Thứ Năm, 30 tháng 6, 2022

10 CÂU NÓI SÁNG TỎ KIẾP NHÂN SINH

 

Ảnh minh họa qua Commonhealth

Đời người, ai cũng đang nỗ lực tìm kiếm ý nghĩa của kiếp nhân sinh. 10 câu nói dưới đây, sẽ cho bạn rất nhiều gợi ý về ý nghĩa của cuộc đời mình.

1. Đời người ngắn ngủi mấy chục năm, mỗi bước đi đều sẽ có cao hứng, có tuyệt vọng; có thành công, có thất bại; có sinh, có tử.

Bạn thành công chính bởi chí đặt ở thành công, dù con đường đến với nó chẳng dễ dàng, nhưng mấu chốt là bạn có thể kiên trì với nó cho tới cuối cùng hay không.

2. Cuộc sống có quá nhiều điều là không được như ý. Có câu rằng: “Nhân tại giang hồ, thân bất do kỷ”, ở đời có biết bao chuyện mà bản thân chẳng thể làm chủ được.

Thế nhưng, chỉ có đi qua gập ghềnh, mới hiểu được bình phẳng; chỉ trải qua mưa gió, mới gặp được cầu vồng. Nhất định phải học được cách tìm sự ấm áp trong sương lạnh, tìm tòi ánh sáng giữa đêm đen, suy ngẫm cuộc sống bình thản như dòng nước, cảm nhận phong cảnh bốn mùa đến rồi đi, sẽ tìm được ý nghĩa nhân sinh chân chính của cuộc đời mình.

3. Đời người sẽ gặp phải nhiều khó khăn ngăn trở, nhưng mong rằng bạn đừng ngại vấp váp, ngã bao nhiêu lần thì bấy nhiêu lần gượng dậy. Chỉ có như vậy mới khai sáng được một mảnh trời của riêng mình.

4. Bạn giả vờ nỗ lực chỉ có thể tự lừa gạt được người khác, nhưng không thể lừa được chính mình. Chớ dùng ‘chiến thuật’ chăm chỉ, để che giấu đi sự lười biếng đang còn ẩn bên trong. Chân thật với bản thân mình mới là quan trọng nhất.

5. Nhân sinh vẫn mãi kiếm tìm, nhưng có rất nhiều thứ không phải ở núi cao biển sâu, mà ở ngay đó gần trong gang tấc. Một niệm khởi lên, chân trời đã ở ngay bên cạnh; một niệm tắt đi, gần ngay trước mặt lại ngỡ biển trời mênh mông.

6. Cái gọi là tự tìm phiền não chính là do hấp thu năng lượng tiêu cực quá nhiều. Hãy học theo hoa hướng dương, luôn hướng về phía Mặt Trời.

7. Sóng biển nếu thành bão tố thì ắt đẩy thuyền ra khơi, còn nếu nhẹ nhàng như nước chảy bèo trôi chỉ làm thuyền đưa nhẹ. Đường núi không bằng phẳng khiến cho mỗi bước chân đi thêm vững chắc, gian khổ sẽ tạo nên những con người xuất chúng, có khả năng đối diện với mọi sóng gió ở đời.

8. Trên đời này nào có ai không muốn được sống vô ưu vô lo, chỉ là đôi khi chúng ta phải vì người khác mà gánh lấy trách nhiệm. Khi còn trẻ thì nỗ lực không để người bạn yêu thương phải chịu khổ, lúc về già thì lại không để người yêu thương bạn phải phiền muộn!

9. Vòng nguyệt quế tung bay, không phải là dùng tài năng để kết thành, mà là được dệt thành từ bao khó khăn, trắc trở. Viên trân châu phát sáng lấp lánh, không phải bởi người khác chăm chỉ lau chùi, mà là do bản thân nó đã trải qua bao mài giũa. Nếu như hận thù khiến người ta phải nếm quả đắng, thì phấn chấn sẽ khiến người ta nếm được sự vui sướng của kiếp nhân sinh.

10. Đối với mọi sự tình, nếu chính mình cảm thấy không thẹn với lương tâm là tốt rồi. Đã không là của mình thì đừng cưỡng cầu, cái gì đã rời xa rồi thì đều là phong cảnh, cái gì còn lưu lại mới thật là nhân sinh.

Chân Chân, theo Soundofhope

Nguồn: tinhhoa.net

Ý NGHĨA 3 NÉN HƯƠNG TRONG PHẬT GIÁO

 



3 nén hương mang ý nghĩa đặc biệt. Số 3 tượng trưng cho Tam bảo là Phật – Pháp – Tăng. Số 3 tượng trưng cho Tam giới là Dục giới – Sắc giới – Vô sắc giới. Số 3 tượng trưng cho Tam thời là Quá khứ – Hiện tại – Tương lai.

Làn khói hương trong văn hóa Phật giáo
 
Trong văn hóa dân gian, làn khói hương tượng trưng cho việc truyền tín hiệu từ thế giới thực tại đến cõi tâm linh (thần linh, cửu huyền) khi muốn thông báo một sự việc hoặc cầu xin điều gì đó, vì thế mà hương còn được gọi là “hương tín”. Nói cách khác, đó là nhịp cầu kết nối giữa thế giới hữu hình và vô hình.

Với người Phật tử, nén hương khi dâng trước Phật cũng mang ý nghĩa “hương tín”, hiểu theo nghĩa đang báo tin đến chư Phật, Bồ-tát rằng: “Con đang đứng trước hình tượng của Ngài và nguyện tu học theo hạnh nguyện của Ngài”. Tuy nhiên, trong đạo Phật, ngoài ý niệm truyền tin, hương còn giữ vai trò lớn hơn thế.

Thật vậy, tầm ảnh hưởng của hương được thể hiện khi có mặt trong hầu khắp các nghi thức như: tụng kinh, ngồi thiền, lễ tắm Phật, lễ khai quang, cầu an, phóng sinh,… Cũng vì thế, đứng đầu “Lục chủng cúng dường” chư Phật, Bồ Tát phải kể đến hương, gồm: hương, đăng, hoa, đồ, quả, nhạc.

Điều này thật dễ hiểu bởi khi Đức Phật còn tại thế đã có truyền thống dâng hương cúng Phật, tức là thắp (đốt) nén hương khi đảnh lễ. Vậy nên với người Phật tử, dâng hương lên Tam Bảo là cách thể hiện cái tâm thành kính, vì “dâng” là đưa (một cái gì đó) lên theo cách thức cung kính. Chẳng thế mà có bài kệ:

Nguyện thử diệu hương vân,
Biến mãn thập phương giới,
Cúng dường nhất thiết chư Phật, Tôn Pháp, Bồ Tát,…

3 nén hương trong Phật giáo có ý nghĩa gì?

Mỗi người dâng hương, người ta thường thắp 3 nén. Tại sao lại phải 3 nén hương chứ không phải con số khác? Người Việt thường chọn số nén lẻ để thắp hương 1, 3, 5, 7, 9. Hoặc có trường hợp sẽ đốt cả nắm chứ người ta không lấy số nén hương chẵn. 
Theo quan niệm của Phật giáo, 3 nén hương mang ý nghĩa đặc biệt. Số 3 tượng trưng cho Tam bảo là Phật – Pháp – Tăng. Số 3 tượng trưng cho Tam giới là Dục giới – Sắc giới – Vô sắc giới. Số 3 tượng trưng cho Tam thời là Quá khứ – Hiện tại – Tương lai. Đồng thời số 3 cũng tượng trưng cho Tam vô lậu học là Giới – Định – Tuệ.

Như vậy, thắp 3 nén hương là hàm nghĩa về sự biểu trưng. Nó đại diện cho những vấn đề, quan niệm, tư tưởng, giới luật của con người. Số 3 cũng mang nghĩa về sự phát triển, cầu mong may mắn, tốt lành, an lạc. 

Ngoài ra, nén hương cũng là sự thể hiện cho cái vô thường. Đó không phải là thứ cố định hay vĩnh viễn. Nén hương thơm, tỏa làn khói nghi ngút làm lòng người ấm áp. Đó cũng là sự gợi nhắc con người về giá trị của cuộc sống. 

Ý nghĩa của việc dâng 3 nén hương cúng Phật

Luận theo Phật pháp, ý nghĩa của việc dâng hương cúng Phật được gọi là Ngũ Phần Hương. Tức Giới hương, Định hương, Tuệ hương, Giải thoát hương và Giải thoát tri kiến hương. 
Giới hương là sự biểu thị cho tâm thanh tĩnh. Đó là khi con người ngộ được cái từ bi bác ái. Tâm chẳng ác, chẳng quấy, chẳng tham sân, chẳng ganh tị, chẳng cướp hại.

Tuệ hương là cái tự tâm vô ngại. Dùng cái tâm để kính trên nhường dưới, đồng cảm, chia sẻ cho người khó khăn. Lấy trí tuệ để soi sáng tánh lành, không tạo điều gian ác. 
Giải thoát hương là cái tự tại vô ngại. Lòng chẳng nghĩ ác, chẳng nghĩ thiện, chẳng tham – sân – si. 

Giải thoát tri kiến hương là tự tâm không phan duyên thiện ác. Lấy tu tập để nhận tự bản thân, hanh thông Phật pháp. Biết hạ mình để đối với người, vô nhơn vô ngã, không tính sự đổi thay. 

Dâng hương cúng Phật là niềm thành kín về những hương thơm tốt đẹp. Nguyện cầu giữ gìn giới luật, giữ tâm thiền định. phát triển trí tuệ và tu hạnh giải thoát. 

Minh An (Tổng hợp)

Thứ Tư, 29 tháng 6, 2022

MỌI LOÀI ĐỀU LÀ CON CỦA ĐẤT MẸ

 

Con voi mang thai được tìm thấy hôm 27-5 sau khi con vật chết vì ăn phải trái cây có nhét pháo nổ bên trong tại bang Kerala - Ảnh: AFP

Câu chuyện về cái chết của hai mẹ con voi mới đây có lẽ đều đã chạm tới trái tim của mỗi người. Câu chuyện làm cho tôi nghĩ nhiều về tình thương, tình thương dành cho mình, tình thương dành cho người khác và tình thương dành cho mọi loại.

Hồi biên tập sách Tâm tình với Đất Mẹ của Thiền sư Thích Nhất Hạnh, tôi bất chợt nhận ra và trải nghiệm một điều là tất cả mọi loài đều sinh ra từ Đất Mẹ, và Trái Đất không phải là sở hữu riêng của loài người. Loài vật kiếm ăn khi chúng thấy đói, chúng kiếm ăn cho bản thân, cho con cái, cho đồng loại. Loài người dường như cũng như thế nhưng lại không hẳn thế. Chúng ta đi làm để nuôi sống bản thân gia đình của mình, và đổi lấy những điều chúng ta mong đợi, những giấc mơ của bản thân. Những giấc mơ, những mong đợi đó cũng bình thường nhưng đôi khi ta lại lạc lối trong những cơn mộng rất đời thường như vậy.

Khi mà chúng ta chưa thấy đủ và hài lòng thì có vẻ như ta sẽ còn bị cuồng quay trong những giấc mơ mà chúng ta nghĩ rằng khi giấc mơ thành hiện thực chúng sẽ được hạnh phúc, sẽ được bằng chị bằng em, bằng chúng bằng bạn. Để rồi chúng ta quên mất chính bản thân của mình, quên thương mình thì làm sao chúng ta có thể nhận diện được sự có mặt của những người thân, những điều tốt đẹp xung quanh mình để rồi yêu thương họ, trân quý họ và những thứ mà mình đang nắm giữ trong tay.

Đức Đạt Lai Lạt Ma từng nói : “Nếu không yêu thương chính mình, bạn không thể yêu thương người khác. Nếu bạn không có từ bi đối với mình, bạn không thể phát triển lòng từ bi đối với người khác”.

Làm thế nào ta có thể thương được bản thân mình khi ta vẫn đêm ngày rong ruổi tìm kiếm những điều mình cho là hạnh phúc. Mọi chuyện chỉ có thể diễn ra khi ta chịu dừng lại, có mặt ở giây phút hiện tại để có thể nhận diện tình cảnh của mình, sự hiện diện của những người thương, những điều kiện hạnh phúc sẵn có xung quanh.

Khi có thể dừng lại, lắng đọng ta sẽ thấy được đâu mới là hạnh phúc đích thực, rồi ta cũng thấy rằng ta như đứa trẻ đang lạc lối, mệt nhoài trên hành trình mưu cầu hạnh phúc, ta thấy thương cho đứa trẻ đang hoảng sợ do lầm đường kia nhiều hơn. Và khi ta trải nghiệm được tình thương như vậy với chính ta thì mới có thể hiểu và thương được những người xung quanh mình.

Tình thương đó rất đẹp nhưng cũng vô thường, nó sẽ chết nếu chúng ta không nuôi dưỡng nó. Ta nuôi dưỡng tình thương bằng hiểu biết, hiểu cho đúng đâu mới là hạnh phúc, đâu mới là con đường dẫn đến hạnh phúc đích thực. Khi tình thương được nuôi lớn, ta sẽ thương được những loài khác trên địa cầu nhiều hơn. Mọi loài cũng đều như ta, cũng muốn được sống an lành và tránh những đau khổ không cần thiết.

Tôi thương cảm cho cái chết của hai mẹ con voi và tôi cũng nghĩ nhiều đến những người dân ở đó. Họ có cố tình không, hành vi bảo vệ mùa màng của họ trước những động vật hoang dã có gì sai không, họ có được nghe về ít muốn biết đủ, về hiểu biết và thương yêu không, những điều tôi đang lên án có bị chi phối bởi sự giận dữ, và bị thiên lệch do truyền thông mạng hay không?

Mọi sự đều sẽ được pháp luật nơi sở tại xử lý nhưng nếu mọi hành động hiện giờ của chúng ta bị ngụy trang bởi sự giận dữ, thù ghét những người dân ở đó thì sẽ chẳng thể nào giải quyết được tình trạng - vì chúng ta đã không khơi được trong họ tình yêu thương đối với thiên nhiên, muôn loại.

Mà nghĩ lại, chính bản thân họ, như chúng ta - là con người, cần được thương yêu tưới tẩm.

Tôi nghĩ rằng để có được tình thương yêu bao trùm lên tất cả mọi loài, chúng ta cần thay đổi nếp nghĩ và nếp sống của chính mỗi người. Nếu sống thiểu dục, tri túc, nếp sống từ bi là nếp sống cao đẹp, là nếp sống có thể nuôi dưỡng một tình thương có thể bao trùm lên tất cả mọi loài, mọi đứa con sinh ra từ lòng Đất Mẹ.

“Nguyện cho mọi người và mọi loài được sống trong an toàn và hạnh phúc, tâm tư hiền hậu và thảnh thơi.

Nguyện cho tất cả các loài sinh vật trên trái đất đều được sống an lành, những loài yếu, những loài mạnh, những loài cao, những loài thấp, những loài lớn, những loài nhỏ, những loài ta có thể nhìn thấy, những loài ta không thể nhìn thấy, những loài ở gần, những loài ở xa, những loài đã sinh và những loài sắp sinh.

Nguyện cho đừng loài nào sát hại loài nào, đừng ai coi nhẹ tính mạng của ai, đừng ai vì giận hờn hoặc ác tâm mà mong cho ai bị đau khổ và khốn đốn”.
(Trích kinh Thương Yêu, bản dịch của Thiền sư Nhất Hạnh)

Đông Phong

BÀI HỌC CUỘC SỐNG: TÂM KHÔNG RỐI LOẠN, VẠN SỰ TẤT THÀNH

 

Cách đây nhiều năm, một thương nhân người Ý đã mua một viên kim cương cực kỳ quý hiếm ở Nam Phi với số tiền vô cùng lớn, viên kim cương sáng long lanh, sặc sỡ lóa mắt. Tuy nhiên, điều đáng chú ý là ở giữa viên kim cương này có một vết nứt nhỏ không thể nhận thấy, mặc dù không ảnh hưởng đến giá trị của toàn bộ viên kim cương, nhưng trông nó luôn có chút gì đó không vừa mắt.

Sau khi trở về nước, vị thương nhân này đã lấy viên kim cương yêu quý của mình và tìm một người thợ cắt kim cương rất có tiếng ở địa phương, với hy vọng bên kia có thể tìm ra cách xử lý vết nứt ở giữa. Sau khi người thợ nhìn thấy viên kim cương, đầu tiên anh ta khen ngợi sự cao quý và lộng lẫy của nó, cuối cùng anh ta đề nghị với vị thương nhân: “Chúng tôi hoàn toàn có thể xử lý vết nứt ở trong, chia viên kim cương thành hai phần, để không những không ảnh hưởng đến sự cao quý của nó mà còn khiến cho giá trị của nó hoàn hảo hơn”.

Sau khi nghe lời gợi ý của người thợ, vị thương nhân này cảm thấy cách xử lý này là tốt nhất, cuối cùng đã giao việc đó cho người thợ xử lý. Tuy nhiên, lúc này người thợ mới thở dài cho biết: “Do viên kim cương của ông quá đắt và cao quý nên tôi rất lo sẽ mắc sai sót trong quá trình thao tác, nếu xảy ra việc ngoài ý muốn, tôi sẽ không thể bồi thường bằng mọi cách. Do đó, để duy trì sự hoàn mỹ cho viên kim cương, tôi khuyên anh nên nhờ đến sự trợ giúp của những thợ có tay nghề cao hơn”. Nghe xong, vị thương nhân chỉ biết ra về trong sự tiếc nuối.

Sau đó, vị thương nhân này lần lượt tìm đến nhiều thợ cắt kim cương khác nhưng không người thợ nào dám liều lĩnh làm việc này, ai cũng lo lắng thao tác sẽ thất bại và viên kim cương có thể sẽ bị đập vào tay.

Khi đang trong tuyệt vọng, một người bạn của vị thương nhân đã giới thiệu cho ông một người thợ cắt lâu năm, nhưng người bạn của ông đã nhắc nhở: “Người thợ này tính tình quái gở, làm việc không vừa ý liền bực bội khó chịu, bởi vậy đi hay không là do anh quyết định”. Suy nghĩ hồi lâu, cuối cùng vị thương nhân này cũng quyết định đi thử vận may. Sau khi người thợ nhìn thấy viên kim cương, ông nói: “Tôi có thể giúp anh giải quyết việc này”.

Tuy nhiên, điều khiến vị thương nhân lo lắng chính là người thợ cắt đã không tự tay làm mà trực tiếp giao công việc vô cùng quan trọng này cho một anh chàng học việc trông còn rất trẻ đang mài giũa bên cạnh. Vị thương nhân chưa kịp hỏi, cậu thanh niên đã tùy ý nhặt viên kim cương lên, cậu không nói lời nào, trực tiếp dùng cây búa nhỏ trong tay để đập vỡ viên kim cương vô giá thành hai mảnh. Thần thái của cậu không chút tạp niệm lo lắng, trông an nhiên, bình tĩnh.

Vị thương nhân sững sờ trước những gì đang diễn ra trước mặt, run rẩy hỏi người thợ: “Người học việc của ông bao nhiêu tuổi, và cậu ta đã học việc ở đây bao lâu rồi?”

Người thợ cắt tỏ ra vẻ không hài lòng với câu hỏi của vị thương nhân này, ông cau mày, liếc nhìn vị thương nhân và trả lời một cách miễn cưỡng: “Tôi thực sự không biết tại sao anh lại hỏi điều này! Chà, nếu anh có tính tò mò và hiếu kì như vậy, vậy để tôi nói cho anh biết: “Người học việc của tôi năm nay chưa đầy 20 tuổi, mới học việc ở đây chưa đầy một tháng”.

Câu trả lời của người thợ khiến vị thương nhân phải há hốc mồm ngạc nhiên, cuối cùng, vị thương nhân tức giận nói với người thợ: “Tại sao ông lại giao cho người học việc một món đồ có giá trị như vậy?

Người thợ lúc này trả lời một cách dứt khoát, chỉ nở một nụ cười và nói: “Chính vì cậu ấy không biết giá trị thực sự của viên kim cương, nên trong quá trình làm sẽ không có sự lo lắng, không trở nên run rẩy, động tác tự nhiên sẽ chính xác và chuẩn hơn rất nhiều”.

Chỉ cần trong tâm không có nhiều tạp niệm, làm bất cứ việc gì cũng sẽ trở nên thuận lợi. Sau khi nghe xong câu trả lời của người thợ, vị thương nhân thở dài, trong lòng cảm thấy vô cùng cảm phục trước sự khéo léo, tài tình của ông.

Khi làm bất cứ việc gì, chỉ cần bạn có thể tĩnh tâm và tập trung chuyên nhất thì việc gì cũng có thể hoàn thành tốt, ngược lại, có người làm việc gì cũng không thuận, rất nhiều khi không phải vì bản thân họ không đủ tài năng, mà là do trong tâm họ không biết phát huy hết trí lực và tinh thần của bản thân, nên khiến mọi sự trở nên phức tạp, kết quả không như mong muốn.

Lan Hòa biên dịch
Nguồn: Secretchina – Wendy



Thứ Ba, 28 tháng 6, 2022

VỆ SINH NỒI CƠM ĐIỆN TẠI NHÀ CỰC ĐƠN GIẢN, CHỈ 5 PHÚT SẠCH BONG NHƯ MỚI

 


Vệ sinh nồi cơm điện chỉ dùng nước sẽ không sạch hết được bụi bẩn, rỉ sét phía bên trong. Hãy thử ngay mẹo dưới đây, chỉ 5 phút nồi cơm sạch bong như mới.

Nồi cơm điện là vật dụng tiện ích không thể thiếu trong căn bếp. Muốn cơm ngon, dẻo thì nồi cơm phải tốt, sạch sẽ. Chính vì vậy, nếu nồi cơm dùng lâu, mốc, rỉ sét ở bên trong hãy nhớ vệ sinh sạch sẽ để chiếc nồi bền đẹp như mới nhé!

Trên thực tế hầu hết mọi người thường chỉ vệ sinh bên ngoài mà ít chú ý đến phần lòng nồi bên trong mâm nhiệt và vòng cao su. Chính những bộ phận này nếu để lâu ngày không được vệ sinh, sau một thời gian sử dụng sẽ ẩn chứa rất nhiều bụi bẩn và sinh sôi rất nhiều vi khuẩn. Đặc biệt sẽ cáu bẩn khó làm sạch được.

Hôm nay hãy thử áp dụng các cách vệ sinh ngay dưới đây để có nồi cơm sạch bong như mới chỉ sau 5 phút nhé!

Bước 1: Vệ sinh phần rãnh nồi

Chuẩn bị: nước, soda, bàn chải đánh răng cũ, kem đánh răng

Phần rãnh trên thành nồi điện cũng là nơi dễ ẩn chứa bụi bẩn, không dễ lau chùi. Để vệ sinh được, bạn cần đổ một ít giấm và nước soda vừa pha vào, sau đó tìm một chiếc bàn chải đánh răng không dùng đến và đặt nó trên bàn chải đánh răng. Bóp kem đánh răng vào, cũng có tác dụng làm sạch mạnh.

Sau đó dùng bàn chải đánh răng chải lại rãnh của nồi cơm điện, sau khi chải qua một lần dùng khăn giấy lau lại những vết bẩn đã đánh bay ra ngoài, rãnh ron cũng được làm sạch một cách dễ dàng.

Bước 2: Vệ sinh mâm nhiệt

Chuẩn bị: Bát lớn, giấm trắng, baking soda, khăn giấy, bàn chải đánh răng, khăn ẩm

Bạn hãy đổ nhiều giấm trắng vào bát + thêm 2 thìa baking soda và dùng đũa khuấy đều. Sau đó bạn lấy hai chiếc khăn giấy, thấm ướt khăn giấy với nước soda baking giấm trắng, đặt khăn giấy lên mâm nhiệt của nồi cơm điện, đậy lại trong năm phút. Việc làm này có thể làm mềm rỉ sét rất hiệu quả. Nếu bạn không vệ sinh mâm nhiệt thường xuyên sẽ bị gây rỉ sét, cũng sẽ làm tăng điện năng tiêu thụ.

Sau 5-10 phút, chúng ta lấy khăn giấy ra vứt đi. Sau đó dùng bàn chải đánh răng vừa nãy vệ sinh rãnh trên nồi bóp kem đánh răng vào mâm nhiệt, và sử dụng bàn chải đánh răng chải nhẹ mâm nhiệt. Bạn có thể thấy vết rỉ sét đã được ngâm trong nước soda giấm trắng sẽ dễ dàng bị đánh bay.

Sau khi đánh bằng bàn chải đánh răng, bạn dùng khăn giấy lau sạch kem đánh răng, sau đó cẩn thận lau lại bằng khăn ẩm để lau sạch vết rỉ sét và bụi bẩn bám trên bàn chải. Tuyệt đối không được đổ nước vào làm sạch.

Ngoài ra, bạn có thể dễ dàng vệ sinh mâm nhiệt theo mẹo nhỏ dưới đây để nồi nấu cơm nhanh hơn, ngon hơn và lại tiết kiệm điện.

- Dùng giấm trắng đổ lên mặt cứng miếng xốp rửa bát. Sau đó lau sạch vết bẩn và bụi bặm bám ở mâm nhiệt, chú ý lau cả phần đáy nồi. Lau xong, bạn có thể thấm giấm cho mâm nhiệt một lần nữa, để 10-15 rồi lau lại.

- Dùng khăn ướt để lau sạch bẩn trên mâm nhiệt. Nếu vẫn còn bụi bẩn, bạn có thể lặp lại các bước trên thêm vài lần nữa.

- Cuối cùng, dùng khăn giấy khô lau sạch lân nữa và ngấm hết nước giấm còn đọng lại. Mâm nhiệt sẽ sáng bóng, sạch sẽ, hoạt động tốt hơn giúp tiết kiệm điện, nấu cơm nhanh lại ngon.

Bước 3: Vệ sinh nắp trong nồi cơm

Chuẩn bị: Baking soda, cọ rửa

Bạn cho nắp nồi cơm vào chậu nước, thêm một thìa baking soda, khuấy đều và để ngâm trong 5 phút. Sau đó dùng miễng cọ rửa màu trắng lau sạch bụi bẩn phía trên, tháo vòng cao su ra. Bạn nên lau lại hai lần bằng miếng cọ rửa bởi có rất nhiều bụi bẩn ở khe hở trên vòng cao su nên bạn cần kiên nhẫn. Sau khi giặt, lau khô nước và đặt vòng cao su trở lại khay vòng cao su.

Bước 4: Vệ sinh nắp ngoài nồi cơm

Chuẩn bị: Muối, soda baking, giấm trắng, bàn chải đánh răng cũ

Phần nắp ngoài của nồi cơm điện cũng rất dễ bám bẩn, bám đầy bụi và lỗ thoát khí cũng là bộ phận rất bẩn, bạn hãy xả nước vừa rửa sạch tấm gioăng cao su, và sau đó cho nhiều nước, thêm một hoặc hai thìa muối, muối nở (soda baking), giấm trắng, dùng đũa khuấy đều, sau đó đậy nắp nồi điện vào, ngâm nắp trong 10 phút, có thể hiệu quả khử trùng và làm mềm dầu mỡ.

Sau đó, lấy bàn chải đánh răng ra một lần nữa, dùng bàn chải đánh răng chải sạch các vết dầu cứng đầu. Sau khi chải xong rửa lại bằng nước sạch, ta được một chiếc nắp nồi sáng choang, cuối cùng để khô nước là được.

Nguồn: phunutoday.vn

NGƯỜI THÀNH CÔNG ĐỀU THẤU HIỂU “TRIẾT LÝ CON RÙA”: KHÔNG ĐỂ Ý, KHÔNG TRANH CÃI, KHÔNG TỨC GIẬN

 

Trong xã hội phức tạp, cuộc đời đầy cám dỗ này, có biết bao nhiêu người xấu, việc xấu, có đôi khi, bạn không làm tổn hại đến người ta nhưng vẫn có người tự động đến làm tổn hại đến bạn. Đối diện với những người bất chấp đạo lý này thì cách tốt nhất là hãy học triết lý con rùa, để cuộc đời thêm an nhiên, tự tại.

Triết lý con rùa

Một con cá hỏi rùa: “Tại sao cứ gặp chuyện thì bạn lại lẩn tránh, co mình vào trong mai?”

Rùa nói rằng: “Người ta bình luận có quan trọng không?”

Cá nói: “Nhưng bị mắng chửi mà cũng mặc kệ được sao?”

Rùa chậm rãi quay người: “Đó chính là nguyên nhân tại sao tôi sống lâu hơn bạn rất nhiều. Trong cuộc sống, làm tốt bản thân mới là quan trọng nhất, còn người ta nói ra sao thì cứ mặc họ nói thôi”.

Người yêu thích bạn thì mặc dù bạn làm như thế nào cũng đều thấy đúng.

Người không yêu thích bạn thì dẫu bạn làm tốt ra sao cũng thấy chướng tai gai mắt.

Có những người, những việc không cần phải tốn thời gian sức lực làm gì

Bạn sẽ mãi mãi không thể nào biết rằng, qua cái miệng của người ta thì bạn có bao nhiêu phiên bản.

Bạn cũng sẽ không biết được rằng người ta vì bảo vệ bản thân mà đã nói những lời hạ thấp, phỉ báng bạn.

Bạn càng không thể nào ngăn chặn được những lời bàn tán thêu dệt, những lời tán gẫu về bạn, nhưng điều bạn có thể làm được là hãy mặc kệ họ, chẳng để ý đến làm gì.

Có nhiều lúc, có những việc, có những người bạn cũng không cần phải giải thích rõ ràng, vì người hiểu bạn thì mãi mãi tin tưởng bạn.

Cũng có khi nhìn nhầm người, không phải vì bạn ngu mà chỉ vì bạn thiện lương.

Cũng có khi giúp nhầm người, không phải vì bạn ngốc mà chỉ vì bạn quá coi trọng tình cảm.

Cũng có khi khỏ lệ, không phải vì đau lòng mà chỉ vì oan ức.

Cũng có khi nhẫn chịu, không phải vì đuối lý mà chỉ vì không muốn tranh cãi.

Không dây dưa với người xấu, không dính líu đến việc xấu, cuộc sống ắt an nhiên, tự tại 

Đức Phật dạy rằng: Hoàn toàn không cần thiết quay đầu lại xem người đã nguyền rủa mình là ai.

Hãy thử nghĩ mà xem, nếu có một con chó điên cắn bạn một cái, lẽ nào bạn cũng phải bò xuống đất cắn lại nó một cái? Điều đó liệu có đáng hay không? Bởi vậy, mọi thứ hãy để thời gian chứng minh. Bạn chỉ cần sống thiện lương thì Trời xanh sẽ có an bài tốt nhất cho bạn.

Không tức giận thì tâm bình yên, gió yên biển lặng. Có những việc sớm hay muộn rồi cũng phải trải qua, cứ thuận theo tự nhiên tiếp nhận nó là được rồi. Có một tâm thái tốt thì việc gì cũng sẽ tự khắc thuận lợi.

10 lý do vì sao bạn không nên quan tâm đến những gì người khác nói về bạn

Bạn có bao giờ cảm thấy mệt mỏi bởi những suy nghĩ của người khác về mình. Bạn có khi nào cảm thấy áp lực khi bị người khác áp đặt cho các tiêu chuẩn mà họ mong muốn. Dưới đây là 10 lý do vì sao bạn không nên quá quan tâm đến những gì mà người khác nghĩ.

1. Những gì người khác nghĩ không thể thay đổi được giá trị của chúng ta

Mọi người có quyền nghĩ về bất kỳ những gì họ muốn, giống như ta có quyền nghĩ về những gì ta muốn. Không ai có thể kiểm soát được suy nghĩ của người khác, bất kể họ có năng lực lớn đến đâu.

Những gì mà người khác nghĩ không thể thay đổi được thân phận cũng như giá trị của chúng ta, trừ khi ta cho phép họ làm điều đó. Cuộc sống là của chính chúng ta. Chúng ta là người duy nhất đưa ra quyết định cho cuộc sống của mình.

2. Họ không biết điều gì là tốt nhất cho chúng ta

Mỗi người đều có vận mệnh của riêng mình, không ai có thể sống thay cuộc đời của người khác được, bất kể đó là cha mẹ, vợ/ chồng hay anh chị em.

Cũng như vậy, dù thế nào chúng ta cũng cần tự sống cuộc đời của chính mình và cũng chỉ chính ta mới biết chính xác điều gì là tốt nhất cho bản thân. Nghĩa là chúng ta cần phải chịu trách nhiệm với tất cả những quyết định của mình. Cho dù quyết định của chúng ta có thất bại đi chăng nữa, chí ít ta cũng học hỏi và rút kinh nghiệm được từ thất bại ấy, thay vì đổ lỗi vì nghe theo người khác.

3. Những gì đúng với người khác không có nghĩa là nó cũng sẽ đúng với chúng ta

Những điều tốt nhất cho ai đó, có thể chẳng có ý nghĩa gì đối với  chúng ta, thậm chí còn rất tồi tệ. Những điều mà một người cho là vô nghĩa thì rất có thể lại là kho báu đối với người khác. Mỗi chúng ta đều có điểm riêng biệt của mình, và chỉ ta biết điều gì là tốt nhất cho bản thân mình.

4. Lo lắng về những gì người khác nghĩ sẽ khiến ta đánh mất giấc mơ của mình

Nếu luôn luôn lo lắng người khác nghĩ gì về mình, chúng ta sẽ không bao giờ đến được nơi mà ta cần đến, không bao giờ hoàn thành được việc ta cần làm trong cuộc sống.

Chúng ta không nhất thiết lúc nào cũng phải đáp ứng hết yêu cầu của người khác. Sẽ có ngày chúng ta gặp tình huống phải đặt niềm kiêu hãnh, danh tiếng sang một bên để vươn tới những gì mình muốn. Còn nếu ta luôn lo lắng về những gì người khác nghĩ, chúng ta sẽ không bao giờ có đủ bản lĩnh để thực hiện giấc mơ của mình đâu.

5. Ta là người duy nhất phải chịu hậu quả

Trong cuộc sống, chúng ta luôn là người duy nhất hứng chịu những hậu quả từ những quyết định của mình. Khi người khác gợi ý cho chúng ta, thậm chí là ra lệnh, họ có thể chỉ đưa ra một cách vô thưởng vô phạt. Suy cho cùng thì họ cũng không cần phải chịu trách nhiệm về hậu quả hay có bất kỳ ràng buộc nào với quyết định của ta, nhưng ta thì có!

6. Suy nghĩ của con người luôn thay đổi

Con người luôn luôn thay đổi. Một số nhà triết học và tâm lý học cho biết rằng con người luôn trong một trạng thái thay đổi, đến mức mà họ không thể nói là bản thân mình có một tính cách nhất định.

Như vậy, suy nghĩ, ý kiến, quan điểm của mỗi người luôn luôn thay đổi. Điều đó có nghĩa là nếu một người nghĩ tốt về ta hôm nay, họ có thể nghĩ khác về ta trong tương lai, và ngược lại. Nếu ta đã cân nhắc kỹ trước khi đưa ra quyết định thì suy nghĩ của người khác không thực sự là quá quan trọng.

7. Cuộc sống quá ngắn ngủi để lo lắng 

Ta chỉ có mấy chục năm ngắn ngủi để sống trên đời, sao lại phải lo lắng xem người khác nghĩ gì về mình?  Hãy sống cuộc đời của mình, đừng quan tâm đến suy nghĩ của người khác. Hãy sống lương thiện và sống một cách trọn vẹn nhất để không phải hối tiếc.

8. Gieo nhân nào sẽ gặt quả nấy

Có một số người luôn muốn làm người khác hài lòng hoặc luôn sẵn sàng làm theo những gì người khác muốn, bất kể hành động đó là đúng hay sai.

Bạn có biết, mỗi từng hành động của bạn đều phải trả giá bằng tiền bạc, danh tiếng, sức khoẻ, thậm chí là tính mệnh của chính mình? Nên nhớ: Gieo nhân nào sẽ gặt quả nấy – đừng dại dột làm theo ý người khác mà không cân nhắc đến hậu quả sau này!

9. Người khác không quan tâm nhiều như chúng ta nghĩ đâu

Thường thì mọi người sẽ không nghĩ gì nhiều ngoài bản thân họ. Sự thật là việc bạn là ai, bạn làm gì – người khác sẽ không tốn thời gian nghĩ quá nhiều đâu, trừ phi những việc bạn làm ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của họ!

Hãy nhớ rằng: người khác có thể đánh giá, phán xét về bạn rất nhiều nhưng thực tế rất ít người thật sự quan tâm đến bạn. Đừng mất thời gian cho những người và những sự việc không đáng!

10. Ta không bao giờ làm hài lòng tất cả mọi người

Cuối cùng, dù cố gắng đến đâu, chúng ta cũng không thể làm hài lòng tất cả mọi người. Chúng ta sinh ra không phải để đáp ứng kỳ vọng của tất cả mọi người. Vậy nên, chẳng có lý do gì mà ta phải dồn hết mọi cố gắng trong cuộc sống để làm điều đó.

Người quan trọng nhất trong cuộc đời ta cần làm hài lòng chẳng phải ai khác mà chính là bản thân ta! Hãy sống sao cho bản thân mình không hổ thẹn với lương tâm và không hối tiếc!

Lan Hòa tổng hợp và biên tập
Nguồn: NTDVN (Hoàng Mai) và DKN (Hiểu Minh)


Thứ Hai, 27 tháng 6, 2022

BA ĐỊNH LUẬT NỔI TIẾNG GIÚP CHÚNG TA TRỞ NÊN KIÊN CƯỜNG: ĐỊNH LUẬT VE SẦU, ĐỊNH LUẬT CÂY TRE, ĐỊNH LUẬT HOA SEN

 

Có rất nhiều định luật về thành công, trong đó nổi tiếng hơn cả là định luật hoa sen, định luật tre và định luật ve sầu. Dù là định luật Hoa sen, định luật cây tre hay định luật ve sầu, chúng đều có chung một ý nghĩa: Thành công cần có sự tích lũy, chịu đựng gian khổ, chịu được sự cô độc, kiên trì, kiên trì và kiên trì cho đến giây phút cuối cùng của thành công.

Định luật hoa sen

Những bông sen trong ao, mỗi ngày sẽ nở gấp đôi ngày hôm trước. Vào ngày thứ 30, hoa sen sẽ nở đầy cả ao.

Câu hỏi: vào ngày thứ bao nhiêu bông sen sẽ nở được một nửa? Có phải là ngày thứ 15 không? Không phải, đó là ngày 29. Đây chính là định luật của Hoa sen. Ngày đầu tiên, hoa sen chỉ hé nở rất bé, đến ngày thứ hai đã nở to gấp đôi ngày hôm trước, đến ngày thứ 29 hoa sen nở to một nửa, cho đến ngày cuối cùng hoa sen bung to hết cỡ.

Tức là: ngày cuối cùng có tốc độ nở nhanh nhất, bằng tổng của 29 ngày trước đó.

Đây là luật hoa sen nổi tiếng.

Có một đạo lý rất sâu sắc trong điều này: thành công cần có tích lũy và tích lũy.

Định luật này lần đầu tiên được Jack Ma đề cập đến trong một bài phát biểu trước công chúng , và thông qua luật này liên tưởng đến đời người, cuộc sống, bạn sẽ phát hiện ra Cuộc đời của nhiều người giống như hoa sen trong ao … khi mới bắt đầu rất dụng tâm để làm việc, dành hết cả tâm huyết, nhưng dần dần mọi người bắt đầu cảm thấy buồn chán, thậm chí mới đến ngày thứ 9, ngày 19 thậm chí ngày thứ 29 có thể bỏ cuộc. Lúc này, bỏ cuộc vào thời điểm này chỉ cách thành công một bước.

Nhiều khi, thậm chí có thể nói rằng chìa khóa thành công chính là sự kiên trì.

Người ta nói rằng con người có thể gặp khoảng 7 cơ hội trong đời, tất cả đều là những cơ hội có thể thay đổi cuộc đời họ, và những cơ hội như vậy thường có ở những ngày đầu tiên và kiên trì.

Vì vậy, nếu bạn có một ước mơ, trước tiên bạn phải hành động, và sau đó kiên quyết thực hiện nó.

Định luật cây tre

Phải mất 4 năm cây tre mới mọc được 3cm. Kể từ năm thứ năm, nó đã phát triển rất nhanh với tốc độ 30cm mỗi ngày, và chỉ mất sáu tuần để phát triển đến 15 mét. Thực tế, trong 4 năm đầu, tre đã vươn rễ xuống đất hàng trăm mét vuông.

Làm người, làm việc cũng vậy.

Đừng lo lắng rằng công việc khó khăn của bạn tại thời điểm này sẽ không được đền đáp, bởi vì tất cả chỉ là việc bắt rễ. Cuộc sống cần những nguồn dự trữ. Có bao nhiêu người đã không thể sống sót qua “3cm” đó?

Cái gì gọi là giá trị?

Hai cây tre giống nhau, một cây làm thành ống sáo, cây kia làm cột phơi quần áo. Cột phơi quần áo không phục liền hỏi cây sáo: Chúng ta đều là tre trên cùng một ngọn núi, tôi sao phải phơi mưa nắng hàng ngày, không đáng giá gì. Còn bạn lại đáng giá hàng ngàn vàng?

Cây sáo trả lời: “Bởi vì bạn chỉ bị một nhát dao, còn tôi đã trải qua hàng ngàn vết cắt, đục, gọt… rất tỉ mỉ và rất cẩn thận, cột phơi quần áo nghe xong im lặng.


Cuộc sống cũng vậy, nếu bạn có thể tự mình đánh bóng, chống lại sự cô đơn, gánh vác trách nhiệm và gánh vác sứ mệnh của mình thì cuộc sống sẽ có giá trị.

Khi bạn thấy người khác rực rỡ, đừng ghen tị, vì người khác có thể đã phải trải qua rất nhiều những khó khăn vất vả hơn bạn.

Tiền Mục, một bậc thầy về Trung Quốc học, nói: “Trong suốt thời đại lịch sử đã có những người rất vĩ đại, không phải ai cũng biết, họ đều là những người có năng lực và sẵn sàng trở nên ngu ngốc.

Hồ Thích cũng nói: “Có quá nhiều người thông minh trên thế giới này, và quá ít người sẵn sàng làm việc chăm chỉ, vì vậy chỉ có ít người thành công.

Nói đến kinh nghiệm dày dặn của Tiền Chung Thư , người ta thường cho rằng anh tài năng cao và trí nhớ tốt.

Trên thực tế, kiến ​​thức của Tiền Chung Thư rất rộng và sâu sắc, và phần lớn trong số đó đến từ sự chăm chỉ hàng ngày. Hứa Chất Đức, một người bạn cùng lớp tại Đại học với Tiền Chung Thư, đã miêu tả như thế này: Khi còn đi học, anh ấy đã đọc các tác phẩm kinh điển của Trung Quốc trong một tuần, và các tác phẩm kinh điển của châu Âu và Mỹ trong một tuần, bốn năm như một ngày.

Mỗi lần đến thư viện để mượn trả sách, anh ấy sẽ mang theo năm hoặc sáu tập sách dầy và chạy như bay. Và sau khi đọc một quyển, anh ấy đều ghi chú lại ……

“Quản Trùy Biên” là cuốn sách đại biểu cho những thành tựu học tập của anh trích dẫn hàng chục nghìn bằng chứng tư liệu từ hàng chục nghìn tác phẩm của hơn 4000 bậc thầy nổi tiếng.

Có thể một số người không biết rằng sau khi vào Đại học Thanh Hoa, mục đích của anh là “càn quét thư viện Thanh Hoa“. Kinh nghiệm học thuật của anh là: “Càng thông minh thì càng phải biết cách làm việc như thể ngu ngốc ”.

Sự trưởng thành không diễn ra trong một sớm một chiều, và không có thứ gọi là cuộc sống rộng mở, nó chỉ là tích lũy mà thôi.

Đây được gọi là Định Luật cây tre!

Định luật ve sầu

Ve sầu phải sống dưới lòng đất trong bóng tối ba năm (có loài ve sầu Mỹ sống dưới lòng đất 17 năm), chịu đựng đủ thứ cô đơn, tịch mịch, lớn lên từng chút một trên nhựa của rễ cây, để rồi một đêm mùa hạ, lặng lẽ trèo lên cành cây, và chuyển mình thành con ve trong một đêm.

Sau đó mong chờ khoảnh khắc mặt trời lên nó có thể bay lên trời cao và hưởng tự do. Đây được gọi là định luật ve sầu vàng.

Đời người nhiều người ví như hoa sen trong ao, lúc đầu khó nở nhưng mãi cảm thấy chưa nở kịp nên dần dần cảm thấy mệt mỏi, chán nản và chọn bỏ cuộc ở những giai đoạn chỉ cách thành công một bước.

Cuộc đấu tranh của mỗi người chẳng khác nào trồng tre, lúc mới bắt đầu còn tràn đầy khí thế nhưng vì hầu hết các giai đoạn đầu đều đang đặt nền móng nên kết quả không quá rõ ràng, năm đầu tiên, năm thứ ba, thậm chí là năm thứ tư. Đến lúc thiếu kiên nhẫn nên đã bỏ cuộc.

Càng đến gần thành công, khó khăn càng nhiều và càng cần phải kiên trì. Cho dù đó là khởi nghiệp hay cuộc sống, thứ chúng ta thiếu không phải là khả năng, kỹ năng hay mô hình. Cái chúng ta cần là sự bền bỉ và kiên trì, thành công cuối cùng sẽ đến.

Hầu hết mọi người đều muốn đi một bước được thành công và sau đó không được thì bỏ cuộc.

Có một câu nói cổ ở Trung Quốc, “hành bách lý bán cửu thập“, có nghĩa là, nếu bạn đi bộ một trăm dặm, bạn sẽ chỉ đi được nửa đường sau khi đi 90 dặm, bởi vì nhiều người đã bỏ cuộc sau khi đi đến 90 dặm.

Những định luật này cho chúng ta biết một sự thật: thành công đến không phải là may mắn hay khôn ngoan mà là sự kiên trì.

Nguyệt Hòa
Theo Aboluowang



BỊ HỔ RƯỢT, CHÀNG TRAI BÁM VÀO CÀNH CÂY SẮP GÃY CẦU CỨU PHẬT, ĐỨC PHẬT NÓI: ‘CON HÃY BUÔNG TAY!’

 

Một người đàn ông bị con hổ dữ rượt đuổi. Anh chạy thục mạng không dám ngoái đầu nhìn lại. Cuối cùng khi đến bờ vực thẳm anh không thể chạy được nữa, trong khi đó con hổ vẫn còn ở phía sau.

Lúc này người đàn ông rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan: Một bên là con hổ đói đang hau háu nhìn, còn một bên là vực thẳm sâu hun hút. Anh nhìn xuống, từ trong vách đá dựng đứng kia có một cành cây chĩa ra. Nghĩ rằng cành cây có thể là cứu tinh giúp anh thoát khỏi nanh vuốt hổ dữ, anh bắt đầu trèo xuống và bám vào đó.

Nhưng thật không may, chẳng mấy chốc cành cây sẽ không chịu đựng nổi sức nặng của cơ thể anh. “Thôi rồi, thế là mình chết chắc rồi…” anh vừa nghĩ vừa nhìn xuống phía dưới.

Quá sợ hãi, anh ngẩng lên và cầu nguyện: “Ông Trời ơi, xin hãy cứu con… Con sẽ làm bất kể điều gì nếu như ngài yêu cầu”.

Bỗng một giọng nói vang lên từ không trung: “Con sẽ làm bất cứ điều gì ta yêu cầu chứ?”

Mặc dù rất kinh ngạc trước giọng sấm vang rền ấy nhưng người đàn ông vẫn đáp lại: “Thưa vâng, con sẽ làm mọi thứ… chỉ mong ngài hãy cứu con”.

Giọng nói từ không trung lại trả lời: “Chỉ còn cách duy nhất này thôi, nhưng đòi hỏi con phải có niềm tin và lòng can đảm. Vậy con có tin ta không? Có dám làm như lời ta chỉ dạy không?”

Phía trên vách núi, con hổ vẫn gầm gừ và nhìn anh bằng ánh mắt thèm thuồng, còn cành cây thì trĩu xuống ngày một nặng hơn.

“Con cầu xin ngài, hãy giúp con tai qua nạn khỏi. Hãy cho con biết giờ con cần phải làm gì?”

“Được, ta chỉ có duy nhất một yêu cầu này thôi,” giọng nói trên không từ tốn đáp. “Đó là…

…Con hãy buông tay ra!”

Một giây…

Hai giây…

Một phút trôi qua…

Lại thêm một phút nữa…

Cuối cùng, lấy hết sức bình sinh người đàn ông cũng nhắm mắt và buông tay. Không biết anh đã nằm bất tỉnh bao lâu, chỉ biết rằng khi tỉnh lại, anh thấy mình đang nằm trên chiếc xe chở đầy cỏ khô. Người ta nói rằng anh thật may mắn khi rơi đúng vào lúc đoàn xe này đi ngang qua đó. Nhưng còn một bí mật nữa mà có lẽ anh không biết là, nếu buông tay sớm thêm hai phút nữa, anh sẽ hạ cánh an toàn xuống đoàn xe chở đầy bông và bọt biển; còn nếu chậm thêm chỉ một chút nữa thôi, anh cùng với nhành cây sẽ rơi xuống mặt đường toàn sỏi đá…

Trong cuộc sống, có phải mỗi chúng ta đều nắm giữ những thứ không-thể-buông-bỏ được? Ví như kẻ si tình lưu luyến hình ảnh một “nàng thơ”, dù người ấy nay đã thành gia lập thất? Hay ví như những người coi trọng công danh sự nghiệp luôn phấn đấu hết mình để được thăng quan tiến chức, cho dù họ phải đánh đổi bằng phẩm giá hay nhân cách của mình? Người muốn sống nhưng không buông được nỗi sợ chết trong tâm. Có vô vàn những trường hợp như thế, nhưng dẫu bạn coi trọng điều đó đến đâu, thì suy cho cùng cũng chỉ là những “nhành cây chìa ra từ vách đá”…

Và nếu đó quả thật là những “nhành cây chìa ra từ vách đá”, thì có ích gì để nắm giữ mãi mà không buông? Cứ chấp vào những thứ không nên giữ, thì chúng ta sẽ không thể nhận ra những điều tốt đẹp đang đợi chờ phía trước.

Bởi vậy, khi cuộc sống không diễn ra như mong đợi, có thể đó là lúc nhắc nhở bạn rằng: “Hãy buông tay!” Buông bỏ cũng là một mỹ đức mà chỉ những ai can đảm phi thường mới có thể làm được. Và vì sao Phật gia giảng cần từ bỏ chấp trước, sống thuận theo tự nhiên? Phải chăng khi chúng ta dám buông bỏ, thì một cánh cửa đóng vào cánh cửa khác sẽ mở ra?

Đăng Dũng biên tập

Nguồn: ĐKN