Muốn thức dậy sớm như những người thành công, bạn phải hiểu được bản chất cốt lõi của thói quen này.
Bài chia sẻ của Bryan Collins - doanh nhân, tác giả của nhiều bài viết trên Forbes, Medium, đồng thời là chủ trang blog 'Become A Writer Today' chuyên về sáng tạo, năng suất và viết lách.
Bạn thường dậy vào lúc mấy giờ?
Ngày nay, ai cũng biết về những lợi ích của việc dậy sớm. Đây là thói quen được rất nhiều người thành công áp dụng, từ Bill Gates cho đến Barack Obama.
Robin Sharma - chuyên gia hàng đầu về nghệ thuật lãnh đạo và tổ chức cá nhân - từng nói: 'Hãy bỏ lại cái tôi của mình ở cửa mỗi sáng và làm vài việc tuyệt vời. Có những thứ sẽ khiến bạn cảm thấy tốt hơn cả việc hoàn thành xuất sắc một nhiệm vụ.'
Suốt nhiều năm qua, tôi đều dậy vào lúc 5-6h sáng. Đôi khi, tôi còn thức giấc 2-3 tiếng trước giờ dậy bình thường.
Trong khoảng thời gian đó, tôi sẽ viết những bài báo kiểu này, hoặc tập thể dục tại phòng gym gần nhà.
Tôi chọn cách thức dậy sớm bởi tôi có quá nhiều việc phải làm. Tôi có 3 con nhỏ, nên cũng khá bận rộn vào buổi tối.
Tuy nhiên, không phải người nào cũng có thể bắt tay ngay vào việc dậy sớm. Sau nhiều năm thực hiện, tôi rút ra được 4 sự thật phũ phàng về thói quen này mà bạn cần biết, trước khi quyết định theo đuổi thành công bằng cách tập dậy sớm.
Dậy sớm là một việc khó khăn
Khi mới bắt đầu dậy sớm, khoảng 1-2 tiếng trước giờ dậy bình thường, cứ nghe thấy chuông báo thức là tôi chỉ muốn tắt nó đi và ngủ tiếp.
Vậy nên, tôi đã chuyển đồng hồ báo thức sang phòng khác. Kể cả thế, tôi vẫn thấy mình ngồi ở bàn đầy mệt mỏi, và tự hỏi mình dậy sớm làm gì khi mặt trời còn chưa lên.
Thứ duy nhất giúp tôi tỉnh táo là cà phê và danh sách những việc phải làm.
Có lẽ là do tôi lười, nhưng sự thực là tôi phải mất đến 6 tháng mới thích nghi được với thói quen này.
Thỉnh thoảng, tôi cũng ngủ quên. Bên cạnh đó, việc dậy sớm vào thứ 2 luôn khó khăn hơn là vào thứ 6.
Đừng hy vọng những người xung quanh sẽ hiểu và làm theo
Dậy sớm đồng nghĩa với việc phải đi ngủ sớm. Trừ khi bạn là người có thể hoạt động bình thường dù chỉ ngủ 4 tiếng/đêm.
Nếu bạn sống cùng người khác, đừng hy vọng họ sẽ trật tự chỉ vì bạn quyết định đi ngủ từ 8-9h tối.
Họ có thể khiến bạn tỉnh bằng cách đi đi lại lại, xem TV, nói chuyện,... Tuy nhiên, bạn không thể bắt họ hạn chế hoạt động của mình, hay thuyết phục đi ngủ sớm như bạn.
Để không ai cảm thấy khó chịu, hãy sắm một đôi nút bịt tai chống ồn và cả tấm bịt mắt khi ngủ. Như vậy, cả bạn và những người xung quanh đều được làm những gì mình muốn.
Tập dậy sớm đều đặn, kể cả vào cuối tuần
Sau vài ngày đầu, bạn sẽ thấy việc dậy sớm trở nên dễ dàng hơn nếu biến nó thành thói quen đều đặn.
Thế nhưng cuối tuần thì phải làm sao? Nếu bạn đi chơi với bạn bè vào tối thứ 6, bạn sẽ thường ngủ nướng và dậy muộn vào thứ 7 do quá mệt mỏi. Hoặc đơn giản chỉ là bạn muốn ngủ bù cho những ngày trong tuần.
Bạn có thể ngủ nướng 1-2 tiếng nếu muốn, nhưng cố gắng dậy sớm ít nhất 1 ngày cuối tuần. Đặc biệt là, bạn không nên ngủ nướng đến tận trưa mới dậy vào các ngày Chủ nhật.
Nếu không, bạn sẽ không thể nào đi ngủ sớm vào tối Chủ nhật. Nó sẽ tạo ra hiệu ứng domino vào sáng thứ 2, khiến bạn trở nên uể oải và lười biếng vào đầu tuần.
Không phải ai muốn làm việc hiệu quả cũng cần dậy sớm
Thức dậy sớm chỉ cần thiết nếu bạn muốn việc lách, quản lý công việc làm thêm, hay làm gì đó khác trước khi một ngày làm việc chính của bạn bắt đầu. Thói quen này sẽ giúp bạn có thêm thời gian xử lý những nhiệm vụ quan trọng trong ngày.
Dù vậy, thức dậy sớm không biến bạn trở thành một người năng suất hơn hay tốt hơn.
Một số người mà tôi biết thường làm việc rất muộn vào buổi tối mà vẫn hiệu quả. (Tuy nhiên, họ có ít việc gia đình phải làm hơn vào buổi tối.)
Nếu có nhiều thời gian rảnh hoặc kiểm soát được thời gian biểu của mình, bạn hoàn toàn không cần phải dậy sớm. Bên cạnh đó, mỗi người cũng có những 'khung giờ vàng' khác nhau để hoạt động năng suất nhất.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét