Nước chiếm 70% cơ thể người. Hầu hết chúng tập trung tại não, tim, phổi, cơ, da. Trong xương cũng có đến 30% là nước. Mất nước có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm như mắc bệnh tim mạch vành, béo phì, bệnh đái tháo đường tuýp 2…
70% cơ thể là nước
Nước chiếm tới 70% trọng lượng cơ thể người trưởng thành. Hầu hết chúng tập trung tại não, tim, phổi, cơ, da và ngay cả ở xương cũng có đến 30% là nước. Nước còn có rất nhiều vai trò quan trọng trong điều chỉnh thân nhiệt, vận chuyển dinh dưỡng trong cơ thể, đào thải chất thải, hình thành nước bọt, bôi trơn các khớp, đồng thời đóng vai trò như một lớp bảo vệ các tạng quan trọng của bào thai đang phát triển khỏi những tác nhân cơ học.
Chẳng còn gì phải bàn cãi về sự thiết yếu của nước đối với sức khỏe con người. Vậy, con số khoa học cụ thể về lượng nước cần uống trong một ngày là bao nhiều?
Có thể bạn đã từng đọc được rằng ta nên uống 8 cốc nước x 8 ounce (237 ml nước) mỗi ngày. Tức là 64 ounce, tương đương với 1,9 lít nước mỗi ngày. Đó là một câu trả lời không hẳn là đúng!
Mặc dù con số này quả là dễ nhớ, nhưng theo một nghiên cứu vào năm 2002, đây là con số không hề có căn cứ khoa học nào. Theo nhiều nghiên cứu thực tế, con số này thực chất lớn hơn nhiều so với lượng nước uống thực sự cần thiết trong một ngày, đối với một người trưởng thành khỏe mạnh.
Sai lầm của câu trả lời này nằm ở chỗ cơ thể có rất nhiều cách khác để hấp thu nước ngoài việc uống trực tiếp.
Ví dụ điển hình là thức ăn. Bất kể loại thức ăn nào bạn ăn cũng đều có nước. Đặc biệt, trái cây tươi và rau củ chứa rất nhiều nước. Có thể kể đến như dưa hấu, dâu tây, với 90% trọng lượng là nước. Mỗi chế độ ăn khác nhau lại có lượng nước hấp thu khác nhau. Theo một báo cáo của Học viện Khoa học Quốc gia Hoa Kỳ vào năm 2004, trung bình người dân Bắc Mỹ hấp thu khoảng 20% nước qua thức ăn hằng ngày.
Nguồn nước quan trọng khác mà quy tắc 8 x 8 không tính đến đó là những loại đồ uống không phải nước. Các loại đồ uống không chứa cồn như cà phê, trà, sữa, nước hoa quả, hay soda đều bao gồm hầu hết là nước và đều được hydrat hóa trong cơ thể bạn. Cà phê, thực chất cũng không làm mất nước như những lời đồn đại, mà nó chính là một dạng nước phù hợp cho cơ thể. Nhưng bạn nên cân nhắc tới những tác dụng không mong muốn khi uống quá nhiều cà phê như đau đầu và rối loạn giấc ngủ.
Vậy, sau khi tổng hợp lượng nước từ uống nước trực tiếp, từ thức ăn, từ các loại đồ uống khác, đâu là câu trả lời cụ thể? Không có một con số cụ thể nào cả. Bởi vì lượng nước đó còn phụ thuộc vào độ tuổi, cân nặng, tần suất vận động, tình trạng cơ thể và môi trường sống của mỗi người. Bạn đổ càng nhiều mồ hôi thì lượng nước cần bù lại càng nhiều. Một người lao động nặng trong môi trường nóng bức đương nhiên sẽ cần uống nhiều nước hơn một người có cùng cân nặng, cùng chiều cao nhưng lại làm việc trong văn phòng có điều hòa.
Đa số người khỏe mạnh đáp ứng đủ nhu cầu hấp thu nước của họ dựa vào cảm giác khát nước. Cơ thể của bạn sẽ tự “báo động” bằng cảm giác khát khi lượng nước trong cơ thể giảm xuống. Và đương nhiên, liều thuốc tốt nhất vẫn là uống nước. Ngoài ra, màu nước tiểu cũng phản ánh lượng nước trong cơ thể bạn. Nước tiểu sẽ vàng đậm hoặc da cam khi cơ thể thiếu nước, và vàng nhạt hoặc không màu khi cơ thể đủ nước.
Tóm lại, lời khuyên tốt nhất cho bạn là: hãy uống nước khi cảm thấy khát và hãy bù nước khi đổ nhiều mồ hôi.
Những dấu hiệu cho thấy cơ thể bạn đang bị thiếu nước trầm trọng
1. Khô miệng
Nghe có vẻ hiển nhiên, nhưng những hành động kéo theo sau đó thì không. Tất nhiên, khi cảm giác miệng bị khô, bạn sẽ đi kiếm thứ gì đó để uống. Khi đó, những đồ uống có đường là giải pháp chữa cháy tạm thời nhưng sẽ mang lại cả một núi vấn đề. Còn nước lọc sẽ giúp bôi trơn niêm mạc trong miệng, cổ họng và sẽ khiến cho bạn thấy đỡ khô miệng ngay sau hớp đầu tiên.
2. Khô da
Da là cơ quan có diện tích lớn nhất cơ thể, do đó nó luôn cần được giữ ẩm. Trên thực tế, khô da là một trong những dấu hiệu sớm nhất của việc bị thiếu nước, kéo theo sau đó nhiều vấn đề khác. Thiếu nước sẽ dẫn đến thiếu mồ hôi, sẽ làm cơ thể mất khả năng tự làm sạch hàng ngày. Nếu bạn muốn ngăn chặn mụn trên da, hãy nhớ uống thêm nước nhé!
3. Cảm thấy khát kinh khủng
Chúng ta đã nói tới khô miệng vì khát, nhưng chắc bạn chưa biết tới cái cảm giác “khát khô cổ” là khi lượng nước trong cơ thể thấp tới mức báo động. Hãy hỏi người đã từng bị say rượu, họ sẽ nói cho bạn biệt về cảm giác ấy. Uống rượu làm toàn bộ cơ thể bị mất nước, và cơ thể liên tục phát tín hiệu tới não rằng “thêm nước, thêm nước nữa cho tôi!” cho tới khi nào bạn bổ sung được một lượng lớn nước đủ để cân bằng lại mọi thứ. Hãy lắng nghe cơ thể, nó luôn luôn biết nó cần gì.
4. Khô mắt
Đọc tới đây chắc bạn đã hiểu uống nước có tác dụng thế nào đối với miệng và cổ họng rồi. Ngoài ra, thiếu nước sẽ dẫn đến việc bị khô mắt, đỏ mắt (hãy nhớ xem mắt người say rượu thế nào). Không có nước, tuyến lệ sẽ bị khô. Thử nghĩ “Sẽ thế nào nếu bạn không thể khóc?” thì bạn sẽ thấy được tác hại của thiếu nước đến mắt, đặc biệt là đối với những ai đeo kính áp tròng hàng ngày thì việc cung cấp đủ nước cho cơ thể sẽ giúp mắt bạn cảm thấy dễ chịu hơn rất rất nhiều.
5. Đau khớp
Nếu bạn biết, sụn và các đĩa khớp có cấu tạo 80% là nước. Các bộ phận này cần được bổ sung nước thường xuyên để các khớp có thể chuyển động một cách trơn tru. Bằng cách giữ cho cơ thể đủ luôn nước, chắc chắn các khớp xương sẽ đủ khỏe để xử lý các chấn động khi chạy nhảy thậm chí là ngã.
6. Giảm thể tích các cơ
Nước chiếm phần lớn trong thành phần cấu tạo của các bó cơ. Hiển nhiên, thiếu nước gây giảm khối lượng và thể tích các bó cơ. Uống nước trước, trong và sau khi tập thể dục sẽ giúp cơ thể cảm thấy thoải mái, nói theo một cách khoa học thì nước sẽ đi tới mọi nơi trong cơ thể và giảm nguy cơ hình thành các khu viêm nhiễm hay đau nhức liên quan tới việc tập luyện.
7. Mệt mỏi kéo dài
Uống nước giúp cơ thể thải độc. Các tế bào trong cơ thể làm việc và thải các chất cặn bã như những cái máy, nếu những cái máy này không được bôi trơn bằng nước, tất nhiên chúng sẽ không thể hoạt động trơn tru được. Hãy nghĩ xem sẽ thế nào khi cái-cơ-thể-thiếu-nước của bạn phải bắt đầu lấy nước từ những nơi khác để làm việc như máu chẳng hạn, sẽ rắc rối to đấy!
8. Gật gù buồn ngủ
Khi không đủ nước, cơ thể sẽ “mượn” nước từ máu. Khi đó, máu không đủ độ nhớt để có thể vận chuyển oxy đi khắp cơ thể. Tất nhiên, thiếu oxy sẽ khiến bạn thấy buồn ngủ và mệt mỏi. Không còn khả năng chịu đựng và bạn sẽ cảm thấy muốn ngủ ngay từ lúc 2h chiều rồi sẽ sớm hơn, cứ thế sớm hơn nữa. Cafe ư? Cafe không thể giúp bạn thức cả ngày được!
9. Luôn thấy đói
Khi thiếu nước, cơ thể sẽ nghĩ đến việc bổ sung đồ ăn. Điều này xảy ra cả ngày, thậm chí cả đêm làm bạn đang ngủ phải bật dậy và đi kiếm cái gì đó bỏ bụng. Nhưng dù sao thì ăn sẽ làm cho cơ thể phải làm việc, và bộ máy này cần có nước nhằm bôi trơn các chi tiết để hoạt động mà không xảy ra lỗi lầm gì.
10. Cảm thấy hệ tiêu hóa có vấn đề
Chúng ta đã nói về niêm mạc trong miệng và cổ họng, và việc bổ sung nước giữ ẩm cho các màng nhầy này. Niêm mạc, màng nhầy trong toàn bộ hệ tiêu hóa cũng như vậy. Không đủ nước, các màng nhầy trong hệ tiêu hóa sẽ yếu đi, làm cho acid trong dạ dày có thể tấn công vào các cơ quan. Trào ngược và khó tiêu chính là dấu hiệu của dư thừa acid dạ dày!
11. Cảm thấy già trước tuổi
Lượng nước trong cơ thể sẽ tự nhiên giảm dần khi lớn tuổi. Do vậy, càng có tuổi, càng phải uống nhiều nước. Hiện tượng lão hóa sớm xảy ra bên ngoài, tuy nhiên sự tàn phá phía bên trong cơ thể thì vô cùng tệ hại. Để giảm nguy cơ này, việc uống nước thực sự là quan trọng.
Chúc Di (t/h)