Chủ Nhật, 3 tháng 9, 2017

KÍNH MỪNG ĐẠI LỄ VU LAN





                       Phụng dưỡng cha mẹ là hiếu đạo của phận làm con

Hiếu thuận là căn bản của đạo làm người. Một người được đánh giá là tốt hay không chính là nhìn vào việc họ đối xử với cha mẹ thế nào, giữ tròn phận làm con ra sao.

Hiếu, chính là điều căn bản của đức hạnh. Cổ nhân có câu: “Bách thiện hiếu vi tiên” (Trong trăm đức tính tốt thì hiếu đứng đầu). Người Á Đông coi hiếu thuận chính là phẩm chất quan trọng nhất, là bài học đầu tiên mà ai cũng cần phải biết.
Hiếu đạo cũng là điều mà mỗi một con người cần phải tuân thủ trước tiên, bởi đây cũng là điểm bắt đầu để người khác đánh giá, nhìn nhận một người.

Tại sao lại gọi là “hiếu thuận”? Bởi vì chỉ khi có đức hiếu, người ta mới có được thuận lợi trong đời.
Thật không hề ngẫu nhiên mà hai chữ “hiếu thuận” lại song hành cùng nhau. Bởi có “hiếu” thì mới có “thuận” vậy. Từ xưa đến nay, dù phương Đông lẫn phương Tây, chúng ta có thể dễ dàng tìm thấy những con người thành đạt, nổi danh trong trong xã hội thường là những người con có hiếu với cha mẹ.

Phụng dưỡng cha mẹ là hiếu đạo của phận làm con

Tạo hoá an bài con người khác xa tất cả động thực vật khác, một đứa trẻ khi sinh ra cần nương tựa, cần sự chăm sóc của cha mẹ. Điều này cũng gửi gắm cho chúng ta một hàm nghĩa: “Con người cần nương tựa vào nhau mà phát triển”, không thể đơn độc mà tồn tại, mà bước đi.

Chúng ta có thể thấy, chữ “Nhân” () được viết bởi 2 nét dựa vào nhau. Điều này chính là mang hàm nghĩa con người cần biết sống nương tựa vào nhau, che chở cho nhau. Vậy nên người phương Đông quan niệm rằng giữa cha mẹ và con cái là phải có sự liên hệ, thậm chí liên hệ rất mật thiết.

Khi cha mẹ còn trẻ, có thể kiếm tiền, thì phải có trách nhiệm chăm sóc con cái. Sau này mẹ cha già cả đi, không còn lao động được, lại đến lượt con cái phụng dưỡng họ. Mối quan hệ ấy chính là chữ “Hiếu” mà người ta thường nhắc đến vậy!

Trái lại, cũng có nhiều bậc cha mẹ để dành của cải, gia sản để dưỡng lão, phòng thân khi về già dùng đến. Rất nhiều người già cũng thường nói: “Không thể hoàn toàn tin tưởng vào con cái. Chỉ nên để lại một phần của cải cho chúng thôi. Nếu không sau này số phận mình sẽ rất đáng thương“. Con cái biết được điều đó cũng phản ứng rằng: “Cha mẹ đối với mình không tận tâm. Sau này mình cũng không phải tận tâm phụng dưỡng họ nữa“.

Cứ như vậy, dần dần giữa cha mẹ và con cái đã không còn chữ “Hiếu” nữa, đã mất đi sự ấm áp của tình thương. Tất cả nhường chỗ cho sự tính toán thiệt hơn, vốn đã không còn khái niệm người thân, người nhà nữa. Điều đó chẳng đáng buồn lắm sao?

Xã hội thay đổi, giá trị đạo đức cũng dần biến dị đi. Đạo hiếu vì thế cũng ngày càng mai một. Những câu chuyện hiếu đễ ngày xưa vốn là chuyện bình thường thì ngày nay được coi như “chuyện lạ”.

Ngoài tự nhiên, rất nhiều loại động thực vật không hề nhận được sự săn sóc, quan tâm của cha mẹ. Hạt mầm từ trên cây rơi xuống, chôn vùi trong đất nhiều tháng ngày rồi từ từ nảy mầm phát triển thành cây non, nào biết cha mẹ mình là ai? Còn con người chúng ta, tối thiểu cũng được cha mẹ chăm sóc 10, 20 năm đầu đời, nếu không thật khó mà tồn tại được.

Tạo hoá an bài cho con người khác xa toàn bộ động, thực vật khác. Khi mới lọt lòng, đứa trẻ yếu đuối cần được cha mẹ nâng niu, chăm sóc. Đó đương nhiên là nghĩa vụ của cha mẹ. Nhưng mối quan hệ máu mủ này sẽ nảy sinh ra thứ tình cảm gọi là: Hiếu. Con cái phải trả ơn dưỡng dục, sinh thành của mẹ cha. Đó chính là đạo lý, luân lý của đất trời, không thể sai khác được.

                                                                                          Nguồn tinhtuy
 

Không có nhận xét nào: