Người mở đường cho sự phát triển loại vắc xin cứu sống hàng triệu
sinh mạng giữa mùa dịch Covid-19 chính là Katalin Kariko, một nữ khoa học gia
người Hungary.
Katalin Kariko, một trong những người đầu tiên phát minh ra công nghệ mRNA đang được dùng để điều chế vắc xin Covid-19. Ảnh: Hungary Today
Katalin Kariko là một
trong những người đầu tiên phát minh ra RNA thông tin (gọi tắt là mRNA), công
nghệ đang được sử dụng trong việc điều chế các loại vắc xin Covid-19 tân tiến
nhất thế giới.
Thế nhưng, việc chứng minh
được sức mạnh tiềm tàng của mRNA đầy gian nan. Suốt một thời gian dài, ý tưởng
của nhà hóa sinh người Hungary bị xem là “phi thực tế”, và liên tục nhận những
cái lắc đầu từ chối hỗ trợ từ các chính phủ, tổ chức khoa học, thậm chí là từ
chính đồng nghiệp của bà.
Sinh năm 17/1/1955 ở thị
trấn Kisujszallas (Hungary) trong một gia đình làm nghề bán thịt, Katalin
Kariko có niềm đam mê với khoa học từ khi còn rất nhỏ. Do hoàn cảnh nghèo khó,
bà đã dốc hết tâm trí cho việc học tập với mong ước đổi đời. Nỗ lực này đã giúp
bà giành được học bổng Cộng hoà Nhân dân Hungary, học bổng danh giá nhất lúc
bấy giờ.
Sau khi tốt nghiệp đại
học, Kariko tiếp tục học lên tiến sĩ, rồi làm việc tại Trung tâm Nghiên cứu
sinh học thuộc Học viện Khoa học Hungary ở Szeged. Bà theo đuổi công nghệ mRNA
từ lúc còn là sinh viên đến khi trở thành nhà nghiên cứu hóa sinh. Nhưng do chi
phí quá tốn kém, nên đến đầu những năm 1980, học viện đã phải ngưng tài trợ
tiền cho các chương trình nghiên cứu của bà.
Rơi vào cảnh thất nghiệp ở
tuổi 30, Kariko ban đầu đi khắp các nước châu Âu để tìm việc làm, nhưng đều bất
thành. Đến một buổi chiều năm 1985, bà quyết định dốc sạch túi, bán hết những
tài sản có giá trị trong nhà để đưa chồng và con gái rời Hungary, vượt Đại Tây
Dương cập bến nước Mỹ.
Thời gian đầu ở Mỹ, Kariko
tốt nghiệp hệ sau đại học ở Đại học Temple và được nhận vào làm trợ lý cho tiến
sĩ Elliot Barnathan tại Đại học Pennsylvania. Tuy nhiên, công việc này không
giúp bà có được tài trợ để tiếp tục nghiên cứu mRNA. Mọi thứ ngày càng xấu đi
sau khi tiến sĩ Barnathan rời Đại học Pennsylvania, và Kariko rơi vào cảnh
khánh kiệt cả tiền trợ cấp lẫn công cụ nghiên cứu.
Năm 1995, tức 10 năm sau
khi đến Mỹ, trở thành quãng thời gian tồi tệ nhất trong đời của Katalin Kariko,
khi bà vừa phải nhận trát sa thải từ Đại học Pennsylvania, vừa bị chẩn đoán mắc
bệnh ung thư. Thất nghiệp và bệnh tật một lần nữa khiến bao nhiêu thời gian và
tâm huyết cho việc nghiên cứu của bà dường như đổ sông đổ bể.
Một cuộc gặp gỡ tình cờ
sau đó 3 năm đã thay đổi sự nghiệp của Kariko. Một buổi chiều năm 1998, bà đi
photo tài liệu thì gặp giáo sư miễn dịch học Drew Weissmen. Trong lúc chờ
photo, Kariko đã kể cho Weissmen về mRNA. Giáo sư Weissmen nhận ra đó là một
nguồn tri thức vô giá. Ông quyết tâm đầu tư tiền của, cộng tác với Kariko để
cùng phát triển mRNA trong lĩnh vực y sinh học.
Drew Weissmen và Katalin Kariko, cặp đôi đặt
nền móng cho công nghệ mRNA. Ảnh: NBC News
Vạn sự bao giờ cũng khởi
đầu nan. Giới khoa học hồi đó hầu như đều làm ngơ và từ chối tài trợ cho việc
nghiên cứu mRNA, vì họ cho rằng công nghệ này không mang tính thực tiễn cao.
Nhiều tạp chí khoa học danh tiếng đã từ chối đăng tải công trình của Kariko và
Weissmen, và nghiên cứu của họ thu hút rất ít sự chú ý sau khi được công bố
chính thức.
"Thông thường, vào
thời điểm đó, mọi người chỉ nói tạm biệt và rời đi vì cho rằng nghiên cứu này
quá phi lý”, bà Katalin Kariko chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn. Tuy nhiên, bà
khẳng định vẫn kiên trì đối mặt với những khó khăn này: "Bề ngoài, điều
này có vẻ điên rồ, khó khăn, nhưng tôi vẫn cảm thấy hạnh phúc vì những công sức
đã bỏ ra trong phòng thí nghiệm".
Thời điểm các hãng dược bắt đầu phát triển mạnh
các loại vắc-xin Covid-19 bằng công nghệ mRNA. Nguồn: Financial Times
Sự kiên trì không biết mệt
mỏi của hai nhà nghiên cứu cuối cùng đã được đền đáp. Năm 2005, Kariko và
Weissman đạt được một bước đột phá lớn, khi họ lần đầu tiên đưa mRNA tổng hợp
vượt qua hệ thống miễn dịch của cơ thể con người.
Công trình của họ nhanh
chóng thu hút sự chú ý của nhà sinh học tế bào gốc Canada Derrick Rossi, người
sau này đã góp phần sáng lập hãng dược Moderna và đối tác tương lai của Pfizer,
BioNTech. Không chỉ công nhận nó là một đột phá lớn, mà Rossi còn tin tưởng
những đóng góp của Kariko và Weissman cho nền y khoa thế giới xứng đáng giúp họ
nhận được giải Nobel cao quý.
Biểu đồ so sánh các loại vắc-xin sử dụng công
nghệ mRNA của PfizerBioNTech và Moderna. Nguồn: Trung tâm Khoa học Y tế Đại học
Texas
Giờ đây, công nghệ mRNA
được các nhà nghiên cứu tại Pfizer-BioNTech và Moderna ưa chuộng trong việc
điều chế vắc xin Covid-19. Thậm chí, tiến sĩ Anthony Fauci, Giám đốc Viện Dị
ứng và Bệnh truyền nhiễm Quốc gia Mỹ, còn nhận định mRNA có triển vọng rất lớn
trong việc nghiên cứu vắc xin của các bệnh nan y như cúm mùa, sốt rét hay HIV.
Sau nhiều thập kỷ bị cộng
đồng khoa học ghẻ lạnh, nhờ những nỗ lực nghiên cứu kiên định, bền bỉ, cùng ý
chí vượt qua nghịch cảnh một cách phi thường, Katalin Kariko và Drew Weissman
đang đứng trước cơ hội rất lớn để giành được giải Nobel Y học đầu tiên trong sự
nghiệp của mình.
Dù vậy, nhà hóa sinh
Hungary vẫn rất khiêm nhường khi cho biết, bà “chỉ thực sự ăn mừng” một khi các
chiến dịch tiêm chủng có thể loại bỏ hoàn toàn mối đe dọa của dịch Covid-19
trên toàn cầu.
Việt Anh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét