Thứ Ba, 7 tháng 1, 2014

GANDHI NÓI VỀ ĐỨC PHẬT

                                                                       GANDHI NÓI VỀ ĐỨC PHẬT
     Mohandas Karamchand Gandhi
              [1869-1948]
     Thường được tôn kính là Mahatma tức đại hồn hoặc thánh Gandhi.
    “Những thế hệ tương lai sẽ khó tin rằng có một con người như thế đã từng bước đi trên trái đất này bằng thịt xương máu mủ” .
                                                          Albert Einstein
   Tôi không ngần ngại tuyên bố rằng tôi mắc nợ rất nhiều cho niềm hứng khởi mà tôi đã rút ra được từ đời sống của đấng Giác Ngộ. Quan niệm trí tuệ không làm tôi thỏa mãn… Ngài là một đức Phật cầu nguyện. Hãy nhìn xem những pho tượng về Ngài. Đạo Phật là một bài cầu nguyện dài.
   Theo ý tôi, lời dạy của đức Phật Gautama (Cồ Đàm) không phải là một tôn giáo mới. Trong chừng mực mà tôi có thể nghiên cứu những giáo huấn cao cả đó, tôi đã đi đến kết luận, và kết luận đó tôi đã đạt được trước đây rất lâu, rằng Cồ Đàm là một trong những nhà cải cách lớn nhất của đạo Hindu, và Ngài đã để lại cho nhân dân đương thời của Ngài và cho những thế hệ tương lai một dấu ấn không thể phai mờ của sự cải cách đó.
   Trong văn hóa Hindu, tôi xin mạn phép đưa ra, văn hóa Phật giáo thiết yếu được bao gồm trong đó, bởi lí do đơn giản rằng chính đức Phật là một người Ấn Độ, không chỉ là một người Ấn Độ, mà còn là một người theo đạo Hindu giữa những tín đồ Hindu. Tôi chưa bao giờ thấy bất cứ điều gì trong đời đức Cồ Đàm củng cố cho niềm tin rằng Ngài đã từ bỏ đạo Hindu và theo một tín ngưỡng mới.
   Ý kiến có suy nghĩ chín chắn của tôi là phần thiết yếu trong giáo lí của đức Phật ngày nay hình thành một phần trọn vẹn trong đạo Hindu. Nước Ấn Độ theo đạo Hindu bây giờ không thể đi lại những bước chân của mình và lùi lại sau cuộc cách mạng lớn mà đức Cồ Đàm đã thực hiện trong đạo Hindu. Bằng sự hi sinh bao la của Ngài, bằng sự từ bỏ vĩ đại của Ngài, và bằng sự tinh khiết không bợn nhơ của cuộc đời mình, Ngài đã để lại một dấu ấn không thể phai mờ trong đạo Hindu, và đạo Hindu mang một món nợ tri ân vĩnh hằng đối với bậc Đại Đạo Sư đó.
   Ý kiến đinh ninh của tôi là đạo Phật hoặc nói đúng hơn sự giáo huấn của đức Phật đã tìm thấy kết quả tròn đầy ở Ấn Độ. Ngài chan chứa những thứ tinh hoa trong đạo Hindu, và Ngài làm sống lại một số những giáo lý đã bị chôn vùi trong kinh Vệ đà (Veda), đã bị cỏ dại mọc khuất lấp. Tinh thần đạo Hindu vĩ đại của Ngài cắt xuyên qua rừng rậm từ ngữ, những từ ngữ vô nghĩa, đã che phủ chân lý vàng ròng vốn nằm trong kinh Vệ đà. Ngài làm cho một số những từ ngữ trong kinh Vệ đà mang lại một ý nghĩa mà những người cùng thời với Ngài đã hoàn toàn lãng quên và Ngài tìm được ở Ấn Độ mảnh đất phù hợp nhất. Và bất cứ nơi nào Ngài tới, Ngài đều được những người thuộc đạo Hindu, những người bản thân thấm nhuần giáo luật Vệ đà đi theo và bao quanh chứ không phải là những người không thuộc đạo Hindu.
   Những lời dạy của đức Phật, giống như tâm của Ngài, mở rộng khắp và ôm choàng lấy tất cả, vì vậy mà nó đã tồn tại sau thân xác của Ngài và lan khắp trên địa cầu… Đức Phật chẳng bao giờ từ bỏ đạo Hindu, mà Ngài mở rộng nền tảng của nó, Ngài ban cho nó một đời sống mới và một sự thông giải mới.
   Tôi đã nghe tranh chấp rất nhiều lần và tôi đã đọc trong những sách tự nhận là biểu lộ tinh thần của đạo Phật, rằng đức Phật không tin vào thượng đế. Trong ý kiến khiêm tốn của tôi, một niềm tin như thế mâu thuẫn với sự kiện quả là trung tâm giáo lý của đức Phật. Sự hoang mang đã dấy lên từ việc Ngài bác bỏ, và bác bỏ một cách chính đáng, những điều thấp hèn mà trong thế hệ của Ngài được thông qua dưới tên của thượng đế. Không hồ nghi gì, Ngài bác bỏ quan niệm rằng một hữu thể gọi là thượng đế có thể hoạt động bằng ác ý, có thể sám hối về hành vi của mình, cũng giống như các vua chúa trên trái đất có thể mở lòng ra với các cám dỗ, hối lộ và có thể có những ưa chuộng riêng.
   Những luật của thượng đế là vĩnh hằng, không thể biến cải và không thể tách lìa với tự thân thượng đế. Đó là điều kiện không thể thiếu cho chính sự toàn hảo của Ngài. Vì vậy mà có sự hoang mang lớn về việc đức Phật không tin vào thượng đế và chỉ tin vào luật đạo đức.
   Vì sự hoang mang về tự thân thượng đế này mà nảy sinh sự hoang mang về cách hiểu chính đáng từ ngữ lớn lao là niết bàn (Nirvana). Niết bàn, không hồ nghi gì, đó chẳng phải là sự hủy diệt hoàn toàn. Trong chừng mực tôi hiểu được sự kiện trung tâm về cuộc đời đức Phật, niết bàn là sự hủy diệt hoàn toàn tất cả những gì thấp hèn trong chúng ta, tất cả những gì xấu xa trong chúng ta, tất cả những gì hủ bại và có thể hủ bại trong chúng ta. Niết bàn không giống như cái hòa bình chết chóc đen ngòm của nấm mồ, mà là cái hòa bình sống động, cái hạnh phúc sống động của một linh hồn tự thức và ý thức được việc đã tìm được nơi an trú cho chính mình trong tâm của cái vĩnh hằng.
   Sự đóng góp của đức Phật cho loài người rất là lớn lao ở việc Ngài phục hồi thượng đế vào vị trí vĩnh hằng của Ngài. Nhưng theo ý kiến của tôi, đóng góp còn lớn lao hơn nữa của đức Phật cho loài người là việc Ngài yêu cầu coi trọng toàn thể đời sống, dù có thấp hèn đến đâu.  
   Toàn thể tâm linh Ngài bừng lên chống đối với tín ngưỡng cho rằng một hữu thể gọi là thượng đế đòi hỏi thỏa mãn bằng máu tươi của động vật để Ngài có thể hài lòng, những động vật do chính Ngài tạo ra.
   Điều duy nhất mà đức Phật phô bày cho Ấn Độ là thượng đế không phải là một thượng đế có thể xoa dịu bằng cách hiến tế những con vật vô tội. Ngược lại, Ngài chủ trương những kẻ nào hiến tế thú vật với hi vọng làm đẹp lòng thượng đế là mắc một tội kép.
   Tôi sẵn sàng tuyên bố chống lại toàn thể người dân nước Ấn Độ theo đạo Hindu, làm như thế là sai trái, là tội lỗi, là tội ác khi hi sinh một con vật duy nhất với mục đích kiếm được bất cứ mục tiêu gì, hoặc vì ý đồ chuộc tội với thượng đế.
    Quý vị sẽ thấy rằng khi đức Đạo Sư nói: “Ta không cấm quý vị ăn thịt”, Ngài đang giảng cho những người dân, nói theo thuật ngữ Kitô giáo, bị cứng lòng. Chính vì Ngài muốn tránh chạm đến sự yếu đuối của họ mà Ngài cho phép họ ăn thịt, chứ không phải vì Ngài không hiểu tính luận lý trong lời dạy của chính Ngài. Nếu như có một vị thầy nào trên thế giới tha thiết với quy luật nghiêm khắc về nhân và quả, thì đó là đức Cồ Đàm.
    Đức Cồ Đàm dạy thế gian đối xử bình đẳng ngay cả với những sinh linh thấp bé nhất như với chính mình. Ngài chủ trương đời sống của những sinh vật bò, bay, máy, cựa trên trái đất cũng quý giá như chính đời sống của Ngài. Thật là kiêu mạn khi nói rằng con người là chúa tể và là chủ nhân của các tạo vật thấp kém hơn. Ngược lại, được phú bẩm cho những điều lớn hơn trong đời sống, con người là kẻ được giao phó chăm lo cho thế giới động vật thấp kém hơn. Và vị hiền nhân vĩ đại đã sống với chân lí ấy trong chính cuộc đời của Ngài. Khi tôi còn thiếu niên, tôi có đọc một đoạn văn trong cuốn Light of Asia (Ánh sáng châu Á) [tác giả là Edwin Arnold, thi hóa đời sống đức Phật, năm 1879], mô tả việc đức Thầy khoác con chiên lên vai đối diện với những vị bà la môn ngạo mạn và ngu dốt cứ ngỡ rằng bằng cách hiến tế máu của những con chiên vô tội này là họ làm đẹp lòng thượng đế. Và đức Phật đã thách thức họ hiến tế duy nhất một người nào trong bọn họ. Chính sự hiện diện của Ngài làm mềm lòng những trái tim cứng như đá của đám người bà la môn. Họ nhìn lên đức Phật, họ liệng những con dao chết chóc của họ đi và mọi con vật kia được cứu thoát.
   Đức Phật nói, nếu quý vị muốn làm bất cứ hiến tế nào, thì hãy hiến tế chính bản thân mình, lòng tham dục của mình, tất cả những ham muốn vật chất, tất cả những ham muốn thế gian. Đó sẽ là một sự hiến tế làm ta trở thành cao quý.
   Đường lối của Ngài là chính đạo, chính ngữ, chính tư duy, và chính hạnh. Ngài cho chúng ta luật từ bi không bị hạ thấp. Và như Ngài xác định phạm vi của luật này, vượt khỏi loài người. Tấm lòng từ ái của Ngài vô hạn, đi tới cả những loài vật thấp hèn nhất, tới đời sống hèn mọn nhất cũng giống như tới loài người. Và Ngài nhấn mạnh về sự tịnh khiết của đời sống.
   Một điều khác mà đức Cồ Đàm dạy là tất cả giai cấp thế tục theo nghĩa vào thời Ngài hay theo nghĩa ngày hôm nay, là hoàn toàn sai trái. Tức là nói rằng, Ngài hủy bỏ mọi sự phân biệt về thượng đẳng và hạ đẳng đã ăn sâu vào ruột gan của đạo Hindu. Nhưng Ngài không hủy bỏ Varnashramadharma [quy luật cư xử của người theo đạo Hindu, tuỳ theo địa vị lúc sinh ra đời, trong đó varna tức sắc tướng; ashrama tức giai đoạn trong đời hay; và dharma tức đạo pháp, cả từ này có nghĩa là đạo pháp cư xử theo trật tự xã hội lý tưởng] - Varna dharma không phải là giai cấp thế tục, gọi tắt là thế cấp. Tôi chủ trương rằng không có gì chung giữa thế cấp và Varna. Trong khi Varna đem lại đời sống thì thế cấp hủy diệt nó và tiện dân (paria) tức những kẻ không ai được đụng chạm tới (untouchable) là biểu hiện đáng khinh thường nhất của thế cấp. Vì vậy, các bạn phải trục xuất ý nghĩ không được chạm tới này khỏi chung quanh bạn. Tôi mong mỏi các bạn sẽ đi đúng những bước này để công bố rằng mọi người đều tuyệt đối bình đẳng với tất cả những người còn lại. Bạn đang chối bỏ đạo Phật, bạn đang chối bỏ nhân tính, chừng nào bạn còn coi một người độc nhất là một người không thể chạm tới.  
    Tôi xin mạn phép đề nghị với các bạn là việc học hỏi của các bạn về đạo Phật còn chưa trọn vẹn trừ khi các bạn học hỏi những nguồn gốc nguyên thủy mà đức Thầy đã rút ra hứng khởi, tức là, trừ khi bạn học chữ Sanskrit  và các kinh điển viết bằng chữ Sanskrit. Nhưng bổn phận của các bạn, nếu các bạn muốn hiểu tinh thần của đức Phật chứ không phải con chữ của đạo Phật, không chấm dứt ở đó. Sự học hỏi đó có những điều kiện mà tôi xin mô tả cho các bạn. Những điều kiện đó là một người đàn ông hoặc một người đàn bà tiếp cận việc học hỏi một tôn giáo thì việc đầu tiên là phải tuân thủ năm giới răn (yama). Đó là năm quy luật tự kiềm chế tôi xin nhắc lại: thứ nhất là brahmacharya, sự tịnh khiết; thứ hai là satya, sự thật; thứ ba là ahimsa, tuyệt đối vô hại, không làm thương tổn đến cả một con ruồi; điều kiện kế tiếp là asteya, không trộm cắp, không phải chỉ hiểu theo nghĩa thông thường, mà ngay cả khi bạn chiếm hữu hoặc đưa con mắt tham lam lên bất cứ thứ gì không phải của riêng mình, thì điều đó cũng trở thành trộm cắp. Cuối cùng là aparigraha tức là không muốn chiếm hữu sự giàu sang thế gian hoặc những thứ khác; một người muốn như thế không thực sự thích nghi để hiểu tinh thần của đức Phật.
    Không cần thiết cho tôi việc giải thích về một người dân đã cảm hứng với tinh thần đời sống đức Phật, rằng cuộc sống không phải là một chùm sự hưởng lạc, mà là một chùm bổn phận. Điểm tách biệt con người khỏi loài thú thiết yếu là ở việc con người nhìn nhận sự cần thiết phải đặt ra một chuỗi những giới răn cho việc hưởng thụ thế gian.
   Chớ bị hoa mắt bởi sự huy hoàng đến với các bạn từ phương Tây. Đừng bị ngã ngửa vì màn phô bày phù du này. Đấng Giác Ngộ đã nói với các bạn bằng những lời không bao giờ có thể quên được, rằng tuổi thọ của đời này chỉ là một cái bóng thoáng qua, một thứ chóng tàn, và nếu bạn có thể nhận thức được tính chất hư vô của tất cả những gì xuất hiện trước mắt bạn, thì tính không của trường hợp vật chất mà bạn thấy phía trước chúng ta luôn luôn là vô thường. Khi đó sẽ có những kho báu cho bạn ở bên trên, và hòa bình cho bạn ở dưới này, hòa bình vượt khỏi mọi hiểu biết và hạnh phúc mà chúng ta là những kẻ hoàn toàn xa lạ. Nó cần một niềm tin rất đỗi ngạc nhiên, một niềm tin thiêng liêng, và sự buông bỏ tất cả những thứ chúng ta thấy phía trước chúng ta.
   Những gì đức Phật đã làm, đức Kitô đã làm, và cả đức Mahomed đã làm? Đời họ là những cuộc đời hi sinh tự thân và buông bỏ. Đức Phật đã buông bỏ mọi hạnh phúc thế tục vì Ngài muốn san sẻ với toàn thế giới niềm hạnh phúc của Ngài, cũng là của những ai hi sinh và chịu đựng để kiếm tìm chân lý.
   Nếu một điều tốt là leo lên đỉnh núi Himalaya hi sinh những cuộc sống quý giá để có thể lên đến đó và làm một số điều tuân thủ nhỏ nhoi, nếu một điều vinh quang là từ bỏ kiếp này đến kiếp khác để cắm một ngọn cờ trên những đỉnh xa nhất của trái đất, thì còn vinh quang đến đâu nếu cho không phải là một cuộc đời, buông bỏ không phải một triệu cuộc đời mà là một tỉ cuộc đời để đi tìm kiếm chân lý có hiệu lực và không thể hư hoại? Vậy, đừng bị nghiêng ngả, đừng bị cuốn xa khỏi sự đơn sơ của tổ tiên các bạn. Một thời đang tới khi những ai đang điên cuồng rượt đuổi ngày hôm nay để nhân lên gấp bội các ham muốn của họ, suy nghĩ một cách vô bổ rằng họ làm tăng thêm bản chất có thật, hiểu biết có thật về thế giới, rồi sẽ lui bước và nói rằng chúng ta đã làm chi vậy? Các nền văn minh đã đến rồi đi và mặc dù tất cả sự tiến bộ được khoa trương của chúng ta, tôi muốn xin lập lại nhiều lần câu hỏi: “Với mục đích gì?”
   Những người làm tốt khi có đức Phật là đạo sư sẽ làm tốt để thăm dò những khả tính vô giới hạn của sự bất bạo động (ahimsa). Nó vô cùng lớn lao so với những châu ngọc và hột xoàn mà người ta hết sức quý báu. Nếu bạn sử dụng sự bất bạo động một cách khôn ngoan, nó có thể trở thành sự cứu giúp chính bạn và cứu giúp loài người.
   Bất bạo động là một sức mạnh vô cùng năng động khi được hiểu và sử dụng đúng đắn. Hoạt động của một con người bạo động thì nhìn rõ nhất, trong lúc nó thể hiện. Nhưng nó luôn luôn là thoáng qua, cũng thoáng qua như những sự chém giết của Thành Cát Tư Hãn. Nhưng những hiệu quả của hành động bất bạo động của đức Phật còn lại mãi và hẳn là sẽ tăng trưởng cùng với thời gian. Hành động bất bạo động càng được thực hành thì càng mang lại hiệu quả và càng không thể cạn kiệt; rốt cuộc cả thế giới sẽ đứng sững sờ và la lên: “một phép mầu đã xảy ra.”
   Châu Á có một thông điệp cho toàn thế giới, chỉ cần sống đúng với thông điệp đó. Có dấu ấn của ảnh hưởng Phật giáo trên toàn thể châu Á, bao gồm Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản, Miến Điện, Sri Lanka, và các nước Mã Lai. Để châu Á không phải hiện hữu chỉ cho châu Á mà cho toàn thế giới, thì châu Á cần phải học lại thông điệp của đức Phật và trao truyền thông điệp ấy cho toàn thế giới.
                                   The Way of the Buddha(Con đường của đức Phật)
                              Cục Xuất bản, Bộ Thông tin và Truyền bá, Chính phủ Ấn Độ
                                                                       Nguyễn Tiến Văn dịch

Không có nhận xét nào: