Thứ Năm, 12 tháng 5, 2016

NHỮNG SUY NGẪM VỀ VIỆC THỜ PHẬT

 

 

Hiện nay, có nhiều gia đình hướng đến việc thờ Phật tại gia. Tuy nhiên nhiều người lúng túng và băn khoăn không biết tiêu chuẩn nào được phép thờ Phật? Thờ thế nào là đúng?
Tất cả những ai tìm Phật ở ngoài cũng như người đi tìm “lông rùa, sừng thỏ”, chỉ khi nhận diện được các bản tánh của mình thì mới tin rằng: “Tâm tức là Phật” và bản tánh của mình đầy đủ tất cả, xưa nay vẫn thanh tịnh. Nhưng vì bị vẩn đục bởi những tham sân si, ô nhiễm bởi những ý tưởng, vọng niệm cho nên như mặt trời bị áng mây che lấp không làm sao sáng tỏ được.
Hiện nay, có nhiều gia đình hướng đến việc thờ Phật tại gia. Tuy nhiên nhiều người lúng túng và băn khoăn không biết tiêu chuẩn nào được phép thờ Phật? Thờ thế nào là đúng?
Đã có nhiều bạn gặp và kể với tôi sau khi đến xem về việc lập ban thờ Phậttừ tư vấn của thầy cúng thì thấy việc thờ tự rất khó khăn. Trước hết, gia đình đó phải là phật tử nhiều đời, nhà phải đủ rộng và ánh sáng để lập ban thờ. Người đứng ra lập ban thờ phải giữ đủ năm giới và rất nhiều những tiêu chuẩn khác nữa….
Thú thật, số người có thể đáp ứng đủ những tiêu chuẩn “vàng” kia chắc chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Vì ngay từ thời đức Phật còn tại thế, cũng chưa có quy định nào nói về việc muốn thờ Phật phải giữ đủ tất cả những giới như trên. Có chăng đây chỉ là suy luận của người phàm tục mà thôi.
Có lẽ, xuất hiện cách hiểu sai lệch như vậy là do hoằng pháp của Phật giáo kém và bị hoàn cảnh chi phối. Chúng ta biết đến đạo Phật với tư cách là tín ngưỡng chứ không phải là một tôn giáo, thiếu chính kiến và trí tuệ trước những sự việc xảy ra trong cuộc sống.
Chính vì lẽ đó nên chúng ta thường lo sợ trước những lời phán dọa từ người khác. Nhìn chung, việc tiếp cận đạo Phật của người Việt nhiều đời nay mới chỉ ở bề nổi mà chưa chú trọng ở bề sâu.
Chúng ta nên nhớ thờ Phật chỉ là biểu tượng, nghi thức chứ không nên trọng hình thức. Đây chỉ là phương tiện, là cách thức để chúng ta nhắc nhở tâm mình hướng tới Phật.
Dù chúng ta có lập ban thờ đẹp đến nhường nào đi chăng nữa mà không chuyên cần tu học, đoạn ác tu thiện thì tất cả cũng đều vô ích. Đức Phật chưa bao giờ bắt chúng sinh phải lập ban thờ to với những lễ vật đắt tiền, cầu kì. Vậy mà chúng sinh vô minh luôn nghĩ nếu làm vậy thì Phật sẽ chứng tâm cho ta. Và những điều ta mong cầu đều thành tựu.
Dường như chúng ta đang đem đời áp đặt cho đạo, lấy cái tầm thường để phủ đậy lên trên trí tuệ. Chúng ta luôn nghĩ ở những bức tượng, bức ảnh kia mới có Phật mà quên mất Phật ngay tại tâm ta. Các vị Tổ sư đã từng dạy:“Tâm như nước. Phật như trăng. Nước yên, trăng hiện.”
Tất cả những ai tìm Phật ở ngoài cũng như người đi tìm “lông rùa, sừng thỏ”. Chỉ khi nhận diện được các bản tánh của mình thì mới tin rằng: “Tâm tức là Phật” và bản tánh của mình đầy đủ tất cả, xưa nay vẫn thanh tịnh. Nhưng vì bị vẩn đục bởi những tham sân si, ô nhiễm bởi những ý tưởng, vọng niệm cho nên như mặt trời bị áng mây che lấp không làm sao sáng tỏ được.
Xét cho cùng, khi một người Phật tử thành khẩn lễ lạy trước bàn thờ Phật, thắp hương, tụng kinh theo hồi chuông tiếng mõ thì thật ra người đó đang thành khẩn lễ lạy những vị Phật, Bồ Tát trong chính mình.
Khi niệm danh hiệu Đức Phật là chúng ta đang tưởng nhớ tới vị thầy đã chỉ dẫn cho nhân loại con đường giác ngộ. Đồng thời hướng vào trong chiều sâu tâm thức để kêu gọi Phật tánh. Khi niệm danh hiệu đức Bồ Tát Quán Thế Âm chính là lúc chúng ta khơi dậy lòng từ bi trong tâm và phát hạnh nguyện lắng nghe những đau khổ của thế gian.
Phật vốn không ở trong những bức tượng, những ngôi xá lợi. Phật không nghe thấy những lời cầu xin, không nhìn thấy những lễ lạy, không cần đến những cây nhang, cây hoa cắm trên ban thờ. Bởi vì Phật chính ở trong tâm ta. Thiên đàng hay địa ngục, luân hồi hay Niết Bàn, cõi Ta Bà hay thế giới Tây Phương Cực lạc cũng là tại tâm.
Nói như vậy, không có nghĩa là ta phải bác bỏ mọi nghi lễ, tụng niệm hay coi thường sự thành khẩn. Lòng tin, sự thành khẩn trong đạo Phật là những sức mạnh vô cùng mãnh liệt. Nó có khả năng giúp đỡ rất nhiều cho người Phật tử, nhất là trong những giờ phút khó khăn. Nhưng lòng tin trong đạo Phật không phải là đức tin không bờ bến, đức tin không điều kiện của những tôn giáo thần khải.
Đó là sự tin tưởng nơi những người đi trước, nơi những vị thầy dẫn dắt cho ta, cho tới khi chính ta thực nghiệm được con đường chỉ dẫn. Dần dần, sự tin tưởng tạm thời đó sẽ được thay thế bằng sự tin tưởng vững chắc mang lại bởi kinh nghiệm bản thân.
Như vậy, người tu Phật phải hiểu rằng mỗi khi mình lễ lạy, tụng niệm hay lập ban thờ Phật là mình đang hướng về những sức mạnh tâm linh bên trong. Chứ không phải là những quyền lực huyền bí bên ngoài. Và nếu sức mạnh mình cầu khẩn tưởng là bên ngoài nhưng kỳ thật là sức mạnh bên trong thì tự lực và tha lực trong thực tế liệu còn gì khác nhau?
Chính vì lẽ đó nên chúng ta cần trưởng dưỡng cây Bồ Đề trong thân tâm. Dòng tâm thức sẽ tiếp tục dẫn ta theo con đường đã huân tập. Thờ Phật là cách giúp tâm hồn ta thanh lọc và trong sạch hơn. Bất kể tôn giáo, giới tính, xuất thân nào cũng đều có thể thờ Phật.
Tùy theo hoàn cảnh gia đình mỗi người sẽ có ban thờ Phật thích hợp. Nếu không có đủ điều kiện để mua hoa quả, hương trầm, lư đồng thì cũng không sao cả. Chúng ta đừng nên nghĩ nếu không đủ những lễ vật ấy là bất kính với Phật. Đây thật sự là suy nghĩ sai lầm.
Phật chứng tâm chứ không chứng quả. Chỉ cần có tâm thành kính thì chỉ cần một bát nước trong dâng lên cúng dường Chư Phật là đủ. Lễ bạc nhưng lòng thành chính là vậy. Thờ Phật qua tranh ảnh hay tượng Phật cũng đều đúng. Vạn sự tùy duyên. Bởi vậy, chúng ta đừng nên xét nét hay ép buộc bản thân phải làm theo những lễ nghi cầu kì, phô trương và tốn kém.
Nếu tất cả mọi người đều thờ Phật, nhà nhà đều thờ Phật thì cuộc sống này sẽ thật sự tốt đẹp và yên bình. Và trong tương lai không xa, không phải chúng ta sẽ thành Phật hay sao?
“Ta là Phật đã thành, các ngươi là Phật sẽ thành”
Theo Phật giáo Việt Nam

Không có nhận xét nào: