Tiến sĩ Sanduk Ruit, một bác sĩ nhãn khoa Nepal, có thể sẽ là nhà vô địch thế giới trong cuộc chiến chống mù lòa bởi ông đã giúp tìm lại ánh sáng cho hơn 120.000 người.
Thuli Maya Thing bị mù do chứng đục thủy tinh thể và sau khi được BS Sanduk Ruit phẫu thuật, thị lực của bà đã đạt 20/20
Theo Tổ chức y tế thế giới, trong số 39 triệu người trên thế giới bị mù thì có khoảng 50% là do đục thủy tinh thể - và có khoảng 246 triệu người khác có thị lực đang bị suy giảm. Và nếu là một người mù ở những nước nghèo thì theo lẽ thường, sẽ chẳng có hy vọng gì nhìn thấy ánh sáng. Vậy nhưng BS Ruit đã khởi xướng 1 kỹ thuật vi phẫu chữa đục thuỷ tin thể đơn giản với chi phí chỉ có 25 đô la Mỹ cho mỗi bệnh nhân với tỉ lệ thành công rất cao, giúp hàng chục ngàn người tìm lại ánh sáng.
Trong khi đó, tại Mỹ, phẫu thuật đục thuỷ tinh thể thường được thực hiện trên máy móc phức tạp trong khi đó, BS ruit chỉ dùng các thiết bị y tế thông thường. Do vậy, đã từng có những hoài nghi về phương pháp này cho tới khi Tạp chí Nhãn khoa Mỹ công bố kết quả của một nghiên cứu cho thấy kỹ thuật của BS Ruit rất chính xác (98% ca thành công sau 6 tháng phẫu thuật), tương đương với kết quả phẫu thuật bằng máy ở châu Âu. Sự khác biệt lớn nhất trong phương pháp của BS Ruit là nhanh hơn và rẻ hơn.
Thuli Maya Thing sau ca phẫu thuật
Hiện “phương pháp ông Nepal” này hiện đang được giảng dạy tại các trường y Hoa Kỳ. Và một sinh viên ĐH Stanford (Mỹ) đã được chứng kiến BS Ruit thực hiện “phép thuật” trên hơn 100 bệnh nhân sống tại Nepal, trong đó có Thuli Maya Thing, một phụ nữ ngoài 50 tuổi và đã bị mù do đục thuỷ tin thể mấy năm qua.
Theo đó, Thuli đã được tiêm thuốc gây tê cục bộ và mắt trái được “vén” lên bởi 1 mỏ vịt, BS Ruit bắt đầu thực hiện 1 vết rạch nhỏ trên nhãn cầu nhờ sự hỗ trợ của kính hiển vi, rồi nhấc phần thuỷ tinh thể bị hỏng ra và đặt một thuỷ tinh thể mới vào mắt. Toàn bộ quá trình này chỉ mất 5 phút. Sau đó, ông lặp lại quá trình này ở mắt phải của bệnh nhân.
Và điều đáng khâm phục hơn nữa là không chỉ giỏi trong phẫu thuật, ông cùng các cộng sự còn tự sản xuất thuỷ tin thể với giá 3 đô cho 1 thấu kính, so với giá 200 đô la Mỹ tại các nước phát triển. Và chất lượng của thuỷ tinh thể này tuyệt vời đến mức nó đã được xuất khẩu sang 50 quốc gia, một số trong đó là ở châu Âu.
Và điều này đã gây ấn tượng cho các chuyên gia trên thế giới. Tiến sĩ David F. Chang, cựu chủ tịch của Hiệp hội Phẫu thuật đục thủy tinh thể và khúc xạ Mỹ, mô tả BS Ruit là "một trong những bác sĩ nhãn khoa quan trọng nhất trên thế giới."
Nhân Hà
Theo NYTimes
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét