Ảnh Internet
Người xưa nói: “Thất bại là mẹ thành công”. Thất bại tự nó không đáng sợ, điều đáng sợ nhất chính là người ta run rẩy, mất hết nhuệ khí trước những đau khổ, thất bại trong đời mình.
Có một chàng trai trẻ không may mất đi cả đôi chân của mình trong một tai nạn giao thông. Nỗi đau quá lớn, tính tình của anh kể từ đó cũng đổi khác, cáu bẳn nhiều hơn, từ chối trị liệu phục hồi, lại nhốt mình trong nhà, thường quát nạt mẹ cha và vùi đầu trong khổ não triền miên.
Một hôm, anh nổi cơn tam bành, hai tay hất đổ cả mâm cơm trưa mà mẹ anh vất vả chuẩn bị xuống sàn nhà. Nhưng mẹ anh vẫn nhẫn nại, không một lời oán trách, bà chỉ thở dài lặng lẽ thu dọn thức ăn.
Hôm sau, mẹ anh đến bên giường, chỉ về phía cánh cửa sổ ở khu nhà trọ đối diện và nói: “Con có nhìn thấy cánh cửa sổ kia không? Có một cô gái sống ở đó. Cô ấy cũng bị tai nạn mất đi hai chân giống như con vậy. Nhưng cô ấy vẫn rất lạc quan, lại có tài, mỗi ngày đều ở nhà chuyên tâm vẽ tranh đến tận đêm khuya. Không phải con cũng rất thích vẽ tranh đó sao? Có lẽ con nên thử làm theo cô ấy“.
Chàng trai trẻ nghe xong, trên mặt lộ vẻ tức giận và phản bác. Nhưng cũng từ hôm ấy, anh bắt đầu chú ý đến cửa sổ khu xóm trọ đó. Quả nhiên giống như những gì mẹ anh đã nói. Căn phòng đó tối nào cũng rực rỡ ánh đèn mãi đến tận đêm khuya mới tắt. Hẳn là cô gái đó đang miệt mài vẽ tranh.
Chàng trai cụt chân cảm thấy vô cùng hiếu kỳ. Cô ta trông ra sao, tính cách như thế nào, ngoài vẽ tranh ra còn sở thích nào khác nữa không? Biết bao câu hỏi cứ triền miên hiện lên trong đầu anh.
Rồi một hôm, anh cũng mang ra bộ đồ vẽ vốn đã xếp xó từ lâu và bắt đầu đưa những nét cọ đầu tiên. Trái tim vốn phong bế, cằn cỗi của anh cũng dần cởi mở hơn. Anh chấp nhận đến bệnh viện tập phục hồi vận động định kỳ, cũng không còn quát mắng người nhà nữa. Những nụ cười đã xuất hiện nhiều hơn trên gương mặt rạng rỡ của anh.
Trong khoảng thời gian
dưỡng bệnh, anh đã vẽ ra rất nhiều tác phẩm. Một hôm, sau khi đắn đo suy nghĩ thật lâu, anh dốc hết dũng khí, mang theo bức tranh của mình sang nhà đối diện tìm cô gái. Nhưng anh đã bấm chuông một hồi lâu mà không có người ra mở cửa. Cuối cùng, một ông lão ở khu nhà trọ bên cạnh bước ra, hỏi: “Xin hỏi, cậu có chuyện gì chăng?“.
Chàng trai trẻ đáp: “Dạ, cháu muốn tìm cô gái sống ở khu nhà này ạ!“.
“Nhà trọ này trước nay đều để không, vốn không có người ở!“, ông lão nói. “Nhưng cách đây ít lâu một phụ nữ trung niên đã trả cho lão một khoản tiền, yêu cầu lão đây cứ chập tối mỗi ngày thắp đèn lên, đợi đến tận đêm khuya mới tắt đi. Người phụ nữ đó nói rằng bà ấy sống ở nhà đối diện bên kia“.
Chàng trai trẻ đứng lặng ở đó hồi lâu. Thì ra, chuyện về cô gái cụt chân vẽ tranh ấy vốn là mẹ anh cố tình bịa ra để mở ra cho anh một tia hy vọng. Anh không nói cho mẹ biết là mình đã biết hết sự thật mà từ đó càng hiếu thuận với mẹ hơn. Anh cũng cố gắng vẽ nhiều tranh hơn, về sau đã trở thành một họa sĩ xuất sắc.
***
Trong cuộc sống này, bạn có thể nghe được rất nhiều câu chuyện tương tự như thế. Có một nghệ nhân chế tác pha lê kỹ thuật cao siêu, tác phẩm của ông nhiều lần được trưng bày ở nước ngoài, nhận nhiều giải thưởng lớn.
Người nghệ nhân này cũng mất đi đôi chân. Ông kể lúc trẻ mình là một kẻ lưu manh, rượu chè, cờ bạc, ma túy, đầy thói hư tật xấu. Mẹ ông đã khóc không còn nước mắt.
Trong một lần đua xe, ông gặp tai nạn, mất đi đôi chân. Cuộc đời cứ ngỡ không còn gì đau khổ hơn. Ngay cả đi vệ sinh, ông cũng phải nhờ người nâng đỡ. Nhưng trong họa có phúc, vì hỏng chân, ông cũng đoạn tuyệt luôn được với lũ bạn lưu manh, hư hỏng nọ.
Về sau, ông bắt đầu học kỹ nghệ chế tác thủy tinh, vừa để kiếm kế sinh nhai, vừa là giải khuây. Chẳng ngờ rằng cuộc đời ông đã thay đổi từ đây. Ông thường nói: “Nếu như không mất đi đôi chân, tôi nghĩ cuộc đời mình từ sớm đã bị hủy mất rồi. Trước đây tôi luôn nguyền rủa ông trời đã để mình mất đi đôi chân. Còn bây giờ tôi lại rất cảm ơn ông vì điều này.”
***
Có lẽ ít người có được một cuộc sống yên bình, vô sự, không sóng gió trong suốt trăm năm sinh mệnh của mình. Cuộc đời thường có những bước ngoặt bất ngờ không báo trước. Có những đêm giông bão vẫn ập đến vô chừng. Bạn sẽ ứng xử ra sao trước những khổ đau, trắc trở ấy?
Có nhiều người bị giông tố cuốn lấp đi, không còn kiểm soát được vận mệnh, thậm chí sinh mệnh của mình nữa. Họ thuận theo dòng chảy lớn của cõi đời này và không thể nào gượng dậy nổi. Họ sống một cuộc đời đầy rẫy oán trách, khổ đau, tủi hận về sau, đến khi nhắm mắt xuôi tay cũng là ngậm hờn nơi chín suối.
Nhưng bạn biết chăng, ông trời vốn rất công bằng. Trời lấy đi của bạn thứ này và sẽ bù cho bạn một điều khác. Chàng trai trẻ và người nghệ nhân trong câu chuyện ở trên có thể mất đi đôi chân nhưng lại được trời phú cho đôi bàn tay tài hoa, vẽ ra được bức tranh đẹp, làm nên thứ đồ pha lê tuyệt mĩ. Dù thiếu đi đôi chân nhưng cuộc sống của họ không vì thế mà hóa thành tuyệt vọng. Họ có nghề nghiệp, có đam mê, và quan trọng nhất là có niềm vui sống.
Phật gia giảng rằng con người chịu khổ càng nhiều chính là càng hoàn trả nợ nghiệp trong các kiếp luân hồi trước của mình nhanh hơn.
Đối ứng như vậy, trong cuộc đời đúng là có nhiều bước ngoặt không ngờ nhưng đến tận giây phút sau cùng bạn sẽ phát hiện ra rằng tất cả những khổ đau, trắc trở, buồn phiền mà ông trời mang đến cho mình lại chính là món quà quý giá nhất.
Khổ nhục trong đời tựa khói sương
Tâm phiền đoạn dứt hết vấn vương
Thân tâm nhẹ nhõm quên sầu não
Đắc phúc đời đời thoát tục thường.
Nguồn: Đkn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét