Trần
Nhân Tông (1258-1308), là một vị vua anh minh, một vị anh hùng dân tộc, một nhà
tư tưởng, một vị tổ, một Đức Phật sống, một nhà văn hóa, một nhà văn lớn đời
Trần.
Trong lĩnh vực thơ văn, ông có nhiều bài
thơ đạt đến trình độ kiệt tác, mà Thiên Trường vãn vọng (Buổi chiều ở Thiên
Trường nhìn ra xa); Nguyệt (Trăng) là những ví dụ tiêu biểu. Bài thơ Thiên
Trường vãn vọng với bút pháp vừa thực vừa hư, vừa tĩnh vừa động đã giúp cho
người đọc vừa hiểu được cái cụ thể, lại vừa cảm nhận sâu xa hơn cái cụ thể.
Trong khung cảnh trời chiều nơi hành cung Thiên Trường, nhà vua - thiền sư nhìn
ra xa thấy cảnh quê hương với đồng ruộng, xóm thôn yên ả thanh bình. Trên con
đường làng, chú mục đồng ngồi vắt vẻo trên lưng trâu đang thổi sáo dẫn trâu về
chuồng; dưới cánh đồng, có đôi cò trắng bay song song đáp xuống. Tác giả tự hỏi
những thôn xóm trong màn sương mờ ảo kia là có hay không? Cuối cùng là cái
không lời tan biến vào cõi hư không tịch mịch trong buổi chiều tàn. Bài thơ đạt
đến mức “thi trung hữu họa” được viết dưới ánh sáng của Mỹ học Thiền tông, bởi
trạng thái chập chờn giữa hư và thực; giữa tĩnh với động; giữa hữu và vô. Còn
bài thơ Nguyệt như thi đề cho biết sẽ tả cảnh trăng, nhưng ba câu đầu không nói
về trăng, mà là cảnh đêm tịch tĩnh. Chỉ có giọt sương rơi khẽ khàng trước sân
cùng âm thanh của tiếng chày đập vải vang lên từ nơi nào, như là tiếng đồng
vọng, âm hưởng trong đêm. Đây là cảnh thực. Đến câu cuối cảnh trăng mới xuất
hiện, vừa thực lại vừa hư, tạo nên vẻ đẹp bừng sáng lung linh bởi ánh trăng hội
tụ trên chùm hoa mộc tê vừa hé nở: Mộc tê hoa thượng nguyệt lai sơ (Trên chùm
hoa mộc nguyệt lồng gương). Nhưng rất tiếc, đây không phải là những thi phẩm
viết về mùa xuân. Mười lăm bài thơ trang nhã, diễm lệ trực tiếp tả cảnh mùa
xuân bộc lộ tình xuân như: Xuân nhật yết Chiêu Lăng; Xuân hiểu; Xuân cảnh; Xuân
vãn; Mai; Tảo mai; Quỹ Trương Hiển Khanh xuân bính; Nhị nguyệt thập nhất dạ;
hoặc gián tiếp vì có nhắc đến ý xuân, cảnh xuân, cảm xuân dù chỉ là bất chợt
thoáng qua như: Khuê oán; Đăng Bảo Đài sơn; Động Thiên hồ thượng; Thiên Trường
phủ; Sơn phòng mạn hứng; Đề Cổ Châu hương thôn tự; Tống Bắc sứ Lý Trọng Tân,
Tiêu Phương Nhai. (Để không phải chú thích dưới các trích dẫn, tất cả những thi
phẩm nguyên tác và bản dịch được trích trong bài viết này, chúng tôi rút từ Thơ
văn Lý - Trần, tập 2, quyển thượng, do Nguyễn Huệ Chi chủ biên, NXB Khoa học Xã
hội, Hà Nội, 1989 từ trang 451 đến trang 472)……..Còn bài Xuân cảnh có lẽ được viết khi Trần Nhân Tông đã nhường ngôi cho con là Trần Thuyên - Trần Anh Tông (1293 - 1314) để lên núi Yên Tử tu Thiền và sáng lập Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử. Bài thơ thất ngôn tứ tuyệt tả cảnh mùa xuân nơi am thanh chiều vắng, có hoa dương liễu trổ dày, có tiếng chim kêu nhẩn nha chậm rãi; trên bầu trời thì có áng mây chiều đang lướt bay nhẹ nhàng. Trong cảnh tịch tĩnh yên ắng ấy, có vị khách đến thăm, chẳng hỏi chuyện nhân gian, thế sự, cũng không tham vấn về Thiền mà chỉ đứng tựa lan can bên thềm hoa cùng với Thiền sư nhìn ngắm màu xanh nhạt nhòa mờ mịt ở nơi chân trời xa. Cảnh hiện thực trong buổi tà dương đến đây đã biến thành tâm cảnh. Chủ và khách cùng im lặng. Cảnh vật và lòng người như hòa làm một. Chủ cũng thế mà khách cũng thế. Cái vô ngôn ở cuối bài thơ như thể hiện ý vị Thiền đạo, đạt đến chỗ giải thoát:
Xuân cảnh
(Cảnh mùa xuân)
Dương liễu hoa thâm điểu ngữ trì,
Họa đường thiềm ảnh, mộ vân phi.
Khách lai bất vấn nhân gian sự,
Cộng ỷ lan can khán thuý vi.
(Chim nhẩn nha kêu, liễu trổ dày,
Thềm hoa chiều rợp, bóng mây bay.
Khách vào chẳng hỏi chuyện nhân thế,
Cùng tựa lan can ngắm núi mây).
Nguồn http://khoavanhoc-ngonngu.edu.vn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét