Người ta thường nói đạo Phật là đạo của từ bi và trí tuệ.
Đối với nhiều người Phật tử, từ bi là quan
trọng hơn cả, và nếu không có từ bi thì không có đạo Phật. Đạo
Phật là con đường diệt khổ, vậy thì từ là đem
vui, bi là cứu khổ, còn gì đúng hơn nữa khi nói đạo Phật là
đạo của từ bi ?
Nhưng người ta cũng có thể tự hỏi : có thể nào thâu gồm lại
đạo Phật trong hai chữ từ bi ? Liệu từ bi có
đủ để định nghĩa đạo Phật, để phân biệt đạo Phật với các tôn giáo và triết
thuyết khác ? Nói một cách khác, có thể nào xem từ binhư là một đặc
điểm của đạo Phật ?
Nhìn chung quanh, chúng ta thấy đạo giáo nào cũng chủ trương
tình thương bao la, rộng lớn, như lòng bác ái của đức Ky Tô,
thuyết kiêm ái của Mặc tử. Nhưng chỉ có đạo Phật mới nổi bật
lên bằng sự đề cao trí tuệ. Có thể nói rằng trong suốt lịch sử tư
tưởng nhân loại, không có một tôn giáo nào đặt trọng tâm vào vai trò của trí
tuệ hơn là đạo Phật. Bởi vìBuddha (Phật) phát xuất từ chữ
Phạn bud, có nghĩa là hiểu biết. Đức Phật là người đã hiểu biết
trọn vẹn, đã tỉnh thức, đã giác ngộ, là người có trí tuệ vẹn toàn.
Như vậy có thể nói rằng trí tuệ mới chính
thực là đặc điểm, là nền tảng, là cốt tủy của đạo Phật.
Trí tuệ là gì ?
Trước hết, chúng ta phải hiểu rõ trí tuệ trong
đạo Phật là gì, bởi vì trí tuệ có một ý nghĩa rất đặc biệt
trong đạo Phật. Trí tuệ trong đạo Phật phải được phân biệt với quan niệm thông
thường về trí tuệ.
Theo nghĩa thông thường, trí
tuệ là kết quả của hoạt động trí thức (intellect), dựa lên lý trí
(raison), dùng đến lý luận, khái niệm, ngôn từ, và chủ yếu gồm những sự hiểu
biết, những kiến thức đã được gom góp lại.
Trong đạo Phật, trí
tuệ cũng được gọi là trí huệ, bởi vì cùng một chữ Hán có
thể đọc là huệ hay là tuệ. Người Hoa thường đọc
là huệ (tiếng quan hỏa đọc là "huậy"), trong khi
người Việt hay dùng chữ tuệ hơn, với đa số những chữ ghép
thuộc danh từ nhà Phật, như tuệ căn, tuệ giác, tuệ kiếm, tuệ lực, tuệ nhãn, tuệ
tâm, tuệ tánh... Tiếng Pali là pañña, tiếng Phạn
là prajñâ, và khi phiên âm sang tiếng Hoa thì trở thành Bát
Nhã (chữ ñ đọc như là nh của tiếng Việt).
Triết lý Ấn Độ cổ xưa có 3 danh từ để chỉ định sự hiểu biết
: ñâna (p) / jñâna (s), viññâna (p) / vijñâna
(s) và pañña(p) / prajñâ (s).
- Ñâna thường chỉ định sự hiểu biết thông
thường, theo nghĩa rộng của nó. Trong một số kinh điển, người ta cũng gặp
chữ ñâna dùng theo nghĩa pañña.
- Viññâna là sự hiểu biết dựa lên lý trí,
dùng phương pháp suy luận và phân tích.
- Trong khi đó, pañña là trí huệ thâm sâu,
sự hiểu biết toàn diện, có tính chất trực giác, không dựa lên lý luận, khái
niệm, ngôn từ, mà vượt khỏi ngôn từ. Tiếng Pháp thường dịch là sagesse, connaissance
profonde, transcendantale, hay cognition intégrale, nhưng những
chữ đó vẫn chỉ diễn tả được một phần nào cái không thể diễn tả được.
Chính vì khó dịch cho nên tại các nước Á châu, người ta
thường giữ nguyên phiên âm chữ Phạn, Bát Nhã trí huệ (Hoa) hay hannya-chie (Nhật)
để chỉ định trí tuệ trong đạo Phật.
Trí tuệ Bát Nhã và trí tuệ thông thường, như khoa học chẳng
hạn, còn khác nhau ở nơi đối tượng của sự hiểu biết. Như đức Phật đã nói rõ
trong bài bài thuyết pháp "lá trong rừng Sinsapa", sự giảng dậy của
ngài chỉ nhằm vào con đường giải thoát, là điều cấp bách và thiết thực nhất.
Nếu so sánh khoa học và đạo Phật với những tia sáng, thì chúng ta có thể ví
khoa học với ánh sáng tỏa khắp nơi, và đạo Phật với một tia laser tụ hết cả
năng lực vào một điểm, tức là diệt khổ.
Trong đạo Phật còn một danh từ nữa gần với huệ là giác (bodhi,
phiên âm là Bồ đề). Giác là thức tỉnh, đối lại với
ngủ mê. Vì vậy trong nghi thức tụng niệm, chúng ta thường gặp câu "... xa
bể khổ nguồn mê, chóng quay về bờ giác". Và trong đạo Phật, giác
ngộ và tuệ giác là mục đích của người tu Phật, đi
theo gót của đức Phật Thích Ca, là vị "Chánh đẳng chánh giác"(samma-sambuddha),
là người đã giác ngộ hoàn toàn.
Trí tuệ trong đạo Phật Nguyên thủy
Vai trò của trí tuệ trong đạo Phật nguồn gốc (primitif) và
đạo Phật Nguyên thủy (Theravada) rất rõ ràng, sáng sủa : trí
tuệ là phương tiện duy nhất đưa tới giác ngộ, và giải thoát khỏi khổ đau. Bài
"Trí tuệ trong đạo Phật" của HT Thích Minh Châu (trong site Internet
Buddhasasana) đã trình bầy một cách minh triết và đầy đủ về vấn đề
này. Tôi chỉ xin nhắc lại một vài điều căn bản trong giáo lý của đạo Phật
Nguyên thủy.
Nếu chúng ta lấy " vòng mười hai nhân duyên
" (paticca-samuppâda) mà xét lại, thì chúng ta sẽ thấy
đầu mối của sự khổ đau, của sự đọa đầy trong vòng trầm luân của con người chính
là vô minh (avijjâ). Vì vô minh là đầu mối của vấn đề, cho nên trí
tuệ chính là giải đáp của vấn đề.
Trong " con đường chánh tám nẻo " (atthangika-magga),
chánh kiến (sammâ-ditthi) và chánh tư duy (sammâ-sankappa) là
hai nẻo thuộc về huệ (pañña), là giai đoạn cuối cùng,
quan trọng nhất của sự tu tập (trong khi chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng
thuộc về giới, sila, và chánh tinh tấn, chánh niệm,
chánh định thuộc về định, samâdhi). Dĩ nhiên sự tu tập
theo đạo Phật không thể phân chia ra thành từng giai đoạn rõ rệt như vậy, và
tám nẻo của con đường đó phải được đi đều với nhau, nhưng chúng ta cũng có thể
nhận thấy trong sự phân chia đó môt trình tự phù hợp với những gì xẩy ra trong
tâm lý con người. Phải nhiếp được thân khẩu ý (giới), thì mới tinh
tấn, niệm và định tâm được(định), và như vậy thì mới hiểu và
nhìn rõ được sự thật (huệ).
Trong kinh Pháp Cú (Dhammapada), là một trong
những kinh cổ xưa nhất của đạo Phật, có một phẩm nói về " người ngu và
kẻ trí ". Ngu phải hiểu ở đây không phải
là sự ngu dốt, đần độn, kém thông minh, thiếu kiến thức, mà phải hiểu như sự mê
muội, đắm chìm trong những đam mê, ảo tưởng của cuộc đời. Trí, như
đã nói trên, không phải là sự thông minh, uyên bác, mà là sự hiểu biết sâu xa,
trọn vẹn, về con đường chánh, đưa tới an lạc và hạnh phúc. HT Minh Châu có lấy
thí dụ một người có rất nhiều kiến thức về rượu, biết rõ những chất liệu của
rượu, những tác động của rượu trên cơ thể, nhưng vẫn uống nhiều rượu, vẫn say
và nghiện rượu, vẫn bị rượu chi phối. Như vậy thì người ấy có trí thức chứ
không có trí tuệ về rượu, người đó là người ngu.
Trái lại, một người hiểu biết về rượu, nhưng cũng biết rõ sự nguy hại của rượu,
không uống rượu say, không nghiện rượu, vượt ra khỏi sự chi phối của rượu. Như
vậy người ấy mới thật là có trí tuệ về rượu, người ấy mới là
kẻ trí.
Nói tóm lại, trí tuệ trong đạo Phật Nguyên thủy có mặt trong
suốt tất cả giáo lý căn bản của đạo Phật : " bốn sự thật, con đường tám
nẻo, ba pháp ấn, lý nhân duyên "... và đóng một vai trò chủ chốt trên con
đường đưa tới giải thoát và giác ngộ. Trí tuệ có nghĩa là hiểu biết trọn vẹn và
hành trì theo Chánh Pháp, để phá bỏ màn vô minh và nhận chân sự thật.
Trí tuệ trong đạo Phật Đại thừa
Trí tuệ chính là sợi giây nối liền đạo Phật nguồn gốc, đạo
Phật Nguyên thủy và đạo Phật Đại thừa (Mahâyâna). Người ta thường
gọi Trưởng Lão Bộ (Sthaviravada), tiền thân của đạo Phật Nguyên
thủy (Theravada), là "Cổ phái Trí tuệ"(Ancienne Ecole de
Sagesse), và gọi phái Trung Quán (Mâdhyamaka) của Đại thừa là
"Tân phái Trí tuệ"(Nouvelle Ecole de Sagesse).
Thật ra, như chúng ta được biết, trong lịch sử phát triển
của đạo Phật, các trường phái Đại thừa phân chia ra làm hai khuynh hướng : một
bên là trí tuệ và một bên là đức tin.
Tiêu biểu nhất cho trí tuệ là hệ thống Bát Nhã, dựa lên bộ
kinh đồ sộ Bát Nhã Ba La Mật Đa ( Prajñâpâramitâ-sûtra),(toàn bộ
in ra được 600 quyển!), với hai bài kinh quan trọng nhất là Đại Bát Nhã Tâm
Kinh (Mahâprajñâpâramitâ-hrdaya-sûtra) và Kinh Kim Cương (Vajrachchedika-prajñâpâramitâ-sûtra).
Tinh thần Bát Nhã được triển khai bởi ngài Long Thụ (Nâgârjuna),
cầm đầu phái Trung Quán (Mâdhyamaka), nhà luận sư nổi tiếng đã
chứng minh một cách sắc bén rằng sự thật không thể nào hiểu thấu được bằng lý
luận. Theo ngài, trí tuệ là con đường khó, mà đức tin là con đường dễ. Ngài
giảng muốn hiểu giáo lý của đức Phật thì phải hiểu hai mức độ, hay đúng hơn hai
kích thước của sự thật, sự thật tương đối (samvriti-satya) và
sự thật tuyệt đối(paramartha-satya). Và sự thật tuyệt đối là tánh Không(sûnyatâ),
là cái không thể nghĩ bàn, không thể nắm bắt bằng những khả năng thông thường
của trí tuệ, mà chỉ có thấu hiểu được bằng trực giác, bằng thực nghiệm.
Bài Đại Bát Nhã Tâm Kinh, tuy chỉ có 260 chữ, nhưng chứa
đựng được tất cả cốt tủy của tinh thần Bát Nhã. Pâramitâcó nghĩa là
vượt qua. Người ta có thể hiểu theo nghĩa vượt qua bên kia bờ, bên này là vô
minh phiền não, bên kia là giác ngộ giải thoát, và trí tuệ Bát Nhã là con
thuyền chở con người qua bên kia bờ sông. Nhưng đọc và thấm cả bài kinh, chúng
ta mới thấy rằng trí tuệ theo tinh thần Bát Nhã rất là đặc biệt, có thể gọi là
siêu việt. Trong bài kinh có câu " vô trí diệc vô đắc ", nghĩa là
không có trí tuệ mà cũng không có chứng đắc. Sau khi khẳng định rằng "
không có sắc, thọ, tưởng, hành, thức, không có mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý,
không có sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp ", thì kinh nói rằng "
không có vô minh, cũng không có hết vô minh, không có già chết, cũng không có
hết già chết, không có khổ, tập, diệt, đạo, không có trí tuệ, cũng không có
chứng đắc ", tức là tất cả những gì đã học trong giáo lý căn bản của đức
Phật đều không có thật, đều là những chân lý tương đối, tạm bợ... Bởi vì tướng
Không của các pháp là không sanh không diệt, không dơ không sạch, không thêm
không bớt, không một không hai. Thấu được lẽ Không của các pháp, của mọi sự
vật, mới là trí tuệ thực sự, vượt qua cả trí tuệ (au-delà de la sagesse). Đó
mới là ý nghĩa của kinh Bát Nhã siêu việt, tức là Prajñâpâramitâ-sûtrâ,
bộ kinh căn bản của Đại thừa.
Trí tuệ trong Thiền tông
Tinh thần Bát Nhã được tiếp nối trong Thiền tông Trung Hoa,
từ vị sơ tổ Bồ Đề Đạt Ma (Bodhidharma) từ Ấn Độ qua vào thế kỷ
thứ 6. Người ta thường gán cho ngài Bồ Đề Đạt Ma 4 câu thu gọn lại tôn chỉ của
Thiền, là " Giáo ngoại biệt truyền, Bất lập văn tự, Trực chỉ nhân tâm,
Kiến tánh thành Phật ". Nhưng thật ra, theo các nhà Phật học, thì lục tổ
Huệ Năng mới là tác giả của tôn chỉ này. Và điểm quan trọng là ngài đã đánh dấu
một khúc ngoặt, đã làm một cuộc cách mạng trong Thiền tông bằng cách thay thế
quan niệm " khán tâm " bằng quan niệm " kiến tánh ".
Theo ông Daisetz Suzuki, hai chữ " khán " và
" kiến " đều có nghĩa là " nhìn ", song chữ " khán
" có chữ " thủ " trên chữ " mục ", như bàn tay để trên
mắt để che ánh sáng, với ý nghĩa " cố gắng nhìn " (hay là "
nhòm, soi ", (regarder, scruter), trong khi đó " kiến " chỉ có
chữ " mục " trên đôi chân, tức là " thấy ", một cách tự
nhiên, không cố gắng (voir). Như vậy, quan niệm cổ điển của Thiền là "
khán tâm ", cố gắng nhìn vào cái tâm của mình, soi cái tâm của mình, trong
khi đó ngài Huệ Năng chủ trương " kiến tánh ", nhìn thấy cái tánh,
cái Phật tánh trong mình, một cách tự nhiên và hồn nhiên, không cố gắng.
Từ đó, cái nhìn của Thiền về trí tuệ trở nên vô cùng đơn
giản : " mây tan thì trăng hiện ". Không cần phải mài viên gạch để
mong nó trở thành tấm gương, không cần phải tự hỏi cây phướn động hay gió động.
Chẳng nên phân tách, đắn đo, suy nghĩ, bởi vì chỉ cần một niệm dấy lên là bị
sương mù cuốn đi xa ngàn dặm. Bởi vậy cho nên giác ngộ có thể tới từ một tiếng
hét, từ một viên đá văng vào một khúc gỗ, một mảnh tượng Phật bùng cháy... Phật
chính là tuệ giác, là ở trong tâm mình chứ không đâu xa lạ. Tìm trí tuệ ở đâu
khác cũng là "ôm cây đợi thỏ" hay "khắc thuyền tìm kiếm".
Thiền cũng ở trong đường hướng chung của Bát Nhã, không chấp
trước, không phân biệt, không mong cầu, không trụ vào đâu. Chính " ưng vô
sở trụ nhi sanh kỳ tâm " là câu trong kinh Kim Cương đã đả khai trí tuệ
cho Lục tổ Huệ Năng và vua Trần Thái Tông.
Con đường phát triển trí tuệ
Làm thế nào để phát triển trí tuệ ? Đó là câu hỏi chung của
những người tu học Phật.
- Đối với người mới học Phật thì đạo Phật có vẻ phức tạp,
với nhiều môn phái, kinh điển, không biết nên theo ai, bắt đầu bằng gì. Với
niềm lo âu là nhỡ lầm thầy, lẫn sách thì có thể sai đường, mất thời giờ hay có
khi có hại.
- Đối với người đã lâu năm tu học Phật, thì nhiều khi thấy
rằng mình tuy đã có khá nhiều hành lý về giáo lý, nhưng vẫn dậm chân tại chỗ,
và thực tế mà nói vẫn chưa tiến được bao nhiêu (đôi khi có lẽ vì hành lý nặng
quá!).
Đạo Phật là một con đường thực nghiệm. Mỗi người tự rút ra
những kinh nghiệm cá nhân, chỉ có giá trị cho chính mình. Nhưng dẫu sao, từ
nhiều kinh nghiệm cá nhân, chúng ta cũng có thể rút ra một số bài học chung :
1. Những lịch trình tu học Phật thường được theo từ xưa tới
nay vẫn còn giá trị.
* Đó là " tam vô lậu học ", tức là giới (sila),
định (samâdhi) và huệ (pañña).
* Đó là " văn, tư, tu ", tức là ba loại hiểu biết,
được phân biệt trong Trường Bộ Kinh (Digha-nikaya) và Thanh
Tịnh Đạo (Visuddhi-magga) : sự hiểu biết dựa lên học hỏi (sutta-maya-pañña),
sự hiểu biết dựa lên suy tư (cinta-maya-pañña) và sự hiểu biết
dựa lên tu tập (bhavana-maya-pañña).
* Đó là " lục độ Ba la mật ", tức là bố thí, trì
giới, tinh tấn, nhẫn nhục, thiền định, trí huệ.
2. Trí huệ dĩ nhiên là giai đoạn cuối cùng và cao nhất.
Nhưng chúng ta cũng không quên được vai trò cốt yếu của thiền định (bhavana hay jhâna
/ dhyâna) : chính nhờ thiền định mà đức Phật Thích Ca đã giác ngộ dưới
gốc cây Bồ đề, và chỉ có thiền định mới giúp phát triển được trí huệ, nhờ hai
phương pháp là chỉ (samatha, calme mental, tranquillity),tức
là định (samâdhi), và quán (vipassana, vision
pénétrante, insight). Một câu hỏi có thể đặt ra, nhưng có lẽ chỉ có những đương
sự mới có thể trả lời được : tụng niệm (theo Tịnh Độ tông chẳng hạn) có thể đưa
tới trạng thái chỉ (hayđịnh), nhằm đi tới "nhất
tâm bất loạn". Nhưng liệu tụng niệm có thể nào đưa tới trạng thái quán,
và như vậy đưa tớihuệ không ?
3. Kinh điển có cần thiết hay không trong
sự phát triển trí tuệ? Thiết tưởng đạo Phật là con đường trung đạo, cho nên
cũng nên nhìn kinh điển trong tinh thần đó.
Kinh điển chỉ là phương tiện, là ngón tay chỉ mặt trăng, cho
nên không nên coi kinh điển là chính yếu, không nên bám víu vào kinh điển, và
bù đầu bù óc vào kinh điển.
Ngược lại, cũng không nên bác bỏ mọi kinh điển, bởi vì kinh
điển có thể giúp mình tiến bước trên con đường tu học. Chúng ta nên nhớ rằng
ngay cả những người có căn cơ xuất chúng như ngài Huệ Năng cũng nhờ nghe câu
kinh mà ngộ đạo.
Liên hệ giữa từ bi và trí tuệ
Nói về trí tuệ sẽ rất thiếu sót nếu không nói tới những
tương quan giữa từ bi và trí tuệ.
Người ta thường cho rằng đạo Phật Nguyên Thủy đặt nặng
về trí tuệ, trong khi đạo Phật Đại Thừa đặt nặng về từ bi.
Sự thật không hẳn là như vậy.
Trong kinh Từ Bi (Metta-sutta), thuộc hệ thống
Pali, đức Phật đã dậy cho chúng ta phải thương yêu, cứu độ tất cả các chúng
sanh, không phân biệt, không điều kiện, không giới hạn. Trong bài kinh này,
ngài không nói tới những liên hệ mật thiết giữa trí tuệ và từ bi, nhưng nếu
chúng ta hiểu rõ lý duyên khởi, là sự tương quan, tương duyên,
tương tác, tương hữu giữa mọi sự vật, thì sự liên hệ mật thiết giữa từ bi và
trí tuệ trở nên vô cùng sáng tỏ. Bởi vì tất cả chúng sanh đều có liên đới với
nhau như anh em, bà con ruột thịt, cho nên sự khổ đau của chúng sanh cũng không
khác gì sự khổ đau của chính mình.
Với Đại Thừa, lý tưởng A La Hán được thay thế bằng lý tưởng
Bồ Tát, và từ bi được đề cao bởi những nhân vật như ngài Duy Ma Cật (Vimalakirti) :
" Sở dĩ Bồ Tát bệnh là bởi vì chúng sanh bệnh. Bao giờ chúng sanh khỏi
bệnh, thì Bồ Tát cũng khỏi bệnh". Trong Kinh cũng nhấn mạnh : " Có
hai điều mà Bồ Tát phải ghi nhớ, là không bao giờ bỏ rơi chúng sanh, và nhìn
thấy rõ rằng tất cả là Không".
Có thể nói rằng từ bi có vững chắc được là nhờ nền tảng trí
tuệ, và trí tuệ có phát triển được là nhờ ở từ bi.
Thiếu trí tuệ thì từ bi sẽ có thể chỉ là cảm xúc nhất thời,
và thiếu từ bi thì trí tuệ khó lòng được thể hiện. Trong hành động cứu độ chúng
sanh, con người từ bi tự quên mình, thực nghiệm được thêm Vô ngã, tánh Không,
và tự mở mang thêm trí tuệ. Tới khi không còn phân biệt giữa người cứu độ và
người được cứu độ, thì lúc bấy giờ đã tự giải thoát hoàn toàn.
Từ bi và trí tuệ đi đôi và gắn liền với nhau, vì từ nguồn
trí tuệ mà suối từ bi tuôn chẩy, nhờ suối từ bi cho nên cây trí tuệ trổ hoa.
Như vậy, trong đạo Phật, từ bi và trí tuệ bổ túc cho nhau,
nương vào nhau mà hiện hữu, cũng như hai mặt của một bàn tay, hay đôi cánh của
một con chim.
Con chim bay xa, bay xa mãi, khi không còn thấy bờ bên này
hay bên kia...
Trịnh Nguyên Phước
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét