Thiện ác đúng sai đều gieo nghiệp. Bình yên – giông bão một chữ “tâm”. (Ảnh qua tin.moi)
Trần gian cõi tạm một kiếp người
Ta là khách trọ mấy mươi năm
Thiện ác đúng sai đều gieo nghiệp
Bình yên – giông bão một chữ “tâm”
Trong mấy chục năm ngắn ngủi của đời người, dù cố tình hay vô ý chúng ta cũng sẽ tạo rất nhiều duyên nghiệp, thiện ác đều có. Ai cũng biết rằng, động thủ giết mệnh thì chính tạo nghiệp, nhưng vì sao có những người tay chân không làm gì cả cũng được cho là tạo nghiệp…
Phương diện này rất ít người để ý đến, và cũng là điều mà đa phần con người ngày nay dễ phạm phải.
Xưa có một câu chuyện như thế này:
Ngày kia, có một nhóm rất đông người đang chờ đợi để được qua sông. Thấy vậy, người đưa đò vội vã đẩy thuyền từ trên bờ xuống. Do hành động quá nhanh, nên những con cá nhỏ, tôm và cua nhỏ đang ở ven bờ không kịp né tránh, bị thuyền đi qua đè lên mà chết rất nhiều.
Trong những người khách đang chờ, có một vị hòa thượng và một chàng thư sinh trẻ tuổi.
Anh chàng nhìn thấy cảnh những con tôm cua bởi vì bị thuyền đè lên mà chết, liền quay sang hỏi vị hòa thượng:
“Cao tăng! Ngài xem, người chèo thuyền kia vì đẩy thuyền từ trên bờ xuống sông mà làm chết nhiều tôm cá như vậy. Ngài thử nói xem, tội này là của ai? Tương lai, tội nghiệp sát sinh này sẽ giáng xuống người chèo thuyền hay những người khách đi thuyền đây?”
Vừa dứt lời, vị hòa thượng nhìn chàng thư sinh, từ tốn đáp:
“Là lỗi của thí chủ!”
Anh chàng tròn mắt há mồm, ngạc nhiên hỏi: “Làm sao mà là lỗi của tôi được? Tôi không phải là người chèo thuyền mà tôi cũng chưa đi thuyền. Sao ngài lại nói là lỗi của tôi?”
Vị hòa thượng đáp: “Bởi vì thí chủ đã xen vào việc của người khác. Người chèo thuyền là vì để chở những người khách sang sông chứ trong lòng không hề có ý nghĩ sát sinh.
Còn những vị khách đi thuyền kia, chẳng qua cũng chỉ là muốn sang sông để làm việc. Họ không hề có ác niệm sát sinh. Cái tâm không cố ý sát sinh của họ giống như một khoảng trời xanh vậy. Cho dù là mây trắng, mây đen bay lượn che lấp nhưng cũng không thể làm ảnh hưởng đến sắc trời trong xanh vốn có của nó được!”
Nghe xong những lời này, chàng thư sinh im lặng, vẻ mặt biểu thị như đang ngẫm nghĩ về lời của ông.
Vị hòa thượng lại nói: “Tội nghiệp của con người là do cái tâm tạo ra. Vậy nên, một người nếu chỉ nhìn bề mặt mà phán xét phải trái, đúng sai một cách hồ đồ, ngông cuồng thì cũng bằng với việc tự chuốc thêm phiền não cho mình mà thôi!”
Xã hội ngày nay, không ít người giống như chàng thư sinh kia, thường xuyên thích bình luận chuyện đúng sai, tốt xấu của người khác trong khi chưa thật sự hiểu rõ nội tình.
Những người như thế, họ không biết rằng bản thân đang khơi gợi thị phi, sóng gió. Rồi đến lúc, sẽ tự khiến cả tâm và thân của mình mệt mỏi, mất đi sự tự do tự tại vốn có.
Cuộc sống có hàng vạn nỗi đau mà một người phải nếm trải, con sóng cuộc đời không hề dễ giải với bất cứ ai, thống khổ nào cũng không hề dễ chịu.
Hơn nữa, con người sống trên đời chỉ như một giấc mộng, điều gì rồi cũng sẽ nhanh chóng qua đi. Khi đến thế gian là bằng tấm thân trần, lúc rời đi cũng với hai bàn tay trắng.
Chúng ta có thể làm những gì mình thích, những gì mình muốn trong phạm vi cho phép, nhưng tuyệt đối đừng nên làm tổn thương người khác. Bởi vì Phật gia có giảng khẩu nghiệp và nhân quả báo ứng. Ai nói những gì, làm những gì thì đều phải chịu trách nhiệm theo sau đó.
Nguồn: tinhhoa.net
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét