Hôm nay là ngày giỗ kỷ niệm lão pháp sư Ấn Quang vãng sinh về cõi
Tây Phương lần thứ mười hai. Quý vị đều là đệ tử của Ngài.
Uống nước
phải nhớ nguồn, nên quý vị tụ hội tại giảng đường này, làm lễ giỗ truy niệm thầy
mình. Trong đạo lý nhà Phật, thầy tức là cha mẹ pháp thân của mình. Kỷ niệm thầy,
tức là nhắc lại bổn phận hiếu thảo của mình đối với cha mẹ pháp thân. So sánh về
sự hiếu thảo nhỏ nhặt ở thế gian thì việc này có rất nhiều ý nghĩa thâm trầm
hơn.
Nhớ thuở
xưa, lần đầu tôi gặp lão pháp sư Ấn Quang tại núi Phổ Đà vào năm Quang Tự thứ
hai mươi. Lúc đó, lão hòa thượng Hóa Văn thỉnh Ngài lên tòa giảng kinh A Di Đà
tại chùa Quảng Tế. Giảng xong, Ngài ở lại chùa, đọc hết ba tạng kinh điển. Qua
hơn hai mươi năm, Ngài chưa từng rời núi một bước mà đóng cửa ẩn tu. Tuy Ngài
hiểu rõ giáo nghĩa rất thâm sâu, nhưng chỉ lấy một câu A Di Đà Phật làm sự tu
trì hằng ngày. Tuyệt đối không cho mình thông hiểu kinh giáo thâm sâu mà coi nhẹ
pháp môn niệm Phật. Lời dạy của Phật là thuốc dùng để trị bịnh khổ cho chúng
sanh. Pháp môn niệm Phật, được gọi là thuốc A Già Đà, trị hết tất cả bịnh.
Thật vậy, vô luận tu pháp môn nào, cần phải có niềm tin kiên cố, giữ gìn
mãi mãi, thực hành ngày một thâm sâu, thì mới mong đạt được lợi ích đầy đủ. Nếu
có niềm tin kiên cố thì trì chú, tham thiền, niệm Phật đều thành tựu. Nếu tín
căn không thâm sâu mà chỉ cậy nhờ chút ít thiện căn, học thức cạn cợt, hoặc nhớ
được vài ba danh tướng công án, rồi đi nói chuyện vô ích tạp nhạp hay bàn việc
đúng sai thì chỉ tăng trưởng nghiệp chướng và tập khí xấu xa. Dẫu có bàn về việc
sống chết, cũng vẫn bị nghiệp thức dẫn dắt. Có thật đáng thương lắm không!
Quý vị là đệ tử của pháp sư Ấn Quang. Hôm nay
làm giỗ lễ kỷ niệm, thì cũng phải kỷ niệm sự hành trì chân thật của Ngài. Ngài
là một vị chân tu thực thụ vì bước trên đường các bậc cổ đức đã đi. Ngài hiểu
rõ thâm ý của chương Bồ Tát Đại Thế Chí Niệm Phật Viên Thông. Y theo đó mà khởi
tu, nên đạt được niệm Phật Tam Muội. Từ đó, Ngài hoằng dương tông Tịnh Độ, làm
lợi ích cho chúng sanh, trải qua bao thập niên mà cũng vẫn như một ngày, chưa
từng từ nan thối bước, dẫu có bịnh tật ốm đau. Hiện tại, thật hiếm có ai như
Ngài, chân thật tu hành không khởi kiến chấp phân biệt mình người, chỉ nghe một
danh hiệu Phật rồi y theo đó mà tu trì. Sáng niệm Phật. Tối niệm Phật. Đi đứng
nằm ngồi, trong mười hai thời niệm niệm không quên mất. Thầm thầm lặng lặng,
công phu thuần thục chín mùi, cảnh tịnh Tây Phương Cực Lạc hiện trước mặt, được
lợi ích vô biên, tự mình quán thấy.
Điều quan trọng nhất là tín tâm phải kiên cố.
Tín tâm nếu không kiên cố, thì muôn sự không thể thành. Hôm nay tăng, ngày mai
giảm; nghe người nói tham thiền hay thì bỏ ngay công phu niệm Phật, chạy qua tu
thiền. Nghe người nói học kinh điển rất tốt thì lại bỏ thiền, qua học kinh
giáo. Học kinh giáo không thành lại chạy đến trì chú, nhưng chẳng hiểu chi hết.
Tâm bị chướng ngại vì không thanh tịnh. Không tự trách mình tín tâm không định,
lại cho rằng Phật Tổ dối gạt chúng sinh. Chửi Phật báng Pháp, tạo nghiệp vô
gián. Vì thế, tôi khuyên đại chúng rằng phải nên tin tưởng kiên cố sự lợi ích
của pháp môn niệm Phật, học theo hạnh "Chân thật niệm Phật" của lão
pháp sư Ấn Quang, rồi lập chí vững chắc, phát tâm dũng mãnh, lấy việc vãng sanh
cõi Tây Phương làm việc lớn trong đời.
Tham thiền cùng niệm Phật, đối với người mới
phát tâm tu học thì thấy có khác, nhưng đối với người tu hành lâu năm thì chỉ
là một. Tham thiền đề cử thoại đầu, chặt đứt dòng sinh tử, cũng từ tín tâm kiên
cố mà được. Nếu thoại đầu giữ mãi không được thì tham thiền không thể thành
tựu.
Nếu tín tâm kiên cố thì đến chết cũng phải tham
khán câu thoại đầu. Uống trà không biết đang uống trà. Ăn cơm không biết đang
ăn cơm.
Như thế, công phu mới thuần thục, thoát khỏi căn
trần, đại dụng hiện tiền, cùng cảnh tịnh của công phu niệm Phật, giống nhau
không khác. Đạt đến cảnh giới đó, sự lý viên dung, tâm cùng Phật không hai.
Phật như như bất động. Chúng sinh cũng như như bất động. Một như như bất động
mà không có hai như như bất động, thì sai biệt chỗ nào ? Quý vị là những người
tu pháp môn niệm Phật. Tôi hy vọng tất cả hãy lấy một câu niệm Phật làm chỗ y
tựa cho đời mình. Hãy chân thật mà niệm !
Thiền sư Hư Vân (Khai thị nhân dịp ngày giỗ thứ mười hai của tổ Ấn
Quang, năm 1952)
Theo Phật giáo Việt Nam
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét