Khi
tâm mình còn phân biệt nặng nề, còn thích ngon chán dở, còn thích đẹp chán xấu
mà bảo là tùy duyên không ngại gì thì coi chừng bệnh hoạn, phải hiểu được cái ý
đó. Như vậy một ý nghĩa tùy duyên này mà thấu cho thật suốt có dễ dàng không?
Không dễ dàng, cho nên phải thật sống chớ không phải bắt chước được.
Về ý nghĩa tùy duyên, thì đây là một chỗ sống,
không phải là chỗ lý luận hay chỗ bắt chước, bởi vì khi chúng ta bắt chước thì
nó không còn là tùy duyên nữa, bởi khi bắt chước là nó có cái khuôn rồi. Cho
nên ý nghĩa này rất quan trọng mà lâu nay nhiều người lại hiểu lầm rồi cũng dễ
lạm dụng nó nữa.
Như vậy muốn tùy duyên thì thế nào là biết
tùy duyên cho đúng ý nghĩa?
1- Thứ nhất là phải thấy đúng lý mới tùy
duyên được, còn chưa thấy đúng lý mà nói tùy duyên thì chỉ là lạm dụng, là hiểu
lầm vậy thôi. Nghe nói tùy duyên, rồi mặc tình buông thả theo duyên thì tùy
duyên kiểu đó là chạy theo cảnh chớ không phải tùy duyên, đó là bị duyên nó cuốn,
nó lôi đi. Tùy duyên theo kiểu đó gọi là "tùy duyên tiêu sự nghiệp",
tiêu tan sự nghiệp hết, rất nguy hiểm !
Cho nên muốn sống, muốn thấy được đúng ý
nghĩa tùy duyên thì phải thấy đúng lý. Trong cái thấy đúng lý này, thứ nhất là
cần rõ lý Tánh không của Bát-nhã.
Tánh không là sao? Bát-nhã dạy tất cả các
pháp trên đời này "không có một pháp gì là thật cố định", nghĩa
là từ bản thân của mình cho đến sự vật bên ngoài đều là duyên khởi. Duyên khởi
tạm có cho nên gọi là Tánh không, là không có tánh cố định, không có Thể thật của
nó. Chính vì Tánh không mới tùy duyên mà hiện khởi tất cả được, chớ nó cố định
thì đâu còn tùy duyên. Ví dụ cố định là một khối cứng thì đâu thể tùy duyên mà
biến thành các vật khác được.
Cũng giống như cái gương, nó không có một
hình gì trong đó, cho nên nó có thể hiện đủ tất cả mọi hình bóng, nếu nó có một
cái hình gì cố định bên trong, thí dụ hình tròn, thì nó không thể hiện được
hình vuông, mà vuông tròn đẹp xấu gì cũng hiện được hết, là vì nó không có một cái
gì trong đó, không cố định là cái gì.
Hoặc như hư không, hư không không phải là cái
gì hết, cho nên nó cũng hiện được đủ mọi thứ. Rồi gần nhất là cái
gì? Tâm của mình. Tâm mình không là một cái gì hết, cho nên nó mới nghĩ được
đủ tất cả, nếu nó cố định là một cái gì rồi, chắc chắn nó không thể nghĩ tất cả
được. Mà nó nghĩ đủ hết, cái gì nó cũng nghĩ tới, kể cả những cái gọi là không
có, nó cũng nghĩ ra được nữa bởi vì nó không có gì hết.
Qua điểm nữa là, ngay thân mình là thân năm uẩn
thì Tâm kinh Bát-nhã nói “ngũ uẩn giai không”, năm uẩn đều Tánh không,
không thật, cho nên nó mới tùy duyên hiện được lớn được nhỏ, được tốt được xấu,
mập ốm vui buồn, trời người nó cũng hiện được đủ hết, chính vì nó Tánh không,
không cố định là gì.
Nếu nó cố định, thí dụ năm uẩn này cố định là
người rồi, tức nhiên nó không thể hiện thành trời được, cũng như nó cố định là
mập rồi thì không thể hiện ốm được. Do nó không cố định gì, nên nó hiện được tất
cả. Bởi vậy Bồ-tát Quán Thế Âm có ba mươi hai Ứng thân, có khi hiện nam hiện nữ,
rồi hiện Tỳ-kheo, hiện Tỳ-kheo ni, hiện vua hiện quan, hiện đủ hết, làm sao hiện
được như vậy ?
Do đó xét cho kỹ, rõ ràng không có một cái gì
cố định, vậy thì mình bám chặt một chỗ, một cái làm gì để chịu khổ ? Như vậy
cho thấy, hiểu được tùy duyên thì phải thấy lý Tánh không. Rõ được Tánh không của
các pháp rồi thì tùy duyên, lúc đó luôn luôn có ánh sáng Bát-nhã đi theo, nên
tùy duyên mà không có lầm lẫn. Còn nhắm mắt tùy duyên là đi xuống hố, mình phải
thấy rõ cái ý nghĩa đó, thí dụ như người mù nhắm mắt đi bừa là phải lọt hố
thôi.
Nhớ lại câu chuyện của ngài Tăng Triệu khi bị
án tử hình, Ngài xin phép hoãn lại bảy bữa để viết cho xong bộ Luận Bảo Tạng rồi
Ngài sẽ chết. Thử hỏi tới lúc đó còn tâm hồn gì ngồi để mà viết luận! Nhưng mà
Ngài thấy chuyện đó như là chuyện chơi thôi, và đến trước khi chết Ngài còn đọc
bài kệ :
Ngũ ấm nguyên phi hữu
Tứ đại bản
lai không
Tương đầu
lâm bạch nhẫn
Nhất tự trảm
xuân phong.
Tức là:
Năm ấm nguyên chẳng có
Bốn đại
xưa nay không
Đem đầu đến
dao bén
Giống hệt
chém gió xuân.
Có ai bị chém bị chết trong đó đâu? Cho nên
Ngài thản nhiên coi như không có chuyện gì. Nếu mình thì lúc đó rụng rời tay
chân, còn tâm hồn đâu mà ngồi viết sách, huống nữa là tới khi sắp chết còn nói
kệ nữa! Như vậy đó mới thật sự là biết tùy duyên. Và tùy duyên kiểu đó dễ bắt
chước không ?
Bởi vì Ngài thấy rõ năm uẩn bốn đại đều là
không, đều là vô ngã hết, không có cái ta thật, thì trong đó cái gì chết, cái
gì bị chém? Không thấy có cái gì bị chém thì đâu có gì mà khổ ? Còn mình vì thấy
có “cái ta” bị chém bị chết, cho nên mới có khổ.
Do Ngài thấy rõ không có gì thật hết, bởi vậy
hễ còn duyên thì làm Phật sự tiếp, hết duyên thì thôi ra đi, chớ không cố ghì lại
một chỗ để chịu khổ. Còn mình vì thấy có cái ta trong đó cho nên cố ghì lại để
sống, ghì không được thì phải kiếm cái ta mới ráp vào, chính cái ta mới đó lại
đi trong sanh tử. Hiểu như vậy, thấy được cái lý như vậy thì mới khéo biết tùy
duyên. Đó là điểm thứ nhất là phải thấy rõ được Tánh không.
2- Thứ hai, tiến bước nữa là nhận ra Bản tánh
chân thật của mình, nghĩa là thấy được, nhận rõ được Bản tánh chân thật luôn luôn
hiện hữu nơi mình, cho nên mình tùy duyên là để chi? Tùy duyên là để sống
trở về Bản tánh chân thật đó chớ không sanh những niệm, những tâm hoặc lấy hoặc
bỏ, chỉ thuận với tánh để sống, làm sao không để mất nó, đó là chỗ sống của
mình rồi.
Như bài kệ của vua Trần Nhân Tông, nhiều người
nghe quen quá thành ra xem thường:
Ở đời vui đạo hãy tùy duyên
Đói đến
thì ăn, mệt ngủ liền
Trong nhà
có báu thôi tìm kiếm
Đối cảnh
vô tâm chớ hỏi thiền.
Nghĩa là sao? Nghĩa là ở đây nhận ra Bản tánh
chân thật của mình hay của báu sẵn có trong mình rồi, thì khỏi cần phải chạy,
phải tìm kiếm đeo đuổi cái gì bên ngoài nữa, nghĩa là không để cho cảnh nó lôi
mình, nó làm mất mình. Như vậy mình sống ngay trong lòng đời này, ở giữa thế
gian này mà vẫn vui với đạo, đó là biết tùy duyên, mà tùy duyên như vậy là để
làm chi? Là để sống với Bản tánh của mình, sống trở về với Bản tánh chân
thật, ngoài ra không có gì quan trọng. Đó gọi là tùy duyên sống với Bản tánh,
tiêu nghiệp cũ mà không tạo thêm nghiệp mới.
Như vậy tùy duyên mà thường sáng tỏ không có
mê, không có mờ, tùy duyên mà không đặt thành một “cái ta” trong đó.
Đó là điều quan trọng, còn tùy duyên mà có cái ta trong đó thì không phải tùy
duyên. Cũng như ở đây “đói đến thì ăn, mệt ngủ liền” nhưng nếu còn có cái
ý niệm là đói nên ăn hay không nên ăn thì sao? Đó là chen cái ta vào trong
đó, tức là cái gì nên ăn hay không nên ăn ? Đó là hết tùy duyên. Cho nên tùy
duyên ở đây là thuận theo Tự tánh để sống trên đời, để cho nó luôn luôn được hiện
hữu khắp nơi, đó mới là tùy duyên chân thật.
Ngài Sùng Tín sau khi ngộ đạo, Ngài hỏi vị thầy
là Thiền sư Đạo Ngộ: “Làm sao để bảo nhậm (giữ gìn) ?” Ngài Đạo Ngộ bảo
rằng: “Mặc tánh tiêu dao, tùy duyên phóng khoáng, chỉ hết phàm tình, không
thánh giải khác.” Nghĩa là mặc tình thuận theo cái tánh đó mà tiêu dao tự
tại, tùy duyên phóng khoáng thôi, chỉ cốt làm sao hết được cái tình phàm này,
tình mê này chớ không có thêm một cái kiến giải thánh gì khác, không thấy có chứng
có đắc gì khác nữa, đó là tùy duyên. Tùy duyên như vậy làm sao bắt chước đây?
Chỗ này là phải sống, biết rõ mình có cái
chân thật rồi thì sống tùy duyên, duyên đến thì tiếp, duyên qua thì thôi, không
có cố chấp, không có mong cầu thêm nữa. Đó là vì có được chỗ sống vững vàng
trong này rồi, nên mới tùy duyên được như vậy, mới tiêu được những nghiệp cũ và
nghiệp mới không tạo thêm.
Thiền sư Thiên Y Nghĩa Hoài có bài kệ:
Nhạn quá trường không
Ảnh trầm hàn thủy
Nhạn vô di tích chi ý
Thủy vô lưu ảnh chi
tâm.
Giống như con nhạn bay trên không, nhạn bay
qua thì bóng hiện dưới nước, nhạn không có ý lưu dấu vết lại dưới nước. Và bay
qua rồi thì bóng mất, nước cũng không có tâm giữ bóng con nhạn lại. Đó là tùy
duyên, nhạn bay qua là duyên đến thì bóng nó hiện trong nước, duyên qua rồi thì
nước không lưu bóng lại.
Còn mình thì sao? Có khi duyên chưa đến mà
kêu nó đến! Rồi duyên qua thì giữ lại không cho nó qua! Chính vì vậy cho nên khổ.
Ngay trong lúc ngồi thiền cũng còn muốn giữ lại nữa. Ngồi thiền nhớ lại, giữ lại,
lưu lại trong này, đó là không biết tùy duyên, còn biết tùy duyên thì tâm lúc
nào cũng trong sáng, đâu có cái gì lưu lại trong đó thì có gì mà ngăn ngại ?
Có vị Tăng hỏi ngài Triệu Châu:
- Thế nào là cầu đá Triệu Châu?
Ngài đáp:
- Độ lừa độ ngựa.
Ở gần chỗ ngài Triệu Châu Tùng Thẩm có cái cầu
đá do ông Lý Ưng làm, cầu đá cũng nổi tiếng, cho nên nghe nói tới cầu đá Triệu
Châu là ai cũng biết. Nhưng ở đây ông Tăng hỏi “thế nào là cầu đá Triệu
Châu” ý lại khác. Ngài đáp : "Độ lừa độ ngựa", độ tức
là đưa, đưa lừa đưa ngựa qua hết. Như vậy quí vị hiểu sao là “cầu đá Triệu
Châu”? thấy được “cầu đá Triệu Châu” chưa ?
Thường nghe hỏi cầu đá, người ta tưởng ngay
cái cầu bằng đá. Nhưng ở đây, ý ông Tăng này chuyện đó ai cũng biết rồi, ông
cũng ở đó thì ông biết rồi, đâu cần hỏi làm chi nữa. Vậy hỏi cầu đá này là hỏi
cái gì? Đó là chỉ cho cái lý thật. Cho nên ngài Triệu Châu đáp “độ lừa
độ ngựa”. Lừa ngựa gì cũng độ hết, đều cho đi qua hết. Lừa là loài vật, ngựa
cũng là loài vật mà cái cầu đá độ hết, cho đạp đi qua hết, nhưng cầu đá không
phải là lừa, không phải là ngựa, không đồng hóa nó với lừa với ngựa, đó là tùy
duyên.
Còn mình thì sao? Độ thì phải độ làm
sao? Phải độ những hạng thượng căn, hạng Bồ-tát chớ lừa ngựa đâu để cho đi
qua. Mà không để cho đi qua tức là còn cái ngã trong này, bị cái ngã nó che.
Cho nên ở đây muốn thấy lý thật thì phải như vậy, độ lừa độ ngựa, cái gì cũng
là tùy duyên hết, cái gì cũng cho đi qua nhưng nó không là cái gì, không đồng
hóa với cái gì .
Không đòi hỏi theo một cái ngã, không sanh những
niệm sanh diệt hay lấy bỏ gì hết, đó là tùy duyên. Còn mình thì phải lựa, độ
thì cũng phải lựa, người đó mình thương mình mới độ, còn không thương thì đâu
có độ, đó là còn mắc kẹt. Còn ở đây thì độ hết, chỉ thuận theo duyên để sống trở
về với Tự tánh, để làm sao cho Tự tánh của mình luôn luôn có mặt, không có vắng,
vẫn luôn luôn sáng ngời trong tất cả mọi duyên, đó là khéo tùy duyên, tùy duyên
mà đúng lý không lầm lẫn. Như vậy với nghĩa tùy duyên này mình làm được chừng
bao nhiêu? Hiểu được như vậy mới thấy nghĩa tùy duyên rất là sâu.
3- Một điểm nữa, tùy duyên thì phải hiểu rõ
được thế gian là tương đối, đó là lẽ thật của thế gian. Thế gian luôn luôn là
tương đối, mọi cái có ra đều nằm trong đối đãi hết. Nhưng thấy ở đây không phải
là cái thấy hiểu tầm thường, lâu nay người nghe pháp nhiều quá cũng hiểu rồi,
cũng thấy rồi nhưng chưa phải. Tức là phải thấy trong lúc mình tu, thấy rõ bằng
chính trí tuệ của mình cái đó mới giúp mình sống được. Chớ hiểu theo kiểu ngồi
đây hiểu nhưng ra ngoài quên, ngồi đây thì hiểu thế gian tương đối, cái gì cũng
đối đãi nhau mới có, không có gì là thật, nhưng khi ra ngoài đụng chuyện thì
cái gì cũng thật hết, cái hiểu đó không phải.
Cho nên ở đây phải thấy bằng chính trí tuệ của
mình. Xét thấy rõ trên thế gian này đều là tương đối hết, thiện đối với ác, phải
đối với quấy mà có, cũng như vui đối với buồn mà có, ngay cả thầy đối với trò
mà có, không trò thì đâu có thầy, cũng như mẹ đối với con mà có, không con lấy
gì có mẹ.
Luôn luôn là đối đãi nhau, không có một cái
gì đứng riêng, như vậy tại sao mình phải đòi hỏi một chiều? Có nhiều người còn
đòi hỏi hơn nữa, đòi hỏi cái toàn mỹ, cái gì cũng phải cho toàn mỹ, toàn vẹn !
Nhưng sự thật thế gian nói toàn mỹ chỉ là nói chơi, không bao giờ có, chỉ tuởng
tượng, không thể có cái toàn mỹ nếu chưa sống được với cái chân thật. Thế gian
là tương đối thì làm sao có cái toàn mỹ được !
Đức Phật có nói bài kệ:
Kẻ hơn thì thêm oán
Người thua ngủ chẳng
yên
Hơn thua hai đều xả
Ấy được an ổn ngủ.
Nghĩa là có hơn thì có thua, làm sao mà toàn
mỹ được? Mà chính có hơn có thua, từ đó có oán có hờn, có khổ, có cái này thì
có cái kia. Như vậy thì hơn không hẳn là yên, còn thua cũng không hẳn là xong.
Thua còn ấm ức trong lòng cũng khổ, như vậy làm sao mà toàn mỹ được? Thường thường
mình thích đòi hỏi cái toàn mỹ, sống với ai mình cũng đòi hỏi người đó phải tốt
với mình, lâu lâu thấy không tốt thì bực tức, nhưng thử hỏi chính mình có toàn
mỹ chưa ?
Thế gian là tương đối, tâm người là vô thường,
bữa nay như vậy, nhưng mai mốt vô thường nó đổi đâu còn như vậy nữa. Bởi vậy
không có cái toàn mỹ, đòi cái toàn mỹ là mê. Bởi vì xét kỹ thì chính mình còn
chưa toàn mỹ, ngay nội tâm của mình, có khi còn tự mình mâu thuẫn với mình nữa
nói chi tới bên ngoài. Như vậy làm sao muốn mọi người toàn mỹ được, muốn mọi
cái bên ngoài toàn mỹ được!
Thí dụ bên ngoài coi giống như vui vẻ nhưng
có khi đau khổ trong lòng, ngoài làm bộ vui nhưng trong lòng đau khổ, hoặc có
lúc thấy giống như muốn xả hết để tu hành nhưng rồi ít bữa đổi ý tiếc thế gian
trở lại. Như vậy lúc muốn xả thì ai muốn xả, rồi lúc tiếc trở lại thì ai tiếc,
ai chen vào trong đó? Cũng là trong tâm mình thôi. Chính mình đã mâu thuẫn
với mình rồi, hoặc có lúc bữa nay tính đi nghe pháp nhưng rồi lại tính đi chơi,
hoặc ngược lại tính đi chơi rồi đổi ý tính đi nghe pháp. Cũng là mình với mình
nhưng tại sao nó có cái đó? Như vậy để thấy rằng ngay nơi mình cũng còn mâu thuẫn,
vậy làm sao đòi có cái toàn mỹ trọn vẹn bên ngoài được. Đòi không được thì
sao? Khổ, thật là đơn giản!
Bởi vậy, ngay như đức Phật mà mình gọi là bậc
toàn giác, bậc có công đức phước trí trang nghiêm, nhưng Phật có bị người chê
không? Phật cũng còn có người chê nữa, có người chê Phật là bất hiếu bỏ cha bỏ
mẹ đi tu, bỏ vợ bỏ con vô rừng. Có người khen thì cũng có người chê. Rồi kẻ uống
rượu say sưa có người khen không? Cũng có người khen, đồng bọn khen nhau.
Như vậy cho thấy không có cái gọi là hoàn
toàn. Bởi vậy Phật mới dạy trong kinh Pháp Cú: “Xưa, vị lai và nay, đâu có
cái sự kiện này: người hoàn toàn bị chê, người trọn vẹn được khen.” Ngài
nói rằng trong cả ba thời không bao giờ có sự kiện là có người hoàn toàn được
khen cũng như có người hoàn toàn bị chê.
Do đó chê khen không thành vấn đề. Cho đến được
mất cũng vậy, có được là có mất chớ không bao giờ có cái gọi là nguyên vẹn. Biết
rõ ý nghĩa như vậy, hiểu được như vậy, mình khéo chuyển thì sống được an vui,
còn cố chấp một bên thì khổ, thí dụ cố chấp là phải được cái đó mà nó không được
thì khổ.
Như bà Tì-xá-khư (Visàkhà), bà là đại
thí chủ trong thời đức Phật, một hôm đi nghe pháp, bà cởi chiếc áo choàng rất
quí giá cho đứa tớ gái giữ ở ngoài rồi đi vô nghe pháp. Khi ra về không biết đứa
tớ gái làm sao mà nó bỏ quên luôn. Mình gặp như vậy thì sao? Chắc là chửi
mắng, đánh đập đứa tớ đó dữ lắm, bởi đây là chiếc áo choàng rất đắt giá. Nhưng
với bà thì bà kêu đứa tớ gái lại nói rằng: “Con trở lại tịnh xá kiếm,
nhưng tới đó nhớ hỏi xem nếu có vị Tỳ-kheo nào đụng tay tới cái áo rồi thì con
đừng lấy về nữa.” Cô tớ gái đi tới hỏi thăm nghe nói ngài A-nan thấy của
ai bỏ quên thì Ngài lấy cất giùm rồi.
Cô tớ gái về thưa lại, bà nghe như vậy, liền
tới bạch với Phật là xin bán cái áo để cúng dường làm một Phật sự gì cho xứng
đáng. Phật bảo làm một cái tăng xá để cho chư Tăng ở, bà rất là hoan hỉ. Nhưng
cái áo đắt giá quá không ai mua nổi, bà bèn bỏ tiền mua lại cái áo, rồi lấy tiền
đó xây tăng xá cho chư Tăng. Khi xây xong đến ngày cúng dường dâng lên Phật,
tác bạch xong, bà kêu đứa tớ gái lại nói rằng: “Hôm nay sở dĩ bà được công
đức này là cũng nhờ có con, công đức này bà xin chia hai, cho con nửa, bà nửa.”
Ai thấy mình làm nổi chuyện đó không? Cái được
cái mất mình chuyển một cái thành ra tốt đẹp mà còn vui vẻ nữa. Mất cái áo
không buồn, chuyển lại thành được phước lành rồi vui vẻ nữa, mà vui vẻ cả mấy
phần trong đó: chư Tăng có tăng xá ở cũng vui, rồi bà được cúng dường hoan hỉ
cũng vui, đứa tớ gái cũng được vui và ngay cả mình bây giờ nghe kể lại cũng vui
theo. Nếu lúc đó mà giận lên chửi mắng đánh đập thì sao? Chẳng những không
vui mà còn tạo thêm cái khẩu nghiệp khổ nữa, rồi cái thân đánh đập người tạo
thêm cái thân nghiệp khổ, vậy là khổ lại càng thêm khổ!
Cho thấy chỉ vì bám chấp vào cái được, cái mất
mà khổ. Bây giờ biết rõ cái mất không thành vấn đề, cho nên chuyển lại thì được
vui. Cho nên khéo sống thì được, không cố chấp một bên, cố chấp là chịu khổ.
Chính vì vậy trong cuốn Pháp Hoa Đề Cương của Thiền sư Minh Chánh ở Việt Nam có
bài kệ nói về ông Thuần-đà:
Hay lắm Thuần-đà,
Hay lắm Thuần-đà !
Thôi nói dở, chớ bàn
hay,
Dở hay tốt xấu bận lòng
chi.
Người muốn tìm khéo trở
thành vụng,
Kẻ toan bắn sẻ sói chực
hờ.
Công danh cái thế màn
sương sớm,
Phú quí kinh nhân giấc
mộng dài.
Chẳng rõ xưa nay không
một vật,
Công phu luống uổng một
đời ai.
Thuần-đà là người cúng bữa cơm cuối cùng cho
đức Phật trước khi Phật nhập Niết-bàn. Sau này có người phê phán như vậy là ông
tổn phước, vì Phật thọ xong bữa cơm của ông rồi Phật tịch. Phật biết vậy nên Phật
mới khen, Phật nói hai người có phước đức lớn nhất là người cúng bữa cơm cho Phật
trước khi Phật thành đạo, và người cúng bữa cơm cuối cùng trước khi Phật nhập
Niết-bàn. Phật khen vậy để ông không có lòng hối hận.
Cho nên ở đây ngài Minh Chánh mới lấy việc đó
để nói lên ý nghĩa là thế gian tương đối, mình phải vượt qua ý nghĩa tương đối,
đừng mắc kẹt trong cái khen chê. Ông nói: “Hay lắm Thuần-đà, hay lắm Thuần-đà!
Thôi nói dở chớ bàn hay, dở hay tốt xấu bận lòng chi.” Cái chuyện hay,
chuyện dở là chuyện đối đãi thôi, có người khen thì cũng có người chê, đừng bận
lòng chuyện đó. Rồi sao? "Người mà muốn tìm khéo thì trở thành vụng",
muốn khéo nhưng thành vụng, bởi vì cái khéo ở kế bên cái vụng, cũng như người
đang rình bắn chim sẻ nhưng đâu ngờ dưới này có con chó sói nó chực hờ, vừa rớt
xuống nó chụp chạy mất. Bắn được con chim sẻ nhưng được đó rồi mất đó, cái được
cái mất kề bên nhau.
"Công danh cái thế" tức là
công danh trùm cả thế gian đi nữa cũng như màn sương sớm vậy thôi, có đó rồi mất
đó. Chỗ này mình sống thấy có kinh nghiệm rõ ràng, người đang có tiếng tăm
nhưng bỗng bị một nạn gì đó tiêu hết. Cũng như là "phú quí kinh
nhân", phú quí làm giật mình người, cũng như giấc mộng vậy thôi. Giàu sang
bao nhiêu nhưng mà gặp cơn nạn cũng trắng tay. Chuyện thực tế nó là như vậy.
Căn bản là “chẳng rõ xưa nay không một vật” tức
là không rõ được cái lẽ thật "xưa nay không một vật" đó
thì "công phu luống uổng một đời ai", nghĩa là phải thấu suốt được
cái lẽ thật xưa nay đó, sống được chỗ chân thật đó thì mới không luống uổng
công phu một đời của mình; còn nếu không cứ bám vào những cái công phu, những
cái được mất, những cái đối đãi nằm trong sanh diệt thì rốt cuộc cũng bị sanh
diệt thôi.
Thí dụ cũng như ở đây, chán thế gian này đi
tu, tu rồi cầu lên cõi trời, có hết khổ không? Cầu lên đó ít bữa hết phước cũng
rớt trở lại! Vì đó là công phu sanh diệt, cho nên rồi nó cũng lẩn quẩn trong
đó. Cần phải thấu rõ chỗ “xưa nay không một vật” đó, sống được với
cái đó thì mới vượt ra ngoài cái đối đãi, còn bám chặt vào trong cái đối đãi
thì khổ. Mà sở dĩ bám chặt vào trong này là bởi vì sao? Là bởi thấy có ta
cho nên bám chặt vào cái ta đó, rồi mới có khổ, có tức tối, có chửi rủa than
trách này nọ.
Hiểu rõ được lẽ thật của thế gian là tương đối,
là đối đãi thì mình cởi mở được những tình chấp, là biết sống tùy duyên, tùy
duyên như vậy là hết khổ. Hiểu như vậy thì tùy duyên mới thật, còn tùy duyên đụng
đâu làm đó thì không phải.
4- Rồi một điểm nữa, mình hiểu được lý này rồi
thì phải biết linh động không cố chấp. Bởi tùy duyên là linh động, là không cố
chấp. Mình khổ là vì cố chấp, mà cố chấp là không biết tùy duyên. Đã hiểu rõ được
lẽ thật như trên, không có cái gì gọi là toàn vẹn, không có cái gì là cố định
thì cố chấp làm gì? Mình làm sao cho cuộc sống linh động sáng ngời, chớ còn khư
khư ôm chấp một chỗ, đó gọi là bệnh.
Ở trong nhà Nho có câu chuyện: Ông Lưu Ngưng
Chi một hôm đang đi thì bất thần có người lại nhận lầm ông mang đôi giày của họ.
Giày của mình đang mang mà họ nói mình mang lầm giày của họ thì phải sử xự sao?
Ông nghe vậy liền cởi giày đưa cho họ :“Giày của ông thì thôi ông cứ nhận
đi”. Nhưng sau đó người này tìm thấy đôi giày của họ, liền vội vàng đem giày trả
lại ông nhưng ông nhất định không nhận : “Anh nhận rồi thôi là của anh,
tôi không nhận”.
Rồi có một trường hợp giống như vậy, ông Thẩm
Lân Sĩ một hôm đang đi cũng có người cũng lại nhận lầm ông đi giày của họ, ông
cũng cởi ra đưa cho họ. Nhưng sau đó biết lầm, họ tới trả ông thì ông vui vẻ
: “Không phải của anh hả, thôi tôi nhận”.
Vậy quí vị muốn bắt chước theo ai ? Ông Tô Thức,
tức Tô Đông Pha, có lời bình rằng : “Việc này tuy là việc nhỏ mọn, song ở
đời ta nên cư xử như ông Lân Sĩ, không nên như ông Ngưng Chi.” Bởi vì sao?
Đôi giày của mình đang mang mà có người đến nhận của họ, mình sẵn sàng cởi cho,
cái đó là thật quí rồi. Nhưng người ta biết lầm rồi và người ta đem trả thì phải
cảm thông nhận cho họ hối lỗi, chớ bây giờ người ta biết lỗi rồi mà mình không
tạo cái duyên cho họ sửa, cứ khư khư ôm giữ cái phải của mình hoài thì sao? E
có lúc cũng không được phải.
Ở đây người ta biết lỗi rồi, biết lầm rồi,
thôi thì cứ nhận có phải tốt không, ổn không? Còn mình cứ khư khư không nhận để
cho họ hối hận trong lòng hoài thì đâu có tốt. Khéo biết như vậy đó là hiểu được
linh động tùy duyên, còn cái kia là cố chấp. Tuy là tốt nhưng mà cố chấp cái tốt
thành ra cũng không được trọn tốt.
Đó là nói về bên Nho, còn trong nhà thiền thì
có Thiền sư Bạch Ẩn Huệ Hạc, sư rất nổi tiếng, ai nấy đều ca tụng sư là một con
người rất trong sạch, rất tốt. Ở gần chùa sư có một gia đình bán thực phẩm, một
hôm gia đình này phát hiện cô con gái của họ có thai, gia đình nổi giận đánh mắng
hỏi ai là tác giả cái bào thai đó thì cô nói là Bạch Ẩn. Cha cô nghe nói vậy,
quá giận tìm tới chùa gặp sư. Ông xổ ra đủ những lời nặng nề nhất trên đời. Sư
nghe như vậy chỉ nói :“Thế à!” Vậy thôi.
Sau khi đứa bé được sanh ra, gia đình này
mang tới chùa giao cho sư thì sư cũng nhận. Sau một thời gian nuôi đứa bé sư bị
mất hết tiếng tăm, không còn ai nghĩ tới sư nữa.
Một thời gian sau, cô gái cảm thấy bị ray rứt
trong lòng chịu không nổi, cô mới thú thật là cha đứa bé không phải là Bạch Ẩn
mà là một chàng thanh niên bán cá ngoài chợ. Nghe tới đó cha mẹ cô mới bật ngửa,
hoảng sợ lật đật tới chùa để sám hối và xin đứa bé trở lại. Lúc đó Thiền sư Bạch
Ẩn cũng chỉ nói :“Thế à!” Vậy thôi, đơn giản.
Đó là tùy duyên, mà tùy duyên thế này mới thực
sự là tùy duyên, tùy duyên cao tuyệt. Được, mất tiếng tăm không thành vấn đề,
nhận việc đó coi như tiếng tăm mất hết rồi, như mình thì buồn biết bao nhiêu
nhưng với sư chỉ “thế à!” là xong. Bởi vì sư thấy không có gì quan trọng,
người nói oan, người bị lầm thì sư cũng vẫn thản nhiên không buồn lòng gì hết.
Khi nhận đứa bé sư không buồn giận, mà trả đứa bé cũng không trách mắng,
Tùy duyên theo kiểu này thì ở trong đây ai bắt
chước được? Đó là vì sư thấy rõ trên đời này không có gì quan trọng, nhất là
không có “cái ta”. Không có cái ta thì lấy cái gì mà được mà mất, có được
có mất là bởi vì có cái ta này, “ta được” tiếng tăm, bây giờ “ta
mất” tiếng tăm, còn không có cái ta thì cái gì mất? ai mất? Thấy rõ vậy
nên đối với sư được mất tiếng tăm không thành vấn đề, nhận đứa bé cũng thản
nhiên, trả đứa bé cũng thản nhiên thôi.
Trong kinh Viên Giác có câu: “Thân này còn chẳng
thật có thì yêu ghét từ đâu sanh?” Cái thân còn chẳng thật có thì cái yêu cái
ghét từ đâu mà sanh, bám vào đâu mà có? Sở dĩ mình thấy có yêu có ghét, có được
có mất là bởi vì thấy có cái ta này. Nếu cái ta này không thật thì lấy gì được
mất, yêu ghét ? Thấy rõ như vậy mới thật sự biết tùy duyên. Tùy duyên này là một
điểm rất sâu.
5- Một điểm kế nữa, tùy duyên là để phá cái
ngã kiến, tức cái kiến chấp ngã. Bởi vì chúng ta luôn luôn thấy có cái ta thật,
có vật thật, có người thật, tất cả đều thật, rồi cái thấy, cái nghĩ của ta cũng
thật luôn, cho nên mới cố chấp bám vào một chỗ. Với thế gian thì luôn luôn là
sao? Ta nói một là một, hai là hai, chớ không thể thay đổi. Mình bảo vệ tối đa
cái nghĩ của mình. Chính vì vậy cho nên mới có đấu tranh, mới có chết chóc, bởi
vì ta nghĩ như vậy là phải, khác đi là không được. Nhưng cái gì là cái nghĩ của
ta? Xét cho kỹ thì cái nghĩ của ta cũng không có gì cố định, mình nghĩ vậy ít bữa
rồi cũng đổi ý nghĩ khác, nó không có cố định, không có Thật thể.
Cho nên trong kinh Kim Cang, Phật có dạy: “Như
Lai nói ngã kiến tức chẳng phải ngã kiến, đó gọi là ngã kiến.” Nghĩa là,
nói cái ngã kiến không phải thật có, chỉ do cái lầm chấp của người thôi. Mình
nghe nói có cái kiến chấp, có cái chấp ngã thì mình tưởng đâu có cái chấp ngã
thật, chớ sự thật Ngài nói đó chỉ là cái mê lầm, cái vọng chấp của mình chớ
không có thật. Như cái nghĩ của ta, xét cho kỹ, tìm cho tột cái gì là cái thể cố
định cái nghĩ của ta thì tìm không ra, chỉ không ra.
Khi xét tột được như vậy tức là mở sáng được
con mắt Bát-nhã, thấy được cái lầm như vậy thì hết lầm. Mới thấy cái nghĩ của
ta không có gì là cố định thì làm sao mà bám chắc ? Không bám chắc vào một chỗ
thì mới có tùy duyên, cho nên nói tùy duyên là phá cái ngã kiến, phá cái chấp
chặt một chỗ, chấp chặt là ta nghĩ như thế là phải. Sự thật là không có cái ta
nghĩ cố định thật được.
Một chuyện đơn giản tầm thường, thí dụ một
viên kim cương đối với cái nghĩ của mình là quí, nhưng nếu đem cho đứa bé thì
sao? Nó làm viên bi nó bắn chơi. Như vậy cái nghĩ của ai đúng? Tùy theo tâm tưởng
của người thôi, mình quen suy nghĩ như vậy rồi mình cho như vậy là đúng chớ sự
thật chưa hẳn là đúng với người khác. Mình nghĩ nó quí nhưng với đứa bé nó thấy
giống như viên đạn nó bắn chơi thì có gì đâu là quí. Nếu mình thấy nó đem bắn
chơi rồi mình chấp vào cái nghĩ của mình là đúng, mình rầy phạt nó thì sao? Là
cố chấp, rồi khổ.
Hiểu như vậy mới thấy tùy theo tâm tưởng của
người mà thành ra có cái nghĩ sai khác chớ không có cố định, là bớt chấp. Ở đây
nói bớt chấp thôi, chớ nói hết chấp thì chưa. Bớt chấp thì bớt khổ. Học thiền cởi
được những tình chấp của mình ra cho nhẹ bớt.
Ở trong Tuyệt Quán Luận có một đoạn, có người
đặt câu hỏi: “Con thấy người học đạo phần nhiều họ chẳng chuyên cần giữ giới
luật, cũng chẳng chăm lo gìn giữ oai nghi, cũng chẳng giáo hóa chúng sanh mà cứ
mặc tình sống thoải mái thì đó là ý gì?” Trong đó đáp: “Nhưng bên
trong thực hành không có gián đoạn.” Bên ngoài nhìn giống như thoải mái nhưng
bên trong người ta thực hành không có gián đoạn thì đó mới gọi là khéo tùy
duyên.
Có những trường hợp các ngài làm như vậy để
phá cái niệm chấp về sạch, về nhơ. Thí dụ như chấp ta đây tu hành thanh tịnh,
ta đây tu hành đàng hoàng. Nhưng có ai nói mình tu hành không thanh tịnh, không
đàng hoàng thì sao? Thì tức giận, đó là chấp vào cái thanh tịnh của mình, tới
chừng người ta nói không thanh tịnh thì nổi giận. Còn ở đây là phá cái niệm sạch
nhơ, ai nói sao thì nói, không thành vấn đề với mình.
Nhưng điểm này cũng phải xét ngược lại. Tuy
là vậy nhưng không phải dễ bắt chước, bởi vì cũng dễ lầm. Nghe nói làm những
chuyện như vậy là sống không chấp vào hình thức rồi mình cũng bắt chước làm như
vậy để cho giống như tự tại, nhưng đó là bắt chước chớ không phải sống thật sự.
Ở đây cần phải chú ý, điểm quan trọng là tuy bên ngoài như vậy nhưng bên trong
thì thực hành không có gián đoạn, tức là bên trong luôn luôn sáng ngời, không
có mê thì mới là lẽ thật, chớ theo cái kiểu bắt chước làm như vậy mà đụng đâu
dính đó thì không phải.
Cũng có trường hợp làm như vậy để tỏ ra ta
đây là người hiểu thiền, ta đây là người không chấp gì hết, là người sống tự tại.
Nhưng nói ta không chấp gì hết mà chính cái đó lại thành ra chấp, tức là “chấp
vào cái không chấp”.Thường người ta chấp cái này chấp cái kia, nhưng bây giờ chấp
trở lại cái không chấp, tức là ta không chấp cho nên mọi chuyện coi như không
thành vấn đề. Cái đó mới là cái nguy hiểm, chấp vào cái không chấp lại là bệnh.
Nhưng bệnh mà lại không biết bệnh nên mới khó trị, làm sao mà trị? Nên nhớ đây
là chỗ thực sống của các vị đã sáng tỏ được đạo, nếu không được như vậy thì
không được bắt chước.
Ở đây còn một điểm nữa, phải nhớ là khi chúng
ta nói rằng làm như vậy để phá cái tâm phân biệt, thì còn có tâm phân biệt
không? Chưa sạch hết phân biệt mới phá, chớ sạch hết rồi thì phá cái gì nữa?
Như vậy thì cũng chưa phải thật sự tự tại, đó là chỗ mình phải thấy cho kỹ. Đừng
nói rằng tôi làm vậy là để phá chấp, tôi tự tại rồi, nhưng sự thật nếu đã hết
chấp thì phá cái gì? Còn phá tức là còn phân biệt, còn phân biệt tức chưa tự tại.
Cho nên nếu nghe ai nói tôi phá chấp thế này, tôi phá chấp thế kia, tức là còn
chấp mới phá, chưa phải thật hết đâu. Đó là những điều phải thấy cho thật tế nhị.
6- Một điểm nữa, tùy duyên là mình nên sống
khéo hòa với tất cả chớ không nên làm khác người, không phải là lập dị, bởi vì
tùy duyên mà. Không làm khác với người, không lập dị để cho thấy ta đây là người
đạt đạo, ta đây là người tự tại, đó mới là tùy duyên. Bởi vì khi mình làm khác
người để chứng tỏ mình đạt đạo thì đó là một tướng khác của ngã tướng. Ở đây
làm tất cả, cũng ăn cũng ngủ như mọi người nhưng luôn luôn không rời Tự tánh,
không mất ánh sáng của Tự tâm, đó mới là khéo tùy duyên. Chớ tùy duyên mà làm
khác biệt với người ta, để cho thấy rằng “ta đây” là người không chấp,
là người tự tại, như vậy là có chấp trong đó rồi, có ngã tướng trong đó rồi.
Làm để cho người ta chú ý tới mình, cái đó là bệnh.
Bởi vậy, tùy duyên mà luôn luôn sáng ngời ở
trong, sống bình thường nhưng không mất chỗ sống chân thật của mình, mới là
đúng tùy duyên, nếu không được như vậy thì mắc kẹt. Tóm lại tùy duyên thì không
thể bám chấp vào một chỗ nào. Vì không có gì cố định hết. Vừa bám chấp một cái
gì đó là hết tùy duyên, mà còn sống trở lại với quá khứ nữa.
Trong sử ghi một hôm có vị ngoại đạo đến hỏi
Phật:
- Hôm qua Ngài thuyết pháp gì?
Phật nói:
- Hôm qua ta thuyết định pháp (tức là cái
pháp nhất định).
Vị ngoại đạo hỏi thêm:
- Vậy còn hôm nay Ngài thuyết pháp gì?
Phật nói:
- Hôm nay ta thuyết bất định pháp.
Vị ngoại đạo gạn lại:
- Hôm qua giảng định pháp, hôm nay vì sao lại
giảng bất định pháp?
Phật đáp:
- Hôm qua định, hôm nay bất định.
Đức Phật đáp quá hay, đó là để phá cái chấp cố
định của mình. Nếu thật sự một bề là định pháp thì làm sao mà có hôm nay? Có
hôm qua, có hôm nay tức là bất định, bởi vậy Phật mới nói rằng hôm qua thuyết định
pháp, bữa nay thuyết bất định pháp, đó là linh động.
Mình cố chấp một bề là mình chết ở trong quá
khứ, tức là thiếu cái linh động sáng tạo. Mình nghe nói định pháp thì chấp chặt
là định pháp, cho nên nghe nói bất định thì thắc mắc liền.Ở đây Phật nói rõ vì
bất định cho nên mới có hôm nay, mới có hôm qua. Lẽ thật rõ ràng là như vậy, thấy
như vậy thì làm sao chấp?
Mình nghe hôm qua nói định, bữa nay nói bất định
thì mình thấy Phật nói chuyện sao mà mâu thuẫn quá. Nhưng như vậy là không thấy
được ý nghĩa tùy duyên không cố định, tức là không có một pháp thật. Mình bám
vào cái hôm qua là mình chỉ nhớ cái quá khứ, sống lui về quá khứ, không có sáng
tạo. Hiểu như vậy thì mới thấy được ý nghĩa tùy duyên là luôn luôn linh động.
Ngài Lâm Tế lúc từ giã ngài Hoàng Bá đi,
Hoàng Bá hỏi đi đâu thì Ngài nói: “Chẳng về Hà Nam tức về Hà Bắc.” Lời này
nói lên tâm của Ngài sống tùy duyên thật sự. Tùy duyên ở đây là gì? Là lúc
nào cũng hiện tiền, cũng sáng ngời, cái chân thật đó luôn luôn theo sát bên
mình, cho nên nó không dừng ở một chỗ nào, không về Hà Nam thì về Hà Bắc, mình
đi đâu nó có ở đó. Mình bây giờ có thể nói là “Không ở thành phố thì ở
Trúc Lâm”, chớ thân đến Trúc Lâm mà niệm một bề cứ trụ ở thành phố đó là đóng
khung ở trong chỗ chết, không linh động.
7- Thêm một điểm nữa, tùy duyên tức là vô trụ.
Sống được vô trụ thì mới tùy duyên, chớ có trụ là hết tùy duyên, bởi vì có trụ
là có chết. Trong cuốn “Góp Nhặt Cát Đá” có chuyện hai sư huynh đệ đi
qua con suối thấy một cô gái mặc đồ đẹp muốn đi qua suối nhưng sợ bị ướt không
dám qua. Ông sư huynh nói “cô bé lại đây, ta đưa qua cho”, rồi ông bồng
cô đưa qua suối. Từ đó về tới chùa hai người làm thinh không nói chuyện. Tới
chùa ông sư đệ hậm hực nói rằng:
- Huynh sao bữa nay không giữ giới gì hết?
- Làm sao mà không giữ giới?
- Tại sao huynh bồng cô gái qua suối vậy?
Ông sư huynh cười nói:
- Vậy hả? Ta đã buông cô gái ở đó rồi, còn
ông lại ôm về tới đây sao?
Rõ ràng là ông sư huynh thì tùy duyên, gặp
đưa qua rồi thôi, còn ông sư đệ thì ôm ấp việc đó mãi, đi từ suối về chùa qua
bao nhiêu đoạn đường, qua bao nhiêu bước chân mà cái tâm của ông thì vẫn trụ ở
chỗ suối đó. Trụ như vậy là mất cái hiện tiền này tức là mất ông chủ. Còn ông
sư huynh buông hết rồi, cho nên luôn luôn lúc nào ông chủ cũng sống hiện tiền.
Cho nên tùy duyên tức là vô trụ, vô trụ là sống như vậy đó. Khéo như vậy mới thật
sự là khéo tùy duyên, chuyện qua rồi là thôi không có giữ lại, không có trụ lại.
8- Đến đây thì quí vị thấy ý nghĩa tùy duyên
hơi sâu rồi. Lên một tầng nữa tùy duyên phải lý sự đầy đủ, tùy duyên thường hiện
hữu, không nghiêng không lệch một bên. Đó mới gọi là tùy duyên sâu xa.
Có vị Tăng hỏi Thiền sư Quang Dũng:
- Văn-thù là thầy của bảy đức Phật, vậy
Văn-thù có thầy chăng?
Ngài Quang Dũng đáp:
- Gặp duyên liền có.
Ông Tăng hỏi:
- Thế nào là thầy Văn-thù?
Ngài Quang Dũng liền dựng đứng cây phất tử.
Ông Tăng nói:
- Phải chăng chỉ cái ấy liền là phải?
Ngài Quang Dũng liền ném cây phất tử đứng
khoanh tay. Đây mới gọi là tùy duyên mà thường hiện hữu, lý sự đầy đủ.
Văn-thù là chỉ cho Căn bản trí, là cái Lý tánh
chân thật. Chư Phật sở dĩ thành Phật là cũng ngộ cái lý Căn bản trí này, sống
được với Căn bản trí trọn vẹn thì thành Phật. Cho nên gọi Văn-thù là thầy của bảy
đức Phật, đã gọi như vậy thì còn ai là thầy của Văn-thù nữa. Nhưng ở đây ngài
Quang Dũng nói “gặp duyên thì liền có” tức là sao? Tức là nó không phải
hoàn toàn không ngơ, đủ duyên thì nó liền hiện, cái đó không ai làm thầy nó được
hết.
Ngay khi đưa phất tử lên tức là gặp duyên, nó
liền hiện, thì thầy là như vậy đó. "Cái sẵn có", đó là
lý, "gặp duyên liền hiện" đó là sự, lý sự luôn luôn đầy đủ.
Còn mình nếu thấy không thầy là thấy một bên lý, hoặc là thấy một bên có thầy
là thấy một bên sự . Ở đây lý sự luôn luôn đầy đủ, thấy như vậy thì không mắc kẹt
bên nào.
Khi đưa cây phất tử lên thì cái chân thật đó
vẫn luôn luôn hiện hữu nơi cây phất tử rồi, cái thấy nó luôn luôn có mặt rồi.
Khi quăng cây phất tử đứng khoanh tay thì sao? Ai đứng khoanh tay đó? Thì nó
cũng có mặt ở đó luôn. Cái Thể chân thật nó luôn luôn có mặt nhưng nó không có
hình tướng gì để thấy, mà chỗ nào nó cũng ứng hiện được hết. Như vậy mới gọi là
có thể có dụng, hoặc có lý có sự, luôn luôn đầy đủ.
Cũng vậy, tâm mình đâu có hình tướng gì nhưng
gặp duyên thì nó hiện đủ mọi hình tướng. Gặp duyên gì thì nó hiện ra tướng đó.
Nó hiện hữu khắp mọi nơi, tùy duyên mà thường hiện hữu chớ không mắc kẹt một
bên. Thấy được như vậy mới là thấy được cái ý sâu ở trong nhà thiền.
Kết lại thì tùy duyên là gì? Tùy duyên tức là
không có chỗ bám, linh động, không dừng không trụ. Tất cả các pháp đều là nhân
duyên, không có một pháp thật thì tại sao mình phải bám một chỗ để mà chịu khổ.Cho
nên biết tùy duyên là phải quên cái ngã này, còn nhớ cái ngã này là không có
tùy duyên. Và tùy duyên có bắt chước được không? Khi bắt chước là hết tùy
duyên, bởi vì bắt chước là đã có cái khuôn, có khuôn mới bắt chước, cho nên bắt
chước là hết tùy duyên. Ngoài ra điểm quan trọng phải nhớ là, tùy duyên mà còn
có ngã là lầm, phải nhớ điểm đó !
Xưa có một vị Thiền sư, Ngài sống ăn uống hỗn
tạp, không có chọn lựa gì hết, gặp mặn ăn mặn, gặp chay ăn chay, gặp gì là ăn nấy,
gặp rượu cũng uống luôn. Có nhiều đệ tử thấy vậy bắt chước, sống như vậy thoải
mái. Một hôm Ngài kêu hết đệ tử đến chỗ người ta thiêu xác người rồi đem đồ ăn
bày ra, Ngài lấy những miếng thịt người ta thiêu còn sót lại, chưa cháy hết, trộn
vô đồ ăn rồi nói:
- Các ngươi lại đây ăn với ta bữa này.
Các đệ tử ói mửa chạy hết. Ngài ngồi ăn thản
nhiên, sau đó mới bảo rằng:
- Các ngươi cùng ăn được với ta cái món này
thì mới có thể tiếp tục ăn uống như ta được, còn nếu không được thì thôi từ nay
đừng có bắt chước.
Chúng sợ hãi không dám bắt chước nữa, lo gìn
giữ giới luật đàng hoàng. Bởi vì Ngài đã nhiều năm tu hành thanh tịnh rồi mới
được như vậy, còn các đệ tử chưa được vậy thì làm sao mà bắt chước được! Như vậy
để thấy rằng, nếu tâm mình còn phân biệt nhơ sạch thì làm sao có thể tùy duyên
theo kiểu đó được, còn tâm Ngài sạch hết phân biệt rồi, cho nên ăn tự nhiên
thôi.
Khi tâm mình còn phân biệt nặng nề, còn thích
ngon chán dở, còn thích đẹp chán xấu mà bảo là tùy duyên không ngại gì thì coi
chừng bệnh hoạn, phải hiểu được cái ý đó. Như vậy một ý nghĩa tùy duyên này mà
thấu cho thật suốt có dễ dàng không? - Không dễ dàng, cho nên phải thật sống chớ
không phải bắt chước được.
Bởi vậy tùy duyên mà còn có cái ta trong đây
là còn dính mắc, mà còn dính mắc là không đúng ý nghĩa tùy duyên. Nhiều khi
mình mắc kẹt là mắc kẹt cái lý tùy duyên nữa, mình phải sống cho thật chân thật mới
thấy ý nghĩa tùy duyên, chỉ là cái lý thông thường thôi nhưng muốn hiểu cho rốt
ráo để sống không phải là đơn giản, làm cả đời không hết, đâu phải nói tới những
lý cao tột mây xanh.
Để kết thúc lại, tùy duyên là luôn luôn sáng
ngời tự tại, không có chỗ nào để bám, đó là tùy duyên. Mong rằng tất cả khéo sống
được tùy duyên, đúng ý nghĩa tùy duyên.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét