũng đang ngóng từng ngày. Điều khiến chị V.H. không khỏi lo lắng là cả hai ông bà đã trên dưới 80 tuổi, mỗi người đều mang trong mình các bệnh lý nền như ông thì ung thư dạ dày giai đoạn 3B và bà bị hen suyễn mãn tính nặng, nếu mắc thêm COVID-19 sẽ khá nguy hiểm. "Mong muốn của gia đình là làm sao có vắc xin để tiêm sớm cho ông bà được ngày nào hay ngày đó nhằm giảm bớt nguy cơ trong tình hình dịch bệnh vốn đang rất phức tạp hiện nay" - chị V.H. chia sẻ.
Câu chuyện của chị H. cũng là nỗi niềm chung của rất nhiều người đã tiêm mũi 1 vắc xin Moderna. Một số bệnh viện được giao tiêm vắc xin cũng cho rằng hiện đã hết sạch vắc xin Moderna và chỉ còn biết giải thích, hẹn người dân tiêm mũi 2 vào "một ngày gần nhất". "Nếu như vắc xin AstraZeneca còn có thể tiêm trộn Pfizer thì Moderna chưa có khuyến cáo tiêm trộn, bắt buộc phải đúng loại vắc xin đó. Nhiều người khá lo lắng, bởi sợ tiêm mũi 2 chậm sẽ phí mũi 1" - nhân viên phụ trách tiêm chủng tại một bệnh viện cho hay.
Không nên quá lo lắng
Theo báo cáo của Sở Y tế TP.HCM đến ngày 3-9, tổng số liều vắc xin mà thành phố nhận được từ phân bổ là 10.349.200 liều, trong đó có 4.456.490 liều vắc xin AstraZeneca, 571.200 liều vắc xin Moderna, 312.510 liều Pfizer và 5.009.000 liều Vero-cell.
Trong khi các loại vắc xin AstraZeneca, Pfizer, Vero-cell về khá nhiều đợt thì vắc xin Moderna hiện mới chỉ về vài đợt với 571.200 liều. Số vắc xin này đã được phân bổ cho các địa phương và các bệnh viện tiêm mũi 1, một số người may mắn đủ điều kiện tiêm mũi 2.
Ông Lê Đình Thanh - giám đốc Bệnh viện Thống Nhất - cho rằng TP.HCM mới chỉ về vài đợt vắc xin Moderna với số lượng hạn chế, trong khi lô vắc xin sau khi rã đông chỉ sử dụng được trong vòng 30 ngày, đó cũng là điều dễ hiểu tại sao nhiều người tiêm mũi 1 nhưng chưa tiêm được mũi 2.
Theo ông, quy định thời gian tiêm mũi 2 sau 28 ngày chỉ là mốc thời gian tối thiểu để người dân hiểu không nên tiêm trước ngày đó, còn thời hạn sau cùng tiêm mũi 2 hiện chưa có giới hạn cụ thể, thậm chí có khuyến cáo việc kéo dài khoảng cách giữa 2 mũi tiêm còn mang lại nhiều tác dụng tốt cho con người. "Người dân cần bình tĩnh hiểu rằng khi đã tiêm được mũi 1 chắc chắn đã có hiệu quả bảo vệ tương đối; và dù có tiêm đủ 2 mũi vắc xin vẫn có thể mắc COVID-19, bởi vậy không nên chủ quan mà cần phải tuân thủ nghiêm các biện pháp 5K"- PGS Lê Đình Thanh khuyến cáo.
TS Nguyễn Huy Luân - trưởng đơn vị tiêm chủng (Bệnh viện ĐH Y dược TP.HCM) - cho rằng một trong những nguyên nhân của việc chậm tiêm vắc xin Moderna mũi 2 xuất phát từ cách phân bổ vắc xin chưa hợp lý. Thông thường nguyên tắc khi tiêm mũi 1 phải có dự trù vắc xin cho việc tiêm mũi 2.
Tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi, có lý do phải tiêm phủ vắc xin trong thời gian ngắn và khi vắc xin được rã đông một loạt đòi hỏi phải sử dụng trong vòng 30 ngày, do đó chỉ một số nhóm người tiêm đầu tiên (3-4 ngày đầu) mới đủ điều kiện tiêm mũi 2, còn lại sẽ phải… chờ. Các chuyên gia y tế khuyến cáo người dân không nên quá lo lắng, bởi sau khi tiêm mũi 1 đã có những tác dụng miễn dịch đáng kể.
Tiêm trộn vắc xin được không?
Trong điều kiện chưa xác định nguồn vắc xin Moderna có thể cung ứng, bác sĩ Nguyễn Huy Luân cho rằng ngành y tế có thể cân nhắc chuyển qua tiêm mũi 2 bằng một loại vắc xin khác, có thể là Pfizer. Theo ông, thực tế WHO chưa cho phép nhưng ở các nước châu Âu cũng đã áp dụng tiêm mũi 1 Moderna, mũi 2 Pfizer cho người dân và bước đầu cho thấy có những hiệu quả khả quan, đặc biệt ở nhóm người trên 65 tuổi có nhiều bệnh nền.
Ủng hộ quan điểm này, PGS Lê Đình Thanh cho rằng có thể phải tính toán tìm cách tiêm mũi 2 cho người tiêm mũi 1 Moderna bằng một loại vắc xin khác. "Ở châu Âu có thể tiêm mũi 1 AstraZeneca, mũi 2 bằng Moderna; hoặc thậm chí có nơi tiêm mũi 1 Moderna và mũi 2 bằng Pfizer. Trong khi ở Việt Nam hiện mới chỉ cho phép áp dụng tiêm trộn vắc xin AstraZeneca và Pfizer, theo khuyến cáo của WHO và Bộ Y tế" - BS Thanh nói.
Tính đến ngày 2-9, tổng số mũi vắc xin đã triển khai tiêm của TP đạt 6.268.327, trong đó có 5.899.379 mũi 1 (đạt tỉ lệ 81,8%) và 368.948 mũi 2 (đạt tỉ lệ 5,1%).
TP.HCM đang nỗ lực tìm kiếm vắc xin
Về vấn đề nêu trên, đại diện Sở Y tế TP.HCM cho hay hiện các loại vắc xin được phân bổ đơn vị đã triển khai tiêm chủng cho người dân. Ngoài sự phân bổ từ Bộ Y tế, TP.HCM cũng đang nỗ lực tìm kiếm nguồn vắc xin để sớm tiêm cho người dân một cách nhanh nhất.
Trong nỗ lực tìm kiếm vắc xin đảm bảo chất lượng về cho người dân, khoảng từ tháng 6-2021 UBND TP.HCM đã có đề xuất mua 5 triệu liều vắc xin Moderna. Tuy nhiên quá trình triển khai gặp một số vướng mắc trong điều kiện hợp đồng nên đến nay việc nhập khẩu 5 triệu liều vắc xin này vẫn chưa được thực hiện.
Theo báo cáo, nếu hợp đồng được ký kết, có thể lịch giao vắc xin Moderna dự kiến vào quý 4-2021 hoặc quý 1-2022. Ngoài ra, UBND TP tiếp tục làm việc với các đơn vị liên quan yêu cầu Moderna đảm bảo số lượng cung ứng tối thiểu 2 triệu liều giao trong tháng 10-2021; đồng thời tiếp tục đàm phán để mua ít nhất 10 triệu liều vắc xin tăng cường (tiêm mũi 2) và giao trong đầu quý 2-2022.
Có thể trì hoãn tiêm mũi 2 tới 12 tuần
Theo WHO, vắc xin Moderna được khuyến cáo ưu tiên tiêm cho những người mắc các bệnh đi kèm (bệnh nền) gồm phổi mãn tính, tim, béo phì nặng, đái tháo đường, gan và nhiễm virus gây suy giảm miễn dịch ở người nhiễm HIV. Những người này được đánh giá tăng nguy cơ mắc COVID-19 nặng.
Nhóm chuyên gia tư vấn chiến lược (SAGE) của WHO cũng đưa ra khuyến cáo sử dụng vắc xin Moderna theo lịch tiêm 2 liều cách nhau 28 ngày, nếu cần khoảng cách giữa các liều có thể kéo dài tới 42 ngày. Đặc biệt ở một số nước có tỉ lệ mắc COVID-19 cao và thiếu hụt trầm trọng cung ứng vắc xin có thể cân nhắc trì hoãn liều 2 tới 12 tuần để sớm đạt tỉ lệ bao phủ tiêm mũi 1 ở các nhóm ưu tiên.
Nguồn: tuoitre.vn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét