Bậc thánh nhân đều coi trọng chữ “đức”, đặt việc tu tâm tích đức lên hàng đầu, bởi người có đức hạnh tốt mới là người có ích cho xã hội. Dung mạo đẹp thì tốt, nhưng dung mạo đẹp mà không có đức hạnh thì cũng bằng như vô dụng.
Ở đời, có ai không vui mừng khi được ưu ái có dung mạo xinh đẹp? Có ai lại hi vọng mình trở nên xấu xí để người khác cười chê? Thế nhưng, nếu như mọi người đều xinh đẹp như hoa, hào hoa phong nhã, vậy hai bên làm sao có thể so sánh ưu khuyết điểm, cao thấp đây?
Nhiều năm trước, từng xem qua bộ phim “Người voi”, lấy bối cảnh chân thực ở bệnh viện. Ấn tượng sâu đậm nhất chính là nhân vật chính Joseph Carey Merrick trong phim có diện mạo quái dị, và những cảnh bi thảm khi ông ta bị người khác lăng mạ giễu cợt.
Trêu đùa một người bởi vẻ bên ngoài khổ sở của họ, loại hành vi này thật khiến cho người khác khinh bỉ. Nếu như tiếp xúc nhiều hơn, có lẽ những người ăn hiếp ông cũng sẽ giống như bác sĩ Foss, sau nhiều lần tiếp xúc với Merrick, đã nhìn được đằng sau vẻ bề ngoài xấu xí kia, là một tâm hồn cô đơn và thống khổ.
Trong một bức thư, Merrick từng soạn lại bài thơ của tác giả Isaac Watts để nói lên tiếng lòng của mình:
Nhưng oán trách ta chính là oán thượng đế;
Nếu như ta có thể thay đổi chính mình
Ta sẽ không làm cho bạn mất vui.
Nếu như ta có thể tự do bôn ba trời nam đất bắc
Hoặc là tùy ý mình vượt qua hải dương,
Mọi người sẽ dùng tâm hồn để độ lượng với ta;
Đây cũng là ta.
Bài thơ này thực sự đã nói lên tiếng lòng chân thực của kẻ có dung mạo xấu xí này. Câu thơ “Mọi người sẽ dùng tâm hồn để độ lượng cho ta”, lại khiến cho bao nhiêu người phải cảm khái.
Vẻ ngoài xấu xí của thi nhân tài hoa
Nếu như chỉ nhìn bề ngoài mà nhận định người nào đó là có tài hoa, có năng lực, thì trong lịch sử có biết bao nhiêu hiền giả có đức có tài bị trục xuất đây? Trong “Bắc mộng tỏa ngôn” ghi lại, thi nhân thời Đường Ôn Đình Quân, bởi vì dung mạo xấu xí mà bị gọi là “Ôn Chung Qùy”. Cháu của ông lớn lên vì giống ông nên không thể dễ dàng làm môn hạ của Châu Mục.
Nếu bỏ qua vẻ ngoài xấu xí, cách ăn mặc lôi thôi lếch thếch, thì Ôn Đình Quân chính là một nhân tài hiếm thấy, ông không chỉ am hiểu thổi sáo, mà còn suy nghĩ rất nhanh nhạy, có thể xuất khẩu thành thơ, chỉ trong một cái chắp tay đã ngâm thành một câu thơ, quả là thế gian hiếm có.
Nếu như chúng ta chỉ để ý vẻ bên ngoài mà bỏ qua cấu tứ bên trong, thì trong lịch sử có biết bao nhiêu nhân tài bị mai một? Có bao nhiêu người tuân thủ đạo lý và tôn sùng đức hạnh bị lãng quên?
Người con gái dung nhan xấu xí nhưng có đức hạnh
Thời Đông Tấn có vị tên Nguyễn Đức Uý, con gái của ông dung mạo xấu xí, cho nên vào đêm động phòng hoa chúc đã xảy ra sự cố, chú rể Hứa Doãn khi nhìn thấy dung mạo của Nguyễn Nữ đã sợ tới mức phải bỏ chạy.
Sau khi được người bạn Hoạn Phàm khuyên bảo rằng nhà họ Nguyễn gả nàng ắt có nguyên cớ, Hứa Doãn mới quay về phòng. Gặp lại Nguyễn Nữ, Hứa Doãn lại chịu không nổi mà định quay người bỏ đi.
Lúc này, Nguyễn Nữ mới kéo Hứa Doãn lại, Hứa Doãn đành mở miệng hỏi: “Nữ nhân có tứ đức (công, dung, ngôn, hạnh), nàng có được mấy cái?”
Nguyễn Nữ nói: “Ngoại trừ dung mạo, những cái khác ta đều có. Người đọc sách có trăm hạnh, vậy ngài nói xem mình có được bao nhiêu?”. Hứa Doãn nói rằng mình đầy đủ cả.
Nguyễn Nữ trả lời: “Trăm hạnh đều lấy đức làm đầu, ngài yêu thích những cô gái có tướng mạo xinh đẹp, không chú ý đức hạnh, làm sao có thể nói trăm hạnh đều có?”.Hứa Doãn cứng miệng không nói được gì nữa.
Nhưng mà, cuộc sống hai người sau khi kết hôn lại rất mỹ mãn. Bởi Nguyễn Nữ thực sự được thừa hưởng gia phong tốt đẹp, có học thức phong phú, tuân thủ lễ pháp, quản lý có quy tắc từ việc trong đến việc ngoài.
Dung mạo không phải là nguyên tắc phán xét
Nhà văn Thời Đông Hán, Thái Ung từng nói: “Phu diện chi bất sức, ngu giả vị chi sửu; tâm chi bất tu, hiền giả vị chi ác. Ngu giả vị chi sửu do khả, hiền giả vị chi ác, tương hà dung yên?”, ý rằng, mặt mũi không trang điểm, kẻ ngu cho rằng xấu; không tu dưỡng nội tâm, hiền giả sẽ cho là ác. Bị người ngu chê xấu còn có thể chấp nhận được, nhưng bị hiền giả nói là ác, thì làm sao còn chốn dung thân?
Bởi vậy có thể thấy được, nội tâm so với diện mạo bên ngoài còn quan trọng hơn nhiều. Ai lại không hi vọng nội tâm của mình được người khác tán thưởng chứ?
Dung mạo không phải là nguyên tắc để phán xét ở bất kì hoàn cảnh nào, dù gặp người có dung mạo xấu xí cũng là như thế, càng không nên nói diện mạo xấu xí là không giống với bình thường. Chúng ta nhiều khi vì tác dụng của thị giác mà tâm sinh phản ứng. Một người xấu đẹp thế nào, chúng ta đều không thể dựa vào vẻ bề ngoài để phán xét.
Dựa vào vẻ bề ngoài, màu da, chủng tộc, hoặc bất luận cái gì để phán đoán một người thì đó thực sực là nông cạn. Điều chúng ta có thể làm, chỉ là từ cách ăn nói, hành vi của đối phương để nhận định sơ bộ. Cổ nhân đã là như thế, con người hiện đại càng như thế. Các triều đại đổi thay đều có những câu chuyện như thế, đáng để chúng ta lấy làm gương mà học tập.
Thanh Thư, theo Secretchina
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét