Thứ Hai, 1 tháng 2, 2016

BỐN MẪU CHUYỆN HAY




1. Người mù thắp đèn lồng
  
Anh học trò nọ đang gấp rút về nhà lúc nửa đêm, nhìn thấy một người mù đang thắp đèn lồng, anh này cảm thấy rất kì lạ, bèn tiến đến hỏi: “Anh là một người mù, vậy tại sao còn thắp đèn lồng?”
Người mù nói: “Tôi nghe người ta nói, mỗi lần đến tối nếu không có đèn lồng, mọi người sẽ không nhìn thấy gì cả, sẽ biến thành một người mù giống như tôi. Vì vậy, mỗi buổi tối tôi đều thắp đèn lồng”.
Anh học trò ngạc nhiên nói: “Hóa ra anh làm vậy vì muốn mang lại ánh sáng cho mọi người!”.
Người mù thành thật trả lời: “Thật ra phải nói là tôi vì chính mình thì đúng hơn!”.
Người học trò càng mơ hồ, không hiểu là thế nào, người mù vội giải thích: “Tôi là một người mù, không nhìn thấy gì cả, nhưng tôi thắp đèn lồng chiếu sáng đường đi lối về giúp mọi người, cũng đồng thời giúp họ nhìn thấy tôi, như thế họ sẽ không vì không nhìn thấy mà đụng tôi té ngã nữa”.

    Với người mù đó, thắp đèn chiếu sáng cho mọi người chính là thắp sáng cho bản thân, điều đó cũng gần với việc quan tâm người khác thật ra là quan tâm chính mình. Trong cuộc sống, nhiều lúc con người ta rất ích kỉ, luôn không muốn cho đi bất kì thứ gì hoặc giả có cũng là rất ít. Tuy nhiên, họ không biết rằng, thật ra cho đi vì người khác, cũng là vì chính bản thân mình, cho nhiều bao nhiêu sẽ được nhận lại bấy nhiêu.

2. Câu chuyện về trái khổ qua
  
Ở ngôi chùa nọ, có một lần chúng đệ tử cùng nhau xuống núi hành hương. Lúc này, sư phụ mang đến một trái khổ qua và nói: “Mang trái khổ qua này theo bên mình, nhớ là ngâm nó vào mỗi con sông thánh mà các con đi qua. Hơn nữa, nhớ mang chúng vào thánh điện nơi các con thờ phụng, đặt lên bàn cúng bái, thờ cúng nó, lúc quay về, thì đem theo cùng về”.
Chúng đệ tử đi viếng qua rất nhiều sông thánh và thánh điện, cũng luôn theo lời sư phụ dặn dò mà làm. Sau khi quay về, họ đem trái khổ qua đưa lại cho sư phụ. Và rồi, sư phụ lại bảo họ đem khổ qua nấu chín, lúc ăn tối sẽ dùng. Đến bữa cơm tối, sư phụ cắn một miếng khổ qua, sau đó nhẹ nhàng nói: “Kì lạ thật! Ngâm qua nhiều sông thánh như thế, tiến vào nhiều thánh điện như thế, trái khổ qua vậy mà vẫn không trở nên ngọt.”
Chúng đệ tử nghe xong, lập tức đều tỉnh ngộ. Đắng là bản chất của khổ qua, nó sẽ không vì ngâm nước thánh hay vào thánh điện mà thay đổi
     Cuộc sống của con người cũng giống như vậy, sẽ không vì bạn đạt được địa vị gì, giành được học vị gì hay là tôn thờ một vị thần nào đó mà thay đổi.
Con người sống ở đời, không nên trông mong cuộc sống sẽ không có “bi ai thống khổ”, mà việc thật sự nên làm là luôn luôn sẵn sàng chịu khổ, việc nên trông mong là bản thân có thể từ cái khổ đó mà trưởng thành, thấu hiểu… như vậy cái “khổ” đó sẽ không còn nữa.


3. Người khác là tấm gương phản chiếu của chính mình

Tô Đông Pha và thiền sư Phật Ấn là bạn tốt của nhau. Có một hôm, ông ấy và thiền sư Phật Ấn cùng nhau đàm thiền. Tô Đông Pha muốn đùa giỡn một chút với đại sư nên nói: “Đại sư, ngài xem, tôi ngồi ở chỗ này nhìn giống cái gì?”.
“Nhìn giống một pho tượng Phật”, đại sư Phật Ấn nói.
Tô Đông Pha chế giễu cười nói: “Nhưng tôi lại thấy ngài giống một đống phân trâu”. Đại sư Phật Ấn chỉ mỉm cười không nói gì.
Sau khi về nhà, Tô Đông Pha đem chuyện này kể lại cho Tô tiểu muội nghe. Tô tiểu muội chỉ nhẹ nhàng nói: “Vì bản thân là Phật nên nhìn người khác cũng sẽ thấy giống Phật, còn như bản thân là phân trâu, nhìn người khác đương nhiên sẽ thấy giống phân trâu”.
     Người khác chính là tấm gương phản chiếu bản thân. Bạn dùng ánh mắt như thế nào nhìn họ, cũng chính là dùng ánh mắt đó nhìn bản thân. 
Chúng ta đối với cuộc sống này, đối với người khác nên có suy nghĩ tích cực, khoan dung và lạc quan hơn. Khi bạn bao dung người khác cũng chính là đang bao dung chính mình, làm cho nhân cách của mình thêm “đẹp”, thêm đáng quý, cũng như cách mà đại sư Phật Ấn đã làm vậy.


4. Cùng một sự việc, mỗi người lại có cách nhìn khác nhau

Hai người phụ nữ ngồi trò chuyện với nhau, trong đó có một người nói: “Con trai bà thế nào rồi!”.
Đừng nhắc nữa, thiệt là xui xẻo, đứa con này làm tôi lo lắng chết đi được!”, người còn lại trả lời.
Người phụ nữ nói tiếp: “Nó thiệt là quá xúi quẩy, lấy phải một người vợ cực kì lười biếng, không nấu cơm, không quét dọn, không giặt quần áo, không chăm con, cả ngày chỉ ngủ. Bữa sáng, con tôi còn đem tới tận giường kìa!”.
“Vậy thế còn con gái bà thì sao?”, người kia lại hỏi tiếp.
“Nó thì tốt số rồi”. Người phụ nữ cười tươi nói: “Nó được gả cho một tấm chồng tốt, trước giờ không phải làm việc nhà, một tay đều do chồng nó lo hết, nấu cơm, giặt đồ, quét dọn, chăm trẻ, hơn nữa mỗi sáng còn đem thức ăn sáng tới tận giường cho nó ăn đó!”.
       Qua câu chuyện này, chúng ta có thể thấy rằng, cùng một trường hợp, nhưng khi đứng từ những góc độ khác nhau để nhìn nhận, xem xét, thì sẽ có cách nhìn không giống nhau. Do vậy nhìn phiến diện, một chiều, vì điều này sẽ tạo nên rất nhiều hiểu lầm không đáng có. 
       Đối với bất kì việc gì, chúng ta cũng nên có cái nhìn khách quan, đứng ở lập trường của người khác mà xem xét, hoặc đổi một góc độ khác mà nghĩ, khi đó, mọi chuyện sẽ có chiều hướng tích cực hơn.

                                                              Sưu tầm


Không có nhận xét nào: