Thứ Ba, 16 tháng 2, 2016

NHÂN SINH TỨ TỰ




                                                                       
Nhân Sinh Tứ Tự
                                                                (Đời Người Trong 4 Chữ)
         Ngày xửa, ngày xưa, có một ông vua. Như bao nhiêu vì vua khác trong chuyện cổ tích, đức vua của chúng ta làm chủ một giang sơn gấm vóc, có một đám đông đình thần giỏi giang và hằng hà sa số thần dân gương mẫu.
Điều đáng nói là đức vua rất sáng suốt, nhìn xa thấy rộng, đáng làm gương cho hết thảy các ông vua khác trong sách vở. Người ta có thể minh chứng điều đó bằng một sắt luật của đức vua khi mới leo lên ngôi cửu ngũ: cho sưu tầm hết tất cả sách vở có trong trời đất, tập trung về hoàng cung cho đức vua tham học.
Hàng trăm quan lớn, hàng nghìn quan nhỏ cùng hàng vạn phu khuân vác đã làm việc cật lực suốt 10 năm dài mới tải hết được số sách của nhân loại đem về kinh đô. Đứng trước một trăm căn phòng chứa đầy nhóc các thủ bản viết tay, đức vua gãi đầu, ra lệnh cho quan tể tướng phải cấp tốc thiết lập một ban quản thủ thư viện, kiêm nhiệm việc phân loại, tóm tắt các văn kiện rồi hãy đem đệ trình cho mắt rồng ngự lâm.
Ban quản thủ thư viện lại làm việc ráo riếc bất kể ngày đêm để đạt yêu cầu của đức hoàng thượng họ... Và sau 10 năm dài không ngơi nghỉ, tốn hết 7 tỷ 368 triệu 456,321 kg bạch lạp, họ mới tóm tắt thâu gọn cái thư viện đồ sộ từ 100 gian phòng xuống còn một giang duy nhất, rồi hân hoan đệ trình lên đức vua của họ.
Đứng trước những tủ sách gọn gàng, ngăn nắp, trình bày vô cùng mỹ thuật ấy, đức vua rất ư là cảm động. Sau khi vò tời vò lui... làm rối núi chòm râu đã lấm tấm bạc, đức vua lại truyền lệnh :
- “Phải tóm tắt nữa, thu gọn nữa... làm sao để trẫm có thể đọc hết tất cả tinh hoa của nhân loại, thâu thái hết những ý kiến khôn ngoan... chỉ trong khoảng 10 cuốn sách mà thôi... Các khanh đã làm việc thật hoàn hảo, nhưng trẫm không có thì giờ... các khanh hiểu chứ?”
Dĩ nhiên là ban quản thủ thư viện gật đầu lia lịa và lại đốt nến bắt tay vào công việc mới.
Mười năm dài trôi qua, toàn thể sách vở được cô đọng lại trong mười quyển dày cộm, đóng bìa da, gáy mạ vàng, đầy chi chít những chữ. Lần này, đức vua không tiếc lời khen ngợi đám đình thần mẫn cán, bốc vàng bạc ban thưởng cho họ từng nắm lớn, rồi dõng dạc ra lệnh:
- Hãy tóm tắt thêm nữa… Hãy làm cách nào để chúng chỉ còn vỏn vẹn có một quyển thôi, cho trẫm gối đầu giường mỗi khi rỗi rảnh. Các khanh hiểu ý trẫm chứ?
Đám đình thần lại tranh nhau tung hô và gật đầu lia lịa.
Lại 10 năm dài trôi qua. Quyển sách được hoàn thành thể theo lời yêu cầu của người cần đọc. Quan tể tướng long trọng đặt nó lên một cái mâm bằng vàng, dâng lên đức vua của họ, bây giờ đang hấp hối trên long sàng. Đức vua nhìn quyển sách, rơi lệ, thều thào nói:
- Muộn mất rồi, các khanh hãy tóm tắt đại ý của quyển sách, trong chỉ một câu thôi, để trẫm nghe đọc được lần cuối.
Một cuộc đại hội được khẩn cấp triệu tập. Ban quản thủ thư viện lại làm việc ròng rã suốt ba ngày đêm… Sau cùng, quan tể tướng vội vã đến quỳ mọp bên long sàng, dâng lên một mãnh giấy đỏ, có viết mấy dòng chữ vàng bằng kim nhũ óng ánh.
Đức vua gật đầu, ra dấu cho quan tể tướng đọc lớn lên. Vị trung thần lão thành này cố nén nỗi thương tâm, quẹt nước mắt, hít mũi, hắng giọng, lớn tiếng đọc bằng một giọng rõ ràng và trang trọng.
- Sinh… a… Già… a… Bệnh… a… và Chết.
Người bệnh lắng tai nghe xong, gục gật đầu rối khép mắt, trút hơi thở sau cùng. Những người chung quanh đồng rống lên khóc, quan tể tướng vật vã đập đầu vào long sàng, các đình thần đấm ngực bứt cúc áo… Đám ngự lâm quân hối hả dìu các vị lão thần, ngăn cản các vị trung niên đang nhổ râu sừn sựt.
Trong khung cảnh hỗn loạn đó, tờ giấy đỏ có viết kim nhũ vàng lặng lẽ chao mình theo một cơn gió, bay vèo qua cửa sổ và âm thầm chui vào một cái hốc chứa đầy nước trong máng xối…
Toàn thể công lao của ban quản thủ thư viện đều trôi theo những giọt kim nhũ vàng óng ánh, chầm chậm nhỏ từng giọt xuống bức tường phủ đầy rêu xanh.

                                Con kiến bé có bao giờ lận đận
                              Lối đi về trên cổ lục chiêm bao?  BG


                                                                              (NS Huệ Hạnh)



Không có nhận xét nào: