Truyền thuyết kể rằng, Thái Sơn vốn là đồ đệ của tổ sư nghề mộc Lỗ Ban. Ngay từ nhỏ ông đã thông minh lanh lợi, thích dùng cây trúc và bùn làm thành đủ loại kiểu dáng đồ chơi, đến khi hơn 10 tuổi, cha ông đã gửi ông đến chỗ thầy Lỗ Ban để học nghề mộc.
Trong lúc Thái Sơn học nghề, luôn chạy quanh sư phụ hỏi han, Lỗ Ban thấy ông rất có tâm cầu tiến thì hết sức hài lòng, liền tự mình cầm tay chỉ việc.
Tuy nhiên, sau một khoảng thời gian, Lỗ Ban phát hiện Thái Sơn không chuyên tâm học tập, cứ khi nào rảnh lại thường một mình chui vào rừng trúc dạo chơi, mỗi lần đi là hết cả nửa ngày. Bởi vậy, Lỗ Ban dần dần không còn quý mến Thái Sơn nữa, ngay cả nghề cũng không thường truyền dạy nữa.
Đến cuối năm, Lỗ Ban cho gọi các đệ tử đến để khảo thí, ông yêu cầu mỗi người phải làm một cái bàn. Những sư huynh sư đệ cùng học nghệ với Thái Sơn đều làm được rất khá, duy chỉ có Thái Sơn là đổ lên đổ xuống.
Lỗ Ban thấy vậy rất tức giận, liền hỏi: “Ngươi học nghề đã một năm rồi, mà ngay cả làm một cái bàn cũng không làm nổi sao?”
Thái Sơn xấu hổ đỏ mặt, cúi đầu không nói một câu. Lỗ Ban càng tức giận, nói: “Ta đã dạy không ít đồ đệ, nhưng chưa có ai giống như ngươi vậy. Từ nay ngươi hãy trở về nhà đi, ta không có kiểu đồ đệ như vậy”.
Bất kể Thái Sơn cầu xin như thế nào, Lỗ Ban vẫn cương quyết không thay đổi quyết định.
Thời gian trôi qua rất nhanh, thoáng cái đã hơn 10 năm trôi qua. Có một ngày, Lỗ Ban đến Hàng Châu du ngoạn, thì phát hiện có một cửa hàng mà người tới mua đông nghẹt.
Lỗ Ban rất ngạc nhiên, liền đi vào trong nhìn một cái, chỉ thấy trong tiệm bày bán đầy đủ các loại sản phẩm bằng tre trúc, có bàn, ghế dựa, giường, tủ, giỏ, sọt… những sản phẩm này lại được chế tác vô cùng tinh xảo, bởi vậy mọi người đều tranh nhau vào mua.
Lỗ Ban tiến vào trong tiệm ngỏ ý muốn được thỉnh giáo người đã làm ra những sản phẩm này. Một lúc sau, tiểu nhị đã mời ra một người, vừa gặp mặt, Lỗ Ban liền nhận ra người này chính là đồ đệ Thái Sơn mà trước đây ông đã đuổi đi.
Hóa ra năm đó trong lúc Thái Sơn học nghệ, ông đã phát hiện thấy cây trúc so với cây gỗ thì mềm dẻo hơn, nên thường trốn vào trong rừng trúc để luyện tập chẻ nan, bện trúc, bởi vì vẫn chưa học thành thạo, lại sợ Lỗ Ban không đồng ý, cho nên một mực không dám nói ra.
Lỗ Ban nghe xong thực sự hối hận, cảm khái nói: “Ta thật là có mắt mà không thấy Thái Sơn!”. Từ đó về sau, câu nói “Có mắt mà không thấy Thái Sơn” dần dần được dân gian lưu truyền rộng rãi.
Tuệ Tâm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét