Thứ Bảy, 30 tháng 4, 2016

CHỮ HIẾU...


  
                                                             
          
 
Chuyện xảy ra ở hành lang một bệnh viện. Cô con dâu nhăn mặt nói với chồng: 
- ở nhà đủ thứ phải lo, làm sao mà vô trong đây hầu ba được? Anh nói cô Năm hay cô Bảy ở không thì chia nhau vô chăm sóc ba ". 
Anh con trai chưa kịp trả lời thì có lẽ cô Năm hay cô Bảy gì đó đã cong môi phản đối: 
- Tui cũng có đủ thứ chuyện để lo chứ bộ, quên tui đi". 
Một cậu con trai khác cau cau lông m ... ày: 
-Nói chung là ai cũng bận hết, với lại ba mắc bệnh lây nhiễm, vô hầu ba rồi lỡ bị lây thì làm sao ? 
Cô con dâu trưởng phán một câu: 
-Thôi khỏi bàn tán gì hết, mướn người nuôi là xong chuyện.

Tất nhiên sau đó, sự việc xảy ra đúng như hoạch định của họ. Một phụ nữ khỏe mạnh, có dáng vẻ nông dân đang nuôi một người bệnh nằm giường bên cạnh ông cụ đã chủ động đề nghị nuôi bệnh cho ông cụ luôn. Công việc tỉ mỉ, cần sự chu đáo, từ việc cho uống sữa, uống thuốc đến thay quần áo, lau người (ông cụ đã mất hết cảm giác vệ sinh), nhưng chị vẫn làm với sự chăm chút, không để lộ bất cứ thái độ ghê tởm nào, lại còn có vẻ hiền hậu, dịu dàng  như con đối với cha mẹ. Trong lúc ấy, có lẽ yên tâm vì cha đã có người chăm sóc, đám con trai, con gái, dâu, rể hơn một chục người của ông cụ thỉnh thoảng mới lượn qua như một luồng gió nhẹ. Tiếc thay, sự chăm chút của chị phụ nữ không kéo dài bao lâu, chỉ hơn một tuần sau là ông cụ đã qua đời. Con cái, cháu chắt ông kéo vào mới đông chứ. Họ khóc lóc khá ồn ào nhưng vẫn bình tĩnh chỉ huy việc khâm liệm ông cụ, và ở hành lang lại xảy ra một cuộc cãi vã xem người nào phải chi nhiều nhất cho đám tang ?... 
Anh con trai trưởng cầm một xấp tiền đến trả cho chị phụ nữ đã nuôi bệnh cha mình. Hai mắt đỏ hoe, chị trả lời: 
-Tôi nuôi cụ ấy vì thấy xót xa cho cụ có lắm con nhiều cháu mà chẳng ai đoái hoài, chứ tôi có làm cái nghề này đâu mà lấy tiền ? 
Đám người đang khóc mếu, cãi nhau... đột nhiên im bặt. Rồi từng người một lẻn ra ngoài... 



"KIẾP SAU( NẾU CÓ) DÙ THƯƠNG HAY KHÔNG THƯƠNG,
CŨNG KHÔNG CÒN DỊP GẶP LẠI NHAU ĐÂU ".... 

Tôn Vận Tuyền đã để lại những lời căn dặn như sau:
Các con thân mến,Viết những điều căn dặn này, cha dựa trên 3 nguyên tắc như sau :
1. Đời sống là vô thường, không ai biết trước mình sống được bao lâu, có những việc cần, nếu được nói ra sớm để hiểu thì hay hơn.
2. Cha là Cha của các con, nếu không nói ra thì chắc không ai nói rõ với các con những việc này đâu!
3.Những điều căn dặn để ghi nhớ này là kết quả của bao kinh nghiệm xương máu, thất bại đắng cay trong cuộc đời của chính bản thân mà Cha ghi nhận được, nó sẽ giúp các con tránh những nhầm lẫn hoang phí trên con đường trưởng thành của các con.

Dưới đây là những điều nên ghi nhớ trong cuộc đời :
1. Nếu có người đối xử với con không tốt, đừng thèm để tâm cho mất thời giờ. Trong cuộc đời nầy, không ai có bổn phận phải đối xử tốt với con cả, ngoại trừ cha và mẹ của các con. Nếu có người đối xử tốt với con, ngoài việc các con phải biết ơn, trân quý, các con cũng nên thận trọng một chút, vì người đời thường làm việc gì cũng có mục đích của nó, chớ có vội vàng cho là bạn tốt của mình ngay.

2.Không có người nào mà không thể thay thế  hay tồn tại mãi với mình được cả; không có vật gì mà nhất thiết phải sở hữu, bám chặt lấy nó. Nếu hiểu rõ được nguyên lý nầy, thì sau nầy trong cuộc đời, lỡ người bạn đời không còn muốn cùng đi trọn cuộc đời, hay vì lý do gì con bị mất đi những gì trân quý nhất trong đời con, thì cũng nên hiểu: đó cũng không phải là chuyện trời sập.

3. Đời người ngắn ngủi, nếu hôm nay ta để lãng phi thời gian, mai đây hiểu được thì thấy rằng quãng đời đó đã vĩnh viễn mất rồi! Cho nên, nếu ta càng trân biết quý sinh mạng của mình càng sớm, thì ta được tận hưởng cuộc đời mình càng nhiều hơn. Trông mong được sống trường thọ, chi bằng mình cứ tận hưởng cuộc đời mình ngay từ bây giờ.

4.Trên đời nầy chẳng hề có chuyện yêu thương bất diệt. Ái tình chẳng qua là một cảm xúc nhất thời, cảm giác nầy tuyệt đối sẽ theo thời gian, hoàn cảnh mà biến thiên, thay đổi. Nếu người yêu bất diệt rời bỏ con rồi, hãy chịu khó nhẫn nại một chút, để thời gian dần dần trôi qua, để tâm tư mình từ từ lắng đọng, cái đau khổ cũng sẽ từ từ nhạt nhòa đi. Không nên cứ ôm ấp cái ảo ảnh yêu thương mãi, cũng không nên quá bi lụy vì thất tình.

5.Tuy có nhiều người trên thế giới này thành công, nổi tiếng mà chẳng có học hành nhiều, chẳng có bằng cấp cao, nhưng điều đó cũng không có nghĩa là không cần học hành nhiều sẽ thành công. Kiến thức đạt được do việc học hành, giáo dục là vũ khí trong tay của mình. Ta có thể lập nên sự nghiệp với bàn tay trắng, nhưng không thể trong tay không có tấc sắt. Nên nhớ kỹ điều nầy !

6. Cha không yêu cầu các con phải phụng dưỡng cha trong nữa quãng đời còn lại của cha sau nầy. Ngược lại, cha cũng không thể bao bọc nữa quãng đời sau này của các con. Lúc các con đã trưởng thành, độc lập, đó cũng là lúc cha đã làm tròn thiên chức của mình. Sau nầy các con có đi xe Bus công cộng hay đi Auto nhà, các con ăn soup vi cá hay ăn mì gói, đều là trách nhiệm của các con.

7. Các con có thể yêu cầu mình phải giữ chữ TÍN, nhưng không thể bắt người khác phải giữ chữ TÍN với mình. Các con có thể yêu cầu mình phải đối xử TỐT với người khác, nhưng không thể kỳ vọng người khác phải đối xử TỐT với mình. Mình đối xử người ta thế nào, không có nghiã là nguời ta sẽ đối xử lại mình như thế, nếu không hiểu rõ được điều nầy, sẽ tự chuốc lấy buồn phiền cho mình.

8.Trong mười mấy, hai mươi năm nay, có người tuần nào cũng mua vé số, nhưng vẫn nghèo trắng tay, điều nầy chứng minh: muốn phát đạt, phải siêng năng làm ăn mới khá được. Trên thế gian nầy không có cái gì là miễn phí cả.

9.Sum họp gia đình, thân thích đều là duyên phận, bất luận trong kiếp nầy chúng ta sống chung với nhau được bao lâu, như thế nào, nên trân trọng và hãy qúy khoảng thời gian chúng ta được chung sống với nhau, kiếp sau (nếu có), dù ta có thương hay không thương, cũng không có dịp gặp lại nhau đâu.

                                                                                            Nguồn: new.titocovn 




Thứ Năm, 28 tháng 4, 2016

CHUYỆN HAI NGƯỜI QUÉT RÁC

                             
                                       


Đầu óc con người muốn thanh tịnh, sạch sẽ cũng phải “đổ rác”- đổ bớt rác rưởi của tâm hồn. Những ý nghĩ bất tịnh, tương tranh, thù hận, đố kỵ, tị hiềm, những tư tưởng loại trừ, kỳ thị, ghét bỏ đều là rác rưởi của tâm hồn

Vào sáng Chủ Nhật, có thể là do ngày nghỉ rảnh rỗi, một người đàn ông trung niên lúi húi quét dọn trước cửa nhà. Ông cầm chiếc chổi và đồ hốt rác quét sạch vỉa hè rồi quét dọc theo lề đường, cẩn thận gom tất cả đám cát, bao ny-lông, mẩu thuốc lá, ly giấy, lá khô và đủ thứ rác rưởi của xã hội văn minh vào thùng, đậy nắm cận thận, đặt ngay ngắn xuống lòng đường, để ngày mai xe rác của thành phố lấy đi.

Hình như ông là người duy nhất ở khu phố này cầm chổi quét lòng đường và vỉa hè. Thói thường đều cho rằng chuyện đường phố sạch dơ để thành phố lo. Hơi đâu “bao đồng” chuyện nhà nước?

Thế nhưng cứ mỗi lần qua khu Japan Town, ông lại cảm phục người Nhật về tinh thần tự trọng và yêu mến thành phố của họ. Lúc nào ông cũng thấy những ông, bà Nhật lúi húi quét dọn vỉa hè và lòng đường.

Chính vì thế mà cả khu Japan Town lúc nào cũng sạch trơn. Chỉ cần bước qua ranh giới của Japan Town là một hình ảnh thật tương phản. Sự sạch sẽ, khang trang chỉ cách nhau một sợi chỉ. Có lần ông dừng xe lại hỏi thăm thì được các ông bà Nhật nói:

“Chúng tôi quan niệm rằng đường phố thuộc về người dân, không hoàn toàn thuộc về chính phủ. Do đó giữ gìn đường phố sạch sẽ cũng là trách nhiệm của người dân. Đồng ý là chúng tôi có đóng thuế để thành phố lo chuyện vệ sinh nhưng giờ đây thành phố có quá nhiều việc phải lo hoặc lo không xuể. Chúng tôi không ngồi đó than trời trách đất. Nếu muốn sở rác phục vụ tốt hơn thì chúng tôi lại phải đóng thêm thuế. Thôi thì chúng tôi chia xẻ trách nhiệm với nhà nước mà cũng là để giữ gìn đường phố của chính mình. Chẳng mất mát gì cả. Tới một thành phố khang trang sạch sẽ người ta cảm phục cả đất nước lẫn con người ở đó. Chúng tôi yêu khu phố của chúng tôi và cũng muốn khách vãng lai yêu mến nó.”

Chinh vì cảm phục người Nhật mà tuần nào ông cũng làm công việc này mà chẳng than phiền chi cả. Khi nhận thấy vỉa hè và lòng đường đã khá sạch, ông toan thu dọn để bước vào nhà thì một thanh niên từ xa bước tới, miệng phì phèo điếu thuốc. Chỉ cần nhìn cách ăn mặc và đi đứng người ta có thể nhận ra đây là một chàng thanh niên ngang tàng. Khi tới chỗ ông đang đứng, người thanh niên rít hơi cuối cùng rồi coi như không có ai, thản nhiên quăng mẩu thuốc lá xuống đường. Nhìn mẩu thuốc là nằm tênh hênh trên mặt vỉa hè sạch trơn, dường như nó có vẻ “phá hoại” và trêu ngươi, cho nên người đàn ông tức giận, lớn tiếng gọi người thanh niên:

- Này, yêu cầu quay lại nhặt tàn thuốc lá lên nghe!

Người thanh niên đã đi cách xa ông khoảng năm, sáu bước, nghe gọi thế quay đầu lại nhìn với vẻ hết sức ngạc nhiên. Anh ta ngạc nhiên vì có thể cả trăm lần quăng mẩu thuốc lá như thế này mà chẳng ai phản ứng gì, nay có một “gã điên” làm chuyện không giống ai. Anh ta quay lại, sẵng giọng hỏi:

-Ông nói gì?

-Yêu cầu cậu nhặt mẩu thuốc lá lên!

Mặt chàng thanh niên đỏ gay:

-Bộ đường phố này của ông hả?

Người đàn ông trả lời ngay:

-Không phải của tôi nhưng tôi tôi quét dọn sạch sẽ. Người tự trọng không bao giờ xả rác bừa bãi.  Cậu hiểu điều đó không? Tôi yêu cầu cậu nhặt lên!
            
Tự ái bị tổn thương, người thanh niên không cần phân biệt đúng-sai, nói như gây sự:

-Không nhặt thì sao?
            
Sự lớn tiếng qua lại giữa hai bên làm người trong nhà chạy ra, người qua lại trên hè phố tò mò đứng lại. Cuối cùng tất cả đều thấy đây không phải chuyện đại sự cho nên xúm vào can gián. Cuối cùng người thanh niên hậm hực bỏ đi còn người đàn ông đứng phân bua một hồi rồi bực bội bước vào nhà.

***
Ba ngày sau, tại một khu phố khác cách đó khoảng năm, sáu con đường người ta thấy một vị sư đang quét rác tại cổng một ngôi chùa. Hôm nay là Thứ Hai chùa vắng, phật tử đi làm hết, sau hai ngày cuối tuần bận rộn với sinh hoạt và lễ lạc, rác đã thấy lai rai trên sân. Ngoài ra, còn lá trên cây rụng xuống cho nên thầy trụ trì ra công quét dọn, vừa vận động vừa làm sạch trong ngoài. Đối với người xuất gia, quét rác cũng là “công phu”.

Sau khi cổng chùa đã sạch sẽ, sư toan đẩy thùng rác trở vào thì một chàng thanh niên tà tà bước tới. Đây chính là anh chàng đã gây sự với người đàn ông quét rác ba ngày trước. Khi đi tới cổng chùa, có thể do vô tình, do quán tính, cố tật, hoặc đãng trí, sau khi mở bao thuốc lá, chàng ta rút ra một điếu, châm lửa. Thấy bao thuốc đã hết, chàng ta quăng cả chiếc bao trống không dưới chân bức tường cạnh cổng chùa rồi thản nhiên bước đi. Thế nhưng khi bước đi khoảng năm, sáu thước, có thể do nhớ lại cuộc “đụng độ” với người đàn ông trước đây, chàng ta quay đầu lại xem sự thể như thế nào. Trái với phỏng đoán của mình, vị sư bình thản bước tới chân bức tường, cúi xuống nhặt bao thuốc lá lên, quay lại thùng rác, mở một bao rác nhỏ, bỏ bao thuốc lá trống vào bên trong, cột trở lại, bỏ vào thùng rác rồi lặng lẽ đẩy thùng rác vào bên trong sân chùa, không hề quay nhìn chàng thanh niên …đang ngạc nhiên đứng đó.

***
Ngày hôm sau, chàng thanh niên tới thăm vị sư. Sau khi giới thiệu mình chính là người xả rác trước cổng chùa. Chàng ta kể lại chuyện “đụng độ” với người đàn ông rồi hỏi:

-Thưa thầy, tại sao cùng một chuyện mà thầy lại có lối cư xử nhẹ nhàng hơn người đàn ông kia?
Sư hiền từ đáp:

-Người đàn ông đó là một công dân tốt. Một công dân tốt do làm tròn bổn phận của mình cho nên thường thẳng thắn nói lên cái sai của người khác để cùng nhau sửa chữa trong tinh thần ôn hòa. Tuy nhiên cách hành xử giữa một người thường và một người xuất gia có khác nhau. Người xuất gia không nói về cái lỗi của kẻ khác mà kham nhẫn để kẻ phạm lỗi giác ngộ mà tu sửa. Hai lối hành xử đó không cái nào hơn cái nào, “vạn pháp đều bình đẳng”, chỉ tùy duyên ứng xử mà thôi.

Một căn nhà, một ngôi chùa, một khu phố hoặc nơi làm việc cần phải sạch sẽ. Sự sạch sẽ làm trang nghiêm cuộc sống và thế giới. Ngay đầu óc chúng ta cũng cần sạch sẽ. Muốn sạch sẽ thì phải quét rác. Một chiếc máy điện tử muốn tốt cũng phải “đổ rác”. Đầu óc con người muốn thanh tịnh, sạch sẽ cũng phải “đổ rác”- đổ bớt rác rưởi của tâm hồn.

Những ý nghĩ bất tịnh, tương tranh, thù hận, đố kỵ, tị hiềm, những tư tưởng loại trừ, kỳ thị, ghét bỏ đều là rác rưởi của tâm hồn. “Quét rác” và “đổ rác” là việc làm thường xuyên của người nào muốn tâm hồn thanh tịnh. Từ thanh tịnh mà có thanh thản. Vì thanh thản cho nên không động tâm. Vì tâm không động cho nên ít gây đổ vỡ.
***
Ba ngày sau, chàng thanh niên tìm tới nhà người đàn ông, nói lời xin lỗi. Chàng học được một bài học nơi sư, “ Thay vì xả rác xuống đường hoặc nơi công cộng thì nên xả bớt rác trong tâm hồn mình.”

Lời người kể chuyện:

Ngoài đức tính kham nhẫn, có thể sư đã đạt tới mức “vô phân biệt”. Sư cứ thấy rác thì quét mà không hề phân biệt rác từ cây đổ xuống, phật tử xả ra, nam hay nữ, lạ hay quen cho nên rác của chàng thanh niên cũng thế thôi. Chính vì “vô phân biệt” cho nên sư không động tâm. Không động tâm cho nên sư đã quét rác trong trạng thái “vô tâm”. Mà vô tâm thì an lành.

                                                                                   Đào Văn Bình



Thứ Ba, 26 tháng 4, 2016

ĐẦM SEN

                                                                     
                               



                                                                                              ĐẦM SEN 

                                                                          Đầm sen trắng đỏ nở đầy bông,
                                                                          Ngan ngát hương thơm tỏa cánh đồng.
                                                                          Lăn lộn bùn nhơ khoe tiết hạ,
                                                                          Vươn mình gió rét trải mùa đông.
                                                                          Thanh cao ý vẹn nhiều người thích,
                                                                          Tinh khiết nghĩa sâu vạn kẻ mong.
                                                                          Biểu tượng muôn đời luôn mãi đẹp
                                                                          Ngoi sình trỗi dậy nức bao lòng.

                                                                                                                     Minh Đạo


Chủ Nhật, 24 tháng 4, 2016

NHỮNG CẤM KỊ KHI ĂN CHUỐI CẦN BIẾT

                                                                         
 Người bị đau đầu: Nếu ăn nhiều chuối quá bạn có thể bị đau đầu, vì trong chuối chứa tyramine, phenyethyamine và axit amin có thể làm giãn mạch máu và làm tăng lưu lượng máu lên não. Chuối chín có lượng tyramine cao hơn, điều này có nghĩa là nếu bạn để chuối càng lâu, thì khi ăn bạn càng dễ bị đau đầu. Vì thế, tốt nhất bạn nên ăn chuối khi chuối chưa chín quá.   Ăn quá nhiều chuối thường xuyên sẽ gây tổn hại thần kinh. 
Bởi trong chuối có rất nhiều vitamin B6. Vitamin này giúp bạn duy trì được một hệ thần kinh khỏe mạnh, cũng như giúp cơ thể bạn phân tán được carbohydrates và chất béo. Tuy nhiên, nếu bổ sung quá nhiều vitamin B6 trong cơ thể thì có thể sinh ra độc tố, gây tổn tại tới hệ thần kinh của bạn và làm tê liệt chân tay. Vitamin B6 tối đa cần cho cơ thể trong ngày là 100 milligrams, trong khi đó một quả chuối có thể cung cấp được 0.8 milligrams Vitamin B6.   
Điều này có nghĩa là hàng ngày, nếu bạn ăn quá nhiều chuối, lượng vitamin B6 từ chuối và các thực phẩm khác có thể sẽ được nạp vào cơ thể quá nhiều, gây ra tình trạng quá liều, tổn hại đến sức khỏe.
Những người có chức năng dạ dày kém cũng không nên ăn nhiều chuối. 
Với những người có tiền sử đau dạ dày thì cần hạn chế ăn chuối tiêu, và tuyệt đối không ăn chuối khi bụng đói vì khi ăn vào bạn sẽ có cảm giác bị cồn cào, hoặc đau bụng. Theo các chuyên gia, với những người bị đau dạ dày muốn ăn cần ăn chuối đã chín và sau khi ăn cơm no, lúc này chuối sẽ có tác dụng bảo vệ và  trung hòa axit dạ dày.
Những người bị viêm thận mãn tính, suy giảm chức năng thận không nên ăn chuối tiêu. Người bị bệnh viêm khớp, bệnh tiểu đường cũng không nên ăn nhiều chuối. Bởi vì hàm lượng đường trong chuối cao, lại có thể khiến cho tuần hoàn máu giảm chậm xuống, việc trao đổi chất kém khiến cho bệnh tình nặng thêm.     
Người bị suy thận, viêm cầu thận: Nếu xét nghiệm có kali trong máu cao thì không nên ăn chuối tiêu và các loại rau quả nhiều kali như: Đậu nành, đậu xanh, sầu riêng, rau khoai lang, cá ngừ, cá thu, cá chép, gan lợn, thịt bò…   Bởi những loại thực phẩm này sẽ càng làm tăng nồng độ kali trong máu khiến nhịp tim bất thường, buồn nôn, mạch đập chậm hơn dẫn đến tình trạng bệnh càng nặng hơn.   

 Bạn có thể ăn chuối trước giờ đi ngủ để có thể nhanh buồn ngủ, nhưng nên tránh ăn chuối khi đang lái xe đường dài hoặc trong những lúc bạn cần được tỉnh táo. Vì trong chuối có chứa tryptophan, một axit amin mà cơ thể không tự tổng hợp được.


CÁC MÓN ĂN KỴ NHAU :
Phân tách ~
· Sữa, Sữa đậu Nành KỴ Mật Ong : Trong Đậu phụ (tàu hũ) thường có thạch cao và trong Mật ong thì có đường. Hai thành phần này gặp nhau sẽ tạo hiện tượng vón cục, đông cứng trong dạ dày gây khó thở, hụt hơi rồi hôn mê. Đặc biệt, nếu mắc bệnh tim mạch, thời gian dẫn đến tử vong có thể nhanh hơn.
· Sữa đậu Nành KỴ Đường đen : Trong đường đen có chất acid malic, khi hòa tan trong sữa đậu nành sẽ tạo ra chất lắng làm giảm chất bổ của sữa đậu nành. Mặt khác khi uống vào dễ bị đầy bụng, khó tiêu khiến hấp thụ các chất khác cũng giảm.
· Sữa đậu Nành KỴ Trứng gà : Gây chứng khó tiêu, đầy bụng !
· Sữa Bò KỴ Cam Quýt Bưởi Chanh... : Sữa Bò chứa nhiều protein, trong đó chất cazeine chiếm tới 80%. Khi pha sữa bò lẫn (hoặc uống) cùng với nước trái cây chua sẽ làm cho chất cazeine kết dính, lắng đọng lại gây khó tiêu và rối loạn tiêu hóa. Trẻ em, nếu uống lâu dài sẽ dễ mắc bệnh methemoglobin, gây khó thở, tím tái và có nguy cơ tử vong.
· Thịt Gà KỴ Kinh Giới kỵ nhau : Ăn cùng lúc… dễ bị phong ngứa !
· Thịt Dê KỴ Dưa hấu : Dễ ngộ độc !
· Thịt Dê KỴ nước Trà : Gây niêm mạc ruột dẫn đến táo bón, nguy cơ ung thư.
· Thịt Rắn KỴ Củ Cải xào : Nguy hiểm chết người !
· Thịt Ngỗng KỴ Quả Lê : Ăn vào có thể bị sốt cao !
· Thịt Chó KỴ Cải Thìa : Coi chừng tiêu chảy không thuốc chữa !
· Thịt Chó KỴ Nước chè : Ăn thịt chó mà uống nước chè là... coi chừng mắc ung thư ruột !
· Gan động vật, lòng đỏ trứng gà KỴ một số loại rau : Không nên ăn cùng với các loại rau cần, khoai, cà rốt... vì có chứa nhiều cellulose và acid oxalic ảnh hưởng hấp thụ sắt trong thức ăn.
· Cá Chép KỴ Cam thảo : Ăn chung dễ bị trúng độc !
· Ba-Ba (cua đinh) KỴ rau Dền, rau Sam : Gây đau bụng quằn quại, nguy hiểm tính mạng !
· Hải Sản KỴ Trái cây : Vừa ăn Hải Sản xong mà ăn liền các loại trái cây như là nho, lựu, hồng... thì dễ xuất hiện các triệu chứng như là nôn ọe, chướng bụng, đau bụng, tiêu chảy... vì trong loại trái cây này có chứa acid tannic gặp protein (trong hải sản) sẽ bị đông lại và trầm lắng, tạo ra khó tiêu hóa. Vì vậy, sau khi ăn hải sản khoảng 4 tiếng... mới nên ăn những trái cây trên. Cũng nên biết thêm : sau khi ăn Thịt (mọi thứ thịt) cũng không nên uống trà ngay !
· Các loại động vật có vỏ sống dưới nước KỴ Vitamin C : Tôm, cua, ốc, hến... (nói chung) chứa nhiều asen hóa trị 5 không gây độc cho cơ thể... tuy nhiên, khi ăn những thực phẩm này mà uống vitamin C hoặc những các thứ có chứa nhiều vitamin C (như cam, chanh, cà chua, nho, mướp đắng, rau ngót...) sẽ chuyển thành chất rất độc có thể gây chết người.
· Trứng Gà KỴ Óc Heo : Tăng cholesterol, dễ cao huyết áp đột ngột dẫn đến tử vong !
· Trứng Vịt KỴ Tỏi : Biến thành chất độc hại... nhất là khi dùng tỏi (khử hôi) đã cháy sém !
· Chuối Hột KỴ Mật, Đường : Sình bụng phình, dạ trướng !
· Chuối Tiêu KỴ khoai Môn, Sọ : Gây đau bụng quằn quại !
· Củ cải KỴ Trái cây : Các loại Lê, Táo, Nho có chất đồng Ceton phản ứng với acid cianogen lưu huỳnh có trong Củ Cải khiến người ăn bị suy tuyến giáp trạng và bướu cổ.
· Cà rốt, Rau câu, rau cải KỴ Dấm carontine và acid acetic : Xào cà rốt tuyệt đối không cho giấm, vì acid acetic sẽ phá hoại hết carontine. Cũng như vậy, rau câu, rau chân vịt, rau cải có chứa nhiều carontine cũng không nên nêm giấm vào khi xào.
· Khoai Lang KỴ Hồng, Mận : Trong trái hồng có chứa vị chát (tanin) và pectin. Khi ăn khoai lang cùng với hồng... tinh bột trong khoai lang sẽ tiết ra nhiều vị toan lẫn chất tanin và pectin trong hồng, hình thành sỏi trong dạ dày. Nếu tình trạng nặng sẽ gây loét và chảy máu dạ dày. Người bị đau dạ dày rất cần phải lưu ý hơn để tránh ăn cùng lúc những món này.
· TRÁNH uống nhiều nước có chất Gas đang khi ăn : Ảnh hưởng quá trình tiêu hóa, cụ thể là làm loãng dịch vị, gây cản trở co bóp thức ăn dẫn đến viêm dạ dày.

                                                                                                      Sưu tầm


    


Thứ Bảy, 23 tháng 4, 2016

CÁCH SƠ CỨU KHI GẶP NGƯỜI BỊ ĐAU TIM



Nguyên nhân gây ra cơn đau tim là do sự tắc nghẽn nguồn cung cấp máu cho cơ tim (thường là do cục máu đông trong động mạch vành). Hậu quả phụ thuộc vào số lượng cơ bị ảnh hưởng và người bệnh được điều trị nhanh chóng thế nào.

Nếu bạn nghĩ có ai đó đang bị cơn đau tim, hãy kêu gọi sự giúp đỡ thay vì ngồi chờ để xem các triệu chứng có giảm đi không.
Khi gặp một người nghi bị cơn đau tim, việc sơ cứu kịp thời và đúng cách có thể giúp cứu tính mạng người bệnh. Bệnh nhân sẽ dễ vượt qua cửa tử hơn gấp ba lần nếu được điều trị đúng cách trong vòng một giờ.
Triệu chứng của cơn đau tim
Dưới đây là những dấu hiệu và triệu chứng thông thường của cơn đau tim. Người bệnh không nhất thiết phải có tất cả những triệu chứng này. Nếu cơn đau giảm đi khi nghỉ ngơi, nó có thể là cơn đau thắt ngực.
-Đột nhiên có cảm giác ngất xỉu hoặc chóng mặt
- Đau ngực dữ dội (dai dẳng, lan lên hàm dưới và xuống một hoặc cả hai bên cánh tay) không giảm khi nghỉ ngơi.
- Cảm giác rất khó chịu trong bụng (giống như cảm giác đầy bụng khó tiêu)
- Khó thở (bệnh nhân có thể thở hổn hển)
- Hoảng sợ (cảm thấy như sắp chết)
- Da xanh tái, đổ mồ hôi lạnh
- Mạch nhanh, yếu, không đều
- Ngã quỵ, thường không có dấu hiệu cảnh báo
- Có thể mất ý thức
Cần làm gì
Nếu bệnh nhân còn tỉnh
1. Giảm gánh nặng cho tim. Để bệnh nhân ở tư thế nửa nằm nửa ngồi càng thoải mái càng tốt, đầu và vai được nâng đỡ tốt và đầu gối gấp để giảm gánh nặng cho cho tim. Nới lỏng quần áo ở cổ, ngực và bụng.
2. Gọi cấp cứu. Giữ những người khác đứng xa bệnh nhân.
3. Cho thuốc đau thắt ngực. Nếu bệnh nhân có thuốc điều trị đau thắt ngực, hãy giúp bệnh nhân uống thuốc. Giữ cho người bệnh bình tĩnh và khuyến khích người ấy nghỉ ngơi.
4. Cho aspirin. Nếu bệnh nhân hoàn toàn tỉnh táo, cho bệnh nhân nguyên một liều aspirin dạng viên nén (300mg). Bảo bệnh nhân nhai từ từ để thuốc hòa tan và hấp thu vào máu nhanh hơn khi đến dạ dày. Aspirin giúp phá vỡ cục máu đông, giảm thiểu tổn thương cơ tim trong cơn đau tim.
5. Theo dõi bệnh nhân. Thường xuyên kiểm tra và ghi lại tình trạng ý thức, nhịp thở và mạch.
Nếu bệnh nhân bất tỉnh
1. Giữ thông đường thở. Kiểm tra hô hấp của bệnh nhân và chuẩn bị để bắt đầu hồi sức tim phổi.
2. Sử dụng máy khử rung. Nếu có thể, hãy nhờ ai đó mang máy AED (máy khử rung tim tự động bên ngoài) đến trong khi bạn trông chừng người bệnh. AED sẽ phát ra sốc điện để điều chỉnh tình trạng nhịp tim bất thường gọi là rung thất - nguyên nhân của một số cơn đau tim.
3. Vận hành máy khử rung. Việc sử dụng AED khá đơn giản. Gắn miếng đệm vào máy như hướng dẫn; sau đó máy sẽ hướng dẫn người vận hành trong suốt quá trình. AED sẽ chỉ phát ra sốc điện nếu tình trạng bệnh nhân cho thấy cần phải như vậy. Nếu đã gắn máy AED vào bệnh nhân, hãy để máy luôn bật và miếng đệm luôn gắn vào, ngay cả khi người bệnh đã hồi phục.
Làm gì tiếp theo?
Đợi nhân viên cấp cứu. Người bệnh càng được điều trị cấp cứu sớm thì cơ hội sống càng lớn.
Chẩn đoán sẽ được khẳng định ở bệnh viện bằng điện tâm đồ và xét nghiệm máu. Điều trị bao gồm nằm viện ở khoa hồi sức tích cực, điều trị nội khoa hoặc can thiệp ngoại khoa. Mục đích là giảm thiểu đau, phục hồi tưới máu cho cơ tim bị tổn thương, và ngăn ngừa biến chứng.
Nếu đó là cơn đau thắt ngực
Nếu đau giảm đi sau khi người bệnh nghỉ ngơi vài phút, có khả năng là đó là một cơn đau thắt ngực. Đây là một tình trạng bệnh lâu dài trong đó các động mạch vành (động mạch tim) bị co thắt, do đó cơ tim không nhận được đủ máu để đáp ứng nhu cầu. Một số người được chẩn đoán đau thắt ngực sẽ có thuốc để sử dụng trong trường hợp bị cơn đau.
1. Trấn an. Giữ cho người bệnh bình tĩnh; cho bệnh nhân ngồi xuống.
2. Hỗ trợ bằng thuốc. Giúp người bệnh tìm thuốc (thường là thuốc viên hoặc thuốc xịt). Giúp bệnh nhân uống thuốc nếu cần. Nếu bệnh nhân không có sẵn thuốc, gọi cấp cứu ngay lập tức. Xử trí như đã mô tả ở trên.
3. Theo dõi. Cơn đau sẽ giảm đi trong vòng vài phút. Nếu cơn đau không giảm hoặc người bệnh không có thuốc, hãy xử trí như với cơn đau tim.
Cẩm Tú
Theo Reader’s digest


Thứ Năm, 21 tháng 4, 2016

MÙA SANG

                                                               
                       

             
                                                                                      MÙA SANG

                                                                  Hè về nắng nóng gió mùa sang,
                                                                  Lướt nhẹ dây tơ ánh nguyệt tàn.
                                                                  Gác nhỏ đìu hiu làn tóc bạc,
                                                                  Nhà xinh rộn rã tiếng đàn vang.
                                                                  Lơ mơ sương khói chồn chân mỏi,
                                                                  Lẩn thẩn bèo mây lỡ bước hoang.
                                                                  Duyên nặng trần gian bên ký ức,                                                                                                        Đêm thâu bốn vách thấy mênh mang.
         
                                                                                                          Minh Đạo

BÀI HỌC ĐẮT GIÁ TỪ CHIẾC CHÉN THỦNG.

                                                                                   



Một chiếc chén thủng tưởng chừng như nhỏ nhặt của người ăn mày đã khiến người thanh niên tỉnh ngộ về đạo lý sâu xa của nó.

Nhiều năm về trước có một người cầu đạo trẻ tuổi, vì muốn biết đạo lý nhân sinh nên anh ta không quản ngại vất vả, quanh năm trèo đèo lội suối để tìm người có thể trả lời câu hỏi của mình.

Thời gian thấm thoắt trôi qua, anh ta đã đi rất nhiều nơi và hỏi rất nhiều nơi nhưng đều không có ai trả lời được thắc mắc trong lòng khiến anh ta vô cùng thất vọng.

Một hôm, trên đường đi, anh ta gặp một vị tiên sinh và được ông ta chỉ cho rằng trên một ngọn núi cách đó không xa có một vị cao tăng đắc đạo, ông ta có thể trả lời tất cả những vấn đề liên quan đến đạo lý nhân sinh mà anh ta đang thắc mắc. Anh ta mừng rỡ vô cùng, vội vàng cảm ơn vị tiên sinh và tiếp tục lên đường tìm kiếm chỗ ở của vị cao tăng này.
Mấy ngày sau, anh ta lên được ngọn núi đó và có gặp một người tiều phu đốn củi nhưng hỏi thì anh ta đáp rằng chưa từng gặp người nào như anh ta nói cả. Người thanh niên tạ ơn người tiều phu rồi ôm quyết tâm lên núi tiếp tục đi tìm, rồi lại gặp một người thợ săn, rồi người đi hái thuốc nhưng không ai trong số họ biết được vị cao tăng kia tướng mạo như thế nào.
 Trong lúc tuyệt vọng định quay đầu xuống núi thì anh ta bắt gặp một người ăn mày rách rưới, trên tay cầm một chiếc chén thủng lại gần anh ta xin nước. Người thanh niên lấy túi nước đeo trên lưng xuống rồi rót một ít nước vào trong chiếc chén. Người ăn mày chưa kịp đưa lên miệng uống thì nước trong chén đã chảy hết sạch. Người thanh niên lại một lần nữa rót một ít nước vào trong chiếc chén rồi giục người ăn mày nhanh chóng uống. Nhưng rồi người ăn mày chưa kịp đưa lên miệng nước đã đổ hết. Lúc này, không chịu được nữa, người thanh niên bực mình nói:

“Ông cầm cái chén thủng thế kia thì làm sao mà đựng nước được chứ?”.
Lúc này, người ăn mày điềm tĩnh nói:

“Ngươi đi khắp nơi hỏi đạo lý nhân sinh, tỏ ra là một người khiêm tốn nhưng trong lòng ngươi lại đánh giá lời nói của người khác bằng cách là xem có hợp với tâm ý của mình hay không. Ngươi không thể tiếp nhận những lời nói không hợp với tâm ý của mình. Một chút thành kiến này đã tạo thành lỗ thủng lớn ở trong tâm của ngươi, càng khiến ngươi vĩnh viễn không thể nào tìm được câu trả lời đâu. Cũng giống như chiếc chén thủng kia, không giữ lại được giọt nước nào”.

Người thanh niên nghe xong bừng tỉnh, quỳ gối cúi đầu hỏi: “Có phải ngài chính là vị cao tăng mà tôi đang tìm phải không ạ?”. Nhưng khi ngẩng đầu lên thì người ăn mày đã đi mất từ lúc nào.

Đúng vậy, tâm mỗi người đều có lỗ thủng. Thành kiến chính là lỗ thủng trong tâm mỗi người. Ghen ghét, nghi ngờ vô căn cứ, hèn nhát, nóng nảy, thù hận…cũng đều là các lỗ thủng. Chỉ có điều, lỗ thủng này của mỗi người là khác nhau mà thôi. Chỉ khi loại bỏ những “lỗ thủng” kia đi thì tâm con người mới được bồi đắp hoàn thiện, cuộc sống con người mới trở nên ý nghĩa được


                                                            Theo Thu Hương / Một Thế Giới

Thứ Hai, 18 tháng 4, 2016

NẾU PHẬT THỰC SỰ TỒN TẠI, BẠN SẼ ĐƯỢC GÌ VÀ MẤT GÌ?

                                     

Nếu khi bạn chết, bạn thấy những gì Đức Phật răn dạy là đúng, lục đạo luân hồi là có tồn tại thật, vậy bạn sẽ mất những gì?

Nhiều năm trước, tại một hội trường lớn có một vị học giả nói với mọi người rằng Phật là tuyệt đối không tồn tại.
Lúc mọi người muốn ông ta chứng minh lời mình nói là đúng, ông ta liền cao giọng nói như thách thức Đức Phật: “Đức Phật quả thực người có linh, hãy xuống đây, trước mặt rất đông mọi người hãy giết chết ta đi, thì chúng tôi sẽ tin là người thực sự có tồn tại”. Sau đó, ông ta cố ý lặng yên chờ mấy phút nữa, đương nhiên là Đức Phật không xuống để giết chết ông ta. Ông ta liền nhìn mọi người xung quanh và nói:“Mọi người thấy rồi đấy, Đức Phật vốn dĩ là không tồn tại”.http://tinhhoa.net/wpcontent/uploads/2014/08/BcKCN8.jpg
Bất ngờ có một người phụ nữ nông thôn, trên đầu quấn một chiếc khăn, nói với ông ta: “Thư ông, lý luận của ông rất cao minh, ông là một học giả uyên bác. Tôi chỉ là một phụ nữ quê mùa, không thể phản bác lại ông, chỉ muốn hỏi ông một câu hỏi rằng: Từ trước đến nay đã nhiều năm rồi, tôi luôn tin vào Phật, tin vào những lời dạy bảo của Phật và cảm thấy vô cùng thoải mái. Bởi vì trong lòng luôn tràn ngập niềm tin vào Phật, điều đó đã đem lại cho tôi sự bình yên và hạnh phúc trong cuộc sống. Vậy tôi hỏi ông: Nếu như khi tôi chết, phát hiện rằng những gì mà tôi tin vào Đức Phật, hết thảy đều không tồn tại, nhưng cả đời này của tôi đã tin vào Phật, vậy tôi sẽ bị tổn thất điều gì?”
Vị học giả suy nghĩ một hồi lâu, cả hội trường yên lặng, người nghe cũng rất đồng ý với suy luận của người phụ nữ này, ngay cả vị học giả cũng thán phục suy nghĩ logic này. Ông thấp giọng trả lời:“Ta nghĩ bà không bị tổn thất cái gì cả!”.
Người phụ nữ nông thôn lại nói với vị học giả: “Cảm ơn câu trả lời của ông! Trong tâm tôi lại có một thắc mắc, nếu khi mà ông chết, ông thấy những gì Đức Phật răn dạy là đúng sự thật, lục đạo luân hồi là có tồn tại thật. Tôi muốn hỏi, ông sẽ mất những gì?”. Vị học giả suy nghĩ một hồi lâu và không nói được lời nào.


Cùng suy ngẫm:http://tinhhoa.net/wpcontent/uploads/2014/08/BcKCN8.jpg
Nếu bạn tin vào Phật và Phật không tồn tại, bạn sẽ mất những gì? Còn nếu như Phật thật sự có tồn tại, nhưng bạn lại phỉ báng Phật, bạn sẽ mất những gì? Thật đáng phải suy nghĩ sâu xa!
Đối với mỗi người trong chúng ta, bất kể là có tin Phật hay không thì đều biết rằng Phật là lương thiện, là từ bi và luôn bảo hộ chúng sinh. Ý chỉ của Phật là giáo huấn con người sống lương thiện, chân thành và khoan dung, Mọi người khi gặp nạn đều khẩn cầu Đức Phật phù hộ.
Người có lòng tin vào Phật thường là người lương thiện, trong tâm họ luôn chứa đựng những lời dạy bảo và ý chỉ của Phật. Họ luôn luôn vui vẻ, bao dung và biết ơn. Họ tin rằng thiện ác hữu báo nên họ không làm điều ác, tôn sùng điều thiện và hòa ái, chân thành; như vậy không tốt sao? Và bởi vì người ta không tin vào sự tồn tại của Đức Phật, không tin vào thiện ác hữu báo, nên họ dám làm bất kỳ điều gì để đạt được danh lợi cho mình, không có đạo đức để ước thúc tâm mình.
Shakespeare đã từng nói rằng “Đừng phỉ báng những điều bạn không biết sự thật, nếu không, tính mạng của bạn sẽ gặp trùng trùng điệp điệp những nguy hiểm”. Nếu khi bạn chết, bạn thực sự thấy Đức Phật, Phật Pháp đúng là có thật, cũng có luân hồi và địa ngục. Như vậy những người lương thiện thì thật đáng quý, còn bạn, bạn đã mất đi điều gì?
Hãy nhìn xung quanh chúng ta, nếu một thế giới không có đức tin đúng đắn, người ta sẽ không còn phân biệt được thiện – ác, đúng – sai. Chân thành, lương thiện, nhẫn nhịn, những người có những đức tính này là những người tốt nhất. Còn những người bị tiền bạc thay thế thiện niệm, bái lạy Phật chỉ vì danh lợi, họ đã bị mất đi phương hướng, tìm không thấy ý nghĩa đích thực của cuộc sống này.
Bản tính con người là thiện ác đồng thời tồn tại. Vậy nên, hạt giống lương thiện ở trong tâm hồn mỗi chúng ta, hãy tưới lên nó đức tin đúng đắn, nếu như vậy bạn sẽ tuyệt đối không mất gì mà còn có được một cuộc sống hạnh phúc tròn đầy!
Theo Daikynguyenvn


 

Chủ Nhật, 17 tháng 4, 2016

TÂM ĐẠI NHẪN KHÔNG PHẢI LÀ YẾU NHƯỢC, MÀ CHÍNH LÀ BAO DUNG

                                                 


Người xưa luôn đề cao chữ “Nhẫn”, cho rằng một người biết nhẫn không phải là một người yếu nhược, mà Nhẫn này chính là sự thể hiện sự cao quý của tấm lòng lương thiện bao dung.
Tâm đại nhẫn được đề cao trong giáo lý nhà Phật và các bậc vĩ nhân thời cổ đại. Đạo đức Kinh của Lão Tử từng viết “Thiên chi đạo bất tranh nhi thiện thắng, bất ngôn nhi thiện ứng”, (tạm dịch là “Đạo trời không tranh mà thành, không nói mà người hưởng ứng”). Khổng Tử đã có lời bình: “Tiểu bất nhẫn, tắc loạn đại mưu” (Không nhịn được điều nhỏ nhặt, sẽ làm hư chuyện đại sự). Khổng Tử cũng đề cao tâm đại nhẫn là tiêu chuẩn để phân biệt quân tử và tiểu nhân. Người quân tử là người đại nhẫn, không tranh giành với ai: “Quân tử vô sở tranh”. Nếu tranh giành thì đã tụt xuống hàng tiện nhân rồi.
Trong Phật giáo, chữ Nhẫn được đề cao hàng đầu trong 60 điều răn, để phân biệt người tốt kẻ xấu, người thiện kẻ ác.
Dưới đây là một số tích cổ về tâm đại nhẫn của người xưa để chúng ta học tập.
1. Lạn Tương Như đại nhẫn thu phục tướng Liêm Pha hống hách, giữ bình an xã tắchttp://tinhhoa.net/wpcontent/uploads/2014/08/BcKCN8.jpg
Chính khách thời Chiến Quốc là Lạn Tương Như xuất thân bần hàn, tuy nhiên do lập nhiều công trạng và bản tính thông minh nên đã được vua Triệu trọng dụng, địa vị của ông còn cao hơn cả võ tướng Liêm Pha. Chính vì thế, Liêm Pha bất mãn, nói thẳng với các quan triều khác rằng: “Ta là tướng nước Triệu, phá thành đánh trận lập công lớn, trái lại Tương Như chỉ nhờ miệng lưỡi lập công mà địa vị lại ở trên ta. Hơn nữa, Tương Như vốn là kẻ bần hèn, ta xấu hổ không còn mặt mũi nào ngồi ở dưới ông ta!”. Không dừng ở đó, Liêm Pha còn rêu rao khắp nơi rằng: “Ta sẽ gặp Tương Như, quyết làm nhục ông ta”.
Tương Như nghe chuyện, đã tìm cách tránh mặt Liêm Pha. Mỗi lần có buổi chầu, Tương Như thường cáo bệnh không muốn tranh giành chức vị với Liêm Pha. Có lần, Tương Như đi ra trông thấy Liêm Pha, bèn quay kiệu tránh. Môn hạ của Tương Như thấy vậy nghĩ rằng ông sợ nên cùng nhau nói: “Chúng tôi sở dĩ bỏ thân thích đến phụng sự ngài chỉ vì mến mộ tiết nghĩa cao thượng của ngài. Nay ngài và Liêm Pha chức vị cũng ngang nhau. Liêm Pha rêu rao nói xấu mà ngài lại sợ trốn tránh ông ta. Ngài sợ sệt quá đáng, người thường còn lấy làm xấu hổ, huống hồ là bậc tướng quốc, tướng quân! Chúng tôi bất tài, xin cáo từ về quê”.
Tương Như nghe vậy mỉm cười và nói: “Các ngươi xem Liêm tướng quân có bằng vua Tần không?”. “Không bằng”, môn hạ đáp.
Tương Như tiếp lời: “Uy phong như vua Tần mà Tương Như ta đây còn dám nói lý, quát mắng giữa triều đình, trước cả quần thần. Tương Như ta lại hèn nhát sợ Liêm tướng quân sao? Ta nghĩ rằng nước Tần sở dĩ mạnh, nhưng lại không đem binh đi đánh nước Triệu, là vì nước Triệu có ta và Liêm tướng quân đây. Nay hai con hổ đánh nhau, tất không thể cùng sinh tồn. Vậy nên ta phải làm như thế, là vì nghĩ đến an nguy của xã tắc trước mà gác việc cá nhân lại mà thôi”.
Lời nói bao dung đại nghĩa của Tương Như lập tức truyền tới tai Liêm Pha. Nghe xong, Liêm Pha chợt tỉnh ngộ, tự biết mình có lỗi, bèn cởi bỏ áo bào, mang roi đi đến cửa nhà Lạn Tương Như tạ tội, nói: “Kẻ hèn mọn này không biết tướng quân rộng lượng đến thế!”. 
Kể từ đó hai người trở thành bạn tốt, đồng tâm hiệp lực bảo vệ nước Triệu, sống chết có nhau. Nước Triệu có hai tướng văn võ phò trợ nên được vững mạnh, không bị nhà Tần lấn chiếm, người ta gọi giai thoại nổi tiếng này là “Tướng tướng hòa”.
2. Hàn Tín chịu nhục chui háng, sau này lập chiến công hiển hách
Nhà Tần vào thế kỷ thứ 2 trước Công Nguyên là triều đại phong kiến thống nhất đầu tiên trong lịch sử Trung Quốc. Tuy nhiên, chế độ hà khắc khiến triều Tần chỉ trong 15 năm đã bị lật đổ bởi phong trào khởi nghĩa nông dân. Trong cuộc khởi nghĩa này đã xuất hiện nhiều nhân vật anh hùng kiệt xuất, và Hàn Tín là một trong số đó.
Hàn Tín xuất thân bần hàn, mồ côi cha mẹ từ tấm bé. Lớn lên, Hàn Tín vừa không biết buôn bán, vừa không muốn làm ruộng, trong nhà cũng không có tài sản gì, nên cuộc sống rất khó khăn, bữa có bữa không.
Để kiếm miếng ăn, Hàn Tín đành phải đi câu cá ở sông Hoài trong vùng, một bà già giặt quần áo ở bờ sông nhìn thấy Hàn Tín không có cơm ăn, bèn chia thức ăn mang theo cho ông ăn. Cứ như vậy mấy chục ngày liền, Hàn Tín rất cảm động, nói với bà già rằng: “Sau này cháu nhất định sẽ báo đáp bà”. Bà lão tức giận mà nói: “Cháu là người đàn ông lại không nuôi sống nổi mình, ta thấy cháu đáng thương mới cho cháu cơm ăn, chưa bao giờ mong cháu báo đáp”. Hàn Tín lấy làm xấu hổ, và quyết chí phải làm nên nghiệp lớn.
Ở thành Hoài Âm quê của Hàn Tín, một số thanh niên rất coi khinh ông. Một hôm, một kẻ côn đồ nhìn thấy Hàn Tín có vóc dáng to lớn lại thường đeo gươm, cho ông là kẻ hèn nhát, bèn ngăn ông lại, nói: “Ngươi khoác bảo kiếm làm gì? Nếu ngươi gan dạ, thì hãy dùng gươm đâm ta đi; nếu không dám, thì phải chui qua háng ta, không thì đừng hòng đi qua”. Hàn Tín nghĩ một lát, không nói gì, sau đó từ từ hạ thấp người xuống, chui qua háng của kẻ đó. Mọi người có mặt cười ầm lên, cho rằng Hàn Tín là một kẻ hèn nhát. Từ đó, câu chuyện “Hàn Tín chịu nhục chui háng” lưu truyền đến đời sau.
Thực ra, Hàn Tín là một người có mưu lược và có tâm đại nhẫn. Ông đã đoán trước xã tắc sắp có biến lớn, nên chăm chỉ nghiên cứu binh pháp, luyện tập võ nghệ. Ông tin rằng mình sẽ có cơ hội gặp thời. Bởi vậy khi gặp kẻ côn đồ có hành vi bất nhã, ông nghĩ rằng một điều nhịn chín điều lành, nếu ra tay gây sự dễ rơi vào đường ngục tù, thật không đáng khi mình còn cả tiền đồ phía trước. Bởi vậy, ông lựa chọn chui qua háng của kẻ vô lại kia. Quả thật, chẳng lâu sau nổ ra phong trào khởi nghĩa chống Tần, Hàn Tín xung quân, liên tiếp lập công và trở thành tướng tài phò tá Lưu Bang lập nên nhà Hán. Hàn Tín có thể nhẫn chịu được những điều mà người thường không làm được, do đó ông đã làm nên việc lớn.
Nếu không có tâm đại nhẫn, chỉ để thỏa mãn cái tôi cá nhân nhất thời thì Lạn Tương Như và Hàn Tín trong hai câu chuyện trên có thể đã khiến đất nước lầm than và phá hủy tiền đồ sáng lạn.http://tinhhoa.net/wpcontent/uploads/2014/08/BcKCN8.jpg
Con người ngày nay thường vẫn nhầm lẫn rằng nhẫn là sự hèn nhát, khờ khạo, lại không biết rằng dùng tâm đại nhẫn mà thiện đãi thiên hạ mới đúng là biểu hiện của bậc đại trí tuệ. Người xưa cũng giảng rằng “lùi một bước biển rộng trời trong”, nhẫn nhịn sẽ giúp người ta bao dung và nghĩ cho người khác nhiều hơn. Và vì thế, tâm đại nhẫn sẽ giúp người ta thăng hoa trong tâm hồn và trí tuệ, tiến tới thành công.
Theo minhbao.net