Trong đêm động phòng hoa chúc với Nguyễn Văn Định, bà tính toán thời khắc kỹ lưỡng, cắm một cây đũa giữa sân và bảo chồng mình biết là “khi nào mà trăng đã lên đến đầu ngọn tre, bóng trăng đến chân chiếc đũa, thì ông mới được vào động phòng”.
Mong muốn trở thành bậc mẫu nghi thiên hạ, sinh ra vua, nhưng người phụ nữ tinh thông tướng số này tuy chưa toại nguyện, nhưng con trai bà là một kỳ nhân hiếm có, đỗ Trạng nguyên, làm quan đến tước quốc công, trở thành nhà chiến lược kỳ tài, nhà thơ có ảnh hưởng sâu sắc và còn được dân gian coi là nhà tiên tri lưu danh hậu thế.
Nữ lưu tài hoa bậc nhất chốn kinh kỳ
Tương truyền vào thời nhà Lê ở làng An Tử Hạ, huyện Tiên Minh, xứ Hải Dương (nay thuộc xã Kiến Thiết, huyện Tiên Lãng, thành phố Hải Phòng) có người phụ nữ đặc biệt thông minh tên là Nhữ Thị Thục. Bà là con gái của quan thượng thư bộ Hộ, tiến sĩ Nhữ Văn Lan dưới thời Lê Thánh Tông.
Vì sinh trưởng trong một gia đình khoa bảng danh giá nên bà Thục học rất giỏi, tính tình quyết đoán, thông kinh sử. Hơn nữa bà còn thông tỏ cả Dịch lý, tướng số, mang chí lớn.
Biết tướng mạo của mình sẽ sinh quý tử, lại thấy khí số nhà Lê đã đến hồi suy tàn sắp mất, nên mang theo bên mình một tham vọng lớn: 1 là phải lấy chồng làm vua, 2 là phải lấy người nào đó có tướng số tốt để sinh ra con mang chân mệnh thiên tử.
Chính vì thế, dù sinh trưởng trong gia đình danh giá, được nhiều trang tuấn kiệt để mắt, nhưng bà đều từ chối vì qua thuật xem tướng số bà biết rằng vận mệnh của họ không thể làm vua, cũng không thể sinh ra quý tử.
Bà không ngừng tìm kiếm người nam nhân mà mình ưng ý nhất, cho đến khi gặp được một văn nhân có tướng số tốt, tên là Nguyễn Văn Định một thư sinh rất giỏi văn học, có thể hôn phối với bà sinh ra chân mệnh thiên tử, hai người se duyên kết tóc.
‘Trăng lên đầu ngọn tre mới được vào động phòng’
Trong đêm động phòng hoa chúc với Nguyễn Văn Định, bà tính toán thời khắc kỹ lưỡng, cắm một cây đũa giữa sân và bảo chồng mình biết là “khi nào mà trăng đã lên đến đầu ngọn tre, bóng trăng đến chân chiếc đũa, thì ông mới được vào động phòng”.
Nhưng mà đáng tiếc, đúng là tính trước bước không qua, người tính không bằng trời tính.
Trong ngày vui trọng đại của mình, Nguyễn Văn Định ở ngoài chờ lâu, bóng trăng mới đến lưng tre đã cầm lòng không đậu, vào động phòng sớm nửa khắc. Vì thời khắc không đúng, đã làm công sức tìm kiếm và tính toán của Nhữ Thị Thục đem đổ xuống sông.
Dạy con những mong đứng đầu thiên hạ
Rồi bà Thục thụ thai, sinh con trai, đặt tên là Nguyễn Văn Đạt, chính là tên khai sinh của Nguyễn Bỉnh Khiêm sau này. Vì rất kỳ vọng vào con nên ngay từ nhỏ bà đã chăm sóc dạy dỗ rất chu đáo. Từ khi mới sinh, Nguyễn Bỉnh Khiêm đã được mẹ hát ru bằng những câu dân ca hoặc những vần thơ do bà sáng tác.
Dân gian truyền rằng, Nguyễn Bỉnh Khiêm đầy thôi nôi đã biết nói, lên 4 tuổi đã được cha mẹ dạy học thuộc lòng kinh sách, cùng nhiều bài thơ Nôm. Mẹ thì dạy sau này con phải làm vua, cha thì dạy sau này con làm bầy tôi phò chúa không phạm phải tội nghịch thần.
Một lần khi bà Thục đi chợ, ông Văn Định ở nhà buộc dây vào cành tre, kéo lên, kéo xuống cho con chơi và ngâm đùa rằng: “Nguyệt treo cung, nguyệt treo cung”.
Những tưởng Nguyễn Bỉnh Khiêm chưa biết gì, ai ngờ cậu lập tức nói: “Vịn tay tiên, nhè nhẹ rung”.
Đến khi bà Thục đi chợ về, ông Văn Định kể lại chuyện để khoe vợ, chẳng ngờ bà gay gắt nói: “Nuôi con mong làm vua làm chúa, cớ sao lại mong làm bầy tôi” (Nguyệt tượng trưng cho bầy tôi).
Lại một lần khác, bà dạy cậu bé Đạt câu hát: “Bống bống bang bang, ngày sau con lớn con tựa ngai vàng”. (Ngồi lưng tựa ngai vàng, ý là lớn lên sẽ làm Vua).
Ông Định hoảng sợ vì nếu triều đình hay được sẽ mất đầu về tội khi quân, nên sửa lại: “Bống bống bang bang, ngày sau con lớn con vịn ngai vàng”.
Bà Thục than: “Sinh con ra, mong con làm vua thiên hạ. Nay thầy nó dạy con làm tôi, chán quá!”.
Rồi sau này bà Thục dùng thuật xem tướng số, thấy con mình tướng mạo rất tốt, hiềm nỗi da hơi dày, nên biết dù có là thiên tài cũng chẳng thể làm vua; cộng thêm mâu thuẫn trong việc dạy con khiến bà Thục chán nản bỏ đi, Văn Đạt lớn lên chỉ được ở cạnh bố.
Thuật thái ất doán trước sự việc
Lúc bấy giờ Nguyễn Văn Định trong cảnh gà trống nuôi con, nhưng đổi lại được người con thông minh từ nhỏ nên cũng phần nào an ủi, cậu bé ngày một lớn.
Nghe tin có thầy Lương Đắc Bằng là người tinh thông văn sử, trên thông thiên văn dưới tường địa lý. Nguyễn Văn Định liền cho con đi tầm sư học đạo mong cho con sau này được thành tài.
Cậu bé Văn Đạt học hành siêng năng chăm chỉ, cậu học gì hiểu nấy là một trong những học trò xuất sắc của cụ Bảng nhãn Lương Đắc Bằng.
Không lâu sau thầy Lương qua đời, truyền lại cho cậu học trò yêu thương một quyển “Thái ất thần kinh”, trong đó có những điều cao thâm xưa nay chưa ai hiểu hết.
Ông truyền lại cho cậu bé Văn Đạt, mong rằng cậu sẽ là người hiểu thay mình, và không ngờ cậu bé Văn Đạt nhờ thông minh đã tận hiểu được những điều thâm thúy trong quyển kinh và trở thành một người biết thời thế, trên thông thiên văn, dưới tường địa lý, đoán trước được mọi sự việc diễn ra.
Đỗ đầu Trạng Nguyên thời nhà Mạc
Lúc bấy giờ khi nhà Lê rơi vào khủng hoảng, có rất nhiều những lần thi hương, thi hội, thi đình, vì bói được mệnh nhà Lê sắp tận, ông không ra ứng thí kì thi nào, mặc dù biết thi là sẽ đứng đầu bảng.
Đúng là như vậy, không lâu sau, 1527 Mạc Đăng Dung cướp ngôi nhà Lê lập ra nhà Mạc. khi nhà Mạc sử dụng những chính sách ổn định đất nước, ông vẫn bỏ qua 2 khoa thi đầu.
Mãi đến năm 1535, dưới triều Mạc Đăng Doanh, ông biết được đang thời kỳ thịnh trị của nhà Mạc, nên ra ứng thi, trước khi lên kinh ứng thí ông đã đổi tên mình thành Nguyễn Bỉnh Khiêm.
Thi đỗ đầu khoa bảng và được phong danh Trạng Trình. Là người đỗ trạng khi đã ngoài bốn mươi tuổi. Làm quan dưới triều Mạc, tính từ lúc trưởng thành đến lúc đỗ trạng ông đã bỏ qua sáu kỳ thi dưới triều Lê sơ, hai kỳ thi đầu dưới triều nhà Mạc.
Trạng không tựa ngai vàng nhưng cũng là niềm an ủi lớn
Ông được phong đến chức Trình Tuyền Hầu sau đó là Trình Quốc Công, những gian thần đều bị Trạng Trình liệt vào danh sách đen, đem dâng lên vua xin xử tử mười tám gian thần, nhưng không được chấp thuận.
Thời gian sau ông cáo quan về quê ở ẩn, lập ra Bạch Vân Am ngày ngày dạy học làm thơ văn sống cuộc sống yên bình không màng thế sự.
Nhưng không hẳn vì việc ông từ quan mà triều đình không trọng dụng, dưới triều nhà Mạc những vấn đề quan trọng trong triều, thì đều cho người đến thỉnh ý Trạng Trình, hoặc mời ông về triều nghị sự. Không chỉ nhà Mạc mà còn có Chúa Trịnh và cả Chúa Nguyễn sau này đều trọng dụng ông.
Sức người không thay đổi được thiên mệnh, tuy mẹ tinh thông tướng số, trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng không thể làm vua. Nhưng dù ông không phải là vua, thì các bậc vua chúa thời đó đều phải tới hỏi ý kiến ông. Điều đó giả như bà Nhữ Thị Thục biết được, thì cũng kể là một sự an ủi lớn.
Thái An
Theo Hoàng Mai – ntdvn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét