Ảnh: Internet
Đời này những ai thành vợ thành chồng đều có nguyên nhân, có thể là để đền ơn, trả oán hoặc do điều nào đó kết thành duyên phận. Nhưng dù là loại nào đi nữa thì gia đình đều có thể ấm êm, hòa thuận nếu cả hai biết nhường nhịn, kính trọng và làm tròn bổn phận của mình.
Kết duyên phu thê chỉ vì một nụ cười
Hà Vĩ, một nhà văn người Phúc Kiến vào thời nhà Tống, trong tác phẩm ‘Xuân chử kỷ văn’ của mình đã đề cập đến câu chuyện về mối duyên giữa vợ và chồng.
Ông kể rằng anh họ của mình có một người con rể tên là Thẩm Thuần Lương, tự là Trung Lão, là quan Chủ bạ của thị trấn Vu Tiềm, tỉnh Chiết Giang.
Ban đầu, con gái của người anh họ được hứa hôn với Hoàng Bệ, hơn nữa Hoàng Bệ lại là anh trai của cô gái được hứa hôn cho Hứa Quy, con trai của người anh họ. Vậy nên cuộc hôn nhân này vốn đã thân thiết, giờ lại càng thân thiết hơn.
Sau đó, Hoàng Bệ được địa phương tiến cử làm cống sĩ và vượt qua cuộc thi của Bộ Lễ. Thông thường, sau khi vượt qua kỳ thi của Bộ Lễ, người tổ chức sẽ dựa vào thành tích để xếp hạng, sau khi gửi lên cấp trên xét duyệt, danh sách sẽ được chính thức công bố trước Thí viện của Bộ Lễ. Những người có tên trong danh sách công bố có thể được gọi là ‘tiến sĩ’.
Lúc này, gia đình họ Hoàng đã viết một bức thư cho gia đình họ Hà, hẹn ước cho con 2 nhà thành hôn ngay sau khi danh sách trên được công bố. Nhưng chẳng ngờ trước khi hôn lễ cử hành, con gái của gia đình họ Hà bất ngờ bị bệnh về mắt, không còn nhìn thấy mọi thứ trước mặt cô.
Sau khi đi khám bệnh, thầy y nói rằng đồng tử đã bị hỏng và mắt của cô gái đã vô phương cứu chữa. Gia đình họ Hà thấy vậy đành phải nói với gia đình họ Hoàng về việc này và đề xuất huỷ hôn.
Hoàng Bệ nói: “Lúc ban đầu khi đính hôn, mắt cô ấy vốn còn rất tốt. Làm sao tôi có thể bỏ rơi người vợ mù của mình chỉ vì đỗ tiến sĩ?”. Tuy nhiên, trước sức ép mạnh mẽ của mẹ và anh trai, Hoàng Bệ cuối cùng phải đồng ý rút khỏi cuộc hôn nhân.
Khi cô gái mù của gia đình họ Hà lớn tuổi thêm, gia đình họ Hà có ý định để cô đi tu hành nên không tìm kiếm một cuộc hôn nhân khác cho cô. Tuy vậy, người con gái mù đoan chính xinh đẹp này rất thông minh, những người không biết sự tình vẫn nghĩ cô ấy là một người bình thường.
Khi anh em nhà Hà Vĩ sống ở Ô Đôn, Chiết Giang, thường hay đi du ngoạn với Thẩm Thuần Lương, cả hai đều quý mến họ Thẩm vì tính cách dễ gần và sự uyên bác của anh. Các anh trai của Thẩm Thuần Dương đều là quan chức bên ngoài, mà anh lại đơn thân nên muốn tìm người bên cạnh bầu bạn, và Thẩm Thuần Lương đã gặp và kết hôn với cô gái mù nhà họ Hà.
Vài ngày sau khi hai người kết hôn, ban đêm Thẩm Thuần Lương nằm mơ thấy một nơi như quan phủ, và hành lang 2 bên chật kín tù nhân. Ông đang nhìn từng người một thì đột nhiên một người đàn ông mặc áo quần đỏ bước ra thăng đường, ngồi sau án thư, sau đó, rất nhiều quan lại sĩ tốt tập trung trước thềm, vâng dạ, cúi chào rồi lui về 2 bên. Người đàn ông mặc áo đỏ chắc hẳn là một vị quan.
Sau khi thăng đường, viên quan mặc áo đỏ vội gọi một người bán hàng, vì hàng mà người bán kia hứa vẫn chưa được giao nên viên quan rất tức giận, đã ra lệnh phạt trượng. Người bán hàng không phục, cãi vã vài câu, viên quan lại càng tức giận, sai người đốt củi, dùng khói xông vào mắt người bán hàng.
Thẩm Thuần Lương đứng ở bên cạnh, nhìn cảnh này đột nhiên cảm thấy có chút buồn cười nên mỉm cười. Một người bên cạnh nói với anh: ‘Nhìn cảnh này anh cũng không thương cảm, ngược lại còn cười phụ họa theo cái tâm nóng giận kia. Người đàn ông mặc bộ quần áo màu đỏ này chính là vợ trong kiếp này của anh’.
Sau khi tỉnh dậy, Thẩm Thuần Lương kể lại câu chuyện trong mơ cho người vợ mù, và nói: “Thật là thần kỳ, quả báo quả không phải là huyễn hoặc! Em vì tức giận mà xông khói vào mắt người ta, giờ phải chịu quả báo mù mắt nửa đời còn lại.
Ta vì một nụ cười, không tránh khỏi kiếp này có người vợ mù. Cơn nóng giận, cái cười sai trái đều có báo ứng như thế này, thì những kẻ cười trên nỗi đau của người khác, tích ác như núi phải nhận báo ứng ra sao! Tất cả đều phải lo lắng cho kiếp sau!”
Vợ chồng phải lấy tôn kính, nhẫn nhịn nhau làm trọng
Kỷ Hiểu Lam, một danh sĩ nổi tiếng và là một vị quan vào đời nhà Thanh, trong cuốn ‘Duyệt vi thảo đường bút ký’ cũng kể lại câu chuyện về một đôi vợ chồng quan lại trẻ ở đất Thương Châu.
Đôi vợ chồng này sống không được hòa thuận, hạnh phúc như các cặp đôi khác. Người vợ vì thế mà trong lòng buồn chán và sinh ra tâm bệnh. Hơn nữa, tính tình của người vợ lại kỳ quái, ngang bướng khiến cho tình cảm vợ chồng đã xấu lại ngày càng xấu hơn.
Một hôm, có một vị ni cô đức hạnh cao thượng đi qua Thương Châu. Người vợ kia liền đến gặp bái kiến vị ni cô và hỏi: “Thưa ni cô! Xin hỏi bà, mối quan hệ giữa vợ và chồng là có nhân quả không? Vì sao cuộc sống vợ chồng tôi lại không được êm ấm, hòa thuận?”
Vị ni cô từ tốn lý giải cho người vợ kia rằng: “Nhân duyên vợ chồng không có một đôi nào là vô duyên vô cớ mà kết hợp. Một số đôi vợ chồng là do ân tình từ kiếp trước mà kiếp này gặp nhau, cho nên cuộc sống cũng vui vẻ tốt đẹp. Một số khác lại là vì oán giận từ kiếp trước mà kiếp này gặp nhau nên cuộc sống của họ cũng phiền não, khổ đau, oán giận.
Cũng có những đôi vợ chồng là vì cả ân và oán mà kết hợp, khi đó họ sẽ có cơ hội để hoàn trả ân oán cho nhau. Mối quan hệ giữa vợ chồng trên thế gian này cơ bản là như vậy.
Như lời thí chủ kể, thì mối quan hệ giữa vợ chồng thí chủ hẳn là vì oán giận từ kiếp trước nên kiếp này gặp nhau. Đây là ông trời đã định sẵn, không phải theo ý muốn của con người… Bên nhà Phật mới khuyên con người ta sám hối, ăn năn hối lỗi, tu sửa bản thân.
Chỉ cần người làm vợ là thí chủ cố gắng từ bỏ tâm hiếu thắng, chế ngự sự cao ngạo, mọi việc phải lấy nhẫn nhịn làm trọng, không tranh giành với chồng thì tự nhiên mâu thuẫn sẽ giảm dần.
Trong gia đình, cố gắng làm tốt bổn phận của mình, hiểu thảo với cha mẹ đôi bên, hòa thuận với anh chị em, khoan dung với mọi người, chỉ để ý bản thân làm như nào thành người tốt, không so đo suy nghĩ người ta có tốt với mình hay không, nếu thí chủ làm được như vậy thì chắc chắn tình cảm hai vợ chồng thí chủ sẽ được cải biến….”
Người vợ sau khi nghe xong lời khuyên của vị ni cô, liền không để tâm trách móc, tìm lỗi ở ai nữa mà cố gắng hành xử theo những lời khuyên của ni cô. Quả nhiên, một thời gian sau, tình cảm giữa hai vợ chồng họ đã có cải biến tốt lên.
Xuân Hạ (t/h)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét