Thứ Hai, 31 tháng 5, 2021

LƯU LUYẾN (Thơ)

 


Lưu Luyến (Thủ vĩ ngâm)

( Cùng  cô Hồng Vo, Thầy Qui Công Trương - Phan Thanh Tịnh - NS. Bảo Cường , cô Võ Thị Quỳnh và tập thể lớp 10 – 11 – 12A1 NK. 78 - 81 trường QH – Huế )
 

Lưu luyến sao quên buổi  tiễn nầy,
Cô trò cùng khách tạm chia tay.
Ngày qua những chuyện thôi thầm giữ,
Tháng đến bao niềm chắc lại vây.
Vì nỗi chân tình mong mãi đậm,
Bởi đường nhân nghĩa ước đều ngây.
Từng  gương mặt ấy luôn hoài cảm,
Lưu luyến sao quên buổi  tiễn nầy…
 
6/9/2018
Minh Đạo
 
 

 

8 MÓN NÊN VÀ KHÔNG NÊN ĂN VÀO BỮA SÁNG

 Bữa sáng là bữa ăn quan trọng nhất trong ngày, vậy nên nó cần phải có chứa đủ protein, chất xơ, chất béo tốt và một lượng carb chưa tinh chế vừa phải để cung cấp năng lượng nhanh chóng.

Ngũ cốc có đường hoặc đã tinh chế không phải lựa chọn tốt để ăn sáng mỗi ngày /// SHUTTERSTOCK
                           
SHUTTERSTOCK
Việc chọn sai món có thể khiến bạn cảm thấy mau đói hoặc no căng khó chịu, theo trang Healthline.
Dưới đây là 8 loại thực phẩm không nên dùng vào bữa sáng cùng một số lựa chọn thay thế lành mạnh hơn:

1. Ngũ cốc có đường hoặc đã tinh chế

Ngũ cốc có đường chứa nhiều đường và ít protein, vì vậy chúng sẽ khiến đường huyết tăng nhanh. Chúng ta sẽ trở nên cáu kỉnh và đói bụng khi hormone insulin bắt đầu làm giảm lượng đường trong máu.
Tương tự, ngũ cốc không đường như ngô hoặc cốm cám cũng chứa ít protein và không phải một lựa chọn hay để bắt đầu ngày mới. Ngũ cốc granola thường chứa nhiều đường bổ sung, có thể góp phần dẫn đến bệnh béo phì, tiểu đường loại 2 và bệnh tim.
Tóm lại các loại ngũ cốc có đường hoặc ngũ cốc tinh chế thỉnh thoảng ăn vẫn được, nhưng không nên dùng để ăn sáng hằng ngày.

2. Bánh ngọt

Các loại bánh ngọt như bánh kếp, bánh waffle, bánh rán… mặc dù thơm ngon nhưng những món này thường được làm từ bột mì trắng tinh luyện rồi phủ bơ và siro lên - về cơ bản toàn là đường.
Chúng chứa nhiều calo, chất béo và đường nhưng lại thiếu protein và chất xơ. Vì vậy, chúng khiến ta mau no nhưng cũng mau đói. Bạn có thể thay thế bột mì bằng bột hạnh nhân hoặc đậu xanh và thay siro bằng một loại thực phẩm khác chứa protein.

3. Bánh mì nướng bơ

Món này không giúp no lâu do thiếu protein. Phần lớn lượng calo trong món này đến từ carbs trong bánh mì và chất béo từ bơ. Bạn nên chọn bánh mì làm từ ngũ cốc nguyên hạt, thêm trứng hoặc ức gà xé nhỏ để bổ sung protein, thêm rau như cà chua, dưa chuột để bổ sung dinh dưỡng.

4. Nước ép trái cây

Nước ép trái cây chứa nhiều chất dinh dưỡng và chất chống ô xy hóa, tuy nhiên nó lại nhiều đường và ít chất xơ hơn trái cây để nguyên. Hơn nữa uống nước ép không no bụng được. Nếu phải lựa chọn thì bạn nên ưu tiên ăn trái cây thay vì ép ra nước.

5. Sữa chua có đường, ít béo hoặc không béo

Nhiều loại sữa chua bị loại bỏ hoàn toàn chất béo nên không thể giúp bạn no lâu. Hãy thử sữa chua Hy Lạp không đường, giữ nguyên chất béo. Nó có hàm lượng protein cao hơn các loại khác. Bạn có thể thêm một chút mật ong, trái cây tươi thái lát… để thưởng thức.

6. Thịt chế biến sẵn

Thịt xông khói, xúc xích và chà bông chế biến sẵn thường chứa nhiều muối, có thể làm tăng huyết áp. Chúng cũng chứa các chất phụ gia khác như nitrit, gây nguy cơ mắc một số bệnh như ung thư dạ dày. Tự làm những món này thay vì mua sẵn sẽ an toàn hơn.

7. Đồ ăn nhanh

Chúng ta khó tránh khỏi việc phải chọn đồ ăn nhanh như hamburger, bánh mì… để ăn sáng. Để có lợi cho sức khỏe, hãy hạn chế ăn sáng với các món chiên.

8. Cà phê có đường

Các loại thức uống biến tấu với cà phê như caramel macchiato chứa đầy đường. Uống vào bữa sáng có thể làm đường huyết tăng nhanh, lâu dần gây tăng cân không mong muốn.
   
Thức uống nhiều đường không tốt cho sức khoẻ. Ảnh: SHUTTERSTOCK


SHUTTERSTOCK

Theo trang Healthline, thay vì ăn những món trên, bạn có thể tham khảo thực đơn đồ ăn sáng lành mạnh, đủ chất như sau:
- Trứng tráng ăn cùng rau chân vịt, khoai tây, cà chua và pho mát mozzarella
- Bánh mì nướng làm từ bột ngũ cốc nguyên hạt với bơ và một quả trứng
- Sữa chua Hy Lạp nguyên chất trộn với trái cây tươi, hạt ngũ cốc và một chút mật ong
- Một củ khoai lang cắt nhỏ nấu với thịt lợn xay, cải xoăn và lá xô thơm
- Bánh kếp chuối, với thành phần gồm một quả chuối nghiền với hai quả trứng đánh tan
- Một ly sinh tố trái cây, rau tươi trộn với một muỗng bột protein
- Bánh mì bagel làm từ bột ngũ cốc nguyên hạt, kết hợp với pho mát, cá hồi hun khói và rau chân vịt
- Táo tươi cắt lát ăn kèm bơ đậu phộng.
Nguồn thanhnien

THUỐC GÌ CÓ THỂ CHỮA LÀNH BÁCH BỆNH?

 


Trong cuộc sống cũng như vậy, cho dù làm bất kể chuyện gì, cũng cần phải đặt chân xuống đất, và thận trọng bước đi từng bước một. Đừng vội vì thành công nhanh chóng trước mắt, cũng không cần đầu cơ trục lợi, càng tuyệt đối không dùng thủ đoạn; Nếu không bạn sẽ lạc lối.

Có người sau khi chết, đi gặp Phật Tổ, khóc như mưa nói với Phật Tổ rằng: “Phật Tổ ơi, sao Ngài nhẫn tâm như vậy. Ngài để cho con ban ngày bận rộn bôn ba mà không thu hoạch được gì; Ban đêm mất hồn mất vía, nơm nớp lo sợ. Con không có một ngày nào là không thống khổ!”

Phật Tổ hỏi: “Vì sao lại như vậy?”

Người kia trả lời: “Ban ngày vì kiếm tiền, con đã nói rất nhiều lời trái lương tâm, làm rất nhiều chuyện trái lương tâm, nhưng âu đó cũng là vì sinh tồn, huống hồ con cái gì cũng không có để dành được. Mỗi khi đêm đến, con trắng đêm khó ngủ, tựa như là sống trong địa ngục vậy. Phật Tổ ơi, cuộc sống thực sự không dễ dàng, Ngài vì sao hết lần này tới lần khác còn muốn tra tấn con?”

Phật Tổ nói: “Ngươi xem, vì bản thân kiếm tiền mà đi lừa gạt người khác, không phải thông qua con đường sinh tồn chính đáng. Ta vốn nhân từ, quyết sẽ không đẩy người tốt vào tuyệt cảnh. Tâm linh của ngươi mọc đầy cỏ độc, cần phải có một loại thuốc, mới có thể loại trừ”.

Người kia liền vội hỏi: “Đó là thuốc gì vậy? Cầu xin Ngài nói cho con tên thuốc, con lập tức mua để uống!”

Phật Tổ nói: “Tên thuốc ấy là ‘Đạo Đức’. Đạo đức là vạn nghiệm linh dược, có thể chống bách bệnh”.

Sống ở đời, quý hai chữ “chính trực”

Để khảo nghiệm tuệ căn của đông đảo tăng lữ trong chùa, cao tăng Tuệ Năng đã cho xây dựng một bức tượng Phật Pháp uy nghiêm và trang trọng trên đỉnh núi Phi Lai Phong, và truyền lời rằng: “Các đệ tử trong chùa, ai có thể quang minh chính đại chạm đến tuệ nhãn của tổ sư, thì người đó sẽ có thể kế thừa y bát”.

Đám tăng lữ nghe xong, liền âm thầm nhao nhao trao đổi to nhỏ với nhau: Trụ trì trưởng lão sở dĩ muốn xây dựng Đạt Ma Kim Thân, là vì muốn chuẩn bị cho tương lai, ai có thể chạm đến tuệ nhãn tổ sư, người đó sẽ nối nghiệp trụ trì trong chùa; Người ta cũng nói rằng con đường lên đỉnh núi gập ghềnh khó đi, thậm chí có không ít cao tăng đã viên tịch trên đường lên đỉnh núi! Có thể thấy, đường lên đỉnh núi là vô cùng gian nguy.

Trong chùa có tăng nhân, sớm đã thăm dò con đường tắt đi lên đỉnh núi, đi theo đường tắt này, lộ trình có thể rút ngắn một nửa, thời gian lên đến đỉnh núi sẽ cực kì sớm. Còn có tăng nhân thì đi từng đoàn chậm rãi từ con đường bằng phẳng phía sau núi, lộ trình tuy dài, nhưng nhẹ nhàng, không có chướng ngại.

Chỉ có một vị tăng nhân tên gọi Tâm Thiền, quyết định leo lên đỉnh núi bằng con đường chính diện phía trước. Ở phía trước ngọn núi Phi Lai Phong, thế núi dốc đứng, đường núi uốn lượn quanh co, bụi gai mọc nhiều không kể xiết. Tăng nhân Tâm Thiền, từng bước một gian nan trèo lên, vượt mọi chông gai, đã chảy không ít mồ hôi và không ít máu.

Lên đến đỉnh núi, Tâm Thiền phát hiện các sư huynh đệ trong chùa đã sớm đứng trước tượng Phật Đạt Ma Kim Thân, chăm chú nhìn Tâm Thiền khoan thai tới muộn.

Tăng nhân Tâm Thiền cũng không vì thế mà cảm thấy xấu hổ, chậm rãi leo lên Phật tượng, chạm đến tuệ nhãn.

Lúc này, cao tăng Tuệ Năng đưa ra tuyên bố rằng, Tâm Thiền có tuệ căn, có thể kế thừa y bát, cũng quyết định đem vị trí trụ trì trong tương lai truyền lại cho cho Tâm Thiền.

Chúng tăng nghe xong, cảm thấy rất kinh ngạc, có tăng chúng phàn nàn nói: “Tâm Thiền tới trễ nhất, phương pháp nguy hiểm nhất, lại không có chút linh tính nào cả. Vị trí trụ trì sao có thể để y ngồi được?”

Tuy nhiên, cao tăng Tuệ Năng nói: “Người sống một đời tu hành, quý ở hai chữ ‘chính trực’. Nói chính trực, nghĩ chính trực, đi cũng chính trực. Mọi người đều đi đường tắt, chỉ có Tâm Thiền, từ chính diện từng bước một mà leo lên; Mọi người đều đi đường lớn, chỉ có Tâm Thiền từ trong bụi rậm mà leo lên, chảy không biết bao mồ hôi và máu mà đến được đây. Anh ấy đi con đường chính Phật, còn các ngươi thì không. Tại sao ta có thể đem chùa chiền giao cho một người có những hành vi bất chính? Hãy nhớ lấy: Phải đi con đường chính đạo!”

Nghe xong, đám tăng lữ chỉ biết cúi đầu im lặng không nói được lời nào.

Trong cuộc sống cũng như vậy, cho dù làm bất kể chuyện gì, cũng cần phải đặt chân xuống đất, và thận trọng bước đi từng bước một. Đừng vội vì thành công nhanh chóng trước mắt, cũng không cần đầu cơ trục lợi, càng tuyệt đối không dùng thủ đoạn; Nếu không bạn sẽ lạc lối.

Và giống như lời căn dặn của vị cao tăng: “Nhớ lấy: Hãy đi con đường chính đạo!”

Theo An Nhiên https://www.ntdvn.com/


Chủ Nhật, 30 tháng 5, 2021

AN LẠC VÀ TỈNH THỨC TRƯỚC NHỮNG BIẾN CỐ CUỘC ĐỜI NHỜ 3 MẸO THIỀN CỦA ECKHART TOLLE

 


Trạng thái thiền định không khó để đạt tới như quan niệm của đa số. Điều ta cần chỉ là một chỉ dẫn đơn giản và một cách thức phù hợp với bản thân.

Tại sao ngày càng có nhiều người tìm đến thiền định? Bởi thiền như cánh cửa dẫn ta bước vào một "kho báu" đang có sẵn bên trong mình. "Có một chiều không gian đầy thông thái và rộng lớn ở trong bạn", Eckhart Tolle giải thích trong cuốn "Sức mạnh của hiện tại", "Tất cả những gì đáng quý - cái đẹp, lòng xót thương, sự sáng tạo, niềm vui, sự tĩnh lặng bên trong, sự an lạc - đã đến từ chiều không gian này".

Những cảm nhận an lạc đó là một phần của bản thể rất tự nhiên, sẵn có ở trong bạn. Nhưng chỉ vì bạn luôn bị những vọng tưởng, bận rộn, suy tư… che lấp đi trải nghiệm quý báu này, "giống như ánh mặt trời rạng rỡ thường bị những đám mây che phủ".

Nhiều người cho rằng, thiền định quá xa vời và cao siêu với người bình thường, chỉ có bậc thánh nhân dày công tu luyện nhiều năm thì mới có thể đạt tới. Tuy nhiên, việc rèn luyện để đạt đến trạng thái thiền định thật sự không khó. Trong những tác phẩm của mình, Eckhart Tolle đã đưa ra những chỉ dẫn đơn giản, nhưng cũng cốt yếu và kinh điển nhất dành cho những ai muốn thực hành thiền tập.

1, Làm bất kỳ một công việc gì đó với tất cả sự chú tâm của mình: Lên, đi xuống cầu thang, rửa tay, ngồi vào yên xe…

Trong đời sống hàng ngày, bạn có thể thực tập thiền định bằng cách làm bất cứ một công việc gì đó với tất cả sự chú tâm của mình. "Những việc mà thông thường bạn chỉ làm chiếu lệ thì bây giờ bạn hãy chú tâm để công việc ấy tự nó trở thành mục tiêu thu hút mọi giác quan của bạn", Eckhart Tolle ghi trong "Sức mạnh của hiện tại".

Thiền, chánh niệm (mindfulness), sự tĩnh lặng nội tâm, sống ở hiện tại hay thậm chí… giác ngộ, người ta có thể gọi trạng thái thiền định bằng nhiều tên gọi khác nhau. Tuy nhiên, điểm chung nhất của trạng thái đang được bàn tới, là "tắt nút, dừng lại tất cả mọi suy tư", theo mô tả của bậc thầy tâm linh Eckhart Tolle, để từ đó đạt được một sự ung dung tự tại, một cảm giác an lạc sâu thẳm.

Ví dụ, mỗi khi bạn đi lên, đi xuống cầu thang, bạn hãy tập chú ý đến mỗi bước chân, mỗi động tác, chú ý luôn cả hơi thở của chính bạn. Hoặc khi bạn đang đứng rửa tay, hãy chú ý đến tất cả những cảm giác liên quan đến công việc này: tiếng nước chảy, cảm nhận của bạn với nước, động tác của hai tay bạn, mùi xà phòng…. Hoặc khi bạn ngồi lên yên xe, hãy thử ngưng lại một vài giây và lắng nghe nhịp thở của mình. Lúc đó, bạn sẽ bắt đầu cảm nhận được một sự hiện hữu yên tĩnh nhưng tràn trề năng lực ở trong bạn.

Khi đang ở đâu, bạn hãy có mặt ở nơi đó. Hãy nhìn xem chung quanh có vật gì. Chỉ nhìn thôi, đừng diễn dịch. Hãy nhìn ánh sáng, màu sắc, ngắm những hình dạng, cấu trúc. Hãy chú ý đến sự có mặt yên lặng của từng vật. Chú ý đến không gian. Lắng nghe những âm thanh, cũng như sự yên lặng ẩn sau những âm thanh.

Làm sao để đo được sự thành công của bạn trong việc thực tập này? Eckhart Tolle trả lời rất đơn giản: "Đó là mức độ an lạc, niềm vui thanh thoát mà bạn cảm thấy ở trong lòng khi làm việc đó".

2, Quan sát thói quen "chạy trốn phút giây hiện tại"

Theo Eckhart Tolle, nếu bạn cảm thấy khó an trú vào phút giây hiện tại một cách trực tiếp, hãy bắt đầu quan sát thói quen chạy trốn phút giây hiện tại của bạn. "Giây phút nhận ra rằng bạn đang không có mặt, là bạn đã có mặt trở lại", Eckhart Tolle viết.

Dù bạn đang ở đâu hay làm gì, bạn nên lưu ý đến những suy tưởng, cảm xúc và cả những phản ứng về những tình huống mà bạn đang gặp phải. "Cũng nên chú ý thêm những khi bạn hơi bận tâm về một chuyện gì đó trong quá khứ hoặc tương lai", Eckhart Tolle nói, "Nhưng không nên phán đoán hay phân tích những gì mình quan sát".

Và tương tự cách thứ nhất, việc thường tự hỏi mình: "Ta có đang vui vẻ, dễ chịu, nhẹ nhàng trong những gì ta đang làm ở phút giây hiện tại không?" chính là thước đo độ thành công của cách thiền tập này. Nếu câu trả lời là không, có nghĩa là suy tưởng, lo lắng khôn nguôi vẫn đang xâm nhập và "đời sống trở thành một gánh nặng hay là cuộc vật lộn chứ không còn thú vị gì".

3, Chú ý cảm nhận của cơ thể

Cuối cùng, cơ thể ta cũng là một "cánh cửa" dẫn đến trạng thái thiền định. Theo bậc thầy tâm linh này, một trong những cách thực tập thiền định thường thấy nhất là, thử nhắm mắt lại và "hướng sự chú ý của mình vào thân thể".

"Có sự sống trong hai cánh tay, bàn tay, hai chân và bàn chân, ở trong bụng, trong ngực không? Bạn có cảm nhận được trường năng lượng tinh tế lan tràn khắp cơ thể và cung cấp sự sống rộn ràng cho mọi cơ quan và tế bào trong cơ thể?", ông viết.

Với cách này, bạn cũng chỉ chú ý đến những gì có thể cảm nhận được từ cơ thể và tránh đừng suy nghĩ về nó. "Nếu bạn hướng sự chú tâm của mình vào bên trong cơ thể bạn càng nhiều, thì bạn càng tiếp xúc được nhiều phút giây hiện tại. Bạn không còn đánh mất mình vào thế giới bên ngoài, hoặc bị lôi cuốn bởi những suy tư không chủ đích, hoặc những cảm xúc miên man ở trong mình.", Eckhart Tolle nói.

Cần chú ý rằng, trạng thái thiền định càng đến thường xuyên hơn nếu ta càng siêng năng thực hành. "Chúng ta nhận thức rất rõ rằng tâm ta rất ít khi thực sự có mặt với phút giây hiện tại. Tuy nhiên, nhận thức đó đúng là một thành công rất lớn, vì khi ta biết rằng ta không có mặt tức là ta đã có mặt rồi. Sau nhiều lần, bạn sẽ "chọn" để có mặt với phút giây hiện tại, với trạng thái thiền định sâu sắc", Eckhart giải thích.

Ngoài ra, việc thực tập trạng thái thiền đinh, tỉnh thức trong đời sống hằng ngày, nhất là trong những tình huống rất bình thường, khi mọi chuyện đang suôn sẻ, là một điều rất cần thiết. Bởi theo cách này, khả năng có mặt của bạn trong giây phút hiện tại sẽ lớn dần lên, để khi những biến cố cuộc đời xảy đến, ta đã đủ sự an lạc và tỉnh thức để đối mặt và xử lý.

Eckhart Tolle là một trong những bậc thầy lớn trong lĩnh vực tâm linh. Sau khi tốt học đại học Luân Đôn, ông trở thành nhà nghiên cứu tại đại học Cambridge. Eckhart Tolle nổi danh với bộ sách về con đường tìm đến sự an lạc, tĩnh tại trong tâm trí: "Sức mạnh của hiện tại", "Trải nghiệm sức mạnh hiện tại", "Sức mạnh của tĩnh lặng", "Thức tỉnh mục đích sống", "Hợp nhất với vũ trụ".


Nguồn Soha

Thứ Bảy, 29 tháng 5, 2021

MỘT VÀI CÂU CHUYỆN NHỎ, LẠI CÓ THỂ NÓI RA RẤT NHIỀU CHÂN LÝ NHÂN SINH

 


Cuộc sống luôn tràn đầy hỉ, nộ, ai, lạc, mỗi người lại có cuộc sống riêng của mình, chúng ta là nhân vật chính trong vở kịch đó. Vậy làm thế nào để làm chủ được cuộc sống của mình, thực ra hoàn toàn do chúng ta quyết định.

Chỉ khi bản thân thật kiên cường, mới có thể cứu được chính mình

Có một con khỉ, bụng nó bị cành cây quệt vào, chảy rất nhiều máu. Nó nhìn thấy một con khỉ khác liền vạch vết thương ra nói: “Ngươi nhìn xem vết thương của ta đau biết nhường nào”.

Mỗi một con khỉ khi nhìn thấy vết thương của nó đều ra sức an ủi, còn chỉ cho nó nhiều cách chữa trị khác nhau. Nó tiếp tục cho bạn bè xem vết thương để lấy ý kiến, sau đó thì nhiễm trùng mà chết. Một con khỉ già nói, chính nó đã tự hại chết bản thân mình.

Thực ra bộc bạch nỗi khổ của bạn với người khác chưa chắc đã giải quyết được vấn đề, chi bằng bản thân hãy lặng lẽ chịu đựng và khắc phục.

Cuộc sống có gặp khốn đốn, cũng không nên gặp ai cũng thổ lộ, hãy dùng một thái độ tích cực để đối mặt với tất cả, cố gắng thay đổi thực trạng mới là quan trọng nhất.

Học cách dựa vào chính mình

Có một con chim đậu trên cành cây, trước nay chưa từng sợ cành cây bị gãy, vì thứ nó đặt niềm tin không phải là cành cây, mà là đôi cánh của mình.

So với việc lo lắng cho tương lai, chi bằng hãy nỗ lực thay đổi hiện tại. Trên con đường thành công, chỉ có sự nỗ lực không ngừng mới đem lại cho bạn cảm giác an toàn và thành quả lớn nhất.

Trên con đường trưởng thành, chỉ có chính bản thân bạn mới đem lại điểm tựa và sự bảo đảm chắc chắn nhất. Suy cho cùng, dựa vào núi, núi sẽ đổ, dựa vào người người sẽ bỏ đi, dựa vào bản thân mình là vững chãi nhất!

Thà rằng làm kẻ hồ đồ

Có hai bệnh nhân mắc bệnh. Một người tai rất thính, nghe các bác sĩ nói thì bọn họ chỉ sống được 3 tháng nữa. Một người tai hơi nghễnh ngãng, đừng nói là nghe lén các bác sĩ nói chuyện, cho dù bạn nói trực tiếp với anh ta, anh ta cũng nghe không rõ.

Điều kì lạ là, anh ta không những sống qua ba tháng, mà đến giờ đã hai năm trôi qua, anh ta vẫn bình yên vô sự, trong khi người tai thính kia lại không qua khỏi 3 tháng.

Trong cuộc sống có nhiều chuyện, không biết tốt hơn là biết, chậm chạp tốt hơn là tinh nhanh, ngu ngốc tốt hơn là hiểu biết, đây chính là ý nghĩa câu nói mà mọi người hay nhắc đến – “Thà rằng làm kẻ hồ đồ”. Thực ra, nhân sinh vốn dĩ là hồ đồ, vui vẻ và hạnh phúc được ẩn giấu trong sự hồ đồ đó.

Tự chăm sóc tốt cho bản thân mình chính là tạo phúc cho con cháu

Có một cô lao công làm thẻ chăm sóc sức khoẻ, có người hỏi cô mỗi ngày thu nhập có chút ít mà nỡ tiêu tốn vào việc này sao? Cô ấy nói một câu mà khiến cho mọi người đứng đó phải tỉnh ngộ:

“Mười năm trước, cha tôi tiết kiệm được 80.000 Nhân dân tệ, nhưng đã dồn hết cho ông tôi chữa bệnh; vài năm trước số tiền 200.000 Nhân dân tệ tôi tích cóp trong mười mấy năm, cũng tiêu sạch khi cha tôi đi bệnh viện; tôi cảm thấy hai cha con tôi chẳng khác gì làm công cho bệnh viện, tôi không muốn sau này lại hại đến con của mình, không muốn con của tôi lại làm công cho bệnh viện; vì vậy khi chưa mắc bệnh gì tôi nhất định phải chăm sóc, giữ gìn cho cơ thể thật khỏe mạnh”.

Chăm sóc sức khoẻ có đắt, nhưng cũng không đắt bằng chi phí chữa bệnh! Quả là một sự lĩnh hội sâu sắc!

Lạc quan là tài sản lớn nhất trong cuộc đời

Bale được mọi người gọi là “Kẻ lạc quan nhất trần đời”. Một hôm lũ quét tràn về, nước lũ chảy qua xóm làng, Bale ngồi trên nóc nhà lạc quan ngâm nga hát.

Hàng xóm chèo thuyền đi qua, lớn tiếng nói: “Bale, vịt của nhà anh bị cuốn đi hết rồi!”. “Không sao, bọn chúng đều biết bơi”.

“Lúa mì của anh cũng bị ngập hết rồi”. “Không sao cả, dù sao năm nay mùa vụ cũng thất thu”.

“Ôi trời, nước ngập đến cửa sổ nhà anh rồi!”. “Không sao cả, tôi cũng đang muốn rửa cửa sổ, thế này thì tiết kiệm quá!”.

Đôi khi, tích cách cởi mở lạc quan chính là tài sản lớn nhất trong cuộc sống, khi bạn dùng một thái độ lạc quan để đối mặt với sự việc, bạn sẽ thấy mọi khó khăn, hay phiền phức đều trở nên nhỏ bé, mọi chuyện bỗng dễ như trở bàn tay.

Tuệ Tâm (Theo SOH

Thứ Sáu, 28 tháng 5, 2021

VÔ ĐỀ - LÝ THƯƠNG ẨN (Thơ)

  
 
 
 
 
 
 
 

 
Vô đề (Tương kiến thì nan biệt diệc nan) 
Lý Thương Ẩn
 
Tương kiến thì nan biệt diệc nan, 
Đông phong vô lực bách hoa tàn. 
Xuân tàm đáo tử ty phương tận, 
Lạp cự thành hôi lệ thuỷ can. 
Hiểu kính đãn sầu vân mấn cải, 
Dạ ngâm ưng giác nguyệt quang hàn. 
Bồng Lai thử khứ vô đa lộ, 
Thanh điểu ân cần vị thám khan.
 
 
Vô Đề
 
Gặp rồi chẳng dứt cảnh ly tan
Đông đến trăm hoa rũ cánh tàn.
Tằm tử kén lìa tơ bám víu,
Nến vơi đèn tắt lệ tuôn tràn.
Gương buồn sáng rõ đầu sương trắng
Thơ lạnh đêm ngâm nguyệt ánh vàng.
Cố tới bồng lai qua vạn ngã,
Chim xanh hãy trọn giúp thăm đàng.
 
Minh Đạo (Phỏng dịch)
 
 

VỊ THIỀN SƯ KHỔ TU SUỐT 49 NĂM, CÔNG QUẢ ĐỔ SÔNG ĐỔ BIỂN CHỈ VÌ ĐÔI CHIM SẺ

 

Ảnh ghép

Bất Giác thiền sư vẫn ngồi lặng im như tạc, rêu cỏ phủ khắp quanh thân, bụi bám đầy mi mắt. Ông đã trải qua bốn mươi chín năm khổ tu trong trường kỳ nhập định, chỉ còn đợi thêm chín mươi ngày nữa là tới kỳ khai công khai ngộ, công thành viên mãn…

Chiều dần buông, rừng phong cô tịch. Vượn hú gọi bầy, những thanh âm thê thiết vang vọng qua triền khe, dội vào vách núi rồi chìm hút giữa không gian mênh mang sâu thẳm.

Tháng năm đằng đẵng đã in tạc cả bóng hình vị thiền sư trên vách đá, biết bao bận những con sâu con kiến bò khắp mình ông, những con thú đi hoang cà vào thân ông, rắn rết cũng bao lần trườn qua đôi chân gầy guộc khắc khổ luôn luôn xếp bằng ngay ngắn ở thế song bàn kiết già.

Ngày lại ngày, mỗi thời mỗi khắc như kéo dài vô tận, cảnh núi rừng cô liêu u tịch cũng không thể làm nản lòng người tu đạo. Thiền sư Bất Giác đã kiên định phát toàn tâm nguyện tu luyện hồi thăng, siêu xuất khỏi vòng luân hồi khổ đau trong Tam giới.

Thêm một tuần trăng nữa trôi qua. Công năng Pháp nhĩ thông của ông lúc này cũng vừa khai mở, lập tức vị thiền sư có thể câu thông với vạn sự vạn vật, lại có thể nghe và hiểu được tiếng nói của hết thảy chim chóc muông thú, côn trùng và cây cỏ…

Một hôm bỗng dưng có đôi chim sẻ ở đâu ríu rít bay tới rủ nhau làm tổ ngay trong vành tai của thiền sư Bất Giác.

Người tu luyện vẫn lặng im, thân tâm bất động.

Ngày qua ngày, đôi chim sẻ cứ hồn nhiên mà ân ân ái ái bên tai vị thiền sư. Đôi lúc rảnh rỗi chúng chọc ghẹo nhau, rỉa lông rỉa cánh cho nhau, buông đủ những lời tình tứ… xong lại tới tấp bay đi bay về tha rác vương khắp lên đầu, lên mặt ông. Rồi chim trống kết ổ, chim mái bứt lông, chẳng mấy bữa một chiếc tổ chim tròn vo đã thành hình, nó ôm trọn hết cả vành tai trái của thiền sư Bất Giác.

Sau vài đêm mưa giông, sẻ mái đẻ liền năm trứng. Thế rồi vợ chồng đôi chim thay phiên nhau ấp ổ, hễ con mái ở nhà thì con trống đi tha mồi, hễ con mái đi tha mồi thì trống ở nhà ấp trứng. Kể từ độ ấy, đôi chim nhỏ bận rộn tối ngày, tiếng hạ cánh, vỗ cánh khi đi khi về lật phật, tiếng chim mái đảo trứng lách cách. Tiếng chim trống chăm vợ, khoe mồi tíu ta tíu tít. Có bữa chờ đợi chồng đi kiếm mồi quá lâu, chim mái ở nhà đói quá, nó buồn tình vươn cổ, hướng cặp mỏ tí xíu, nhọn hoắt như mũi dùi mổ tới tấp liên hồi vào lỗ tai thiền sư khiến ông vừa nhột lại vừa đau nhí nhách.

Vị thiền sư vẫn thản nhiên bất động.

Suốt vài chục ngày hai vợ chồng chim sẻ thay phiên nhau ấp ủ. Cũng đến hồi trứng nở, mấy con chim non lớn dần, tiếng kêu léo nhéo. Chúng đòi ăn. Chúng tranh ăn. Chúng giẫm đạp lên nhau. Chúng tìm cha gọi mẹ. Chúng mách lẻo lẫn nhau… những thanh âm phiền phức inh ỏi sáng ngày tối đêm không lúc nào ngơi nghỉ!

Thiền sư già vẫn điềm nhiên tĩnh tại.

Chỉ còn một ngày nữa là vị thiền sư sẽ khai công khai ngộ. Hôm đó, đến lượt chim mái đi tìm thức ăn cho con. Suốt một buổi chiều nó vẫn không tìm kiếm được một chút gì. Thật là:

“Rã rời đôi cánh
Phấp phỏng đường bay
Tối mặt tắt ngày
Thương con đứt ruột!”…

Mãi đến khi trời gần sập tối, lúc lượn qua một cái hồ rộng, sẻ mái mới thấy có con nhện lớn đang giăng tơ lùng nhùng giữa đóa hoa sen. Sẻ ta mừng hú! Nhác thấy bóng chim, nhện liền hốt hoảng ẩn mình vào sâu giữa những cánh hoa sen làm cho sẻ mái cố công lùng sục mãi. Nào có ngờ đâu vì quá mê mải tìm bắt con mồi, sẻ mái không chút đề phòng nên khi ánh mặt trời vừa tắt, đóa sen đã cụp ngay cánh lại, nhốt chim sẻ vào trong. Chim cố công tìm lối chui ra nhưng những cánh hoa vây bọc quá dày.

Suốt cả ngày bay mỏi rã rời, ruột mề đói meo không ăn không uống, còn chút sức tàn dụng nốt mong tìm cách thoát thân khỏi đóa sen mà không được, sẻ mái lả người kiệt sức, nó xù cánh rụt cổ, đôi chân mảnh mai như hai chiếc tăm từ từ khuỵu xuống rồi thiếp đi lúc nào không biết.

Ở nhà, sẻ trống cũng tất bật ra vào, hoảng hốt bất an. Nó hết bay đi kiếm vợ lại quáng quàng trở về. Năm chú sẻ con đói mồi đòi mẹ nháo nhác kêu gào suốt đêm đến khản cả tiếng lạc cả giọng. Sẻ mẹ vẫn chưa về.

Mãi đến sáng hôm sau bình minh vừa lên, chờ lúc hoa nở, chim mái mới thoát được khỏi đóa sen hớt hải bay về. Nó nháo nhào phi ngay vào tổ.

Một cuộc cãi vã tơi bời nổ ra bên tai thiền sư Bất Giác. Ghen vợ, sẻ trống mắng nhiếc sẻ mái hết lời. Nhưng chim vợ vẫn gắng sức bày tỏ nỗi lòng trinh bạch của mình. Nó gióng cổ, thốt lên tức tưởi:

“Một dạ thương chồng
Đuôi không ngúng nguẩy
Mấy trò tầm bậy
Thiếp chẳng thiết tha”

Nghe vợ phân trần, sẻ trống chẳng chút nguôi ngoai, nó chỗ mạnh mỏ vào vành tai thiền sư rồi quay sang phía vợ mà đay nghiến, mà ngờ vực:

“Lại thằng Sẻ Phốc
Hoặc gã Sẻ Ve
Gạ gẫm tăm te
Khiến ai lạc lối

Con gào sớm tối
Chồng hốt hoảng chờ
Nào có ai ngờ
Vợ tôi đổ đốn”!

Sẻ mái nghe chồng nói vậy đau lòng quá, nó xòe cánh ra ôm choàng lấy đàn con rồi khóc than thê thiết:

“Thiếp nào đâu biết
Chàng sẵn nghi ngờ
Từ tối tới giờ
Mề em đói lả

Cánh bay rệu rã
Chân mỏi rụng rời
Khổ cái thân tôi
Chồng ơi, con hỡi!”…

Cuộc đấu khẩu của đôi chim kéo dài suốt cả buổi sáng tới trưa, càng lúc càng hăng và chưa hề có cơ chấm dứt.

Bất Giác thiền sư khó chịu quá. Thêm vào đó, đàn chim con đói khát lại thấy mẹ cha to tiếng, cãi vã rùm beng, chúng đâm hoảng loạn giẫm đạp lên đầu lên cổ nhau mà gào mà khóc choe chóe, inh ỏi đến điếc cả tai!

Nhè đúng lúc vợ chồng chim sẻ cãi vã đến hồi găng nhất, vị thiền sư tức khí đưa tay lên tai giật mạnh cái tổ chim vứt ngay xuống đất, nói:

– Đồ khốn chúng bay! Chỉ có mỗi một chuyện đó mà các ngươi tranh cãi inh um làm điếc cả tai ta từ sáng tới giờ!…

Nói lời vừa dứt, bỗng nhiên Bất Giác thiền sư cảm thấy như mình đang từ trên bất tận tầng trời cao mà rơi rớt xuống, tốc độ giáng hạ mỗi lúc một nhanh, ánh thiên quang phía trên cứ rời xa, rời xa ông mãi.

Vị thiền sư già chỉ kịp nấc lên một tiếng. Tiếng nấc của một đời tu hành. Tiếng nấc của tột cùng khổ đau, nuối tiếc và thống hận. Công sức tu luyện suốt bốn mươi chín năm của ông kể như tiêu tán chỉ trong một sớm.

Dưới xa kia, miền Tam giới đang chờ…

Lời bàn:

Cổ ngữ có câu: ‘Băng dày ba thước bởi đâu cái lạnh một ngày’, đôi khi những thử thách, quan ải tưởng chừng vô cùng nhỏ bé, vụn vặt vốn xuất hiện mỗi ngày nhưng nếu để chúng tích tụ kéo dài mà không nhận ra và xung phá qua thì cũng rất dễ trở thành tử quan hủy hoại đi ý chí và căn cơ của người tu luyện.

Mấy câu chuyện cỏn con diễn ra hết sức tùy kỳ tự nhiên trong cuộc sống thường nhật của vợ chồng chim sẻ tưởng chừng như vô hại mà dè đâu lại có sức công phá kinh người khiến cho công đức khổ tu của một vị thiền sư trong suốt bốn mươi chín năm trời bỗng chốc vụt tan như mây bay khói tản!

‘Mưa dầm thấm lâu; nước chảy đá mòn’: thuyền lớn chìm giữa khơi cũng chỉ vì một khe hở nhỏ, bóng bay nổ lưng trời cũng chỉ vì một lỗ châm kim. Phật gia có dạy “Làm người quân tử mà không quên tiểu tiết”, thì không quên tiểu tiết ấy phải chăng chính là cần giữ tâm cho thuần chính, kiên định mới có thể vô vi vô lậu mà vượt qua tất cả những chông gai, ma nạn dù lớn dù nhỏ trên khắp nẻo đường trần.

Ví như Bất Giác thiền sư trong câu chuyện trên, chỉ vì một phút nóng giận hồ đồ mà tự hủy hoại đi cảnh giới, công phu của cả một đời tu luyện, thật đáng buồn đáng tiếc lắm thay!

Đường Phong