Chủ Nhật, 20 tháng 3, 2022

7 MÓN KHÔNG NÊN ĐỂ QUA ĐÊM, DÙ CẤT TỦ LẠNH VẪN CÓ THỂ SINH ĐỘC TỐ

 

7 món không nên để qua đêm, dù cất tủ lạnh vẫn có thể sinh độc tố  - Ảnh 3.

Nhiều người có thói quen ăn đồ thừa để qua đêm, tuy nhiên nếu không bảo quản đúng cách, thức ăn dễ bị vi khuẩn có hại xâm nhập gây biến đổi chất, dẫn đến ngộ độc.

Nhiều người vì tiết kiệm nên thường cất các thực phẩm ăn không hết vào tủ lạnh để dành hôm sau mang ra hâm nóng rồi ăn tiếp. Tuy nhiên, điều này tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe . Dưới đây là những loại thực phẩm dễ bị nhiễm khuẩn nhất khi để qua đêm, gây hại cho cơ thể nếu ăn phải:

Rau xanh

7 món không nên để qua đêm, dù cất tủ lạnh vẫn có thể sinh độc tố  - Ảnh 1.

Rau xào còn thừa rồi cất tủ lạnh để hôm sau ăn có thể gây hại sức khỏe. Ảnh minh họa.

Một số món rau lá xanh xào như rau muống, cải ngọt, rau diếp... xuất hiện thường xuyên trong bữa cơm của nhiều gia đình . Tuy nhiên, rau xào chỉ bổ dưỡng khi bạn ăn lúc vừa xào chín tới, tươi ngon. Nếu rau xào còn thừa rồi cất tủ để hôm sau ăn thì qua một đêm, phần rau này có thể sản sinh ra nhiều nitrit gây hại sức khỏe.

Tương tự, rau luộc không để dành lại qua đêm, nếu để qua đêm rau sẽ mất hết vitamin. Chỉ để rau trong vòng 4 giờ đồng hồ, nếu để lâu, các loại vi khuẩn sẽ phân hủy trong rau, biến các nitrit thành lipit không tốt cho sức khỏe. Cho dù để trong tủ lạnh, nếu dùng nhiều và lâu dài vẫn có khả năng gây ung thư.

Trứng

7 món không nên để qua đêm, dù cất tủ lạnh vẫn có thể sinh độc tố  - Ảnh 2.

Bạn nên chế biến trứng vừa đủ cho bữa ăn, không nên để thừa lại sang ngày hôm sau.Ảnh minh họa.

Trứng cũng là một trong những loại thực phẩm không được để qua đêm. Đặc biệt, trứng chưa được nấu chín kỹ như món trứng lòng đào mà để qua đêm sẽ chứa nhiều vi khuẩn như salmonella - có thể gây đau bụng, ngộ độc nghiêm trọng. Vì vậy tốt nhất bạn chỉ nên chế biến trứng vừa đủ cho bữa ăn chứ đừng để thừa lại sang ngày hôm sau.

Các loại hải sản nấu chín

Hải sản như tôm, cua, cá đã nấu chín để qua đêm sẽ khiến cho hàm lượng protein bị biến chất, gây tổn thương cho gan, thận. Càng nguy hiểm hơn nếu chúng được hâm đi hâm lại nhiều lần.

Các loại canh

Các loại canh có chứa gia vị như mắm, muối, bột ngọt… những chất này gây ra phản ứng hóa học khiến cơ thể bị ngộ độc, lâu dài sẽ phá hủy tủy xương, thiếu máu, suy thận, suy gan, thậm chí ung thư… Nhất là canh thừa để qua đêm trong nồi kim loại như nhôm, inox,… càng dễ sinh ra các chất độc gây hại cho sức khỏe.

Nếu muốn để canh sang bữa sau, tốt hơn hết là bạn không nên cho thêm bất kỳ loại gia vị nào khác vào canh hoặc cho canh vào tô sứ, thủy tinh và cất giữ trong tủ lạnh.

Các loại nấm nấu chín

7 món không nên để qua đêm, dù cất tủ lạnh vẫn có thể sinh độc tố  - Ảnh 3.

Các loại nấm đã nấu chín thì không nên để qua đêm. Ảnh minh họa.

Thời gian tiêu thụ lý tưởng của nấm đã nấu chín là ngay trong ngày. Nấm nấu chín để qua đêm sẽ không còn dinh dưỡng, nitrit có trong nấm sẽ bị phân hủy thành độc tố, gây hại cho cơ thể.

Các món gỏi, nộm

7 món không nên để qua đêm, dù cất tủ lạnh vẫn có thể sinh độc tố  - Ảnh 4.

Các món nộm, gỏi nếu để qua ngày hôm sau, dù được bảo quản trong tủ lạnh vẫn không hạn chế được vi khuẩn, nấm mốc phát triển. Ảnh minh họa.

Hầu hết các món nộm, gỏi đều không cần dùng đến nhiệt độ để làm chín, vì thế thường chứa lượng vi khuẩn cao hơn bình thường. Những món này nếu để qua ngày hôm sau, dù được bảo quản trong tủ lạnh vẫn không hạn chế được vi khuẩn, nấm mốc phát triển, dễ dẫn đến các bệnh về đường ruột hoặc ngộ độc.

Thịt gà

Thành phần protein trong thịt gà sẽ bị thay đổi nếu được để nguội và hâm lại lần thứ hai. Nếu ăn vào chúng ta có thể gặp phải một số rắc rối về tiêu hóa. Do đó, bạn không nên để thịt gà đã nấu và để qua đêm.

Liên quan đến thời gian sử dụng của thực phẩm tươi đã chế biến, TS.BS Trần Quốc Cường - giảng viên bộ môn dinh dưỡng và An toàn thực phẩm, Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch- cho biết, mọi món ăn sau khi nấu chín có thể để được ở nhiệt độ bên ngoài trong 2 giờ đồng hồ. Sau thời gian này, các vi khuẩn có hại có thể phát triển nhanh về số lượng cũng như sinh ra các độc tố nguy hiểm gây ngộ độc.

Do đó với thực phẩm không được sử dụng ngay hoặc thực phẩm thừa, cần bảo quản ở nhiệt độ dưới 5 độ C hoặc trên 60 độ C.

Trong trường hợp bảo quản dưới 5 độ C, tức ngăn mát tủ lạnh, thì thời gian bảo quản cũng không quá 1-2 ngày. Sau thời gian này, thức ăn vẫn có thể bị hỏng và gây ngộ độc.

Đối với cháo gà còn dư sau khi ăn, nếu để ngoài nhiệt độ thường trong thời gian lâu sau đó mới cất vào tủ lạnh cũng có thể dẫn đến các vi khuẩn có hại phát triển và/hoặc sinh ra độc tố. Đến khi hâm nóng lại, nếu thời gian hâm nóng chưa đủ lâu để diệt vi khuẩn hoặc nếu độc tố không bị phá hủy bởi nhiệt (độc tố của một số vi khuẩn không bị hủy bởi nhiệt) sẽ gây ngộ độc.

Do đó để tránh bị ngộ độc thực phẩm, chúng ta không nên để thức ăn ở nhiệt độ bên ngoài quá 2 giờ đồng hồ và cần đun nóng lại ít nhất trong 5 phút trước khi dùng; không sử dụng lại các món ăn để dành trong tủ lạnh quá 1-2 ngày. Đồng thời cần vệ sinh tay, dụng cụ chế biến cẩn thận trước khi nấu.

Theo Người Đưa Tin

Không có nhận xét nào: