Tội lỗi lớn nhất của đời người là bất hiếu
Trích "14 điều Phật dạy" của HT Kim Cương Tử
Đọc
lại nguồn gốc ngày Lễ Vu Lan
Không biết tự bao giờ, ngày lễ Vu Lan đã trở
thành ngày trọng đại không thể thiếu trong tâm thức mỗi người dân Việt Nam.
Nguồn gốc của ngày lễ có người biết, có người chưa biết nhưng ý nghĩa nhân văn
sâu sắc của ngày này thì ai cũng thấu tỏ.
Sự tích lễ Vu Lan
Theo kinh Vu Lan, ngày xưa, Mục Kiền Liên đã
tu luyện được nhiều phép thần thông. Mẫu thân ông là bà Thanh Đề đã qua đời,
ông tưởng nhớ và muốn biết bây giờ mẹ ra sao nên dùng mắt phép nhìn khắp trời
đất để tìm. Thấy mẹ mình vì gây nhiều nghiệp ác nên phải sinh làm ngạ quỷ, bị
đói khát hành hạ khổ sở, ông đã đem cơm xuống tận cõi quỷ để dâng mẹ. Nhưng do
đói ăn lâu ngày nên mẹ của ông khi ăn đã dùng một tay che bát cơm của mình để
tránh không cho các cô hồn khác đến tranh cướp. Vì vậy khi bát đưa lên miệng,
thức ăn đã hóa thành lửa đỏ.
Mục Kiền Liên quay về tìm Phật để hỏi cách cứu mẹ, Phật dạy rằng:
"Dù ông thần thông quảng đại đến đâu cũng không đủ sức cứu mẹ ông đâu. Chỉ
có một cách nhờ hợp lực của chư tăng khắp mười phương mới mong giải cứu được.
Ngày Rằm tháng bảy là ngày thích hợp để cung thỉnh chư tăng, hãy sắm sửa lễ
cúng vào ngày đó".
Làm theo lời Phật, Mục
Kiền Liên đã giải thoát được mẹ. Phật cũng dạy rằng chúng sinh ai muốn báo hiếu
cho cha mẹ cũng theo cách này (Vu Lan Bồn Pháp). Từ đó ngày lễ Vu Lan ra đời.
Bông hồng cài áo
Tháng Bảy, mùa Vu Lan về cùng với ngày Rằm xá tội vong nhân. Ngày
nay trong lễ này, người Việt ta có một "quy ước": nếu ai đó còn mẹ sẽ
được cài một bông hoa màu hồng lên áo. Ai đã mất mẹ thì cài hoa trắng. Người
cài hoa trắng sẽ thấy như một sự nhắc nhở, sẻ chia, không bao giờ quên ơn cha
mẹ. Người được hoa hồng sẽ sung sướng vì biết rằng mình còn có mẹ.
Bông hồng cài áo thực ra
là tên một đoạn văn viết về Mẹ của Thiền sư Thích Nhất Hạnh và cũng là tên một
ca khúc do nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ sáng tác trong thập niên 1960, lấy ý từ bài viết
trên.
Theo Hòa thượng Thích Nhất Hạnh, bông hoa hồng trong cách nhìn của
người Việt là loài hoa thông dụng và dễ thương, được nhiều người yêu thích
nhất. Loài hoa này còn mang quy ước biểu hiện của tình yêu thương của loài
người. Chính vì thế Hòa thượng đã chọn bông hoa hồng làm biểu tượng cho lễ Vu
Lan báo hiếu của nhà Phật và viết ấn phẩm “Bông Hồng Cài Áo” vào tháng 8 năm
1962.
Để làm mọi người hiểu
hơn về điều này, chính bản thân Hòa thượng đã làm lễ cài Bông hồng đầu tiên cho
tăng ni và phật tử ở chùa Pháp Hội, Sài Gòn. Từ đó các chùa và các tổ chức gia
đình phật tử đã nhân rộng thành lễ cài Bông hồng trong dịp lễ Vu Lan báo hiếu
như hiện nay.
Ý
nghĩa nhân văn
Ngày lễ Vu Lan là dịp “nhắc nhở” các thế hệ
con cháu chúng ta nhớ tới công ơn dưỡng dục sinh thành của cha mẹ, ông bà, tổ
tiên cũng như những đóng góp to lớn của các anh hùng dân tộc, những người có
công với đất nước. Ðồng thời giúp chúng ta tiếp cận được những ý nghĩa giáo dục
đầy nhân bản của văn hoá Phật giáo đó là “Từ, bi, hỷ, xả”, “vô ngã, vị tha”,
“uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ người trồng cây”.
Một mùa Vu Lan nữa lại về, nhắc nhở mỗi con người chúng ta bài học
sâu sắc về chữ Hiếu thiêng liêng, đừng để đến khi cài hoa trắng lên ngực mới
hối hận vì chưa tròn chữ Hiếu.
Việt Hùng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét