Thứ Năm, 28 tháng 12, 2017

HOA MẮT, CHÓNG MẶT: DẤU HIỆU CỦA NHIỀU BỆNH LÝ NGUY HIỂM

                                                                          ngất xỉu, đau đầu, dot quy, chóng mặt, buồn nôn, bệnh. hoa mắt,

Hoa mắt, chóng mặt không phải là trạng thái bình thường mà là biểu hiện ban đầu của nhiều bệnh lý nguy hiểm như rối loạn tiền đình, hội chứng tiểu não, bệnh tim… Cơn hoa mắt, chóng mặt thường kéo đến đột ngột, gây mất thăng bằng có thể làm bạn bị ngã dẫn đến chấn thương sọ não. 

Nhiều người khi thay đổi tư thế là cảm thấy hoa mắt, tối sầm mặt lại. Nếu các dấu hiệu xuất hiện kéo dài, không cải thiện, sẽ thường kèm các bệnh lý nguy hiểm.
Bởi hoa mắt, chóng mặt mỗi khi đứng lên, ngồi xuống là biểu hiện ban đầu của nhiều bệnh nguy hiểm như rối loạn chức năng tiền đình, xuất huyết tiêu hóa, huyết áp thấp, hội chứng tiểu não, bệnh tim, rối loạn của giấc ngủ hoặc suy nhược thần kinh, trầm cảm… Vì vậy không nên chủ quan khi xuất hiện những triệu chứng này.
Dưới đây là những nguyên nhân có thể gây ra hoa mắt, chóng mặt, thậm chí buồn nôn mà bạn nên biết để phòng tránh biến chứng nguy hiểm.
Mất nước
Mất nước là khi cơ thể bạn không có đủ chất lỏng để hoạt động. Triệu chứng này xảy ra khi bạn uống quá ít nước mỗi ngày, nhất là vào những ngày trời lạnh. Mất nước có thể khiến bạn chóng mặt thường xuyên, mệt mỏi, ít đi tiểu, nước tiểu đục và không nhiều… Để điều trị chứng chóng mặt do mất nước gây ra thì bạn chỉ cần nhớ bổ sung nước đầy đủ cho cơ thể sẽ nhận được hiệu quả tích cực ngay.
Hạ đường huyết
Mặc dù nhiều khuyến cáo cho biết rằng, ăn quá nhiều đường sẽ không tốt cho sức khỏe. Thế nhưng, nếu bạn cắt giảm hoàn toàn đường có thể khiến mức đường trong máu thiếu hụt. Lúc này, bạn sẽ gặp phải các triệu chứng như chóng mặt, run rẩy, dễ mệt mỏi, tim đập nhanh, hay đói, cáu gắt…
Nếu gặp các triệu chứng này mà trước giờ cơ thể không có tiền sử với bệnh nguy hiểm khác thì có khả năng bạn đang bị thiếu đường. Uống một ly nước trái cây, ăn vài loại trái cây ngọt hoặc ngậm một viên kẹo ngọt sẽ giúp cân bằng lại lượng đường đang thiếu hụt và giảm các triệu chứng chóng mặt ngay.
Bệnh BPPV 
BPPV (Benign Paroxysmal Positional Vertigo), là bệnh chóng mặt tư thế lành tính kịch phát, do tích tụ các mảng tiểu cầu bên tai trong. Các mảnh vụn này được gọi là đá tai (ear rock). Đây là các tinh thể nhỏ dạng calcium carbonate có thể gây tổn thương, nhiễm trùng. BPPV có triệu chứng chóng mặt, chiếm khoảng 20%.
Khi tuổi càng cao thì rủi ro mắc bệnh này càng lớn, nhất là nhóm người trên 50. Các triệu chứng thường thấy như hoa mắt, chóng mặt, lâng lâng trong đầu, mất thăng bằng và buồn nôn nhất là khi đứng dậy khỏi giường.
Giải pháp: Bác sĩ có thể áp dụng một số giải pháp để điều chỉnh tư thế đầu cổ, chỉnh lại tinh thể canxi cacbonat trong tai. Nếu không đạt hiệu quả có thể áp dụng các giải pháp khác như thuốc chống nôn và một số bài tập để cân bằng trạng thái cơ thể.
Đau nửa đầu migraine
Cơn đau nửa đầu migraines có thể kéo dài từ vài giờ đến vài ngày. Cùng với đau đầu, bạn có thể gặp các triệu chứng như giảm tầm nhìn, buồn nôn, ói mửa, người lâng lâng và mệt mỏi… Đặc biệt, người bị chứng đau nửa đầu sẽ rất dễ bị chóng mặt và triệu chứng chóng mặt này có thể xuất hiện ngay cả khi bạn không bị đau đầu.
Nếu nghi ngờ mình bị chóng mặt do đau nửa đầu gây ra thì bạn nên lưu ý hạn chế rượu, caffeine. Ngoài ra, tốt nhất là bạn nên đi khám để nhận được chữa trị tốt nhất vì bệnh đau nửa đầu migraine sẽ gây nhiều khó chịu cho các sinh hoạt hàng ngày.
Hạ huyết áp
Huyết áp chính là lực đẩy của máu khi lưu thông trong các thành mạch và chảy đi khắp cơ thể. Khi huyết áp giảm, triệu chứng đầu tiên bạn cảm nhận được ngay là chóng mặt, mệt mỏi, ngoài ra có thể kèm thêm buồn nôn, khát nước, thở nhanh và nông, da tái nhợt, khó tập trung…
Có rất nhiều nguyên nhân gây hạ huyết áp như vấn đề tim mạch, mất nước, thiếu vitamin… Lúc này, tốt nhất là bạn nên uống ngay một cốc nước để giúp máu lưu thông tốt hơn. Tuy nhiên, nếu tình trạng lặp đi lặp lại nhiều lần thì bạn nên đi khám để được điều trị hiệu quả.
Thiếu máu
Các tế bào máu đỏ mang oxy đến tất cả các cơ quan và các mô. Khi bạn bị thiếu máu, cơ thể không có đủ hồng cầu hoặc những tế bào này không hoạt động tốt dẫn đến thiếu oxy nên dễ cảm thấy chóng mặt và mệt mỏi.
Ngoài ra, nếu bị thiếu máu bạn cũng cảm thấy các dấu hiệu kèm theo như khó thở, yếu sức, nhịp tim nhanh hoặc không đều, đau đầu, tay chân lạnh, da nhợt nhạt… Nếu gặp tình trạng này thường xuyên thì bạn cần lưu ý đến chế độ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng hơn, nhất là tăng cường các thực phẩm giàu chất sắt sẽ giúp cải thiện tình trạng thiếu máu hiệu quả.
Đột quỵ thoáng qua 
Hoa mắt, chóng mặt có thể không phải là triệu chứng ban đầu của một cơn đột quỵ, nhưng đi kèm theo những thay đổi ở một bên cơ thể, thị lực giảm, đau đầu dữ dội hoặc khó phát ngôn thì không thể xem thường, cần đưa người bệnh đi cấp cứu ngay.
Giải pháp: Bác sĩ sẽ kiểm tra nguy cơ đột quỵ, tùy thuộc vào kết quả chẩn đoán, dạng đột quỵ mắc phải, bác sỹ sẽ kê đơn dùng anticoagulents để làm loãng máu, khử cục máu đông và dùng thuốc hạ huyết áp.
Hội chứng mệt mỏi mãn tính
Hội chứng mệt mỏi mãn tính (CFS) thường gây ra tình trạng mệt mỏi liên tục, thậm chí ngay sau một giấc ngủ ngon. Các triệu chứng của CFS bao gồm chóng mặt, khó giữ cân bằng, thường xuyên mệt mỏi hoặc các dấu hiệu như rối loạn giấc ngủ, khó nhớ, khó tập trung, đau cơ…
CFS là một chứng bệnh khá khó trị vì nó tùy thuộc vào thể trạng và sức khỏe mỗi người. Do đó, khi gặp các dấu hiệu vừa kể trên thì tốt nhất bạn nên đi khám để điều trị đúng cách và không gây hại về sau.
Tâm trạng hoảng loạn
Một sự hoảng loạn về tâm lý do quá sợ hãi có thể làm phát sinh các triệu chứng như chóng mặt, tim đập nhanh, đổ mồ hôi, buồn nôn, đau ngực, cảm giác khó thở… Những người bị ám ảnh, rối loạn căng thẳng sau chấn thương… có nhiều khả năng bị hoảng loạn về tâm lý hơn so với những người khác.
Đau bụng kinh
Đau bụng kinh là một thuật ngữ y tế được sử dụng để nói về các cơn đau bụng xuất hiện trong những ngày “đèn đỏ”. Nó có thể kéo theo triệu chứng chóng mặt, buồn nôn, nôn và đau lưng… ở một số phụ nữ. Theo các chuyên gia sức khỏe thì những triệu chứng này là do sự phát hành của prostaglandin từ nội mạc tử cung gây ra.
Các vấn đề về tiêu hóa
Buồn nôn và ói mửa là một số triệu chứng phổ biến nhất của các vấn đề tiêu hóa như tiêu chảy, ngộ độc thực phẩm và viêm dạ dày ruột… Đó là những phản ứng của cơ thể do sự rối loạn trong tiêu hóa gây ra. Nôn mửa dữ dội có thể dẫn đến mất nước, mất cân bằng điện giải trong cơ thể, làm tăng mức độ chóng mặt và có thể có hại cho cơ thể.
Ngoài ra, những người thường có biểu hiện hoa mắt chóng mặt mỗi khi thay đổi tư thế còn hay gặp ở lứa tuổi từ 50 trở lên hoặc những phụ nữ sau sinh nuôi con nhỏ ăn uống không đủ chất, ngủ không đủ thời gian, chất lượng giấc ngủ không đảm bảo…
Phụ nữ trong thời kỳ mang thai cũng thường bị hoa mắt, chóng mặt. Nguyên nhân chính do sự tăng lên của hormone làm dãn, mở rộng thành mạch máu.
Để tránh những biến chứng đáng tiếc, bạn nên đi khám sức khỏe để được bác sĩ kiểm tra tổng thể sớm. Phương pháp hỗ trợ chẩn đoán bệnh hiệu quả là CT scaner, cộng hưởng từ, điện não đồ, huyết áp, siêu âm tim… sẽ xác định được thể bệnh.
Việc phòng và điều trị sẽ tùy thuộc vào từng bệnh lý cụ thể. Song duy trì lối sống khỏe mạnh sẽ góp phần đẩy lùi sự xuất hiện của các triệu chứng. Cần đảm bảo chế độ ăn đủ chất, ngủ đủ thời gian và chất lượng chất ngủ phải đảm bảo. Ăn uống cần đa dạng, khẩu phần nhiều rau và trái cây tươi, uống đầy đủ nước.
Lựa chọn những món ăn bổ máu như rau lá xanh, hải sản, thịt bò… kết hợp với trái cây tươi giàu vitamin sẽ giúp ích cho tuần hoàn máu trong cơ thể, loại trừ chóng mặt và có những giấc ngủ ngon.
Bên cạnh đó, không nên thức khuya, giảm áp lực công việc, tập luyện nhẹ nhàng, nghỉ ngơi hợp lý, không hút thuốc lá, tránh căng thẳng. Tránh thay đổi tư thế đột ngột như đang nằm đứng nhanh dậy hay xoay nhanh sang hai bên.
Theo các chuyên gia, hiện cũng có rất nhiều dược phẩm có thể gây chóng mặt, hoa mắt. Sử dụng quá nhiều dược phẩm cũng có thể gây ra sự choáng váng, xây xẩm. Bởi vậy khi đang dùng một loại dược phẩm nào đó mà cảm thấy hoa mắt, chóng mặt,  cần phải thông báo cho bác sĩ, dược sĩ.
Điều tối quan trọng là không được uống rượu, bia trong khi đang sử dụng dược phẩm vì sự tương tác đó cũng gây hoa mắt, chóng mặt.
Cũng cần tránh lạm dụng các thuốc điều trị chóng mặt có tác dụng ức chế thần kinh trung ương vì chúng làm ảnh hưởng đến quá trình tự phục hồi kiểm soát thăng bằng của cơ thể và có thể dẫn đến các cơn chóng mặt tái phát khó điều trị.
Chúc Di (t/h)

 

Không có nhận xét nào: