Chủ Nhật, 28 tháng 10, 2018

HẠNH PHÚC THẬT ĐƠN GIẢN, TRƯỚC HẾT HÃY BUÔNG BỎ BẤT BÌNH TRONG TÂM

                                                                   

Làm người không cần quá cố chấp, có thể tĩnh lại cũng là một dạng trí huệ. Khi tĩnh lại bạn sẽ có thể đứng ngoài những cảm xúc tiêu cực mà quan sát chúng, chế ngự chúng dần dần chúng sẽ tự nhỏ lại và bạn sẽ thấy buông bỏ cố chấp không còn là điều quá khó khăn.

Giữa dòng đời đầy biến động, làm thế nào để tìm lại sự an tĩnh bên trong?

Carl Jung, bác sĩ tâm lý người Thụy Sỹ đã đặt lớp học thiền định của mình trên con phố mà gần đó có một trạm cứu hỏa. Thoạt nhìn, người ta sẽ không khỏi ngạc nhiên thốt lên rằng: “Làm sao tôi có thể ngồi thiền với những tiếng ồn như thế?”. Và trên thực tế hàng ngày trong lúc thiền định, họ đã phải giật nảy mình vì tiếng còi inh ỏi của những chiếc xe cứu hỏa mỗi khi chúng chạy qua.
Điều tương tự dường như vẫn thường hay xuất hiện trong cuộc sống chúng ta. Có một giả thuyết bất thành văn đó là tâm trí của con người chỉ tĩnh lặng khi thế giới xung quanh họ tĩnh lặng. Một nơi lý tưởng để thiền định trong tâm trí nhiều người hẳn phải là đâu đó cách xa đám đông ồn ào chốn đô thị, có thể là nơi rừng sâu tĩnh lặng, trong khuôn viên nhà thờ hoặc đơn giản là trong chính phòng riêng của bạn.
Bác sĩ Carl Jung hỏi nhóm của ông rằng liệu tiếng còi cứu hỏa có thực sự đáng lo ngại không? Sau một thời gian kiên trì, một nữ học viên đã nói rằng tiếng ồn đó không còn là vấn đề nữa. Tiếng ồn vẫn ở đó, nhưng nó không còn làm cô thấy phiền phức. Chợt cô nhận ra, sự phiền muộn không phải đến từ tiếng ồn đó mà đến từ tâm lý muốn được yên tĩnh của bản thân cô.

Chấp nhận là chìa khóa của vấn đề

Cách đây 2.500 năm, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã giảng rằng, tất cả chúng ta khi sống đều cần phải trải qua đau khổ (dukkha). Trong tiếng Nam Phạn cổ, ‘dukkha’ có nghĩa đối lập với ‘sukha’ tức là sự thoải mái. Vì vậy ‘dukka’ còn có một số nghĩa rộng khác như khó chịu hay bất mãn, đó là những cảm giác mà bất kỳ ai đều đã từng trải qua.
Còn từ ‘sukha’, khi phân tích kỹ ta sẽ thấy nó gồm 2 yếu tố: ‘su’ nghĩa là tốt còn ‘kha’ là cái lỗ, và từ này bắt nguồn từ ý tưởng về phần lõi của chiếc bánh xe gỗ trong các cửa hàng. Bánh xe là một phát minh tuyệt vời của người cổ đại, khi phần trục bánh xe được toàn vẹn thì mọi thứ sẽ được vận hành trơn tru và hiệu quả.
Ngược lại, từ ‘dukkha’ ý nói về chiếc bánh xe có lỗ trục không tốt, khiến cho chiếc xe luôn gập ghềnh khấp khểnh. Điều tương tự cũng xảy ra với tâm trí của chúng ta, khi chúng ta biết chấp nhận, mọi thứ sẽ trở nên “thuận theo dòng chảy” hay thật dễ dàng (sukha). Đây vốn là trạng thái tự nhiên của mỗi chúng ta – thật thư giãn và hài hòa. ‘Dukkha’ phát sinh khi ý thức chúng ta muốn chống lại những gì mà chúng ta đang trải nghiệm. Trạng thái tự nhiên vốn có sẽ bị che khuất, thay vào đó là cảm giác bất mãn do tự mình tạo ra.
Không chỉ Đức Phật, rất nhiều triết gia vĩ đại khác cũng đã chỉ ra rằng con người có thể trở về được trạng thái thanh thản trong tâm hồn bằng cách buông bỏ sự cố chấp của mình vào cuộc sống, nên chấp nhận và biết chấp nhận đúng cách. Khi nghe điều này, mọi người thường tự hỏi: Liệu điều đó có đồng nghĩa với việc chấp nhận những bất công và tàn nhẫn, hay vô tâm đối với các hoàn cảnh đáng thương?
Tất nhiên không phải vậy, khi chúng ta có thể buông bỏ sự cố chấp của cá nhân, bạn sẽ có thể suy xét tốt hơn đến các vấn đề trong xã hội và tấm lòng bao dung của bạn cũng sẽ rộng mở hơn.
Học cách chấp nhận là cách hiệu quả nhất. Điều đó có nghĩa là khi chúng ta cảm thấy thất vọng, giận dữ, hay buồn chán… hãy chấp nhận chúng. Đừng cố chống lại chúng, mà hãy đứng bên ngoài quan sát chúng, bằng cách nào đó, chúng sẽ từ từ nhỏ lại và có lẽ bạn sẽ khá thích thú với cảm giác này.
Chúng ta hoàn toàn có thể buông bỏ sự cố chấp của bản thân mình, tuy nhiên nó cũng khá phức tạp và không thể dễ dàng nhận ra. Mỗi lúc như vậy, bác sĩ Carl Jung khuyên rằng bạn hãy nên tự hỏi mình: “Tôi có đang cố chấp vào điều gì đó không?”. Và bình tĩnh chờ đợi. Sau đó bạn sẽ cảm thấy sự giận dữ, oán hận hay bất kỳ cảm xúc căng thẳng nào sẽ dần thu nhỏ lại.
Do vậy ý nghĩa chân chính của tâm thái tĩnh lặng không phải là một cái đầu trống rỗng. Chúng ta vẫn như trước đây, vẫn nhận thức được âm thanh, cảm giác, suy nghĩ và cảm xúc. Chúng ta chỉ đơn giản là không cố chấp vào một cái gì đó, không bất mãn khi gặp việc không vừa ý. Vì vậy, khi bạn chợt nhận thấy có thứ gì đó đang làm phiền sự tĩnh lặng trong tâm hồn của mình – có thể là một thái độ không tốt của bạn bè, một câu phát ngôn khó nghe trên TV hay tiếng ồn của xe cứu hỏa…. hãy tạm dừng mọi thứ lại và tìm hiểu xem những gì đang xảy ra bên trong tâm trí mình? Bạn có đang bất mãn điều gì đó không?
Nếu có thì hãy bình tĩnh quan sát, nó không hề phiền phức như bạn nghĩ. Sự tĩnh lặng sẽ giúp bạn sáng suốt khi giải quyết vấn đề và đôi khi bạn cũng có thể khám phá ra sự thoải mái trong những tình huống mà trước đây bạn cho là rất khốn khổ kia.
Hoàng An, theo UC

Không có nhận xét nào: