Trong cuộc sống, đôi khi chúng ta thường mắc phải 3 sai lầm sau: Nói chuyện lý lẽ với người hồ đồ; làm việc nghiêm túc với người không đáng tin; nói tình cảm với người vô tình.
Lời dạy của người xưa sớm đã nhắc nhở chúng ta rằng cần phải nhạy bén trong làm người, làm việc. Bất kể là trong công việc, tình yêu, hay tình bạn, chúng ta đều phải chọn đối tượng để kết giao, ứng xử cho phù hợp với tùy loại người.
Ví như: Lời, chỉ nói với người hiểu chuyện; Việc, phải làm với người chân thật; Tình, phải dành cho người phúc hậu.
Lời, chỉ nói với người hiểu chuyện
Khổng tử có nói: “Người có thể cùng nói chuyện mà không nói, thế là mất người. Người không thể bàn chuyện cùng mà lại nói, thế là uổng lời”.
Lời này có nghĩa đại khái là, nếu gặp phải dạng người không hiểu chuyện, có những lời là không thể nói ra, vì có nói đối phương cũng không hiểu. Đôi khi nói nhiều còn rước thêm phiền não, thậm chí dẫn đến tai họa.
Có một câu chuyện kể về đôi tình nhân trẻ đang ăn trong nhà hàng. Lúc ăn xong chuẩn bị đi, cô bạn gái bị vài tên lưu manh ở bàn bên cạnh huýt sáo trêu ghẹo.
Người đàn ông lắc đầu nói: “Ăn xong rồi, chúng ta đi thôi”.
Bạn gái liền tức giận mắng: “Anh sợ như thế à, còn là đàn ông không!”
Người đàn ông nhíu mày, kéo bạn gái rời đi: “Tội gì mà so đo với bọn lưu manh”.
Kết quả, người bạn gái đẩy tay anh ta ra và mắng mấy tên lưu manh một trận. Cuối cùng cả hai bị những tên lưu manh cho một trận, người đàn ông đã bị đâm trọng thương, tình trạng hết sức nguy kịch.
Sau đó, anh ta được đưa đến bệnh viện chữa trị nhưng không qua khỏi. Trước khi qua đời, anh có hỏi bạn gái một câu: “Giờ anh đã được tính là đàn ông chưa?”.
Một trong những đặc điểm của người hồ đồ là gần như không thể nói lý lẽ với họ. Họ không chỉ không hiểu đạo lý, đôi lúc còn cho rằng bạn đang nói vớ vẩn. Nếu chẳng may vướng phải người hồ đồ, thì trước sau cũng gặp tai họa, thậm chí còn mất đi tính mạng.
Do đó, bạn chỉ nên nói chuyện với người hiểu chuyện, đừng tranh luận với người hồ đồ, vì một khi tranh luận nghĩa là bạn đã thua chính mình.
Bởi vậy, có những lời, không gặp đúng người, thà rằng không nói.
Việc, phải làm với người chân thật
Có người nói: “Làm người phải đàng hoàng, làm việc phải thành thật”.
Với người năng lực không đủ thì có thể rèn luyện, nhưng nếu bản chất không thành thực, thì rất khó trở thành đối tác để làm việc cùng.
Ngoài ra, cũng không thể làm việc với người tâm cao khí ngạo, bởi anh ta sẽ không để ai vào mắt, không thể có thái độ làm việc đúng đắn.
Cũng không thể làm việc với người bốc đồng, bởi anh ta chỉ vì cái trước mắt, nóng lòng muốn thành công mà khó đặt tâm vào công việc.
Trong “Cách Ngôn Liên Bích” có nói: “Tiểu nhân làm việc, nguyên tắc là tư lợi, hợp với tư lợi thì coi như làm lợi, đi ngược với tư lợi thì coi như làm hại”.
Khi làm việc với tiểu nhân, nếu hai người có cùng lợi ích và mục tiêu, thì anh ta sẽ mưu lợi cùng bạn, nhưng nếu làm chuyện vi phạm tới lợi ích của anh ta, nhẹ thì rời đi, nặng thì sẽ làm tổn thương bạn từ phía sau.
Loại người này chỉ biết đến lợi ích. Khi bạn có ích với anh ta, anh ta sẽ cười rạng rỡ với bạn, cảm giác rất phúc hậu; Nhưng một khi bạn không có giá trị lợi dụng hoặc cản trở lợi ích của anh ta, thì loại người này sẽ lập tức trở mặt, để lộ ra vẻ lang sói.
Bởi vậy, có một số việc nếu không gặp đúng người thì thà rằng không làm.
Tình, phải dành cho người phúc hậu
Hồi tỷ phú Lý Gia Thành vừa lập nghiệp, tài chính có hạn, trong lúc đàm phán kinh doanh với người nước ngoài, họ muốn đặt ông một đơn đặt hàng lớn, nhưng bên kia đề xuất cần một công ty khác bảo đảm.
Lý Gia Thành đã cố gắng chạy vạy khắp nơi, nhưng vẫn không tìm được công ty đảm bảo, đành phải trả lời thành thật với doanh nhân nước ngoài.
Cảm động trước sự chính trực của ông, người doanh nhân nước ngoài nói: “Từ trong lời nói của ông có thể thấy được, ông là một quân tử chính trực. Không cần tìm công ty khác đảm bảo nữa, chúng ta ký kết đi”.
Một khi đàm phán thành công thỏa thuận này, Lý Gia Thành sẽ ít đi rất nhiều đường vòng trong giai đoạn đầu khởi nghiệp.
Lý Gia Thành mặc dù rất cảm động trước lời đề nghị của người nước ngoài, nhưng ông vẫn lắc đầu từ chối:
“Được ngài tín nhiệm như vậy, tôi hết sức vinh hạnh. Nhưng tôi vẫn không thể ký kết với ngài rồi, bởi vì tài chính của tôi thực sự có hạn”.
Doanh nhân nước ngoài nghe vậy càng bội phục cách làm người của ông, không chỉ đồng ý ký hợp đồng mà còn trả trước tiền hàng.
Vậy nên người phúc hậu, ít ngụy trang, thẳng thắn; không lấp liếm, nhiều ánh dương, thì rất đáng để chúng ta kết bạn chân thành. Lời dạy của người xưa quả thật rất đúng:
Nên nói với người hiểu chuyện, vì họ hiểu lý lẽ!
Làm việc với người thành thật, sẽ thành công!
Nói chuyện tình yêu với người phúc hậu. Họ sẽ là những tri âm tri kỷ không phụ lòng!
Đây đều là những kinh nghiệm quý báu mà tổ tiên chúng ta đã đúc rút ra, khuyên răn chúng ta làm người, làm việc trong lòng phải có hiểu biết, nhạy bén.
Hãy nhớ lấy, dành thời gian và tình cảm cho đúng người thì mới có ý nghĩa.
Chúc Di (Theo Secret China)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét