Thứ Năm, 11 tháng 8, 2022

ĐỨC PHẬT GIẢNG: TƯƠNG LAI PHẬT GIÁO SẼ XUẤT HIỆN RẤT NHIỀU “TẶC TRÚ”

 

Ảnh: Dân Việt

Lúc Phật Thích Ca Mâu Ni tại thế đã từng dự ngôn với các đệ tử về việc Phật giáo sẽ xuất hiện bại hoại trong tương lai. Nhìn lại tình huống thực tế hiện nay, chúng ta không khỏi giật mình trước những gì đang diễn ra.

Trong thời đại của Phật Thích Ca Mâu Ni, Phật giáo mà ông truyền càng ngày càng hưng thịnh, người theo học ngày càng nhiều, nhưng trong số họ không phải ai cũng thật tâm đến để tu luyện.

Lúc ấy đã xảy ra một chuyện, có một người vì gia tộc bị phá sản, không thể tự mưu sinh, cảm thấy việc lao động để nuôi sống bản thân là quá cực khổ. Người này thấy những người xuất gia hằng ngày đều có người cấp dưỡng, nên liền muốn xuất gia để không phải lo lắng vấn đề cơm ăn áo mặc.

Vì vậy, người này đã tự cạo trọc đầu, mặc tăng y, tay bưng bát, miệng nói mình là đệ tử nhà Phật đi các nơi xin ăn. Khi những tăng nhân khác gặp người này, thấy rằng một chút Phật Pháp cũng không biết, nghi ngờ người này có vấn đề nên về nói cho Ưu Ba Ly (một trong 10 đại đệ tử của Thích Ca Mâu Ni được biết đến là “trì giới đệ nhất”) biết.

Nghe xong, Ưu Ba Ly đã đích thân tìm đến gặp và hỏi thăm, không thể gạt được Ưu Ba Ly, người này đành phải thừa nhận mình là vì kiếm miếng cơm ăn nên mới làm như vậy.

Sau đó, mọi người kể lại chuyện này cho Phật Thích Ca Mâu Ni. Đức Phật liền nói với các đệ tử, đây gọi là “tặc trú”, là nhập môn nhưng không thụ giới, không phải là tu luyện đích thực, tương lai Phật giáo sẽ xuất hiện rất nhiều loại người này, họ chính là những người phá hoại Phật giáo.

“Kinh Pháp diệt tận” là bộ sách kinh điển của nhà Phật, theo tính toán của tiền nhân thì nó được dịch từ thời Lưu Tống (420 – 479). Nội dung của bộ sách là những dự đoán của Phật Đà về quá trình tiêu vong của Phật giáo, cũng chính là nói về thời mạt pháp khiến nhiều hiện tượng dị thường xuất hiện.

<Kinh Pháp diệt tận> viết: “Tự cung vu hậu bất tu đạo đức, tự miếu không hoang, vô phục tu lý, chuyển tựu hủy hoại. Đãn tham tài vật, tích tụ bất tán, bất tác phúc đức; phán mại nô tì, canh điền xung thực, phần hủy sơn lâm, thương hại chúng sinh, vô hữu từ tâm; nô vi tì khưu, tì vi tì khưu ni, vô hữu đạo đức, dâm điệt trọc loạn, nam nữ bất biệt. Lệnh đạo bạc đạm, giai do tư bối; hoặc tị huyện quan, y ỷ ngô đạo, cầu tác sa môn, bất tu giới luật, nguyệt bán nguyệt tận, tuy danh tụng giới, yếm quyện giải đãi, bất dục thính văn, sao lược tiền hậu, thiết hữu đậu giả, bất thức tự câu, vi cường ngôn thị, bất tư minh giả, cống cao cầu danh, hư hiển nha bộ, dĩ vi vinh ký, vọng nhân cung dưỡng”.

Giải thích: Phật giáo thời tận diệt, sư sãi sau khi tạo nghiệp vẫn không dùng tâm tu đạo đức, chùa chiền thành nơi của con buôn, thậm chí hoang phế mà không ai thèm tu chỉnh, cuối cùng bị hủy hoại hết.

Chúng sinh chỉ tham tiền tài vật chất, tích lũy để giàu có, không tu cho có phúc đức chân chính. Có kẻ còn quá quắt buôn bán nô tì, bắt nô tì cày ruộng trồng trọt, tích lũy để giàu có. Ngoài ra còn đốt hủy rừng, làm tổn hại sinh mạng súc vật, không còn một chút thiện tính từ bi.

Đến thời đại này, chúng sinh trở thành nô lệ cho đồng tiền hoặc danh lợi lại xuống tóc đi tu trở thành sư hoặc ni cô, không những vô đạo đức mà còn dâm dục phóng túng, hành vi hỗn loạn bẩn thỉu, tăng nhân nam nữ chung sống với nhau, không còn băn khoăn về lễ độ luật pháp. Chính đạo suy yếu đều vì đám sư sãi ma quỷ này.

Có kẻ vì trốn quan trường truy xét mới nương nhờ cửa Phật, cầu nơi dung thân, họ trở thành thầy tu nhưng không thể giữ được giới luật, tuy bề ngoài vẫn tụng niệm giới luật nhưng trong lòng chán ngán, buông thả, cơ bản là không muốn nghe Phật Pháp, hoặc lược bớt nội dung, không dám nói hết.

Thêm nữa không thể học thuộc kinh điển, cho dù thỉnh thoảng có người đọc được nhưng lại không thể hiểu chữ nghĩa và câu cú, người béo phệ mặt to phù, vì nói mình thông hiểu kinh sách mà không đi tham khảo ý kiến người minh trí, tự cao tự đại, ham danh tiếng mà làm ra những trò hư ngụy, cố ra vẻ tao nhã, tự cho mình vinh quang, hy vọng người khác đến phụng dưỡng mình.

Thực tế ngày nay, những người tìm đến nơi cửa Phật hỏi mấy ai mang tâm thành kính đứng trước tượng Phật mong muốn được tu luyện, nguyện ý trở thành người tốt, nguyện ý buông bỏ bớt đi những thói hư tật xấu? Đa số người ta khi đến nơi cửa Phật thì đều mang trong tâm là những gì? Nào là cầu được tai qua nạn khỏi, cầu được tiền tài danh vọng, cầu thuận lợi, cầu tình duyên v.v… đều là tư lợi và dục vọng của bản thân mình.

Hiện nay, trong chùa còn xuất hiện rất nhiều hiện tượng trụ trì, tăng nhân có cái nhìn, cách làm hoàn toàn sai biệt so với hàm nghĩa đích thực của Phật giáo. Ví dụ ở Trung Quốc có 3 hòa thượng đã tự xây dựng một ngôi chùa tại Ô Đang, Quý Dương, sống buông thả phóng túng. Họ hút thuốc, uống rượu, vẽ tranh, đọc sách, tham thiền, tự xưng mình là người cải cách. Ba hòa thượng này còn đang dự định đưa ra quan niệm Phật học mới, phá vỡ hình tượng tăng nhân vốn có, tương dung với thời đại. Trong đó một hòa thượng còn muốn vẽ bộ tranh tượng Phật khỏa thân.

Hoặc có hòa thượng chủ trương chính trị hóa tôn giáo, đặt yếu tố chính trị trên cả tín ngưỡng Thần Phật, vì như trong “Lớp bồi dưỡng học tập tinh thần Đại hội 19” của Hiệp hội Phật giáo tỉnh Hải Nam – Trung Quốc, hòa thường Ấn Thuận, đương nhiệm Phó hội trưởng Hiệp hội Phật giáo Trung Quốc kiêm Hội trưởng Hiệp hội Phật giáo tỉnh Hải Nam chủ trì lớp học đã đề xướng các Phật tử chép lại “báo cáo Đại hội 19”, ông nói “báo cáo Đại hội 19 là Phật kinh đương đại, tôi đã chép tay 3 lần, và còn đang chuẩn bị tiếp tục chép thêm 10 lần”. Ông Ấn Thuận còn nói, đồ đệ Phật giáo đầu tiên cần phải “yêu nước yêu đảng”, sau đó mới nói đến tín ngưỡng Phật giáo.

Thậm chí những ngôi chùa có lịch sử lâu đời cũng bị tha hóa, ví dụ như Trụ trì chùa Thiếu Lâm còn kinh doanh hóa ngôi chùa này với nhiều công ty được thành lập, trong đó có một công ty điện ảnh, truyền hình, học viện mỹ thuật, nhà xuất bản, và đoàn biểu diễn kịch. Chùa Thiếu Lâm cho thuê khuôn viên làm địa điểm tổ chức các sự kiện, trong đó có cả cuộc thi “thời trang bikini” diễn ra vào mùa hè năm 2009.

Phật giáo ở Việt Nam cũng không ngoại lệ, những ‘tặc trú’ như thế liên tục xuất hiện, mượn danh Phật để thu tiền bất chính, làm ra những việc mà ngay cả người thường cũng khó chấp nhận được. Những việc này báo chí đã đăng rất nhiều, ở đây không nêu ra ví dụ nữa.

Tuy nhiên hiện nay vẫn có những hòa thượng thật tâm tu luyện, cũng có những ngôi chùa còn thanh tịnh, nhưng con số này quá ít ỏi. Phật giáo mấy nghìn năm truyền thụ, cũng đã đến lúc suy tàn, ngẫm mà buồn thay…

Nguồn: tinhhoa.net

Không có nhận xét nào: