Benjamin Franklin từng nói: “Phần lớn những nỗi thống khổ của nhân loại đều do con người tự gây ra vì đánh giá nhầm giá trị của nhiều điều”.
Hàn Phi Tử nói: “Mang theo dục vọng nhiều, tâm ắt sẽ loạn, tâm loạn thì dục vọng càng mạnh mẽ, dục vọng càng mạnh mẽ khiến tà tâm chi phối, tà tâm chi phối làm cho cách hành xử bị rối loạn, hành xử rối loạn chắc chắn sẽ sinh ra tai họa.”
Con virus vô hình khiến cả thế giới chao đảo. Nhưng Phật gia giảng: “Không có gì là ngẫu nhiên”. Dường như nó cũng là một sự sắp xếp vô hình để loài người nhận ra những điều quan trọng quyết định sự sinh tử của mỗi người.
Trận ôn dịch khiến lòng người hoảng loạn. Nhưng xét cho cùng thì chúng ta vốn vẫn sống trong sự bấn loạn lâu nay đó thôi. Nếu nhìn lại những ngày trước đại dịch, chẳng phải ai cũng sống trong một cuộc chạy đua. Giao thông hỗn loạn, ai cũng vội vã đi như chạy, mấy giây đèn đỏ cũng không thể kiên nhẫn chờ nổi. Nhưng đâu chỉ giao thông, việc gì chẳng biến thành chạy: chạy trường, chạy điểm, chạy việc, chạy tiền, chạy chức, chạy quyền, chạy ăn, chạy doanh số, chạy thành tích… Virus khiến cuộc sống chậm lại hay bởi chúng ta đã sống quá nhanh. Cuộc sống của chúng ta khác nào cuộc thi chạy, cuộc đời khác nào cuộc đua mà cái đích cuối cùng cũng chỉ là nghĩa trang mà thôi.
Phải chăng Thượng đế thông qua con virus khiến chúng ta dừng lại tất cả cuộc đua học hành, kiếm tiền, chạy chọt, toan tính, thi đua, tranh đấu… Thật tình cờ mà không ngẫu nhiên, nó khiến mọi người phải sống chậm lại, nó tạo ra thời gian cần thiết để chúng ta suy ngẫm về chính mình và cuộc đời, bằng cách đó, ta có cơ hội để nhìn lại xem ta đang sống vì điều gì, bằng cách nào và sẽ đi về đâu, điều gì thực sự quan trọng trong cuộc đời…
Virus phơi bày sự thật dưới ánh sáng khác
Trước khi có đại dịch, điều khiến người ta quan tâm nhiều nhất là danh, lợi, tiền, quyền, sự thành công, các thứ giải trí xa hoa… Khi dịch bệnh khiến hàng ngàn người chết, người ta mới thấu hiểu tất cả những thứ đó không đảm bảo cho con người thoát khỏi virus, bởi vì nó không có cơ chế mua bằng tiền hay hối lộ, như cách con người vẫn tin dùng thứ quyền năng đó.
Khi nhận ra tiền, quyền không mua được sức khoẻ và hạnh phúc, sự an toàn, không mua được thời gian sống, sự thật về những điều con người ta suốt đời theo đuổi được chiếu rọi bằng một thứ ánh sáng khác, và những giá trị mà ta tin tưởng bám chặt vào bấy lâu hoá ra cũng chỉ là ảo ảnh.
Virus khiến con người đánh giá lại vai trò những thứ ta tưởng là quan trọng. Chúng ta cố gắng theo đuổi các thứ bề ngoài nhưng giờ đây, khi ai ai cũng phải mang khẩu trang cũng như là ai cũng bình đẳng trước cái chết, những cái đắp điếm ở bên ngoài cũng sẽ trở nên vô nghĩa. Chức vụ, tiền bạc, đất đai, nhà cửa… không là gì cả trước phán quyết của con virus vô hình.
Khi không phải đeo khẩu trang, vốn dĩ con người chẳng vẫn luôn đối với nhau bằng một cái mặt nạ. Cái mặt nạ của những xã giao hình thức, quà cáp biếu xén, chúc tụng tiệc tùng, đối nhân xử thế. Con người ảo tưởng về giai cấp, vị thế, tin rằng mình có thể hơn người khác vì địa vị, sự sở hữu tài sản. Nhưng hoá ra virus không phân biệt sang hèn, không phân biệt thể chế chính trị, dân tộc, giới tính hay tuổi tác, giàu nghèo, trình độ, giai cấp, quốc tịch. Nó nói với ta rằng: “Con người sinh ra bởi Thượng đế và bình đẳng trước sự sống và cái chết.”
Ai cũng chán nản vì phải cách ly, nhưng vốn dĩ sự cách ly của lòng người thì lúc nào chẳng tồn tại. Khi không có sự cách ly bởi dịch bệnh thì người ta vẫn cách ly nhau bằng công nghệ đó thôi. Ở nhà, ngoài đường, trong thang máy, bất kỳ chỗ nào cũng thấy cảnh mọi người ôm điện thoại không cần biết đến xung quanh. Lạ lùng thay phương tiện giúp con người kết nối nhanh hơn lại đẩy họ ra xa nhau nhiều hơn.
Người ta nghi ngờ, thù hận, đấu tranh với nhau, miệt thị nhau về vùng miền ngay cả khi cùng nhau chống dịch, thờ ơ với những thân phận yếu thế, vẫn bàng quan với những bất công miễn sao đời mình được yên ổn. Thực ra chúng ta vốn đã luôn sống quá lâu trong sự cách ly của lòng người, mà nó còn xa xôi hơn sự cách ly về địa lý rất nhiều.
Thời gian phải ở yên một chỗ vì giãn cách đối với nhiều người là không thể chịu nổi. Bởi vì bấy lâu nay niềm vui của chúng ta đến từ những thứ bên ngoài. Phần lớn thời gian con người dùng để xây dựng cái bề ngoài, nào nhà, xe, quần áo, hàng quán, điện thoại, giải trí… Và khi những sự vui thú bề ngoài đó bị dừng lại bởi đại dịch, chúng ta cảm thấy trống rỗng, vô vị, chán nản. Càng mưu cầu những thứ bên ngoài, con người càng rơi vào vòng xoáy của vật chất. Khi dục vọng và tham vọng chi phối thì con người càng rời xa các giá trị đạo đức. Và lòng tham thì vô hạn cho nên càng chạy ra ngoài con người càng rời xa chính mình.
Chúng ta đã tạo ra một xã hội rối loạn và chạy theo nó, cuốn vào cái vòng hoảng loạn, mà chúng ta vừa là nạn nhân, vừa là nguyên nhân. Nhưng khi có thời gian tĩnh lại, người ta sẽ nhận ra cái khiến ta quay cuồng, hoảng loạn đó là bởi ta không nhận ra những giá trị thật và ảo mà bấy lâu ta vẫn theo đuổi. Khi ta sống bằng những giá trị ảo thì chỉ cần một cơn lốc cũng đủ khiến hồn xiêu phách lạc. Cuộc sống chậm lại, nếu tỉnh táo xem xét, thực ra cũng chỉ là dừng lại những thứ phù phiếm, vô nghĩa mà bấy lâu người ta dành quá nhiều thời gian công sức để đánh đổi mà thôi.
Virus giả dối
Con virus đã được sinh ra và phát triển từ sự giả dối của chính quyền Trung Quốc. Sau hơn 2 năm, ĐCSTQ vẫn ngăn chặn mọi nỗ lực tìm kiếm nguồn gốc của virus. Người ta cũng không còn tin vào sự chính trực cần có của những tổ chức như WHO. Và, thật kỳ lạ là nó cũng phơi bày sự giả dối vốn là thứ virus ghê gớm nhất khuynh đảo xã hội.
Báo chí đưa tin về những trường hợp tử vong hoặc nhiễm bệnh sau khi đã tiêm đủ vaccine, rồi sau đó xóa đi thông tin “đã tiêm vaccine”; tráo đổi hình ảnh người tiêm và tên thuốc để giả mạo thông tin về hiệu quả vaccine nhằm tuyên truyền cho mục đích nào đó bất chấp nguy hiểm cho cộng đồng. Lại có kẻ dựng lên những câu chuyện cảm động về bác sỹ xả thân cứu người lấy đi bao nước mắt để lừa người đọc, kêu gọi ủng hộ tiền bạc. Thậm chí có những kẻ làm giả khẩu trang bán cho người tiêu dùng và các tổ chức thiện nguyện. Thứ văn hóa giả dối đã bao trùm toàn xã hội, hàng hóa giả, những giá trị giả, mánh lới lừa đảo… Nhưng dường như đại dịch chưa đủ làm con người thức tỉnh, họ tiếp tục phơi bày ra những chiêu trò giả dối, lừa lọc… trong thời khắc sinh tử.
Thiên tai cũng bởi nhân họa mà ra
Trong cơn hoảng loạn của tin tức về dịch bệnh – thiên tai, người ta lại càng tuyệt vọng bởi nhân hoạ, với đủ những chuyện cay đắng đau lòng về cách hành xử của con người trong cơn hoạn nạn chung. Khi dịch bệnh xảy ra, người ta sẵn sàng bán luôn cả nhân phẩm để trục lợi bằng mọi mánh lới buôn bán với giá cắt cổ, như thể đại dịch không phải là nỗi nguy hiểm cho đồng bào mà sẽ là cơ hội để kiếm tiền. Khẩu trang, thực phẩm, thuốc men, bất cứ cái gì cũng có thể là mục tiêu tranh giành hoặc kiếm lợi.
Cái thứ triết học đấu tranh phản lại đạo lý truyền thống mà ĐCSTQ đã bồi đắp mấy chục năm qua khiến cho người ta tin rằng họ có thể giành nhau cả sự sống.
Người vô tình bị nhiễm bệnh trở thành đối tượng bị ghẻ lạnh, truy đuổi, thóa mạ, khinh bỉ. Ngay cả khi làm từ thiện hay cứu trợ thì họ lại tiếp tục mạt sát nhau vì vùng miền, vì tiêm hay không tiêm vaccine, lúc nào cũng chuyện để hơn thua lời ăn tiếng nói. Con virus thì không ai nhìn thấy nhưng con virus trong tâm người thì được dịp hiển hiện, phơi bày ra thật não nùng.
Cái gì là thiết yếu
Các thứ chỉ thị mệnh lệnh khiến cho cuộc sống của người dân khó khăn hơn nhưng chính sự bất hợp lý của nó lại khiến dịch bệnh lan truyền mạnh hơn, như việc người ta đóng cửa chợ truyền thống ở nơi thoáng khí để chen lấn nhau trong siêu thị, cấm người dân ra đường nhưng lại gây chen chúc ở những nơi kiểm duyệt.
Sự trớ trêu diễn ra ở khắp mọi nơi như việc người ta không làm cách nào phân biệt được bánh mỳ hay rau muống hoặc những nhu yếu phẩm đời thường của con người có phải lương thực hay đồ thiết yếu hay không. Vô số những câu chuyện cười ra nước mắt đó, tự nó, phơi bày sự thật là, người ta thậm chí còn quên mất rằng điều thiết yếu nhất đối với con người là lương tri, khi không dùng lương tri để hành xử, biến mình thành công cụ của mệnh lệnh thì ngay cả bản năng làm người cũng mờ tối, thì dẫu là thực phẩm cho đồng loại của mình trong cơn khốn khó cũng khiến người ta loay hoay, bối rối không biết có là mặt hàng thiết yếu hay không.
Trong khi truyền thông vẫn đưa tin về bội thu ngân sách bất chấp đại dịch khó khăn, thì chẳng thiếu những mảnh đời lay lắt, người đói đi gõ cửa từng nhà xin ăn, đi ăn trộm cả gói mì. Vừa mới đây thôi người ta có thể điều máy bay để giải cứu vải ở Bắc Giang, vậy mà hàng ngàn người lao động tự mình chới với giữa cơn bão dịch, đi bộ, đi xe đạp, đi xe ba gác, đùm túm cả gia đình trên những phương tiện thô sơ nhất vượt hàng ngàn cây số cả ngày lẫn đêm, phơi mình trong mưa nắng, đói khát, tháo chạy khỏi thành phố mà chính họ góp phần tạo nên sự thịnh vượng của nó. Chưa hết họ lại còn bị ngăn cản ngay ở nơi họ muốn tìm về, tiến thoái lưỡng nan, quay xe không được mà về quê thì cấm cản, bế tắc. Đau xót hơn cả là trên chặng đường thiên di đẫm nước mắt đó, có người bỏ mạng, không kịp nhìn thấy quê hương…
Giá mà những tượng đài nghìn tỷ, những cổng chào hoành tráng, những đường sắt triệu đô có thể cứu đói dân trong thảm cảnh. Nhưng không, đã từ lâu, khi có thiên tai dịch bệnh là người dân tự nguyện lo nhau bằng những phong trào từ thiện khởi lên một cách tự phát. Thân phận người như con sâu cái kiến loay hoay giữa đủ thứ nghịch lý oái oăm.
Đại dịch khiến xã hội trở thành một màn trình diễn khổng lồ, mà trên sân khấu đó người ta được xem cả hài kịch lẫn bi kịch trong một vở diễn vô tiền khoáng hậu, nơi những chiêu trò dối trá hiện ra chẳng còn kể đến liêm sỉ, và các khái niệm bị đảo lộn, các giá trị bị sụp đổ, nhân phẩm con người bị đẩy xuống tận cùng.
Mỗi ngày, con virus lần lượt phơi bày tất cả sự thật mà chúng ta từ lâu đã không có khả năng nhìn thấy hoặc cố tình quên đi. Nó phơi bày ra toàn bộ những cái được che đậy, trang điểm màu mè. Trước con virus vô hình, con người bộc lộ rõ bản chất như soi vào chiếc gương của phẩm giá: Sự cơ hội, lòng tham, hay sự hy sinh, tính trách nhiệm; sự vô cảm, trí tuệ hay vô minh, những người tử tế và những kẻ đạo đức giả… Nó không chỉ ở phương diện cá nhân mà còn là cả các quốc gia, nhân tính hay dân tộc tính, đều hiển hiện rõ ràng. Những thứ chưa được phơi bày ra ánh sáng của sự thật chỉ còn là vấn đề thời gian! Đại tự nhiên hiểu rõ lòng người và mọi sự vô tình đều có thể là hữu ý để con người thể hiện chính mình trong một cuộc phán xét sinh tử.
Cuộc thanh lọc của những giá trị
“Nhiều dục vọng sinh ra tai họa”. Trong chữ Hán, từ “bận rộn” 忙 gồm bộ “tâm”⺖ và chữ “vong” 亡 ghép lại, biểu hiện nội hàm: một người luôn quá bận rộn sẽ đánh mất trái tim và hủy diệt lòng người. Đây chẳng phải chính là lời cảnh báo của Thần đối với con người? Loài người đổ xô đi làm những điều có vẻ quan trọng nhưng quên làm một thứ quan trọng nhất là tự cứu bản thân mình.
Những thảm họa liên tiếp bất ngờ phải chăng đang cố gắng lan truyền thông điệp về sự vô thường mong manh của sinh mệnh? Rằng hành trình của đời người không phải là đến thế giới này miệt mài tranh giành nơi danh lợi, vật chất. Bởi vì đến giờ có lẽ mọi người đều có thể thấy, khi có đại nạn thì tiền kiếm được dẫu bằng núi cũng không cứu nổi chính mình. Phải chăng đó chính là điểm hoá của Thần cảnh tỉnh con người nhìn lại chính mình trong một quy luật nhân quả bất biến của vũ trụ.
Mỗi người đã tạo nên một mảnh vỡ trong xã hội ngày một tan nát về đạo đức và lương tri. Thế giới đã bất ổn từ quá lâu rồi, đã mục rỗng từ bên trong, khi các giá trị đạo đức bị đảo lộn, cái xấu, ác, giả dối thống trị thế giới. Và mỗi người đều góp sóng thành bão trong đó.
Con virus nguy hiểm nhất thực ra chính là con người khi đánh mất bản tính thiện lương, đánh mất những giá trị tốt đẹp đã có, đánh mất mình trong vòng xoáy vật chất, danh, lợi, tình. Bao nhiêu thảm họa trong lịch sử đã xảy ra đều là khi lòng người vô Đạo.
Cuộc đào thải ở bên ngoài khiến số người chết không ngừng tăng lên và thực sự thì người ta còn chưa biết chính xác số lượng người nhiễm và tử vong là bao nhiêu. Nhưng không chỉ thế, nó còn là cuộc thanh lọc từ bên trong: thanh lọc những giá trị ảo, những thứ không cần thiết cho đời sống, những giả dối, lòng tham, độc ác, vô cảm, vô trách nhiệm…
Trạng Trình có câu sấm truyền rằng:
Lời sấm về một cuộc đào thải đáng sợ. Nhưng cũng nhắc nhở con người cách vượt qua nó, bằng cuộc thanh lọc ở bên trong. Khi cái phần xấu trong mỗi người “chết” đi, thì cơ hội sống của con người sẽ tăng lên. Và cái phần còn lại đó có lẽ sẽ là ngày thái bình của nhân loại?
Tâm bất động ức chế vạn động
Chiếc khẩu trang để che chắn cái bên ngoài hay Thượng đế đang nhắc ta quay vào bên trong, tìm lại những giá trị cơ bản của sinh mệnh, chính điều đó mới mang đến sự yên định và bình an nơi mình. Chỉ khi mong muốn tìm vào bên trong chính mình, người ta mới thấy sự cần thiết và vẻ đẹp của sự tĩnh tại, giống như trong trạng thái thiền định, chúng ta sẽ nhận ra sự giàu có không phải ở thế giới bên ngoài mà trong chính nội tâm mình, chúng ta cảm nhận sự đủ đầy trong tỉnh thức và giác ngộ, đó mới là sự đủ đầy mà không thể bị lấy đi bởi virus hay bất kỳ thế lực nào.
Bình tĩnh suy xét điều gì mới thực sự có thể cứu vãn chúng ta trong hoạn nạn. Virus không chỉ có một loại, trước đây thế giới đã trải qua đại dịch SARS, và tương lai, biết đâu sẽ còn những đại dịch nào khác nữa. Chế tạo ra vacxin này thì lại có virus khác… Chừng nào chúng ta còn mãi chạy chữa cái bên ngoài, và không nhìn nhận nguyên nhân sâu xa từ bên trong, thì cuộc sống của chúng ta sẽ mãi chỉ là chạy theo các tai hoạ mà thôi.
Những cảm xúc tiêu cực lại là một chất xúc tác khiến cơ thể trở nên yếu hơn. Người ta có thể chưa chết vì bệnh, nhưng đã có thể chết vì sợ hãi, lo lắng, hoảng loạn. Đó đều là những trạng thái khiến con người suy giảm năng lượng miễn dịch tự nhiên, vốn là cách duy nhất chống lại virus.
Sống chậm lại để nhận ra ý nghĩa cuộc đời là viên mãn trong phẩm hạnh của mình, với niềm tin vào Thần Phật và quy luật Nhân quả. Chính sự bình an nơi tâm là nguồn năng lượng lớn để chúng ta miễn nhiễm với bệnh dịch. Trong trạng thái thiền của tâm trí, chính là khi ta có đủ năng lượng để bình yên trước biến động cuộc đời. Nhưng sự bình an đó chỉ có khi chúng ta có niềm tin vào những giá trị bất biến. Những giá trị tinh thần thuộc về đạo đức, luôn cao hơn cả sự tồn vong của một con người. Khi trong tâm có Đạo, mọi sự biến loạn sẽ dừng lại ở bên ngoài ta, mà đời người cũng giữ được an nhiên trong mọi cảnh ngộ.
Thiên tai, dịch bệnh là lời cảnh tỉnh của Thượng đế, để con người quay lại lựa chọn yêu thương và tử tế với nhau. Bởi vì suy cho cùng thì thế giới này chỉ nên tồn tại và chỉ có thể tồn tại bằng sự chân thực, lòng lương thiện, bao dung, những phẩm chất cao quý tương thông với Trời, với Thần. Đó là cách Thần Phật, Thượng đế sẽ bảo hộ những đứa con của Ngài.
Đan Thư