Ảnh: Internet
Tiền bạc, của cải có thể giúp ta giải quyết nhiều thứ trong cuộc đời. Nhưng tiền bạc, của cải khi có thì ta phải biết sử dụng như thế nào cho hợp lý?. Ít ai biết được rằng vào hơn 2.500 năm trước Đức Phật đã truyền dạy cho con người một công thức vàng về quản lý tiền bạc.
Khi Đức Phật trú ngụ ở Vườn Sóc (Kalandakanivàpa, chỗ tìm ăn của loài sóc) tại Trúc Lâm (Veluvana) gần thành Vương Xá (Ràjagaha), ngài đã gặp chàng trai Sigàla và đã dạy cho anh bí quyết về quản lý tiền bạc như sau:
“Người trí hiền, đức hạnh
Sáng ngời như ánh lửa
Gầy dựng nên tài sản
Bằng nghiệp thiện, nghề lành.
Như con ong chăm chỉ
Tha mật về thành tổ
Của cải lúc càng nhiều
Như tổ kiến xây thành.
Làm giàu theo cách này
Đúng cách người tại gia
Tiền của chia bốn phần
Được bạn bè khen ngợi.
Một phần chi cá nhân
Hai phần việc làm ăn
Một phần dành tiết kiệm
Phòng bất trắc rủi ro”.
Đức Phật dạy bí quyết quản lý tiền bạc rất rõ ràng, dễ hiểu trong bản kinh “Lời khuyên dạy Sigàla”.
Trong đoạn kinh văn trên, Đức Phật đã dạy rất rõ ràng về việc quản lý tiền bạc: Đầu tiên và quan trọng nhất mà Đức Phật nói đến là người đức hạnh phải kiếm tiền bằng nghề thiện, tức là kiếm tiền bằng công việc chân chính, công việc mang lại lợi ích cho bản thân và người khác, tức là những nghề được xã hội và pháp luật cho phép.
Muốn vậy, trước hết ta phải có một việc làm ổn định về lâu về dài, nhưng nghề nghiệp mình chọn không làm tổn hại cho nhân loại. Các nghề nên tránh như mua bán vũ khí, nô lệ, phụ nữ; các chất gây say, gây nghiện như rượu, xì ke, ma túy; chế tạo thuốc độc hoặc trực tiếp sát sinh hại vật bằng nhiều hình thức…
Thứ hai, Đức Phật dạy rằng: Ngoài việc kiếm tiền bằng công việc chân chính thì cần phải làm việc chăm chỉ, cố gắng, siêng năng, nỗ lực bền bỉ, quyết tâm để đạt được một kết quả tốt hay một thành tựu nào đó.
Người làm việc chăm chỉ luôn gắng sức vươn lên, không ngại khó khăn, không than thở trách phận, luôn thể hiện một thái độ kiên trì, cầu tiến với công việc.
Và cuối cùng, Đức Phật đã đưa ra công thức vàng về quản lý tiền bạc khi kiếm được: Tiền bạc được làm ra từ công việc chân chính được chia làm 4 phần. Phần đầu tiên được dùng vào chi tiêu cá nhân, tức là sử dụng cho các nhu cầu sinh hoạt của cá nhân như ăn uống, ăn mặc, mua sắm, chăm sóc sức khỏe…
Do nhu cầu sự sống, ai cũng cần phải có tiền để nuôi sống bản thân và gia đình, nhưng đồng tiền làm ra bằng nghề chân chính phải được phục vụ cho các nhu cầu chính đáng trong cuộc sống con người, cũng không nên quá keo kiệt, bủn xỉn.
Trong đoạn kinh, Đức Phật dạy rằng khoản chi tiêu cho cuộc sống chỉ chiếm một phần tư, điều này phản ánh triết lý “thiểu dục, tri túc” (tức là giảm bớt ham muốn và biết đủ) của đạo Phật.
Tiền bạc, của cải do con người làm ra không phải để thỏa mãn những thú vui sa đọa, khiến con người trở thành những kẻ thiếu đạo đức, nô lệ của vật chất.
Về việc này Đức Phật đã từng dạy: “Dầu mưa bằng tiền vàng, các dục khó thỏa mãn. Dục đắng nhiều ngọt ít, biết vậy là bậc Trí”.
Phật còn đưa ra một ví dụ khác: “Người đam mê đắm say chạy theo ngũ dục quá đáng thì chẳng khác gì người khát nước mà uống nước muối, càng uống càng thêm khát”.
Chính vì vậy, Phật chúng ta phải biết muốn ít, biết đủ để ngăn ngừa lòng tham lam của mình, khi nào chúng ta cảm thấy đủ thì sẽ an ổn, nhẹ nhàng.
Hai phần tiền làm ra cần được chi cho việc làm ăn, tức là tái đầu tư cho sản xuất, buôn bán để tiếp tục sinh lời, lời dạy này phản ánh tầm nhìn sâu xa, rộng lớn của Đức Phật.
Điều dạy này của Đức Phật hoàn toàn phù hợp với cuộc sống của xã hội hiện nay, tức là tiền làm ra được cần phải được liên tục tái đầu tư, không nên để tiền đóng băng, điều này sẽ đảm bảo việc sinh lời không bị gián đoạn, từ đó đảm bảo cuộc sống ổn định lâu dài cho một người.
Một phần tư số tiền còn lại, Đức Phật dạy phải dùng vào tiết kiệm, đề phòng những việc bất trắc, rủi ro như lúc ốm đau, tai nạn, những việc ngoài ý muốn…
Bởi cuộc sống của bất kỳ ai trong chúng ta – dù giàu hay nghèo – vẫn ẩn chứa những bất trắc, vô thường, trong thế giới luôn nhiều biến động – thiên tai, dịch bệnh, khủng hoảng kinh tế, chiến tranh… Vì thế, nếu không có một phần dành dụm thì khi gặp khó khăn, chúng ta sẽ càng khổ sở.
Ngoài ra Đức Phật cũng khuyên mọi người nên dành ra một phần trong số tiền tiết kiệm để giúp đỡ cho những người khó khăn, đem cúng dường, bố thí, giúp người, tức là tích thêm âm đức cho bản thân.
Mặc dù lời dạy của Đức Phật đã hơn 2.500 năm trước, nhưng nếu áp dụng cách sử dụng tiền được chia làm 4 phần như trên là điều rất hợp lý. Nếu chúng ta vận dụng đúng thì tất nhiên chúng ta sẽ có một cuộc sống ổn định, hạnh phúc khi biết đủ và sẵn sàng làm lợi ích cho nhiều người.
Nguồn: vandieuhay.net
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét