Cổ nhân có câu: “Biển vì có thể dung nạp trăm nghìn con sông mà trở nên rộng lớn, vách núi nghìn trượng sừng sững vì không ôm dục vọng mới có thể giữ mình cương trực”. Sống ở đời, lòng bao dung rộng lớn mới là trí huệ lớn của đời người.
Không ai hoàn hảo cả, hãy bao dung cho nhau
Trên đời này, ai cũng có những khó khăn và nỗi thống khổ không thể nói ra, ai cũng có những nỗi bất lực vô tận, ai cũng có những gánh nặng trong tâm khó có thể buông bỏ, ai cũng có lúc kiệt sức không thể tránh khỏi.
Con người dù có bản lĩnh và tài năng đến đâu cũng không thể tránh khỏi những lúc mềm yếu, dù mạnh mẽ đến mức nào thì cũng không tránh khỏi những lúc bị tổn thương, dù lạc quan đến đâu cũng sẽ có lúc rơi nước mắt, dù xinh đẹp, lộng lẫy đến đâu cũng sẽ có những giây phút cô đơn.
Bất luận là ai đi nữa, chúng ta đều mong muốn rằng, sẽ có một nơi để bản thân có thể dừng chân lại nghỉ ngơi bất cứ lúc nào, hoặc sẽ có một người bạn tri âm có thể lắng nghe những nỗi lòng của bản thân mình.
Sống trên đời, con người không ai hoàn hảo cả, ai cũng từng phạm phải sai lầm, bởi vậy, hãy bao dung với nhau. Đừng tính toán và so đo với nhau, khuyết điểm ai cũng có, đừng khiển trách và oán hận lẫn nhau, sai lầm ai cũng đều từng phạm phải, đừng vì thế mà oán hận lẫn nhau. Biết cách tha thứ, hiểu được thế nào là hai chữ ‘bao dung’, học cách thay đổi vị trí để suy ngẫm một chút, bạn sẽ có thể đồng cảm với đối phương, đặt vị trí của bản thân vào người khác, mới có thể cảm nhận được những suy tư của họ,…. kì thực, đó mới chính là kho báu tốt đẹp nhất của đời người.
Làm người, không thể thoát khỏi sai lầm, thêm một phần bao dung, cung là thêm một phần tình sâu nghĩa nặng.
Khoan dung là một kiểu trí huệ rộng lớn
Một danh nhân từng nói: “Một con người vĩ đại có hai trái tim, một trái tim chảy máu và một trái tim bao dung”. Khổng Tử cũng nói: “Khoan dung thì được lòng mọi người”, đôi khi chỉ cần một ý niệm cũng khiến hoàn cảnh thay đổi, người khác thay đổi. Cho nên, rất nhiều khi chỉ một câu nói, một hành động hoặc một nụ cười chan chứa sự bao dung thôi đã đủ để khiến cho người xấu ‘quay đầu’ hướng thiện.
Thời xưa, có một vị hòa thượng tu hành ở một ngôi chùa nằm trên ngọn núi. Một đêm, ông đi bộ một mình dưới ánh trăng, và đột nhiên ngộ ra một điều gì đó nên trong lòng rất vui sướng. Ông liền hân hoan trở về chùa. Nhưng vừa về đến chùa thì ông phát hiện một tên trộm đến chùa trộm đồ.
Tên trộm sau một hồi tìm kiếm thì không tìm được vật gì để lấy cả. Anh ta vừa quay trở ra thì gặp vị hòa thượng. Vốn dĩ, vị hòa thượng đã đứng im lặng chờ ở ngoài cửa được một lúc mà không vào vì ông sợ làm kinh động đến tên trộm kia. Ông đã sớm biết rằng tên trộm kia sẽ không thể tìm được thứ gì để mà lấy đi, cho nên ông đã cởi sẵn chiếc áo khoác và cầm trên tay.
Tên trộm vừa ra cửa thì kinh ngạc giật mình. Nhưng hòa thượng trấn an anh ta: “Ngươi đã phải đi từ xa đến đây thăm ta, dù sao thì cũng không thể để ngươi tay không mà ra về được. Đêm đang lạnh, ngươi hãy mặc chiếc áo này vào mà đi!” Nói xong, hòa thượng liền khoác chiếc áo của mình cho tên trộm. Tên trộm bất giác không biết làm sao liền cúi đầu đi vội.
Thiền sư nhìn thấy bóng dáng của tên trộm đi dưới trăng rồi biến mất vào trong rừng, không khỏi cảm khái mà thốt lên rằng: “Thật đáng thương! Chỉ mong ta có thể tặng cho hắn một vầng trăng sáng!” Hòa thượng nhìn tên trộm đi khuất liền vào trong phòng tọa thiền.
Sáng hôm sau, vị hòa thượng mở mắt, thấy chiếc áo khoác của mình được để ở ngoài cửa một cách ngay ngắn, chỉnh tề, trong lòng không khỏi bùi ngùi xúc động. Ông mừng rỡ tự nói: “Cuối cùng thì ta cũng đã tặng được cho hắn một vầng trăng sáng”.
Tục ngữ nói: “Vàng không thuần khiết, người không ai hoàn mỹ”. Khi đối mặt với sai lầm của người khác, nếu như canh cánh để ở trong lòng và đòi đáp trả thì sẽ chỉ khiến cho tâm linh của bản thân thêm nặng, thêm trầm trọng mà thôi. Thay vì để cho thù hận gặm nhấm tâm linh, chịu đựng thống khổ, chi bằng bao dung hết thảy, chẳng phải sẽ được thản nhiên và tự tại sao?
Lan Hòa
Nguồn: Alobuowang – Vương Hòa
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét