Rau bù ngót được xem là nguồn cung cấp vitamin C vô tận và bổ rẻ trong tự nhiên và đi kèm là 9 bài thuốc chữa bệnh độc đáo.
Hàm lượng vitamin C rất cao
Rau bù ngót còn có tên rau ngót, rau bồ ngót, hắc diện thần. Tên khoa học Sauropus androgynus (L.) Merr. Thuộc họ thầu dầu - Euphorbiaceae.
Theo bác sĩ Lê Thân trong sách "Thuốc ở quanh ta", trong trong lá rau bù ngót có hàm lượng vitamin C rất cao (185mg%). Người cần nhiều vitamin C trong chế độ dinh dưỡng, có thể hàng ngày ăn một lượng vừa phải lá rau bù ngót luộc tái, uống cả nước luộc là cách bổ sung vitamin C rất tốt và cũng rất rẻ.
Lá và rễ rau bù ngót có tác dụng làm mát huyết, hoạt huyết, lợi tiểu, giải độc. Thường dùng chữa ban sởi, ho, sốt cao, bí tiểu, tưa lưỡi.
Phụ nữ mới sinh con nên ăn nhiều rau bù ngót, vì nó có tác dụng thanh nhiệt, mát huyết.
Khi làm thuốc thường chọn những cây rau ngót đã sống 2 năm trở lên, hái lá tươi về dùng ngay.
9 bài thuốc chữa bệnh
Tưa lưỡi ở trẻ em: lá rau bù ngót 5 - 10g, giã vắt và lọc lấy nước; lấy bông sạch, thấm vào nước rau bù ngót vừa vắt, chà nhẹ lên lưỡi, lợi và vòm trẻ chỗ tưa trắng; làm ngày 2 - 3 lần.
Trẻ bị dị ứng: lá rau bù ngót 40g giã nát, cho nước đã nấu sôi để nguội vào quấy đều, gạn lấy nước uống chia 2 lần, cách nhau 10 phút.
Trẻ bị sốt nóng: lá rau bù ngót giã nát, lọc lấy nước uống.
Trẻ âm hư ra mồ hôi trộm, người luôn nóng: rau ngót 30g, rau bầu đất 30g; nấu chín với bầu dục lợn rồi ăn.
Đỏ mắt: lá rau bù ngót 50g, rễ cỏ xước 30g, lá dâu 30g, lá tre 30g, rau má 30g, lá chanh 10g; tất cả dùng tươi, sắc đặc, chắt lấy nước uống chia nhiều lần trong ngày.
Mắc xương khi ăn: lá rau bù ngót giã thật nát, vắt lấy nước cốt ngậm trong miệng, rồi nuốt từ từ.
Sót nhau: lá rau ngót 40g rửa sạch giã nát, thêm ít nước đã nấu sôi để nguội vào, vắt lấy chừng 100ml nước, chia làm 2 lần uống cách nhau 10 phút, sau chừng 15 - 20 phút nhau sẽ ra; có tác giả dùng đơn thuốc này chữa chậm kinh có kết quả. Có người chỉ giã nhỏ lá rau bù ngót đắp vào gan bàn chân để chữa sót nhau.
Ho, ban sởi, đái dắt, tiêu độc: lá rau bù ngót 20 - 40g, sắc uống.
Lợi tiểu, thông huyết: dùng rễ tươi 20 - 40g giã nát, ép lấy nước uống trong ngày.
Lưu ý
Trong rau ngót tươi có chứa hàm lượng papaverin cao gây hiện tượng co thắt cơ trơn tử cung, khiến dễ sảy thai. Chính vì vậy với thai phụ, đặc biệt là với những thai phụ có tiền sử sảy thai liên tiếp, đẻ non, thụ tinh trong ống nghiệm nên hạn chế ăn rau ngót, đặc biệt là uống nước rau ngót sống, liều cao.
Ngoài việc hỗ trợ cho quá trình trao đổi chất trong cơ thể, trong quá trình trao đổi chất của lá rau ngót tạo ra glucocorticoid, có thể gây cản trở cho quá trình hấp thụ canxi và phốtpho, cả canxi và phốtpho có trong chính lá rau ngót cũng như trong thực phẩm khác được ăn kèm với rau ngót.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét