Trạng thái thiền định không khó để đạt tới như quan niệm của đa số. Điều ta cần chỉ là một chỉ dẫn đơn giản và một cách thức phù hợp với bản thân.
Tại sao ngày càng có nhiều người tìm đến thiền định? Bởi thiền như cánh cửa dẫn ta bước vào một "kho báu" đang có sẵn bên trong mình. "Có một chiều không gian đầy thông thái và rộng lớn ở trong bạn", Eckhart Tolle giải thích trong cuốn "Sức mạnh của hiện tại", "Tất cả những gì đáng quý - cái đẹp, lòng xót thương, sự sáng tạo, niềm vui, sự tĩnh lặng bên trong, sự an lạc - đã đến từ chiều không gian này".
Những cảm nhận an lạc đó là một phần của bản thể rất tự nhiên, sẵn có ở trong bạn. Nhưng chỉ vì bạn luôn bị những vọng tưởng, bận rộn, suy tư… che lấp đi trải nghiệm quý báu này, "giống như ánh mặt trời rạng rỡ thường bị những đám mây che phủ".
Nhiều người cho rằng, thiền định quá xa vời và cao siêu với người bình thường, chỉ có bậc thánh nhân dày công tu luyện nhiều năm thì mới có thể đạt tới. Tuy nhiên, việc rèn luyện để đạt đến trạng thái thiền định thật sự không khó. Trong những tác phẩm của mình, Eckhart Tolle đã đưa ra những chỉ dẫn đơn giản, nhưng cũng cốt yếu và kinh điển nhất dành cho những ai muốn thực hành thiền tập.
1, Làm bất kỳ một công việc gì đó với tất cả sự chú tâm của mình: Lên, đi xuống cầu thang, rửa tay, ngồi vào yên xe…
Trong đời sống hàng ngày, bạn có thể thực tập thiền định bằng cách làm bất cứ một công việc gì đó với tất cả sự chú tâm của mình. "Những việc mà thông thường bạn chỉ làm chiếu lệ thì bây giờ bạn hãy chú tâm để công việc ấy tự nó trở thành mục tiêu thu hút mọi giác quan của bạn", Eckhart Tolle ghi trong "Sức mạnh của hiện tại".
Thiền, chánh niệm (mindfulness), sự tĩnh lặng nội tâm, sống ở hiện tại hay thậm chí… giác ngộ, người ta có thể gọi trạng thái thiền định bằng nhiều tên gọi khác nhau. Tuy nhiên, điểm chung nhất của trạng thái đang được bàn tới, là "tắt nút, dừng lại tất cả mọi suy tư", theo mô tả của bậc thầy tâm linh Eckhart Tolle, để từ đó đạt được một sự ung dung tự tại, một cảm giác an lạc sâu thẳm.
Ví dụ, mỗi khi bạn đi lên, đi xuống cầu thang, bạn hãy tập chú ý đến mỗi bước chân, mỗi động tác, chú ý luôn cả hơi thở của chính bạn. Hoặc khi bạn đang đứng rửa tay, hãy chú ý đến tất cả những cảm giác liên quan đến công việc này: tiếng nước chảy, cảm nhận của bạn với nước, động tác của hai tay bạn, mùi xà phòng…. Hoặc khi bạn ngồi lên yên xe, hãy thử ngưng lại một vài giây và lắng nghe nhịp thở của mình. Lúc đó, bạn sẽ bắt đầu cảm nhận được một sự hiện hữu yên tĩnh nhưng tràn trề năng lực ở trong bạn.
Khi đang ở đâu, bạn hãy có mặt ở nơi đó. Hãy nhìn xem chung quanh có vật gì. Chỉ nhìn thôi, đừng diễn dịch. Hãy nhìn ánh sáng, màu sắc, ngắm những hình dạng, cấu trúc. Hãy chú ý đến sự có mặt yên lặng của từng vật. Chú ý đến không gian. Lắng nghe những âm thanh, cũng như sự yên lặng ẩn sau những âm thanh.
Làm sao để đo được sự thành công của bạn trong việc thực tập này? Eckhart Tolle trả lời rất đơn giản: "Đó là mức độ an lạc, niềm vui thanh thoát mà bạn cảm thấy ở trong lòng khi làm việc đó".
2, Quan sát thói quen "chạy trốn phút giây hiện tại"
Theo Eckhart Tolle, nếu bạn cảm thấy khó an trú vào phút giây hiện tại một cách trực tiếp, hãy bắt đầu quan sát thói quen chạy trốn phút giây hiện tại của bạn. "Giây phút nhận ra rằng bạn đang không có mặt, là bạn đã có mặt trở lại", Eckhart Tolle viết.
Dù bạn đang ở đâu hay làm gì, bạn nên lưu ý đến những suy tưởng, cảm xúc và cả những phản ứng về những tình huống mà bạn đang gặp phải. "Cũng nên chú ý thêm những khi bạn hơi bận tâm về một chuyện gì đó trong quá khứ hoặc tương lai", Eckhart Tolle nói, "Nhưng không nên phán đoán hay phân tích những gì mình quan sát".
Và tương tự cách thứ nhất, việc thường tự hỏi mình: "Ta có đang vui vẻ, dễ chịu, nhẹ nhàng trong những gì ta đang làm ở phút giây hiện tại không?" chính là thước đo độ thành công của cách thiền tập này. Nếu câu trả lời là không, có nghĩa là suy tưởng, lo lắng khôn nguôi vẫn đang xâm nhập và "đời sống trở thành một gánh nặng hay là cuộc vật lộn chứ không còn thú vị gì".
3, Chú ý cảm nhận của cơ thể
Cuối cùng, cơ thể ta cũng là một "cánh cửa" dẫn đến trạng thái thiền định. Theo bậc thầy tâm linh này, một trong những cách thực tập thiền định thường thấy nhất là, thử nhắm mắt lại và "hướng sự chú ý của mình vào thân thể".
"Có sự sống trong hai cánh tay, bàn tay, hai chân và bàn chân, ở trong bụng, trong ngực không? Bạn có cảm nhận được trường năng lượng tinh tế lan tràn khắp cơ thể và cung cấp sự sống rộn ràng cho mọi cơ quan và tế bào trong cơ thể?", ông viết.
Với cách này, bạn cũng chỉ chú ý đến những gì có thể cảm nhận được từ cơ thể và tránh đừng suy nghĩ về nó. "Nếu bạn hướng sự chú tâm của mình vào bên trong cơ thể bạn càng nhiều, thì bạn càng tiếp xúc được nhiều phút giây hiện tại. Bạn không còn đánh mất mình vào thế giới bên ngoài, hoặc bị lôi cuốn bởi những suy tư không chủ đích, hoặc những cảm xúc miên man ở trong mình.", Eckhart Tolle nói.
Cần chú ý rằng, trạng thái thiền định càng đến thường xuyên hơn nếu ta càng siêng năng thực hành. "Chúng ta nhận thức rất rõ rằng tâm ta rất ít khi thực sự có mặt với phút giây hiện tại. Tuy nhiên, nhận thức đó đúng là một thành công rất lớn, vì khi ta biết rằng ta không có mặt tức là ta đã có mặt rồi. Sau nhiều lần, bạn sẽ "chọn" để có mặt với phút giây hiện tại, với trạng thái thiền định sâu sắc", Eckhart giải thích.
Ngoài ra, việc thực tập trạng thái thiền đinh, tỉnh thức trong đời sống hằng ngày, nhất là trong những tình huống rất bình thường, khi mọi chuyện đang suôn sẻ, là một điều rất cần thiết. Bởi theo cách này, khả năng có mặt của bạn trong giây phút hiện tại sẽ lớn dần lên, để khi những biến cố cuộc đời xảy đến, ta đã đủ sự an lạc và tỉnh thức để đối mặt và xử lý.
Eckhart Tolle là một trong những bậc thầy lớn trong lĩnh vực tâm linh. Sau khi tốt học đại học Luân Đôn, ông trở thành nhà nghiên cứu tại đại học Cambridge. Eckhart Tolle nổi danh với bộ sách về con đường tìm đến sự an lạc, tĩnh tại trong tâm trí: "Sức mạnh của hiện tại", "Trải nghiệm sức mạnh hiện tại", "Sức mạnh của tĩnh lặng", "Thức tỉnh mục đích sống", "Hợp nhất với vũ trụ".
Nguồn Soha
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét