Thứ Hai, 6 tháng 6, 2016

ĐƯỜNG VỀ






                                            THI HỌA VÀ THƯ PHÁP VIỆT CỦA MINH ĐẠO                                            
                                            TRONG THI PHẨM “ĐƯỜNG VỀ”  
 
                                                        “Giọt nắng vàng lung linh 
                                                          Bên thềm gió lay nhẹ 
                                                          Nắng gió vẫn vô tình 
                                                          Không sinh cũng không diệt”
  
   Đây là bài thơ “Nắng gió” trong tập thơ Đường về của Minh Đạo. Tác giả sáng tác một cách xuất thần, dựng thành cốt lõi, xương sống cho tác phẩm thi ca nghệ thuật. Bài thơ được thực hiện bằng thư pháp Việt để trình bày bìa sau của tác phẩm mà bạn đọc đang cầm trên tay. 
  
    Đọc cả tập thơ và với bài thơ “Nắng gió”, có thể nói tâm cảm của Minh Đạo là thơ hướng đến trí tuệ, tư tưởng lớn ở phương Đông: giáo lý của đạo Phật. Tác phẩm gồm 95 bài thơ, phần lớn được viết theo thể thơ Đường với niêm luật, khuôn giáo khắt khe đòi hỏi phải chỉn chu về luật thơ.
 
    Chân thành mừng anh Minh Đạo đã “công phu”, chu đáo trong việc dựng thành sách, thành thơ, thành họa và kể cả thành nhạc nữa. Niềm vui cho thi hữu Minh Đạo đã được thầy Thích Tâm Hải đề tựa cho tác phẩm, làm sáng tỏa và thanh thoát việc “khai quang điểm nhãn” cho thi phẩm Đường về này. 
 
    Trong số 95 bài thơ, tác giả đã chọn lọc rồi minh họa gần 40 bức thư pháp, ảnh nghệ thuật và được xếp đặt một cách hợp lý. Tất cả những nội dung ấy đã nói lên việc hướng về cội nguồn uyên nguyên của văn hóa Việt. Tác giả đã trình bày một cách qui ngưỡng, có trước có sau, có ngôi thứ, có trật tự, có lề lối, chung thủy, tri ân, cảm nghĩa của người Việt thanh tao và cao quí. Đó là ơn nước, ơn thầy, ơn sinh thành dưỡng dục, ơn xã hội… được lồng vào nhau một cách lung linh, sùng kính và cung ngưỡng. Càng đọc, càng nhìn, càng nghĩ, càng suy thì lại càng mến tài và trân trọng tác giả hơn. 
  
    Đường về đầy hoa thơm cỏ lạ, ngào ngạt… theo thời gian như muốn đọng lại trong bài “Quỳnh hương”: 
 
                                                     “Trăng lên hoa nở khách đề thơ 
                                                      Hương ngát hoa đời ý vẩn vơ 
                                                      Trà nguội đêm tàn sương tỏa lạnh                                                          
                                                      Say đời say mộng mãi còn mơ”. 
 
    Ngoài ra tôi còn tâm đắc với ý thơ “Thời gian vò võ” và “Đọng lại nghe vò võ” mà anh Minh Đạo đã nhắc đến hai lần trong thi phẩm: 
                                                      “Thời gian vò võ luôn in đậm”   
                                                       (Tuổi thơ) 
                                                      “Thời gian đọng lại nghe vò võ”
                                                       (Chờ xuân)
     Thân chào anh và những người thân về dặm đường mà anh đã ký thác, nuôi dưỡng ước vọng từ lâu cho tác phẩm. 
           
                                                                       Xuân Bính Thân - 2016
                                                                                  Thân hữu 
                                                                             Lê Quang Thái 
                                                        (Tập san Liễu Quán – Tạp chí Sông Hương)


---------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
               
Xin giới thiệu đến quí thân hữu gần xa tập thơ Đường Về trên trang web Thiền viện Vạn Hạnh:

-----------------------------------------------------------------------------------------------------------                               



  CẢM NHẬN CỦA ĐỘC GIẢ SAU KHI XEM XONG TẬP THƠ ĐƯỜNG VỀ



Lối về của MINH ĐẠO trong “ĐƯỜNG VỀ” (*)
 Tâm Lễ - Nguyễn Ngọc Luật
Thân hữu gần xa biết đến thầy Minh Đạo như là một nhà thư pháp với nét bút phóng khoáng và bản sắc riêng biệt không lẫn vào ai được,  thư pháp của thầy thường là những câu Phật ngôn, thiền ngữ hoặc là những câu thơ ngắn của thầy, thầy cũng vẽ tranh thủy mặc với những nét chấm phá thật độc đáo. Nhưng ít ai biết thầy vẫn miệt mài làm thơ theo thể thất ngôn bát cú đường luật với những quy tắc về niêm, luật, đối… hết sức khắt khe, nghiêm nhặt cho đến khi thầy cho ra mắt tập thơ- thư pháp “ĐƯỜNG VỀ” thì nhiều thân hữu thật sự ngỡ ngàng!
  Thi tập “Đường Về” với 95 bài thơ Đường đa số làm theo thể thgất ngôn bát cú, hầu hết nội dung để chuyển tải những suy tư, trải  nghiệm cũng như thể hiện đời sống tâm linh thật phong phú của thầy. Ngoài ra có một số ít bài thơ tự sự diễn tả những cảm nhận về tình cảm cuộc sống hoặc những giây phút phiêu bồng về một bóng hình rất xa, một cõi mộng thóang qua trong một bất chợt nào đó.
  Tôi đã đọc đi đọc lại nhiều lần toàn bộ các bài thơ trong thi tập và cảm nhận một điều là hầu  hết nội dung các bài thơ cho dù được đề cập về bất kỳ điều gì đi nữa thì tựu trung cũng mang tinh thần “tải ĐẠO”. ĐẠO ở đây không phải là đức tin tôn giáo mà là đạo lý giửa cuộc sống đời thường về tình cảm quê hương, sự tri ân tổ tiên, ông bà, cha mẹ, tình bằng hữu, tình gia tộc và vượt lên trên hết là tình người và sống đạo.
  Thầy nói về đạo lý uống nước nhớ nguồn, tri ân tổ tiên,  cha mẹ với những câu thơ thật tâm thành, dung dị
Tổ đức anh linh luôn tỏa sáng
Để cho gia tộc mãi xuân trường
( Từ đường)
Đã trót sinh ra giửa đất trời
Ân tình sâu nặng nghĩa nào vơi
                       (Ơn nghĩa sinh thành)
Đối với ơn thầy giáo dưỡng thì
Tâm an liễu ngộ người nương pháp
Gặp được minh sư dạ sáng khai
                              (Ơn thầy)
Và kết lại cho trọn tình
Mẹ dưỡng một đời ơn chẳng nhạt
Cha lo bao thuở nghĩa không phai
Vợ chồng duyên số ươm bền chặt
Thân hữu niềm tin giử miệt mài
                                                                      (Trọn tình)
Chỉ với bốn câu mà chuyển tải cả một tinh thần đạo lý trong cuộc sống của thầy.
  Duyên theo dòng luân chuyển của nghiệp thức để đi vào cuộc đời tang thương dâu bể nhuốm mùi tục lụy, chất chứa phiền não của chốn trần ai, mang thân phận kiếp người trôi lăn trong dòng sinh tử , phan duyên, cảm thọ những được-mất, thành-bại, vinh-nhục, hạnh phúc-khổ đau… với hỷ, nộ, ái ố, thất tình lục dục... chống chất lên kiếp sống với những trải nghiệm đắt giá của bản thân. Giờ đây trong tuổi xế chiều thầy đã nhận diện được ĐƯỜNG VỀ nhờ thấm nhuần giáo lý Phật-đà và đã áp dụng một cách diệu dụng vào đời sống hằng ngày bằng cách chọn cho mính lối “SỐNG ĐẠO”. Ta tìm thấy rất nhiều những ý tưởng, tự sự thể hiện nhân sinh quan…của thầy trong rất nhiều bài thơ trong thi tập.
Cửa Phật nương về đèn Bát-nhã
Nhuộm màu đạo pháp thoát bi ai
        (Hành trình)
Sớm tối tọa thiền tâm chẳng nhuốm
Ngày đêm quán chiếu cảnh không lay
(Nơi ấy)
Trong hành trình tìm về nguồn cội thầy Minh Đạo đã chọn cho mình một lồi sống thật an nhiên, tĩnh tại, thong dong với những thú vui tao nhã mà biết bao người mơ ước cũng không có được (hoặc giả họ có điều kiện nhưng thiếu duyên để tìm cho mình một lối sống buông thư như thế!)
Đến đi, đi đến đều không ngại
Là lúc thong dong giửa cõi này
                                                           (Tâm nguyện)
 Thân mang kiếp người, sống trong cõi hồng trần nhưng thầy đã vượt thoát ra ngoài không bị đắm nhiễm mùi tục lụy vì đã liễu ngộ lý vô thường, vô ngã mà buông xả, chuyển hóa thân tâm để dần dần diệt trừ tham dục, kiến lập một cảnh giới an lạc giửa trần gian khổ đau, phiền não.
Buông xã tâm khoan là lẽ sống
Tùy duyên thuận pháp thảy thong dong
                                                                    (Chờ đợi)
Và tự nhủ
Hãy sống bình tâm giửa cõi đời
Để lòng thanh thản bớt chơi vơi
                                                                       (An lạc)
Chọn cho mình lối sống khinh an, thanh thản, thầy Minh Đạo đang đi giửa cõi ta-bà với tâm thái ‘Tâm an, niệm chánh bước dung thông”!
Điều ngộ nhận lớn nhất của  đa số chúng ta là  cứ tưởng đời là thật cho nên tất bật suốt đời, thầy Minh Đạo thì không thế.
Biết đời vốn không thật
Nên sống tình bao la
Nhìn đời bắng tâm Phật
Để yêu đời thiết tha
                                                          (Biết đời)
Biết đời vốn không thật để rồi nhìn đời bằng tâm Phật ( từ bi, hỷ xả, vô ngã, vị tha) để mà yêu đời thiết tha  chứ không phải để rồi bi quan, yếm thế như nhiều người ngộ nhận về đạo Phật. Ta cảm nhận được một lối sống đạo với sự an nhiên, hỷ lạc, thong dong, tự tại làm sao!
Bên nhánh phong lan với tách trà
Lung linh nắng sớm bóng thu qua
Đậm đà vị thắm tìm thanh thản
Thoang thoảng hương đưa thấy thiết tha
                                                                     (Độc ẩm)
Còn nhiều nữa hương vị an lạc, khinh an phảng phất trong rất nhiều bài thơ trong thi tập. Còn lại một số bài với đôi chút lãng đãng sương khói, hoài niệm về một quá khứ xa xăm
Nửa kiếp thời gian còn mãi nhớ
Trăm năm ký ức mãi niềm thương.
                                                                   (Hoài niệm)
Và thế là
Nhớ em anh gởi vào trang giấy
Cách trở xa xăm với những ngày
                                                                       (Duyên xưa)
Một chút lãng đãng, một chút lang thang vào cõi mộng, chỉ là một chút thôi như màu hồng điểm xuyết trên đóa mẫu đơn, trên cành đào phai trong bức tranh thủy mặc của thầy.
  Tập thơ được khép lại với bài thơ mang tựa đề “Như”  bài thơ khái quát lại tinh yếu nội dung trong thi tập với sự trực ngộ lý vô thường, vô ngã, duyên sinh . Thầy đã tự tìm ra “Đường về” nhưng sao lại còn băn khoăn?!
Như là người lữ khách
Thời gian bóng ngựa qua
Chẳng biết đâu là nhà
Đường về quá đỗi xa”
                                                               (Như)
Đường về thì quá xa nhưng mà đã đi là sẽ đến, hành giả đã tìm ra lối về khi nhận chân được trần gian là quán trọ, để rồi một mai kia khi mà:
Quán đời tỉnh mộng tà huy
Trả buồn vui lại ra về tay không!
    Những dòng tản mạn về tập thơ-thư pháp “Đường về” của thầy Minh Đạo đáng ra đã được đặt dấu chấm hết, nhưng tôi lại cảm thấy vô cùng thú vị khi phát hiện một cách ngẫu nhiên bài thơ cuối của tập thơ có tên là “NHƯ” làm tôi liên tưởng tới bốn câu thi kệ của cố Hòa thượng Phước Hậu
Kinh điển lưu truyền tám vạn tư
Học hành không thiếu cũng không dư
Năm nay nghĩ lại chừng quên hết
Chỉ nhớ trên đầu một chử NHƯ!
Và thế là dòng tâm thức của tôi lại tiếp tục lan man, nhưng mà thôi, hãy nói như Phạm Thiên Thư trong tập “Đoạn trường vô thanh”
Thôi thì thôi chỉ phù vân
Thôi thì thôi nhé có ngần ấy thôi!
Thầy Minh Đạo nhé!
                                                                                                         Vào hạ 2016
                                                                                                            Tâm Lễ
(*) Đường về: Thơ và thư pháp-MINH ĐẠO
-------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------

                                                     SÁCH ĐÃ XUẤT BẢN

                                                         Nơi Ấy Bình Yên

 Giấy đăng ký kế hoạch xuất bản số: 79-2013/CBX/43/79/HP và QĐXB số: 124-2013/QĐ-NXB, ngày 4.6.2013.
In xong nộp lưu chiếu Quý II - 2013. Xem
 



---------------------------------------------------------------------------------------------

Liên hệ: minhdao1160@yahoo.com
minhdao1160@gmail.com



                                           

Không có nhận xét nào: