Thứ Hai, 24 tháng 7, 2023

6 “QUÊN” CỨU VỚT CÕI NHÂN SINH, ĐIỀU NÀO CŨNG ẨN CHỨA BÍ MẬT

 

(Ảnh: Aboluowang)

Cuộc sống có quá nhiều điều xảy đến với chúng ta, nhưng hạnh phúc cũng đơn giản lắm, chỉ cần học cách quên và tha thứ thôi. Dưới đây là 6 điều nên quên, để cuộc sống có thể hạnh phúc hơn.

1. Quên tuổi tác

Người ta luôn hỏi độ tuổi đẹp nhất của đời người là tuổi nào? Có người nói đó là tuổi thơ vô tư, có người nói đó là những năm tháng thanh xuân, có người nói đó là tuổi già tận hưởng hạnh phúc gia đình và chậm rãi trò chuyện trên chiếc ghế bập bênh… Dường như tất cả chúng ta đều ghen tị với những quãng thời gian chưa đến hoặc đã qua đi.

Trên thực tế, không có độ tuổi nào là đẹp nhất cả. Quá khứ không thể theo đuổi, những ngày đã qua sẽ không quay trở lại; cuộc sống gập ghềnh, tương lai không thể đoán trước, điều duy nhất chúng ta có thể nắm bắt là hiện tại.

Lúc bình thường hãy cố gắng nghĩ ít nhất có thể về tuổi tác của mình, hãy luôn duy trì một “trái tim không già”. Lão hóa là quy luật tự nhiên không ai có thể trốn tránh hay vi phạm, nhắc đi nhắc lại mỗi ngày sẽ chỉ khiến chúng ta già đi nhanh hơn.

Tâm lý “trẻ hóa” cũng có thể làm cho chức năng miễn dịch “trẻ hóa” theo, để tất cả các cơ quan trong cơ thể con người có thể được phối hợp và ổn định.

2. Quên bệnh tật

Quên bệnh tật không có nghĩa là không tích cực điều trị bệnh mà là không để bệnh tật lấn át, chứ không phải là nói đến mất ý chí chiến thắng bệnh tật.

Người ta cho rằng bệnh tật do yếu tố tinh thần, tâm lý chiếm hơn 80%, ngay cả ung thư cũng có cơ hội biến mất một cách tự nhiên. Tuy nhiên, phép lạ chỉ có thể xảy ra với những người có tinh thần không bị bệnh tật lấn át.

Con người hiện đại ngày càng dễ mắc các loại bệnh, có phải vì họ không chú ý đến sức khỏe? Không phải. Quá nhiều người dành năng lượng cho việc giữ gìn sức khỏe, nhưng suy nghĩ của họ chỉ đơn giản là coi cơ thể như một cỗ máy, mà quên đi sự thống nhất giữa cơ thể và tinh thần.

3. Quên hình dáng

Có người nói rằng, thời gian không bỏ qua ai, nhưng ngay cả những người lớn tuổi cũng nên ăn mặc đẹp và sang trọng, để trông tràn đầy sức sống và cảm thấy thoải mái.

Hãy loại bỏ tâm lý “người già như viên ngọc không còn đáng giá” thì cuộc sống mới thoải mái, thân tâm khỏe mạnh.

Già đi là điều không thể tránh khỏi. Nhưng trên con đường già đi, có người sống mệt mỏi và già nua một cách khổ sở, có người sống thảnh thơi và già đi một cách đẹp đẽ.

Đẹp, là một chặng đường dài. Nó không thuộc về một giai đoạn tuổi nhất định nào mà thuộc về cả cuộc đời. Tuổi trẻ năm 20 tuổi, duyên dáng năm 30 tuổi, trí tuệ năm 40 tuổi, điềm tĩnh năm 50 tuổi, thanh thản năm 60 tuổi, bảo vật vô giá năm 70 hoặc 80 tuổi.

Dù tóc bạc, gương mặt già nua, vẫn cần gìn giữ vẻ đẹp sâu thẳm trong tâm hồn.

4. Quên tranh chấp

Con người đến một độ tuổi nhất định, từ lâu đã không còn tâm lý phân biệt đố kị, ngày tháng bình lặng trôi qua trên đầu ngón tay, không kinh ngạc, không xao động, trong trẻo như nước.

Đời người ngắn ngủi, còn gì để tranh giành? Tranh danh lợi sẽ thổi phồng dục vọng. Tranh giành với người thân, được nhiều hơn mất. Tranh cãi với người yêu, chỉ có thể làm cho cuộc sống vụn vặt hơn, ít yên tĩnh hơn. Tranh cãi với bạn bè chỉ có thể làm cho mối quan hệ bạn bè trở nên nhạt nhẽo và xa cách hơn.

Hemingway nói: “Vượt trội so với người khác, cũng không cao quý; sự cao quý thực sự là vượt trội so với chính bản thân trong quá khứ”.

Đừng quan tâm đến những so đo và lợi ích. Cuộc sống không dễ dàng, hãy cố gắng sống đơn giản nhất có thể.

5. Quên lo lắng

Nhiều nỗi buồn trong cuộc sống thực ra là do chính mình chuốc lấy.

Khi bạn phàn nàn rằng mình không có đủ tiền, hãy nghĩ đến những bệnh nhân đang nằm trên giường bệnh không biết tương lai sẽ ra sao, bạn sẽ hiểu rằng sức khỏe là của cải lớn nhất.

Khi bạn bối rối vì những chuyện vặt vãnh, hãy nghĩ đến những linh hồn đã rời bỏ thế giới này. Bây giờ chúng ta vẫn còn sống và có thể cảm nhận được vẻ đẹp của nhân gian. Đây chẳng phải là tài sản lớn nhất sao?

Tiền bạc, của cải, danh lợi không mang đến khi sinh, không mang đi khi chết; phiền não ưu sầu cũng sẽ trở thành dĩ vãng.

Ai chẳng đến một mình và bước đi một mình, trong kiếp người hữu hạn này, nếu có thể hãy tự làm vui lòng mình, hà cớ gì phải tự làm khổ mình.

6. Quên giận hờn

Hành trình cuộc đời không thể không có thăng trầm. Nếu bạn đang trầm tư, thường hờn dỗi hay tức giận thì bạn còn thời gian để thưởng thức cái đẹp không?

Khi gặp phải người xấu và việc xấu, chỉ cần vài lời là đủ, còn ganh đua là tự làm khó mình cả đời.

Khi bạn không vui, tốt hơn hết hãy tự hỏi bản thân, tại sao bạn không vui? Đó là lỗi của chính mình hay của người khác? Chỉ cần tự mình sửa sai, không cần gây khó khăn cho chính mình, lỗi của người khác không liên quan đến chính mình, càng không cần hao tâm tổn sức.

Thời gian trong cuộc đời này không nhiều, bạn sống hạnh phúc cũng qua, bạn sống không hạnh phúc cũng qua, vậy sao không chọn cho mình một cách sống tích cực và lạc quan?

Nhiều việc không cần suy nghĩ quá thấu đáo, nhiều người không cần nhìn quá rõ ràng. Làm người mà, tâm cần đơn giản một chút, hồ đồ một chút, để cuộc sống có thể vui vẻ hơn một chút.

Bảo Châu biên dịch
Nguồn Aboluowang


Thứ Tư, 19 tháng 7, 2023

BÀI HỌC TỪ LÃO TỬ: “VÌ SAO LƯỠI CÒN NHƯNG RĂNG KHÔNG CÒN?”

 


Nguồn ảnh: GGIM

Sinh thời, Lão Tử có nhiều câu nói khiến người đời và hậu thế phải nghiêng mình khâm phục. “Lo thắng người thì loạn; Lo thắng mình thì bình” là một trong những câu nói để đời của Lão Tử, đáng để người đời suy ngẫm. 

Dưới đây là 3 câu nói của Lão Tử, rất đáng để chúng ta cùng nghiền ngẫm.

Bài học thứ nhất: Đi qua quê nhà phải xuống xe

Lão Tử nói với Thường Thu rằng: Đi qua quê nhà phải xuống xe, để răn mình không được quên cha mẹ người thân. Không được quên những ngày khốn khó trước đây. Điều này rất nhiều người trong xã hội đã không làm được.

Họ lúc nào cũng nghĩ: Mình tài giỏi như thế này, giàu có như thế này, sang trọng như thế này tại sao phải nhớ đến những ngày còn ở quê nghèo.

Họ quên mất đi gốc gác của mình. Buông ánh mắt khinh thường những người xuất thân từ nông thôn lên thành phố lập nghiệp.

Họ quên rằng, mình cũng từ đó mà thành công như bây giờ. Đáng lẽ ra phải nâng đỡ và trợ giúp những người con của quê nghèo, nhưng họ lại cố gắng cắt đứt liên lạc để không ai phát hiện ra mình từ “ quê” lên!

Thật xấu hổ vì họ quên mất đạo lý căn bản nhất để làm người, đó chính là: Uống nước nhớ nguồn!

Bài học thứ hai: Đi qua cây lớn phải từ từ

Bài học này răn dạy con người ta phải biết yêu kính những người lớn tuổi! Họ đã sống hơn chúng ra rất nhiều thời gian, họ biết những cái chúng ta chưa từng trải qua và cho dù ngày nay công nghệ phát triển cỡ nào thì kinh nghiệm đúc kết vẫn giúp họ sống tốt giữa cuộc đời đầy cám dỗ này!

Thế nên, đừng nghĩ mình biết công nghệ, dùng laptop, iphone…lại coi thường sự hiểu biết của những người lớn tuổi! Hãy yêu thương và kính trọng họ để biết sống tốt đẹp hơn! Có những người thấy người già thì nhìn bằng ánh mắt coi thường khinh rẻ! Họ sợ những người đó sẽ ăn bám họ, họ sợ phải nuôi nấng và chăm sóc những người đó!

Nhưng đừng bao giờ quên, thương già, già để đức cho, và “kính lão đắc thọ” mãi là nguyên lý muôn đời!

Bài học thứ ba: Răng không còn nhưng lưỡi còn

Bài học thứ ba: Lưỡi không còn nhưng răng còn! Bài học này răn dạy bạn phải biết sống và đối nhân xử thế một cách đúng mực: Nhẹ nhàng, mềm mỏng và tinh tế!

Nếu bạn quá cứng rắn hay lạnh lùng, bạn sẽ chẳng bao giờ biết có được sự coi trọng và yêu thương từ người khác! Nếu bạn quá cứng rắn sẽ làm tổn hại đến mối quan hệ của bạn với những người xung quanh!

Người xưa nói: Mềm nắn rắn buông, và lạt mềm buộc chặt.

Chúng ta cần biết lúc nào nên cứng rắn, lúc nào không nên để có đạo làm người, để được người khác coi trọng! Bạn biết vì sao lưỡi còn còn răng lại không không?

Đó là vì: Lưỡi mềm còn răng cứng! Đạo làm người và đối nhân xử thế đều nằm ở đây cả! Cần biết lúc nắm lúc buông thích hợp, hơn nữa, mềm mỏng và nhẹ nhàng mãi luôn hữu hiệu hơn rất nhiều lần so với áp chế hay cứng rắn.

 

Lan Hòa biên tập

Nguồn: Daoduckinh


Thứ Ba, 11 tháng 7, 2023

NGỠ

 


NGỠ
 
Đôi khi dạ ngóng ngỡ ai chờ…
Chạnh cảnh lòng vui những khắc giờ.
Cảm lúc màn sương bày giá vẽ,
Mê làn sợi nắng nắn vần thơ.
Cung  trầm rong ruổi, vầng mây xám,
Điệu lắng vươn theo, ánh nguyệt mờ.
Thế sự ngoài kia quên lối ngõ,
Thực hư ẩn hiện tựa như mơ.
 
Minh Đạo

Chủ Nhật, 9 tháng 7, 2023

CÁCH SỐNG TỐT NHẤT: VIỆC LƯU 1 PHẦN, LỜI NÓI LƯU 3 PHẦN, ĐỐI ĐÃI LƯU 6 PHẦN

 


Nhà văn Tô Sầm từng nói: “Một người giỏi sắp xếp sẽ không bao giờ để cuộc sống của mình trở thành hoàn hảo“. 

Nhân sinh là một hành trình dài. Một người nếu ở mỗi trạm đều sắp đặt mọi thứ đạt được hoàn hảo thì sẽ không có thời gian để nghỉ ngơi và ngẫm lại quá khứ. Như vậy thì người đó sẽ không thể đi xa, cũng không thể thưởng thức được cảnh đẹp bên đường.

Bởi vậy mới nói, đạo Trời kỵ đầy, đạo người kỵ hoàn hảo. Mọi việc trong đời nên dừng lại ở mức vừa phải mới không đầy tràn, có vậy mới đắc được viên mãn.

1. Việc lưu lại một phần khuyết thiếu

Ngày xửa ngày xưa, có một nông dân nuôi 250 con bò. Mỗi ngày anh đều chăn thả đàn bò rồi đếm số con sau khi trở về. Cuộc sống của anh rất thoải mái tự tại.

Nhưng một thời gian sau có một con hổ xuất hiện đã phá vỡ bầu không khí yên bình trước đó của người nông dân. Cho dù anh có phòng bị kỹ đến đâu, cuối cùng thì những con bò trong đàn vẫn bị con hổ xảo quyệt ăn thịt.

Từ đó về sau, số lượng con bò không còn được đầy đủ như lúc ban đầu nữa. Bởi vì không còn đàn bò hoàn hảo nữa nên người nông dân đã bị mất hết hy vọng, tâm trạng cả ngày không vui.

Anh ta không còn can đảm và tự tin để trông nom đàn bò. Chẳng mấy chốc, 249 con bò còn lại cũng biến mất.

Vì trong mắt của người nông dân không để dành chỗ cho những lỗi lầm, vậy nên chỉ bởi vì mất một con bò mà anh đã buông bỏ tất cả những con bò còn lại.

Người truy cầu sự hoàn mỹ quá mức chính là đang tự đặt ra các quy định phạm vi hoạt động cho chính mình. Hành động này cũng chính là đang xây một nhà tù để nhốt mình trong đó.

Người quá theo đuổi sự hoàn hảo ở một chi tiết nào đó thì sẽ không còn thời gian và sức lực để làm những việc khác quan trọng hơn.

Trong cuộc sống thường ngày, chúng ta cũng gặp nhiều người như vậy.

Tiểu Đào là một người theo đuổi chủ nghĩa hoàn mỹ, quan niệm của cô là “một là không làm, hai là nếu đã làm thì sẽ làm ở nơi tốt nhất”. Quan niệm này cũng chính là thứ gây cản trở cho việc cô phát triển sự nghiệp của mình.

Cô liên tục ‘nhảy việc’ để tìm kiếm một công việc hoàn hảo phù hợp với bản thân. Cô muốn làm việc trong một công ty lớn, lương cao, bầu không khí làm việc tốt và lãnh đạo là người có tâm…

Những ràng buộc này khiến Tiểu Đào ngày một khó tìm được việc làm hơn.

Khi vừa mới làm việc được mấy ngày, vì một điểm nào đó khiến cô không hài lòng, không phù hợp với quan điểm truy cầu sự ‘hoàn mỹ của mình’, cô liền không còn nhiệt tình với công việc này nữa.

Dưới vỏ bọc của chủ nghĩa hoàn hảo, cô liên tục trốn tránh khó khăn và trách nhiệm để cuối cùng không làm nên sự nghiệp gì.

Trong cuốn sách “Làm thế nào để trở thành một người không hoàn hảo” có câu như thế này: “Lười biếng và tâm tình lo lắng sầu muộn chẳng khác gì tấm chắn của chủ nghĩa hoàn hảo để tự an ủi bản thân”.

Hoàn mỹ chính là một loại kết quả, tuy nhiên hành động lại cần một quá trình. Nếu bạn cố gắng hết sức để phô trương sự hoàn hảo trước khi hành động, điều đó sẽ làm tăng gánh nặng tâm lý và dễ khiến người nản lòng trong quá trình thực hiện các việc.

Do vậy, việc cho phép bản thân phạm một chút sai lầm để chuẩn bị tâm lý tốt hơn mới có thể thực hiện mọi việc được thuận lợi mà đạt tới được hoàn mỹ.

Nam Hoài Cẩn từng nói: “Làm việc cần lưu lại một chút khuyết thiếu, điều này mới thực sự tốt”. 

Quá theo đuổi sự hoàn hảo chính là sai lầm lớn nhất của đời người. Đời người chớ truy cầu hoàn mỹ, như vậy thì sau khi trải qua nỗ lực làm việc mới không có cảm giác hối hận.

2. Lời nói lưu lại 3 phần sắc sảo

Trong tâm lý học có một hiện tượng phổ biến gọi là tâm lý nổi loạn. Nó đề cập đến một trạng thái, có người vì lòng tự trọng của bản thân mà lời nói và việc làm không đi đôi với nhau.

Mặc dù loại tâm lý này thường đồng hành cùng với quá trình trưởng thành của thanh thiếu niên, nhưng nó cũng thường được biểu hiện trong giao tiếp giữa người và người. Cho nên, khi giao tiếp giữa người và người thì nên tránh sử dụng một số tính từ mang nghĩa tuyệt đối như: Nhất định, hẳn là, tuyệt đối…

Bởi vì loại biểu đạt tuyệt đối này dễ khiến đối phương cảm thấy bị áp bức bởi quyền uy, cho nên người nghe mới sản sinh tâm lý nổi loạn.

Trong thế giới của người trưởng thành không chỉ tồn tại đúng hoặc sai mà còn có những thứ thị phi gây tranh cãi.

Nếu gặp phải người có ý chỉ trích mình, nếu cứ khăng khăng tranh cãi đúng sai, bạn sẽ dễ bị đối phương hắt cho gáo nước lạnh.

Một lần, công ty yêu cầu tôi thực hiện khóa đào tạo về sản phẩm, bởi vì tính tự cao tự đại của bản thân mà tôi bị khách hàng mới dạy cho một bài học.

Bởi vì có mấy chục năm kinh nghiệm làm việc, đối với sản phẩm của công ty tôi thuộc như lòng bàn tay. Đây cũng là lỗi mắc phải do thói quen thường ngày của tôi, biểu đạt quá tự tin khiến cho khách hàng nghi ngờ. Mặc dù câu hỏi này đã được khách hàng chuẩn bị trước nhưng nó lại vô tình nằm trong vấn đề biểu đạt quá tự tin của tôi.

Chúng ta cần hiểu được rằng, giữa lý thuyết và thực hành sẽ có tồn tại những sai sót nhất định. Nếu như dữ liệu sản phẩm quá tuyệt đối thì nhất định sẽ khiến khách hàng nhìn ra lỗi sai.

Lúc đó, trên sân khấu tôi cảm thấy rất xấu hổ, gương mặt đỏ bừng mà cố gắng làm hòa. Nhưng bởi vì tôi đã nói quá, không còn đường lui nên đành phải xin lỗi và chủ động thừa nhận sai lầm.

Giáo sư Tăng Sĩ Cường từng nói: “Khi nói chớ dùng lời quá vẹn toàn, bởi vì ‘tuyệt đối’ đã là không còn đúng nữa”. 

Ngôn ngữ là lời nói phản ánh nội tâm, nếu nói quá lên sẽ dễ khiến người cảm thấy lời nói mang theo sự tự cao tự đại.

Tự tin là điều tốt, nhưng tự tin thái quá sẽ trở thành kiêu ngạo tự đại, sẽ không được người nghe tiếp nhận.

Cho nên, khi nói chuyện cần lưu lại cho bản thân 3 phần ngôn từ, giúp cho người nghe dễ dàng tiếp nhận, kỳ thực làm vậy cũng chính là chừa lại một đường lui cho chính mình.

3. Đối nhân xử thế cần lưu lại 6 phần thanh tỉnh 

Tôi từng đọc qua câu chuyện như sau. Trên chuyến tàu cao tốc, ông lão vừa mới mua được một đôi giày mới nhưng nó đột nhiên bị gió thổi bay một chiếc ra ngoài cửa sổ.

Người xung quanh cảm thấy tiếc nuối, nhưng ngay lập tức ông lão ném chiếc giày còn lại ra ngoài cửa sổ.

Thấy cảnh tượng này, mọi người không khỏi rì rầm thảo luận. Thấy vậy ông lão khẽ mỉm cười giải thích: “Một chiếc giày đối với tôi không có giá trị gì. Nếu ai đó nhặt được đôi giày này, họ vẫn có thể dùng chúng!”

Nghe lời này xong, mọi người không khỏi ngạc nhiên trước sự khôn ngoan của ông lão. Ông không buồn vì mất chiếc giày mới mua mà còn đưa ra phán đoán hợp lý. Nhìn qua tưởng ông lão ngốc nghếch nhưng kỳ thực lại tràn đầy sự khôn ngoan trong đó.

Mới đây, một phụ nữ Hàng Châu trở nên nổi tiếng vì kỹ thuật gắp búp bê của cô quá kém. Chủ trì võ đài đã không ngần ngại trợ giúp cô tới 4 lần.

Đầu tiên, cô gái thực hiện việc gắp búp bê với mức độ khó thấp nhưng đã liên tục thất bại. Lúc này người chủ trì sân khấu cảm thấy lo lắng cho cô gái nên đã bí mật giúp loại bỏ những trở ngại và giảm hơn nữa mức độ khó. Cuối cùng, với sự trợ giúp của người chủ trì “lú lẫn”, cô gái đã gắp búp bê thành công.

Trong tin nhắn, một số cư dân mạng chế giễu ông chủ: “Chỉ còn nước cầm con búp bê đưa cho cô gái”. 

Người dẫn chương trình “giả vờ không biết” để giữ thể diện cho cô gái, đồng thời lấy đó làm ý tưởng quảng bá tốt nhất.

Không ai thích giao tiếp với một người quá khôn khéo tính toán, bởi vì không ai trên đời là hoàn hảo cả, làm vậy sẽ khiến cả hai bên phải mệt mỏi.

Có những lúc, việc giao lưu giữa người với người còn cần thêm chút ‘hồ đồ’, chủ động đem lợi ích nhường lại cho đối phương. Hành động này không những được đối phương tín nhiệm mà còn thu về khoản lợi ích lớn hơn.

Hồ đồ không hẳn là biểu hiện của sự ngu đần. Người có thể giả vờ hồ đồ, gặp việc lớn mà có thể tuân thủ nghiêm ngặt các quy tắc và hướng đi, bảo trì đầu óc thanh tỉnh. Trong những việc nhỏ nhặt mà giữ được tấm lòng bao dung, ngôn từ rộng lượng không chấp những chuyện vụn vặn. Lưu 6 phần thanh tỉnh để giúp bản thân phân biệt rõ đúng sai, lưu 4 phần hồ đồ để cảm nhận ấm lạnh nơi thế gian.

Lời kết

Tiên sinh Phong Tử Khải, một nhà văn nổi tiếng đã đề cập trong cuốn sách “nhân sinh cầu khuyết thiếu không cầu đầy tràn” như sau: “Tu hành chân chính không phải là một mực truy cầu viên mãn mà là học được minh bạch”. Trong cuộc đời của một người tu hành chỉ có 3 việc là nói, làm và đối đãi.

Khi làm việc có thể lưu lại một chút khuyết thiếu để làm không gian phát triển, truy cầu hướng thiện.

Khi nói chuyện mà có thể lưu lại 3 phần lời nói làm đường lui giúp bản thân giữ được thái độ khiêm tốn.

Khi đối đãi với người cần giữ được 6 phần thanh tỉnh để bản thân thông tỏ mọi sự trên con đường tìm kiếm ý nghĩa của sinh mệnh.

Nhân sinh không phải là cuộc thi nên không cần tranh đấu thắng thua. Thay vì mang vác nặng nề thì hãy chừa lại một khoảng trống để bước đi được nhẹ nhàng. Hy vọng bạn có thể hiểu được điểm tốt của sự không hoàn hảo để sống an nhiên tự tại.

Nguồn: DKN

Thứ Bảy, 8 tháng 7, 2023

CHỈ CÓ 3 CHỮ NÀY MÀ KHIẾN NGƯỜI TA MỆT MỎI CẢ MỘT ĐỜI

 

Ảnh:  Aboluowang

Có ba rào cản khó vượt qua nhất trong đời người, đó là “danh”, “lợi” và “tình”. Ba chữ khiến người ta nặng trĩu cả đời. Hầu hết mọi người đều vì danh mà phiền muộn, vì lợi mà khốn khổ, vì tình mà vương vấn cả một đời

Cả đời khổ sở theo đuổi, chính là bởi vì danh phù phiếm, cả đời vất vả tranh đấu vì cám dỗ của lợi lộc, cả đời lo lắng vì tình cảm quấy rầy.

Không có gì sai khi theo đuổi danh vọng và tiền tài; chú ý đến cảm xúc là điều tự nhiên và đúng đắn.

“Danh” quả thực nên được chú trọng, nên mới nói “người sống lưu danh, chim qua lưu tiếng”. Danh là dấu hiệu của một người, đại diện cho hình ảnh riêng của một người, hoặc là hào quang thỏa mãn sự phù phiếm của con người. Nhìn người trong thiên hạ, có người cả đời phấn đấu, truy cầu không ngừng vì danh lợi; có người vì hư danh, suy nghĩ đau đầu, cả người mệt mỏi.

“Lợi” là lợi ích mà một người hy vọng có được, lợi cũng là thứ mà người ta tìm kiếm để cải thiện chất lượng cuộc sống. Lợi có thể cầu, nhưng phải có đạo. Có người bị lợi làm cho trí tuệ mê man, cho nên cả ngày sống vừa khổ vừa mệt, vừa phiền, vừa lo. Tục ngữ có câu: ‘Người chết vì tiền, chim chết vì miếng ăn”. Suy cho cùng, truy cầu lợi chính là truy cầu tiền, một chữ tiền, bao bạn bè chia lìa; bao đôi lứa tan vỡ; bao anh hùng điêu đứng; bao quan chức vì trục lợi, tham nhũng mà bị hạ bệ và bao nhiêu sinh mạng đã bị mất đi.

“Tình” là mối quan hệ giữa con người với nhau trong cuộc sống. Mọi người thường bị chi phối bởi một chữ “tình”, nó có thể làm người ta vui, làm người ta buồn giận, làm người ta cảm động, hoặc làm người ta day dứt. Tình thân, không thể bỏ; tình yêu, không thể buông tay; Tình bạn, không thể thiếu; còn một số cảm xúc, dù cắt giảm liên tục nhưng lý do vẫn còn hỗn loạn. Tất cả tình cảm này, thường khiến người ta lo lắng, ăn không ngon, ngủ không yên.

Nên biết danh lợi là vật ngoài thân, được thì an tâm, mất thì an nhiên. Con người đến thế gian vốn là muốn vui vẻ hạnh phúc, cớ gì vì những công danh lợi lộc bên ngoài mà sinh ra phiền não? Trước những thứ sống không mang đến, chết không mang đi; con người cần giữ tâm thanh thản, trong sáng, để bầu trời tâm hồn luôn trong sáng, rực rỡ.

Con người, sống phải sống thoải mái; nếu luôn vì danh lợi mà nặng gánh, vì tình cảm mà phiền muộn, vì tình yêu mà đau khổ, vì hiện tại mà rối rắm, vì ngày mai mà lo lắng, vì cuộc đời mà mê muội, thì đó không phải là cuộc sống hạnh phúc.

Cách tốt nhất để sống là buông bỏ gánh nặng và nhẹ nhàng tiến về phía trước, không buồn dù hoa có nở hay không, mỉm cười bất kể trăng tròn hay khuyết. Hãy để những bông hoa trong trái tim nở rộ bất kể xuân, hè, thu hay đông, để cho mình hạnh phúc mỗi ngày.

Nếu một người có tâm thái tốt, nhìn mọi thứ nhẹ nhàng và suy nghĩ cởi mở, cuộc sống của họ sẽ luôn tràn ngập ánh nắng. Nếu một người tâm hồn u ám thì ngay cả khi có danh, lợi cũng không có hạnh phúc. Dù khát khao danh lợi của bạn có mãnh liệt đến đâu, dù tình cảm của bạn có mãnh liệt hay mong manh đến đâu, thì mặt trời vẫn sẽ mọc và lặn mỗi ngày, bầu trời vẫn sẽ có những ngày nắng và mưa.

Danh vọng là dây cương của cuộc đời, lợi lộc là dây thừng cuốn cuộc sống, và sự cám dỗ của thế gian giống như sợi dây trói buộc tất cả chúng sinh. Muốn tự tại, trước hết phải xem nhẹ danh lợi, xem nhẹ được mất, không vì tình mà khốn khổ, mê man. Con người nên rộng lượng, cởi mở, chân thành và nhiệt tình với người khác; và nửa say nửa tỉnh trước những chuyện vặt vãnh. Như vậy, cuộc sống sẽ tự nhiên thoải mái và dễ dàng.

Chỉ bằng cách vui vẻ mỗi ngày, bạn mới có thể sống tốt nhất cuộc sống của mình. Đừng để bị ràng buộc bởi “danh”, “lợi”, “tình”, nó sẽ làm bạn mệt mỏi suốt đời.

Bảo Châu biên dịch
Nguồn Aboluowang


Thứ Hai, 3 tháng 7, 2023

LÁ THƯ CỦA NGƯỜI CHA GỬI CHO CON MÌNH: KIẾP SAU KHÔNG THỂ GẶP NHAU NỮA RỒI (ĐỌC MÀ ỨA NƯỚC MẮT)

 

Nguồn: Aboluowang

Con người có thể sống được mấy đời đây? Cứ tưởng tương lai vẫn còn xa, thời gian vẫn còn dài, nhưng tính kỹ lại, cũng chỉ còn hơn 30.000 ngày ngắn ngủi mà thôi. Từ khoảnh khắc chào đời, số phận của cha mẹ và con cái đã ràng buộc chặt chẽ với nhau, tuổi càng lớn, sợi tơ duyên càng trở nên sâu đậm. Có người nói, trên đời tất cả tình yêu đều là để đến với nhau, chỉ có tình yêu của cha mẹ là để chia ly. Và sợi tơ duyên giữa cha mẹ và con cái được tiêu hao dần trong những ánh mắt tiễn biệt hết lần này qua lần khác.

Nhớ lại lá thư nổi tiếng mà người dẫn chương trình radio Hong Kong, Lương Kế Chương đã viết cho con trai mình, từng chữ viết đầy tình thương, từng câu đều tràn đầy tình yêu. Đến hôm nay đọc lại vẫn cảm thấy rất nhiều xúc động, không kìm được mà muốn chia sẻ với mọi người.

Nội dung bức thư như sau:

Con à, cha viết thư này cho con là dựa trên ba nguyên tắc, ở đời phúc họa vô thường, ai cũng không biết mình có thể sống được bao lâu, có những việc tốt hơn hết là nên sớm nói cho con biết.

Ta là cha của con, nếu ta không nói cho con thì sẽ không ai nói cho con biết

Những gì trong bức thư này đều là những kinh nghiệm mà ta có được từ những thất bại đau đớn, nó có thể giúp con tránh nhiều sai lầm trong quá trình trưởng thành.

Dưới đây là những điều con nên luôn ghi nhớ:

1. Những người không đối xử tốt với con, con không cần quá để ý. Trong cuộc sống, không ai phải có trách nhiệm đối xử tốt với con, trừ phi người đó là mẹ con. Những ai đối xử tốt với con, con nhất định phải trân trọng và biết ơn họ.

2. Không ai là không thể thay thế, không có thứ gì bắt buộc phải sở hữu. Chỉ cần nhìn thấu điểm này, trong tương lai nếu con mất đi người mà con yêu quý nhất thì con cũng sẽ hiểu, đây cũng không phải là chuyện quá lớn lao.

3. Sinh mệnh là ngắn ngủi, hôm nay có thể con đang lãng phí cuộc sống của mình, nhưng ngày mai con có thể nhận ra rằng sinh mệnh đã rời xa con. Vì vậy, càng sớm trân trọng sinh mệnh, con càng có nhiều thời gian để tận hưởng cuộc sống. Thay vì truy cầu kéo dài sinh mệnh, chi bằng tận hưởng cuộc sống sớm hơn.

4. Tình yêu chỉ là một loại cảm giác, và cảm giác này sẽ tùy theo thời gian, tâm trạng mà thay đổi. Nếu người mà con cho là tình yêu cuối cùng quyết định rời bỏ con, hãy kiên nhẫn chờ đợi một chút, để thời gian từ từ gột rửa, để tâm hồn từ từ lắng xuống. Nỗi đau của con sẽ dần nhạt đi. Đừng quá mơ mộng về vẻ đẹp của tình yêu, đừng quá phóng đại nỗi đau sau khi chia tay.

5. Dù rằng nhiều người thành đạt không được học hành nhiều, nhưng điều đó không có nghĩa là không cần học hành chăm chỉ mà vẫn có thể thành công. Kiến thức mà con học được là vũ khí mà con sở hữu. Một người có thể từ tay không mà gây dựng cơ đồ, nhưng không có nghĩa là họ mang trong tay không tấc sắt. Hãy ghi nhớ điều này!

6. Ta sẽ không yêu cầu con nuôi dưỡng ta trong nửa đời sau, và tương tự, nửa đời sau của con thì con phải tự lo lấy. Khi con trưởng thành và có thể tự lập, trách nhiệm của ta sẽ kết thúc. Trong tương lai, dù con phải đi xe buýt hay lái chiếc Mercedes, ăn vi cá hay là mì sợi, con đều phải tự chịu trách nhiệm cho chính mình.

7. Con có thể yêu cầu bản thân mình giữ chữ tín, nhưng không thể yêu cầu người khác cũng làm như vậy. Con có thể yêu cầu bản thân mình đối xử tốt với người khác, nhưng không thể mong đợi họ cũng sẽ đối xử tốt với con. Cách con đối đãi với người khác không đồng nghĩa với cách họ sẽ đối đãi con. Nếu con không nhìn thấu điều này, chỉ sẽ tạo thêm phiền toái không cần thiết cho con.

8. Ta đã mua vé số trong 26 năm nhưng vẫn mãi nghèo trắng tay, ngay cả giải 3 cũng không trúng. Điều này chứng tỏ, muốn phát đạt cần phải nỗ lực làm việc. Thế gian không có bữa ăn trưa miễn phí.

9. Duyên phận thân nhân chỉ có một đời, cho dù chúng ta sống cùng nhau trong cuộc đời này bao lâu, con hãy trân trọng quãng thời gian mà cha con ta cùng nhau chung sống. Trong kiếp sau, dù cha con ta có yêu thương nhau đến mấy, chúng ta cũng không thể gặp lại nhau nữa.

Trên thế gian có rất nhiều điều đáng để chúng ta yêu thương, nhưng con người lại chỉ có một vài thứ quan trọng, và cha mẹ nên đứng đầu danh sách đó.

Có người nói: “Cha mẹ là một bức tường vững chắc đứng giữa chúng ta và Thần chết.”

Khi cha mẹ còn sống, chúng ta còn có cội nguồn của riêng mình, nhưng khi cha mẹ ra đi, chúng ta mới cảm nhận được cuộc đời thật mong manh, cuộc sống thật trống rỗng.

“Cây muốn lặng mà gió chẳng ngừngcon muốn phụng dưỡng mà cha mẹ không còn”, đừng đợi đến lúc cha mẹ lìa xa mới nghĩ đến chữ hiếu.

Cha mẹ không mong muốn gì nhiều, từ nay trở đi hãy kiên nhẫn hơn, dành thời gian ở bên cha mẹ nhiều hơn.

Hãy thường xuyên về thăm nhà, trò chuyện cùng cha mẹ, dù kiếp sau có yêu thương đến mấy cũng không thể gặp lại nhau!

Lan Chi biên dịch

Nguồn: Aboluowang (Triệu Lệ)