Hạnh phúc lang thang
Do nhân duyên đặc biệt, tôi trở thành con nuôi của ông bà Bert -
Jet, cặp vợ chồng người Bỉ, giáo viên đã nghỉ hưu.
Tuy không cùng màu da, sắc tộc, tôn giáo, nhưng tình yêu thương
của ông bà dành cho tôi chẳng khác con đẻ. Suốt hơn 10 năm qua, năm nào ông bà
cũng vượt qua chặng đường mấy chục ngàn cây số, mất 20 đến 24 tiếng đồng hồ bay
để đến Việt Nam thăm tôi. Lần thăm ngắn nhất cũng một tháng, có lần hai tháng.
Yêu thương tôi, ông bà Bert yêu thương luôn cả Việt Nam. Ông bà luôn tự hào nói
với bạn bè rằng: "Việt Nam là quê hương thứ hai của chúng tôi".
Hơn 10 năm làm con nuôi ông bà Bert, một trong những phẩm chất
tôi học được từ họ là khả năng quản lý tài chính. Hàng tháng, các khoản chi
tiêu được ông bà hoạch định một cách chi tiết, rõ ràng: bao nhiêu tiền cho xăng
xe, điện thoại, internet; bao nhiêu cho ăn uống, sinh hoạt, quần áo; bao nhiêu
để gửi tiết kiệm, du lịch. Ông bà Bert có 10 người bạn thân. Hàng tháng, mỗi
người dành riêng 200 Euro để đi du lịch. Cứ 3 đến 6 tháng, họ lại du lịch nước
ngoài một chuyến. Tính đến nay, ông bà đã đi hơn 60 nước trên thế giới.
Với họ, đi du lịch không chỉ đơn giản là thưởng ngoạn, khám phá
những vùng đất mới mà còn để học hỏi, trải nghiệm, nhờ thế có thêm hiểu biết,
thương yêu, cuộc sống vì vậy mà thêm hạnh phúc.
Một trong những phẩm chất nổi bật của ông bà Bert là khả năng an
trú trong hiện tại, là phẩm hạnh lắng nghe. Còn nhớ, năm ngoái, khi ông bà ở Hà
Nội, họ đi cùng tôi đến một khóa tu tại chùa Pháp Vân. Tôi đã chia sẻ với mọi
người từ 8 giờ sáng đến tận 6 giờ chiều. Ông bà Bert tham gia trọn vẹn. Chứng
kiến cảnh ông bà ngồi chăm chú lắng nghe tôi nói chuyện bằng tiếng Việt cả
ngày, nhiều người Việt rất đỗi ngạc nhiên: "Chú Sướng ơi, bố mẹ nuôi của
chú biết tiếng Việt à?". Tôi bảo: "Không. Ông bà chỉ thông thạo ba thứ
tiếng: Anh, Pháp, Hà Lan". Tất cả mọi người ồ lên đầy thán phục: "Trời!
Vậy sao ông bà có thể ngồi nghe chú nói một cách say sưa suốt cả ngày như thế".
Họ theo đạo Cơ đốc giáo, tuy không biết thiền là gì, cũng không thực hành chánh
niệm nhưng thân và tâm ông bà luôn nhất như, có mặt trọn vẹn trong giây phút hiện
tại.
Hàng ngày, dù là uống cà phê, dạo bộ, lau nhà hay rửa bát...,
ông bà Bert đều thực hiện một cách chậm rãi, khoan thai, an lạc. Chẳng bao giờ
thấy ở họ một bước chân hớt hải, một cử chỉ hấp tập, vội vàng. Họ tận hưởng cuộc
sống một cách chậm rãi, sâu sắc trong từng giây phút.
Tôi còn học được ở họ cách tư duy, cách nhìn đời rất bao dung.
Ông bà Bert có hai con trai. Cậu lớn tên Peter, bằng tuổi tôi (sinh năm 1973),
làm giám đốc ngân hàng. Cậu thứ hai tên Wouter, sinh năm 1974, làm giám đốc bán
hàng một hãng xe hơi của Đức. Cả hai cậu đều cao to, đẹp trai, tài giỏi, đều có
biệt thự riêng, nhưng cả hai đều yêu, sống chung (chưa kết hôn) với hai người
đàn bà bỏ chồng, có con riêng, hơn hai cậu đến 5, 6 tuổi. Họ sống với nhau như
vợ chồng hơn 10 năm nay, rất hạnh phúc nhưng cả hai đều không sinh con.
Đã có lần, tôi hỏi ông bà Bert: "Bố mẹ có muốn trở thành
ông bà nội không?". Ông bà bảo: "Có chứ". "Vậy sao bố mẹ
không giục Peter, Wouter đẻ để bố mẹ có cháu bế bồng?". "Hai đứa
không muốn đẻ con ạ. Rất nhiều thanh niên châu Âu hiện nay cũng không muốn kết
hôn, không muốn sinh con". "Vậy bố mẹ có buồn không?".
"Không. Vì đó là chọn lựa của chúng nó. Chúng nó hạnh phúc vì điều đó thì
tại sao bố mẹ lại phải buồn?".
Tôi giật mình. Chợt nghĩ, nếu như tôi đây, ở Hà Nội, cưới một
người phụ nữ bỏ chồng, có con riêng, lại hơn tôi đến 5, 6 tuổi, chắc hầu hết
người thân sẽ phản đối. Rồi ở với nhau hơn 10 năm, chẳng sinh đẻ gì, có lẽ
bố mẹ sẽ suốt ngày kêu than, giục giã, rồi đi đình chùa miếu mạo cầu xin thánh
thần phù hộ. Cầu xin mãi mà vẫn không được chắc sẽ buồn thối ruột, rầu rĩ khóc
than. Chợt nghĩ, cùng trong một hoàn cảnh, nhưng cách nhìn, cách nghĩ khác
nhau, chất lượng cuộc sống sẽ khác nhau. Vì thế, vui hay buồn, hạnh phúc hay
đau khổ, phần lớn là phụ thuộc vào chính chúng ta.
Phẩm chất nữa tôi cần học ở ông bà là tâm hồn thiện lương. Mười
năm làm con ông bà, chưa bao giờ tôi nghe thấy họ nói xấu hay phàn nàn, kêu
than về một ai đó. Cũng không thấy ông bà nhận xét tốt, xấu về người khác. Gặp
nhau, họ chỉ nói chuyện vui, chuyện liên quan đến những người đang có mặt. Họ
cũng chẳng thóc mách chuyện đời tư của nhau. Thậm chí, thu nhập của hai cậu con
trai bao nhiêu, ông bà Bert cũng chẳng hỏi.
Trong khi đó, hầu hết người Việt Nam chúng ta, hễ gặp nhau là
kêu ca, phàn nàn, nói xấu người này, nhận xét người kia; rồi thóc mách chuyện đời
tư của nhau, thậm chí, thóc mách cả chuyện đời tư của cả những người chẳng quen
biết, chẳng liên quan gì đến mình. Vì thế, những cuộc gặp gỡ thiếu đi niềm vui,
tiếng cười. Cuộc sống vốn dĩ đã ngột ngạt, căng thẳng, lại càng trở nên bức bối.
Tôi còn muốn học ở bố mẹ nuôi mình khả năng dùng ái ngữ, những lời
nói yêu thương. Ông bà đã kết hôn được 48 năm. Nhưng mỗi ngày, họ vẫn dành cho
nhau những nụ hôn, những lời như: "Anh yêu em". "Em yêu
anh", vẫn tận tình chăm sóc cho nhau như hồi trẻ, thủ thỉ tâm tình mọi điều.
Nhiều lần, sau cả ngày đi bộ, về đến nhà, trước mặt đông đảo bạn bè của tôi,
ông Bert ngồi xoa bóp chân, mát-xa vai gáy cho bà Jet. Nhiều lần, sau những
chuyến du lịch dài ngày, về đến nhà, ông Bert mở valy, sắp xếp từng chiếc áo,
quần lót cho bà Bert. Nhiều lần, trong những bữa tiệc vui, khi bạn bè tôi đàn
hát, ông bà ôm nhau nhảy múa khắp nhà đầy say đắm như một cặp tình nhân khiến bạn
bè tôi ai cũng ngưỡng mộ.
Một thi nhân nổi tiếng, chứng kiến cuộc sống đầy an lạc, thư
thái yêu thương của ông bà đã thốt lên: "Chú Sướng ơi! Nhìn cuộc sống của
họ mà thấy thương người Việt mình quá. Lúc nào người Việt mình cũng lo lắng, hớt
hải, sợ hãi, ngay cả người rất giàu. Đã thế, lại còn tị hiềm, kèn cựa, bon
chen, đố kỵ, hãm hại nhau. Đôi khi anh có cảm tưởng mình đang sống kiếp sống
không phải của con người".
Tôi cười bảo: "Thực ra, cuộc sống nhiều khổ đau ấy phần lớn
là do chính mình tạo ra thôi. Ông bà Bert đâu có giàu sang hơn mình. Nhưng cái
họ hơn mình chính là tư duy, là nhận thức, là thái độ sống và cách đối xử với đời,
với người và với chính bản thân mình mà thôi".
Hoàng Anh Sướng
Theo vnexpress.net
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét