Chủ Nhật, 3 tháng 5, 2015

CHỮA BỆNH, DƯỠNG SINH BẰNG CHẾ ĐỘ ĂN UỐNG PHÙ HỢP VỚI TỰ NHIÊN



Trong năm mươi năm qua số bệnh nhân nhiểm bệnh và tử vong vì ung thư đã không ngừng gia tăng. Hiện nay theo báo cáo của tổ chức Y Tế Thế Giới, mỗi năm có thêm khoảng 10 triệu người mới phát bệnh ung thư và khoảng 6 triệu người chết do ung thư. Tại Việt nam, hàng năm có khoảng 100 đến 150 ngàn người mới mắc bệnh ung thư và khoảng 70 ngàn người chết vì ung thư. Trong khi những tiến bộ khoa học có vẽ như bất lực trong việc chận đứng ung thư thì thỉnh thoảng người ta vẫn ghi nhận được thông tin những bệnh nhân ung thư khỏi bệnh hoàn toàn nhờ những liệu pháp cổ truyền. Phải chăng đây chỉ là cá biệt? Bài viết sau đây sẽ giải thích về những nguyên lý và giá trị thực tiển của Macrobiotics, một phương pháp chữa bệnh bằng chế độ ăn uống phù hợp với tự nhiên cùng với những so sánh, đối chiếu với một số nghiên cứu khoa học và một số tập quán ăn uống có giá trị dưỡng sinh cao.
                                           

  Chữa bệnh ung thư không cần dùng thuốc
Vào tháng 08-1982 ở nước Mỹ có một trường hợp bệnh ung thư di căn được chữa khỏi hoàn toàn đã được nhiều tờ báo lớn lúc bấy giờ như Life, Paris Match đăng tải gây được sự chú ý của nhiều người. Bác sĩ Anthonny Sattilaro là giám đốc một bệnh viện lớn ở Philadelphia. Ông đã bị ung thư di căn đến nhiều bộ phận trên cơ thể, đã trải qua 3 lần giải phẩu. Ông đã hoàn toàn tuyệt vọng. Sau đó ông đã được giới thiệu phương pháp điều trị bằng chế độ ăn uống đặc biệt theo Giáo Sư Oshawa dưới sự hướng dẫn trực tiếp của GS bác sĩ Kichio Kushi. Bảy tháng sau, tất cả các xét nghiệm cần thiết được thực hiện đã chứng tỏ ông hoàn toàn khỏi bệnh*. Chữa bệnh ung thư không dùng thuốc như trường hợp BS Anthony Sattilaro không phải là duy nhất. Trong một cuộc phỏng vấn dành cho phóng viên Sabine de la Brosse của báo Paris Match, bác sĩ Kushi cho biết:

- Hàng năm tôi tiếp nhận khoản 3000 bệnh nhân. Phân nữa trong số đó là bệnh ung thư. Có đến 40% bệnh nhân ung thư đã đến thời kỳ chót. Khi không còn chút hy vọng sống sót họ mới tìm đến tôi. Tôi có thể nói phân nữa số bệnh nhân “chờ chết” ấy hiện nay đã bình phục hẳn. Họ đã mạnh khoẻ và đã trở lại cuộc sống bình thường.

Phóng viên : Vậy còn số phân nữa kia thì sao?

BS Kushi : Số người ấy không theo đúng phương pháp mà tôi chỉ dẫn cho họ. Họ ăn uống sai, không kiêng kỵ được. Họ ăn uống trái phép rồi tiếp tục tồn trữ chất độc trong cơ thể.
BS Kushi đặc biệt nhấn manh : Phải nhìn nhân rằng sự hợp tác của những người xung quanh nhất là những người trong gia đình là điều rất cần thiết. Nếu người chồng bị bênh và người vợ nấu ăn thì người vợ phải nâng đỡ tinh thần người chồng bằng cách ăn cùng một chế độ với chồng theo phương pháp Macrobiotics.


Macrobiotics và lối sống thuận theo quy luật vũ trụ.
Vào năm 1907 khi làn sóng Âu hoá bắt đầu tràn vào nước Nhật, ông Sagen Ishizuka một bác sĩ thuộc quân đội Nhật Hoàng đã vận động nhiều nghị sĩ, học giã, thương gia trong nước để thành lập hiệp hội SHOKU-YO-KAIL nhằm khơi dậy phong trào phát huy truyền thống Á Đông và những giá trị cỗ truyền. Hiệp hội đặc biệt khuyến khích việc ăn uống và chữa bệnh phù hợp với quy luật vũ trụ theo nguyên lý âm dương thông qua chế độ ăn ngủ cốc và rau quả toàn phần, ít uống sữa, hạn chế ăn thịt. Hơn 20 năm sau chức vụ hội trưởng của hiệp hội được chuyển giao cho ông GEORGES OSHAWA. GS Oshawa (1893-1966) là một người đã từng bị lao phổi và ung thư dạ dày. Ông đã tự chữa khỏi bệnh cho mình bằng chế độ ăn uống nói trên. GS Oshawa là người đã từng viết hàng trăm đầu sách và đi rất nhiều nơi trên thế giới để diễn giải và quảng bá về triết lý Á Đông và phương pháp ăn uống để chữa bệnh. Vào năm 1960 trong một quyển sách được viết bằng Anh ngữ**, lần đầu tiên ông chính thức dùng từ Macrobiotics để đặt tên cho phương pháp với hàm ý một quan niệm vĩ đại (Macro) về cuộc sống (bio).

Theo ông Macrobiotics không chỉ là một phương pháp chữa bệnh mà còn là một triết lý sống. Cách ăn uống nầy không chỉ tạo nên những con người khoẻ mạnh mà còn xây dựng nên một thế giới hoà bình và hoà hợp. Thức ăn không chỉ nuôi sống thể xác mà qua sự lựa chọn những loại thực phẩm có năng lượng Âm hoặc Dương thích hợp có thể phát triển tinh thần và cải thiện hành vi và tâm lý con người. Ngày nay những trung tâm nghiên cứu và truyền bá Macrobiotics đã được thành lập ở nhiều nước trên thế giới. Ở phương Tây đã có những cửa hàng Whole Food Market chuyên bán thực phẩm dưỡng sinh và chống ung thư. Thuật ngữ Macrobiotics đã trở thành một từ phổ thông được đưa vào nhiều từ điển với ý nghĩa là một phương pháp dưỡng sinh và chữa bệnh bằng cách ăn uống ngủ cốc và rau quả toàn phần không có sự hổ trợ của hoá chất.

Một số nguyên tắc ăn uống theo phương pháp Macrobiotics.
Theo quan điểm "Thiên Nhân hợp nhất" của triết học phương Đông, con người và vũ trụ là một thể thống nhất. Con người là một tiểu vũ trụ tồn tại và khoẻ mạnh trong điều kiện tương thích với hoàn cảnh chung quanh. Bệnh tật xảy ra chỉ là dấu hiệu cho thấy đã có một sự lệch lạc trong cách sống, sinh hoạt và ăn uống không phù hợp với tự nhiên. Chữa bệnh là thực hiện những biện pháp nhằm tái lập lại sự cân bằng và hài hoà giữa hai yếu tố Âm và Dương trong cơ thể cũng như giữa con người và hoàn cảnh bên ngoài. Khi sự cân bằng đã được thiết lập và sự hài hoà đã được thực hiện, cơ thể tự có sức đề kháng thích hợp với những yếu tố gây bệnh. Căn cứ vào nguyên lý nầy và qua quan sát cách ăn uống của những người nguyên thuỷ, Macrobiotics dựa trên những nguyên tắc sau:

Tận dụng tính toàn thể và thống nhất của thức ăn
Tính thống nhất trong chế độ ăn nầy hàm nghĩa toàn thể, toàn phần, không tách rời ý muốn nói đến khuynh hướng lựa chọn thực phẩm với đầy đủ thành phần vốn có của nó. Một hạt gạo, một cây rau, một củ hoặc một quả cũng giống như một con người. Tất cả đều là những tiểu vũ trụ có đầy đủ tính Âm và Dương cân bằng và cần thiết cho sự tồn tại và phát triển bình thường của nó. Giống như cơ thể con người không thể hoạt động bình thường nếu thiếu một bộ phận nào đó. Thực phẩm ăn vào để nuôi sống cơ thể cũng cần tính toàn phần nầy mới đáp ứng được yêu cầu giữ gìn sức khoẻ và sự hài hoà nơi con người. Do đó Macrobiotics khuyên chúng ta nên ăn nguyên hạt ngủ cốc thay vì xay giả quá trắng . Rau quả cũng sẽ hữu ích cho sức khoẻ nếu có thể ăn cả phần vỏ (lê, táo, ổi…) hoặc ăn cả vừa củ vừa lá (củ cải, cà rốt…). Điều quan trọng nhất trong chế độ ăn nầy là việc ăn ngủ cốc toàn phần (chỉ lột bỏ phần vỏ cứng bên ngoài) còn gọi là ngủ cốc thô thay cho thói quen ăn gạo trắng, bánh mì trắng, bún, phở, mì gói, các loại bánh kẹo, những loại đồ hộp… Những thức ăn công nghiệp nầy không những tiềm tàng những hoá chất độc hại mà còn bị tước hết phần mài  lớp vỏ ngoài của ngủ cốc. Phần vỏ ngoài của ngủ cốc bao gồm rất nhiều sinh tố, khoáng chất và những acit amin cần thiết cho cơ thể. Từ lâu người ta đã biết chính những chất xơ trong phần vỏ ngoài có giá trị rất lớn trong việc phòng ngừa các bệnh tiêu hoá, tim mạch Gần đây những nghiên cứu mới nhất ở Đại học Y khoa Baylor và Bênh viện Nhi khoa Houston còn cho biết chất xơ làm gia tăng sự tích luỷ calcium trong cơ thể nên có tác dụng phòng ngừa chứng loãng xương. Đối với bệnh ung thư, chất xơ cũng có những giá trị đặc biệt. Cách ăn thực phẩm toàn phần nầy đã tận dụng được toàn bộ chất xơ vốn chỉ tập hợp nhiều ở phần vỏ ngoài cũng như chỉ có ở thực phẩm thô (không tinh chế) ở hạt cũng như ở rau quả. Chất xơ không bị hoà tan, không bị hấp thu, góp phần tạo ra chất bả. Những chất bả khi đạt đến một định lượng nhất định sẽ kích thích thành ruột sinh ra nhu động ruột. Ngoài việc thúc đẩy nhanh sự lưu thông trong ruột già, chống táo bón, làm giảm thời gian tiếp xúc của các chất gây ung thư với niêm mạc ruột, chất xơ còn có thể kết dính những chất độc hại nầy để bài tiết theo phân ra ngoài. Do đó chất xơ trong thực phẩm toàn phần góp phần quan trọng trong việc phòng, chống ung thư.


Phù hợp với tự nhiên.
Những loại thức ăn tốt cho sức khoẻ phải là những thức ăn được nuôi trồng hoặc chế biến theo phương pháp tự nhiên, không lai tạo, không bón phân hoá học và thuốc trừ sâu, không pha chế với những hoá chất bổ dưỡng hoặc bảo dưỡng. Về điều này nhiều nghiên cứu khoa học khác nhau đã cho biết bên cạnh những tác nhân về ô nhiểm môi trường, về bức xạ, về thần kinh thì những chất độc từ những thức ăn bị nhiểm độc trong quá trình trồng trọt hoặc chế biến đóng vai trò quan trọng gây ra bệnh ung thư. Mặt khác những nghiên cứu về ăn chay cho rằng những người nguyên thuỷ sinh ra tự nhiên đã là những người ăn ngủ cốc và rau quả hái lượm được trong quá trình du mục. Chỉ sau khi biết dùng lửa con người mới bắt đầu ăn thịt. Hơn nữa khi so sánh cấu tạo bộ răng và dạ dày giữa con người, những động vật ăn thịt và những động vật ăn cỏ, người ta thấy loài người thích hợp với ăn chay nhiều hơn. Trên thực tế người Esquimo sống phần lớn bằng thịt và mở có tuổi thọ rất ngắn, trung bình chỉ 27,5 năm. Một bộ lạc người Kirgese sống du mục ở miền Đông nước Nga với thức ăn chủ yếu bằng thịt có tuổi thọ cũng không quá 40 năm. Thống kê của tổ chức Y Tế Thế Giới cũng cho thấy các dân tộc ăn nhiều thịt nhất có tỉ lệ mắc bệnh tim và ung thư cao nhất. Ngược lại những nhóm người ăn chay có tỉ lệ mắc bệnh thấp nhất. Do đó Macrobiotics khuyên nên hạn chế ăn thịt. Nếu ăn thịt chỉ nên ăn cá hoặc những loại thịt trắng, thịt động vật có lông vũ như gà, bồ câu … Ăn cá sẽ không bị tích luỹ những chất độc hại nhiều như ăn thịt. Cá lại giàu acit béo bảo hoà Omega 3 hữu ích cho hoạt động của hệ tim mạch. Đối với những tính năng chống ung thư, những nghiên cứu mới đây ở trường Đại học London ở nước Anh đã cho thấy chế độ ăn nhiều các loại đậu và ngủ cốc có giá trị phòng và chống ung thư do những thức ăn nầy chứa nhiều hợp chất Inositol Pentakisphosphate có tính năng ức chế được enzyme phosphoinositide 3 – kinase vốn thúc đẩy sự phát triển các khối u ung thư.

Một ý nghĩa khác của việc phù hợp với tự nhiên là sự hài hoà giữa thực phẩm, hoàn cảnh và con người. Một thực phẩm tốt cho sức khoẻ là thực phẩm có sẳn từ môi trường chúng ta đang sống. Do đó nên hạn chế ăn những vật thực được nuôi trồng hoặc mang lại từ xa đến. Tương tự như việc những con cá nước mặn khó sinh tồn ở vùng nước ngọt, những cây cỏ xứ lạnh khó phát triễn ở vùng nhiệt đới, cơ thể con người chỉ thích nghi tốt với những thực phẩm có cùng điều kiện đất đai khí hậu.

Phù hợp với tự nhiên còn có những ý nghĩa khác. Đó là chỉ nên ăn khi đói, uống khi khát. Ăn chậm, nhai kỷ. Hãy ăn hoặc uống bằng cả tinh thần và ý thức. Hãy đặt tâm trí của mình vào bửa ăn. Hãy thưởng thức nó. Nói theo ngôn ngữ Thiền đạo, ăn cơm, uống trà đều có thể là những quá trình hành Thiền. Trong thời đại ngày nay, khi nhịp sống quá nhanh và cuộc sống có quá nhiều điều phải lo toan, không ít người đã và đang ăn mà không phải là ăn. Ngồi vào bàn ăn mà tâm lý vẫn căng thẳng vì những áp lực của công việc. Miệng ăn mà mắt vẫn dõi theo những dữ kiện trên màn hình vi tính. Ăn vội ăn vàng để còn kịp giờ đến dự một buổi họp… Những cách ăn uống phi tự nhiên như vậy sẽ dễ bị rối loạn tiêu hoá, rối loạn nội tiết, tích luỷ những chất độc và dẫn đến bệnh tật. Ngược lại khi thưởng thức thức ăn chúng ta sẽ biết rõ là mình đang ăn, đang thực sự tham gia và cảm nhận quá trình ăn uống bằng tất cả các giác quan. Ăn như vậy sẽ huy động được khả năng hợp nhất của cơ thể, sự hài hoà của tất cả các cơ quan và các tuyến nội tiết trong việc hấp thu & chuyển hoá, tận dụng được tối đa những năng lượng do thức ăn mang lại cũng như đào thải được những cặn bả không cần thiết.

Cân bằng Âm Dương.
Triết lý Á Đông quan niệm mọi sự vật, mọi hiện tượng luôn có hai mặt mâu thuẩn và thống nhất, hổ trợ và chế ước nhau để tồn tại. Đó là hai mặt, hai thuộc tính căn bản Âm và Dương của mọi vật chất. Một thực phẩm củng vậy. Thực phẩm có thuộc tính Dương hay năng lượng Dương nhiều hơn thì được gọi là thực phẩm Dương. Thực phẩm có thuộc tính Âm hay năng lượng Âm trội hơn được gọi là thực phẩm Âm. Bệnh tật là sự chênh lệch thái quá giữa hai yếu tố Âm và Dương trong cơ thể. Do đó ta có thể lựa chọn những thức ăn chung quanh mình để bổ sung và làm quân bình lại Âm Dương thì cơ thể sẽ được khoẻ mạnh. Ví dụ : một người tạng hàn (Âm) lại ăn nhiều đồ sống lanh (Âm) gây ra đau bụng tiêu chảy (Âm). Trường hợp nầy có thể làm quân bình lại bằng cách ăn vài lát gừng nướng (Dương) và uống nước cháo gạo lứt (Dương) rang (Dương). Ngoài ra qua cách chế biến người nội trợ khéo có thể cải biến tính chất Âm hoặc Dương của thực phẩm cho nhu cầu riêng của mình. Ví dụ : gừng tươi nhiều nước nên hơi Âm nhưng khi phơi khô thành Dương nếu sao vàng sẽ thêm Dương, sao cháy tồn tính thì Dương tính càng cao.

Trên thực tế qua quan sát, chiêm nghiệm và thực hành chúng ta có thể tìm ra những công thức thực phẩm phù hợp với điều kiện riêng của cơ thể. Một cách để nhận định sự hợp lý hay chưa trong chế độ ăn uống là quan sát phân và nước tiểu. Tình trạng Âm hoặc Dương của phân và nước tiểu cũng chính là tình trạng Âm Dương của cơ thể do chế độ ăn uống gây ra. Nước tiểu càng trong là càng Âm, vàng sậm là quá Dương, hơi vàng như màu trà là vừa. Phân màu xanh, màu đen, nhạt, lõng và không thành khuôn là quá Âm; khô và cứng là quá Dương; mềm, thành khuôn, màu hơi vàng là vừa.
Sau đây là một số đối ứng căn bản để phân định Âm, Dương trong việc lựa chọn thực phẩm :

DƯƠNG
Màu đỏ, vàng
Vị đắng, mặn
Khô, cứng
Nhỏ, cô đọng
Dưới lòng đất
Mọc hướng xuống
Sinh sản ở vùng khí hậu mát, lạnh

ÂM
Màu xanh
Vị chua, ngọt
Mọng nước và mềm
Lớn, giãn nở
Trên mặt đất
Mọc hướng lên
Sinh ra ở vùng khí hậu nóng, ấm

Một số chế độ ăn uống tự nhiên có gíá trị dưỡng sinh cao
Để hiểu thêm về giá trị của phương pháp Macrobiotics, chúng ta thử liên hệ với một số chế độ ăn uống tự nhiên của những cộng đồng dân cư được đánh giá là ít bệnh tật và có tuổi thọ cao. Trước hết phải kể đến những người Mỹ nguyên thuỷ. Hiệp hội Y Khoa Hoa Kỳ đã khám phá thấy rằng những người Indian nầy đã không hề bị cao huyết áp, cũng không có ai bị xơ vữa động mạch do thức ăn chính của họ thời bấy giờ là bắp. Dĩ nhiên thời ấy những người nguyên thuỷ chỉ xài bắp nguyên hạt chứ không phải là loại bắp tinh chế như bây giờ. Một cộng đồng khác có nhiều người sống lâu trên 100 tuổi và người dân ở đây cũng hiếm khi bênh tật là nhưng thuộc bộ lạc Hounza sống ở vùng núi phía bắc Ấn Độ và Pakistan. Chế độ ăn của người Hounza chủ yếu là ngủ cốc toàn phần, trái cây tươi và sữa dê. Một chế độ ăn khác cũng thường được các nhà dinh dưỡng lưu ý là chế độ ăn uống Địa Trung Hải gồm ngủ cốc, rau quả, cá và dầu ô liu. Những người dân ở cộng đồng nầy cũng có tuổi thọ cao và ít bệnh về tim mạch.

Điều dễ nhân thấy ở những chế độ ăn uống trên là ăn ngủ cốc toàn phần, không hoặc ít ăn thịt và có cuộc sống gần với tự nhiên hơn các dân tộc phát triển. Từ thực tế nầy nhiều người đã nghỉ đến việc sử dụng những chất xơ, sinh tố hoặc khoáng chất - những chất mà trong thức ăn tinh chế thiếu hoặc không có - để bổ sung vào khẩu phần ăn hàng ngày. Điều nầy không phù hợp với những nguyên tắc toàn phần và tự nhiên của Macrobiotics. Do đó hiệu quả cũng khác nhau. Chẳng hạn đối với bệnh nhân tiểu đường người ta khuyên dùng gạo lứt hoặc bắp thô thay cho gạo trắng vì những thức ăn nầy có chỉ số no cao hơn và chỉ số đường thấp hơn so với gạo trắng nhờ vào chất xơ có trong ngủ cốc thô. Tuy nhiên nếu tách riêng ra vừa ăn gạo trắng vừa uống thêm chất xơ tương ứng thì chỉ số đường không thấy giảm bao nhiêu. Giống như vậy chất xơ trong ngủ cốc thô có thể làm giảm cholesterol trong máu từ 10% đến 20%, nhưng nếu tách riêng ra để dùng thì chỉ giảm dưới 5%.

Mới đây nhóm nghiên cứu của Giáo sư John Erdman thuộc trường Đại học Illinois (Mỹ) thử nghiệm các chất chống ung thư của cà chua cũng cho biết ăn nguyên quả cà chua có tác dụng ngừa ung thư hiệu quả hơn so với chỉ dùng chiết xuất carotenoides từ cà chua. Đó là chưa kể nếu dùng dưới hình thức những chất chiết xuất hoặc phân tách riêng ta vẫn còn rơi vào vòng lẩn quẩn chế biến công nghiệp, tách chiết và sử dụng phụ gia, hoá chất …

Trong việc thực hành chế độ ăn uống Macrobiotics điều thắc mắc trước nhứt là làm sao bảo đảm được nguồn cung cấp thực phẩm sạch, không có chất hoá học. Điều nầy phải cần đến sự nhận thức và cố gắng của toàn xã hội, trước hết là những nhà sản xuất nông nghiệp, những nông gia. Từ lâu chúng ta đã biết đến rau sạch. Gần đây, từ năm 2003 một nhóm nhà khoa học thuộc Liên Hiệp Các Hội Khoa Học Kỹ Thuật Việt nam đã phối hợp với Viện Di Truyền Nông Nghiệp và Trung Tâm Nghiên Cứu cây đặc sản đã nghiên cứu trồng lúa sạch, không sử dụng phân hoá học, không dùng thuốc trừ sâu mà vẫn đảm bảo được năng suất và phẩm chất hạt gạo. Được biết lần đầu tiên gạo sạch đã được giới thiệu và bày bán tại Hội Chợ Công Nghệ và Thiết Bị Bắc Trung Bộ tổ chức tại Nghệ An vào tháng 5 năm 2005 vừa qua. Dù sao nguồn thực phẩm sạch vẫn còn là vấn đề khó giải quyết ở nhiều nơi, tạm thời chúng ta phải bằng lòng với giải pháp dùng thực phẩm toàn phần có sẳn trên thị trường.

Một khó khăn khác là thức ăn thô thường ăn không ngon miệng. Tất cả thành công đạt được đều cần đến sự nổ lực. Sức khoẻ và hạnh phúc cũng vậy. Trước hết cần thay đổi nếp nghỉ, thay đổi thói quen về ăn uống. Điểm quan trong là sự cố gắng và sáng tạo của những người nội trợ trong việc lựa chọn và chế biến thức ăn. Riêng về thức ăn chính, người cao tuổi có thể chọn nếp lứt thay cho gạo lứt. Nếp lứt mềm, dẽo dễ ăn hơn gạo lứt. Ở nước ta nhiều nơi có sẳn nguồn bắp dồi dào. Bắp trái là nguồn thực phẩm quý giá có tính toàn phần và giá trị bổ dưỡng vượt hẳn gạo lứt. Bắp tươi có thể luộc nguyên trái hoặc dùng dao bào thái mỏng để nấu canh, nấu cháo…

Một nguồn thực phẩm quan trọng khác cũng thường được nhắc đến là . Mè hạt nhỏ, dương tính cao lại chứa nhiều chất đạm và những acit amin thiết yếu cho cơ thể. Mè có hàm lượng Selenium rất cao có tính năng chống ung thư. Theo y học cổ, mè là một vị thuốc thuộc hàng thượng phẩm. Mè có vị ngọt, tính bình, không độc. Mè có tác dụng ích gan, bổ thận, nuôi huyết, nhuận táo: là thuốc bổ huyết, ích khí, có thể bồi bổ ngủ tạng, làm bền gân cốt, sáng tai mắt, quên đói, sống lâu.

Ngoài ra những người nội trợ có thể lựa chọn và thay đổi thức ăn hàng ngày trong số những thực phẩm có sẳn trong vùng phù hợp với những nguyên tắc phổ quát của Macrobiotics và đáp ứng được những nhu cầu cơ bản của cơ thể. Riêng đối với một số bệnh được đánh giá là cực âm, nhất là bệnh ung thư, GS Oshawa khuyên nên triệt để dùng các loai hạt (gạo lứt, lúa mạch đen, bắp, kê, hạt hướng dương, mè, đậu đỏ, đậu đen…) và cố gắng hạn chế tối đa các loại rau quả vì rau quả tươi hầu hết đều thuộc âm tính.

Một số người cho rằng chế độ ăn Macrobiotics sẽ dẫn đến suy dinh dưỡng, chủ yếu là thiếu chất đạm. Có lẽ suy nghỉ nầy bắt nguồn từ tên gọi "gạo lứt muối mè". Thực ra ăn theo Macrobiotics không chỉ có gạo lứt và muối mè. Chưa kể đến việc trong ngủ cốc thô có chứa lượng chất đạm, sinh tố và khoáng chất nhiều hơn hẳn so với ngủ cốc tinh chất, những người thực hành Macrobiotics đều được khuyên nên thay đổi tập hợp thức ăn ăn vào hàng ngày trong số những loại ngủ cốc, các loại đậu và rau củ có sẳn. Tính đa dạng của khẩu phần ăn vừa giúp ngon miệng vừa tránh được sự thiếu hụt một loại acid amin hoặc vi chất nhất định do ăn thường xuyên một loại thực phẩm.

Vào năm 1972 Bác sĩ Frederick Stare ở trường Đại Học Harvard đã tiến hành một cuộc thí nghiệm về dinh dưỡng trên những nhóm người ăn chay. Ông nhận thấy tất cả các nhóm đều đã ăn vào hơn gấp đôi nhu cầu tối thiểu về protein. Các nhà khoa học cho rằng có nhiều người suy dinh dưỡng ở những nước nghèo không phải vì những người nầy không ăn thịt mà do họ không có đủ thực phẩm để ăn. Khẩu phần ăn của họ không những thiếu về lượng mà còn đơn điệu về chủng loại nên không tập hợp được đủ các chất cần thiết.

Về mặt nầy có thể nói Macrobiotics là một chế độ ăn chay lý tưởng vì ngay cả ở thực đơn nghiêm nhặt nhất – không bao gồm thịt trắng và cá – thì chế độ ăn nầy vẫn tận dụng được phần thô của ngủ cốc và lưu ý đến yếu tố cân băng Âm Dương, những điều mà chế độ ăn chay thông thường không quan tâm đến.
                                                           Lương Y VÕ HÀ


Không có nhận xét nào: