Ông Han Man Cheong, GS
danh dự, nguyên Hiệu trưởng Đại học Y, Đại học Quốc gia Seoul bị ung thư gan giai đoạn cuối nhưng vẫn khỏe
mạnh suốt 16 năm nay đã trở thành câu chuyện rất nổi tiếng ở Hàn Quốc.
Ông đã viết thành sách
để nói về bí quyết sinh tồn kỳ diệu của mình. Điều tuyệt vời ở chỗ, "bí
quyết" ấy nằm gọn trong 3 chữ: CHẾ ĐỘ ĂN, nên nó rất dễ để những
người bệnh ung thư khác tham khảo hoặc áp dụng vào bản thân mình.
Dưới đây là câu chuyện
hoàn toàn theo lời kể của ông trong sách, chúng tôi tóm lược lại. Tiêu đề phụ
trong bài do tòa soạn đặt.
Cánh cửa địa ngục
Từ năm 1998, tôi được
chẩn đoán mắc ung thư gan giai đoạn muộn. Chỉ sau chưa đầy 2 tháng, các khối u
gan di căn sang phổi.
Tôi cũng từng hoảng
loạn khi bác sĩ cho biết cơ hội sống chưa đến 5%. Khi cầm trên tay tờ
giấy "tử thần", tôi biết không ai tin tôi có thể sống sót.
Nhưng cuộc đời nhanh
hơn chớp mắt, ngày "khủng khiếp" ấy đến bây giờ đã hơn 16 năm. Chuyên
gia ngành y gọi tôi là bệnh nhân có sự "hồi phục thần kỳ".
Khi biết mình bị bệnh,
tôi đã từng nghĩ cuộc đời mình thế là đoản mệnh, không thể ngờ bệnh hiểm nghèo như vậy mà vẫn sống đến tuổi
này. Giờ tôi cũng đã sống hơn 80 tuổi.
Không những thế, ngoài
việc tham gia vào nghiên cứu, tư vấn, giảng dạy, tôi còn có thể đi du lịch nước
ngoài, chơi golf...
Sau khi bị ung thư đến
nay, tôi liên tục duy trì thói quen đọc sách và áp dụng kiến thức trong sách
vào cuộc sống. Tôi không hề trách số phận mình vì sao lại kém may mắn.
Tôi cũng không hề
tuyệt vọng mà ngược lại còn cảm thấy hy vọng nhiều hơn.
Khi không còn loại
thuốc nào có thể cứu sống mình, tôi đành dựa vào những nguyên tắc riêng của
mình để tiếp tục tồn tại.
Tôi ngồi trong phòng
tĩnh tâm và suy nghĩ, giả sử cái bệnh ung thư khủng khiếp này không gõ cửa nhà
mình, thì cuộc sống của tôi sau đó sẽ diễn ra như thế nào?
Tất nhiên là sẽ có
muôn vàn khả năng khác nhau xảy ra trong tương lai, nhưng tôi không chắc chắn
sẽ có một cơ thể hoàn toàn khỏe mạnh, thậm chí không chắc là sẽ khỏe hơn hiện
tại.
Sau khi bị ung thư,
nhiều lần tôi nghĩ rằng mình đang phải đối mặt với việc lần lượt mở các cánh
cửa địa ngục. Nhưng ung thư cũng đã làm cho tôi nhận thức được rất nhiều cảm
hứng mới về sự sống.
Điều quan trọng nhất
về nhận thức đó là mình cần phải giữ gìn sức khỏe tốt, điều mà trước đó tôi gần
như không hề mảy may nghĩ đến.
Hãy chăm sóc "ung
thư" thật tốt và tiễn nó ra khỏi cuộc đời bạn!
Bìa cuốn sách "Tôi đã sống thêm 16 năm, vượt quá tỉ lệ sống 5% của bệnh
án" của ông Han.
Từ khi có bệnh,
tôi coi ung thư như "một người bạn không mời mà tới". Luôn đối
xử ân cần dịu dàng và vui vẻ với "bạn", cố gắng để ngăn chặn
"bạn" không bạo lực hoặc gây tức giận trở lại với tôi.
Nghĩa là, bất cứ khi
nào tôi cũng đều cẩn thận duy trì thái độ lành mạnh với cuộc sống.
Tôi đã tạo ra cho mình
một cuộc sống với triết lý vô cùng đơn giản rằng, hãy thiết lập một cuộc sống
hoàn hảo nhất có thể bằng cách: ăn, ngủ, bài tiết tốt, vận động tốt, giữ cho
thái độ về cuộc sống mỗi ngày một tốt hơn.
Có thể nói rằng
các nguyên tắc của tôi về cuộc sống là chỉ làm những điều bình thường, đơn
giản.
Tôi muốn nhấn mạnh
rằng, thế giới này không có cách sống lành mạnh nào phù hợp cho tất cả mọi
người, hãy tự tìm ra cách sống riêng phù hợp nhất với bản thân mình.
Vì vậy, nếu ai hỏi tôi
kinh nghiệm, tôi sẽ nói rằng bạn phải cố gắng thử xem cách sống của những người
khác có thể áp dụng cho riêng bạn hay không. Tuy nhiên, tối thiểu bạn
không quên hai nguyên tắc sau đây.
- Một là, bạn không
nên miễn cưỡng thực hiện cách sống đó, phải chọn cách mà bạn thấy hạnh phúc và
luôn mong được sống như thế.
- Hai là, bạn không
nên quá vội vã sốt ruột, hãy kiên trì mỗi ngày theo cách nghĩ rằng, việc gì
cũng giống như nước chảy đá mòn vậy.
Tôi phải nhấn mạnh
rằng, để có thể sống được đến nay và nói ra những lời này, là điều tiếp theo
tôi muốn giới thiệu tới các bạn.
Cách làm cho tôi hạnh
phúc và thoải mái nhất trong cuộc sống, không phải là câu trả lời cuối cùng cho
việc làm sao để thoát khỏi bệnh.
Đây cũng không thể trở
thành một tiêu chuẩn thống nhất cho tất cả mọi người.
Tôi chỉ có thể hy vọng
rằng, người đọc những câu chuyện của tôi chia sẻ ở đây có thể rút ra cho mình
một cách riêng để vượt qua bệnh tật.
Duy trì chế độ ăn uống
bình thường để khỏe mạnh
1. Trước đây tôi có
thói quen uống cà phê, thậm chí trước khi phát hiện bị ung thư tôi vẫn đang
thường xuyên hút thuốc.
Sau khi biết bệnh, mặc
dù bỏ hút thuốc lá, nhưng tôi vẫn uống một tách cà phê/ngày ngay
cả sau khi phẫu thuật.
2. Với tôi, ăn sáng luôn là bữa ăn quan trọng nhất. Mặc
dù trong thực tế, bữa sáng tại nhà của chúng tôi cũng không có gì đặc biệt. Tôi
thường nói với vợ chế độ ăn uống cần nhấn mạnh 3 nguyên tắc:
- Thứ nhất, không ăn
trực tiếp thực phẩm chế biến ở dạng tươi sống (gỏi, thịt cá sống).
- Thứ hai, không ăn
thức ăn nhanh.
- Thứ ba, không ăn quá
mặn.
Trong thực tế, tôi
không yêu cầu phải được chuẩn bị đầy đủ các món ăn thịnh soạn. Chỉ chuẩn bị bữa
ăn bằng các thực phẩm tươi, lựa chọn theo mùa.
3. Tôi duy
trì nguyên tắc "tủ lạnh trống không" khi quyết định lựa
chọn các món ăn tươi và nấu ăn trực tiếp thay vì mua thật nhiều thức ăn cất vào
tủ lạnh ăn dần.
Bạn cứ thử ăn những
thức ăn lấy từ tủ lạnh ra hâm đi hâm lại, rồi so sánh với món ăn tươi bạn vừa
mới nấu mới thực sự thấy kết quả rõ ràng.
4. Một kinh nghiệm nữa
là tôi bắt đầu ăn sáng bằng rau sống. Ban đầu, rau sống hơi khó ăn nên tôi
thường cho thêm các loại nước sốt hoặc giấm chua, nước mắm để ăn kèm cho được
nhiều.
Sau một thời gian, ăn
như vậy cũng không dễ nuốt, tôi bắt đầu thử ăn rau sống riêng, rồi dần dần cảm
nhận rằng, cách ăn này khá thú vị.
Có thể cảm nhận rất rõ
hương vị tươi ngon của rau, đồng thời có thể ăn nhiều hơn.
Tôi tiếp tục phát hiện
ra rằng ăn rau diếp với một vài quả cà chua, táo và các loại quả
khác có thể dễ dàng thay thế nước sốt rưới lên rau.
Cách ăn này giúp cảm
nhận rất rõ hương vị tự nhiên nhất của thực phẩm tươi sống đồng thời giữ nguyên
kết cấu dinh dưỡng của thực phẩm.
5. Ngoài ra, tôi
đã duy trì ăn một quả trứng gà và một ly sữa mỗi ngày. Trứng gà thường
được luộc chín trong nước sôi rồi ăn ngay mà không thêm muối.
Sự kết hợp của trứng
gà và sữa góp phần duy trì sự ổn định của lượng protein và canxi cần thiết cho
cơ thể trong một ngày. Hoặc đôi khi, tôi kết hợp một chút cháo hoặc các món ăn
được chế biến từ gạo.
6. Trong các bữa ở
nhà, tôi thường ưu tiên chế biến các món ăn theo cách truyền thống của Hàn Quốc
với nguyên tắc "cân bằng". Để làm điều này, tôi kiên trì với
suất ăn 2 bát cơm/bữa cùng với lượng thức ăn phù hợp đủ để ăn với cơm.
Nhà tôi cũng tự làm
kim chi theo khẩu vị của gia đình nên đôi khi chỉ cần vài đũa kim chi cũng có
thể ăn hết 2 bát cơm định mức đó.
7. Đọc đến đây, bạn có
thể nghĩ tôi hơi cầu kỳ, nhưng trong thực tế, bữa trưa tôi vẫn thường đi ăn cơm
ở nhà ăn công cộng như những người khác, chỉ có bữa sáng và tối là thực hiện
theo nguyên tắc của mình.
Thành thật mà
nói, những việc tôi có thể làm cũng chỉ là thở, tập thể dục và chế độ ăn uống. Trong khi đó,
chỉ có mỗi chế độ ăn uống là tôi phải bận tâm hơn.
Kể từ khi bị ung thư,
tôi đã có thái độ rất khác về cách ăn uống, tập thể dục. Trong đó, tôi luôn
nghĩ rằng thực phẩm là nguồn gốc của sức sống con người.
Ngoài ra, thói quen
sinh hoạt và thời gian tập thể dục cũng vô cùng quan trọng. Kinh nghiệm của tôi
cho thấy, cần phải tự tìm ra cho riêng mình một cách phù hợp nhất dựa trên
những nền tảng này và làm nó với tâm thế vui vẻ nhất.
Mốc thời gian còn lại
của sự sống sau khi mắc ung thư có ý nghĩa gì?
Tất cả các bệnh nhân
ung thư đều cần phải căn cứ trên mức độ phát triển của khối
u sau khi đo khám, xác định diễn tiến bệnh để phán đoán và lựa
chọn phương pháp điều trị theo lộ trình.
Cho đến nay thì nhiều
nơi vẫn dùng phương pháp đo vòng đời bệnh bằng hệ thống TNM (TNM staging
system), Trong đó:
- T là Tumor – khối u
ung thư, đề cập đến kích thước của khối u nguyên phát.
- N là Node - hạch
bạch huyết, đề cập đến mức độ của các nút khuếch tán bạch huyết.
- M là Metastasis - di
căn, là việc phán đoán liệu khối u có di chuyển đến các cơ quan cơ thể như thế
nào, thông thường chia thành 4 giai đoạn để dễ hình dung hơn.
Ví dụ bệnh ung thư
phổi, khi 1 trong hai lá phổi có khối u với kích thước nhỏ hơn hoặc bằng 3cm,
các bác sĩ sẽ xếp bệnh nhân vào giai đoạn 1 của ung thư.
Khi khối ung thư chính
bắt đầu lan ra xung quanh thì tính là giai đoạn thứ hai.
Khi các tế bào ung thư
không chỉ nằm trong các hạch bạch huyết mà lan tiếp ra phần trên của chuỗi
xương ngực và các bộ phận khác được tính là giai đoạn thứ ba.
Tồi tệ hơn, khối u di
căn đến các cơ quan xa hơn như gan, não, xương thì đây được xem là giai đoạn
thứ tư, mốc cuối cùng dẫn đến cái chết.
Vậy, dưới góc độ là
một bệnh nhân, bạn đã biết rõ 4 giai đoạn tiến triển của ung thư như vậy, bạn
luôn biết mình sẽ làm gì.
Theo thống kê, tỉ lệ
chữa khỏi bệnh ung thư bao nhiêu dựa vào giai đoạn cụ thể của từng bệnh nhân và
thể trạng riêng của người bệnh.
Tuy nhiên, chúng ta có
thể tham chiếu công thức chung để biết thêm về thời gian sống sót của mình ở
ngưỡng nào.
Giả sử thời gian sống
sót sau ung thư trung bình là 5 năm, thì những người bị ung thư giai đoạn 1 có
xác suất sống khoảng 90% thời gian trên. Giai đoạn 2 chỉ còn khoảng 67%, giai
đoạn 3 khoảng 33% và giai đoạn cuối thì chỉ chữa bệnh với mục đích kéo dài sự
sống.
Tôi nhận ra rằng, bệnh
ung thư này sẽ phải liên quan đến hệ thống khám xét bằng kỹ thuật số, bạn cần
biết rõ về các thông số bệnh, ở những thời điểm khám khác nhau.
Tôi đã từng có cảm
giác như bay trên mây khi nghe những con số mà các bác sĩ và y tá trao đổi với
nhau.
Đặc biệt đối với những
người không có kiến thức chuyên môn về y khoa, khi nghe tin này cũng đủ hoang
mang sợ hãi.
Lời khuyên của tôi là
bạn hãy dừng ngay việc nghĩ rằng bạn đang bị ung thư giai đoạn mấy.
Nếu khi ở giai đoạn 1,
bạn nghĩ mình thuộc 90% người có thể cứu sống. Còn khi ở giai đoạn 4, bạn lại
tin là mình đã chạm tay vào cái chết.
Vậy liệu bạn có nghĩ
tôi là "ngoại lệ" không? Rất nhiều đồng nghiệp, bạn bè của tôi nghĩ
rằng tôi chẳng còn đường sống nào khi ung thư đã ở giai đoạn cuối.
Thế nhưng tôi lại có
thể sống khỏe mạnh như thế này, cho nên tôi cho rằng, ở một góc độ nào đó, hãy
tin rằng con số thông báo về việc bạn có thể kéo dài sự sống bao nhiêu thực sự
không phải là hoàn toàn chính xác như vậy.
Chia sẻ của ông Han Man Cheong - nguyên Hiệu trưởng
Đại học Y, Đại học Quốc gia Seoul (Hàn Quốc) về 5 nguyên tắc "làm
bạn" với ung thư chúng tôi sẽ đăng ở bài tiếp theo, dự kiến đăng tải
vào 10h sáng ngày 10/8/2016. Kính mời quý độc giả quan tâm tiếp tục tìm đọc.
Trích từ email quangaduc @...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét