Thứ Tư, 13 tháng 3, 2019

HOẠ TỪ MIỆNG MÀ RA, NÓI NHIỀU ẮT SẼ CÓ SAI SÓT, VẬY NÊN HÃY HỌC CÁCH IM LẶNG

                                                                        Kết quả hình ảnh cho im lặng
Nói – là một loại năng lực; im lặng, lại là một loại trí tuệ. Chúng ta mất 2-3 năm để học nói, nhưng lại mất mấy chục năm để học cách im lặng. Bởi vậy, khi mở miệng nói, cần phải nhớ đến lời cảnh tỉnh “lưỡi là gốc rễ của lợi hại, miệng là cửa ngõ của phúc hoạ”.

Con người sống cả đời, không chỉ cần làm việc thiện, làm người tốt, mà còn phải học nói lời hay ý đẹp, nếu không, chỉ vì nhất thời nói cho sướng miệng, thậm chí có lúc phải bỏ mạng.

Dưới đây là vài câu chuyện chứng minh đạo lý “lưỡi là gốc rễ của lợi hại, miệng là cửa của họa phúc”trong cuốn “Tỉnh thế hằng ngôn”. Lợi hại hay hoạ phúc của con người, nhiều lúc đến từ lời nói của chính họ. Vì vậy, những lúc cần im lặng thì nên im lặng!

Nhiều lời ắt mất lợi trước mắt, học cách im lặng giữ mình

Hạ Nhược Đôn – cha của danh tướng Hạ Nhược Bật nhà Tuỳ, là đại tướng của Bắc Chu thời Nam Bắc triều, nổi tiếng dũng cảm thiện chiến. Từng lập được công lớn khi tham gia trận chiến bình định Tương Châu, tưởng rằng sẽ được triều đình phong thưởng, ai ngờ bị kẻ gian vu khống, không được thưởng mà bị giáng chức, lòng vô cùng phẫn nộ bất bình.

Thế là, ông nổi giận trước mặt sứ giả, và oán thán trách móc. Lúc đó quyền thần Bắc Chu là Vũ Văn Hộ sớm đã bất mãn, muốn loại trừ ông từ lâu, lần này nghe sứ giả về bẩm báo, lập tức điều Hạ Nhược Đôn về, ép ông tự sát.

Trước khi chết Hạ Nhược Đôn nói với con trai Hạ Nhược Bật rằng: “Ta muốn bình định Giang Nam, nhưng không hoàn thành tâm nguyện. Con phải hoàn thành chí hướng của ta, hơn nữa ta vì cái miệng mà chết, con nhất định phải cẩn thận”.

Nói xong liền dùng kim đâm mạnh vào đầu lưỡi của con trai, muốn dùng nỗi đau này để Hạ Nhược Bật ghi nhớ di nguyện và bài học xương máu lúc lâm chung của ông.

Quả nhiên mấy chục năm sau, Hạ Nhược Bật cuối cùng đã trở thành đại tướng quân thống lĩnh Hữu lĩnh quân của triều Tùy, trong trận chiến tiêu diệt quân Trần ông giữ chức Tổng quản quân, sau khi diệt xong quân Trần, so với Hàn Cầm Hổ, thì ông nổi bật hơn rất nhiều.

Nhưng những ngày tốt đẹp không kéo dài bao lâu, ông lại quên lời giáo huấn của cha mình, vì Dương Tố leo lên chức vị cao là Thượng thư hữu bộc xạ, còn mình vẫn chỉ là một tướng quân, nên trong cuộc tụ họp nào cũng buông lời nhiếc móc, thể hiện thái độ bất mãn.

Một vài người hay kiếm chuyện, liền đem những lời ông nói khi tức giận bẩm cho Tùy Văn Đế Dương Kiên biết. Dương Kiên bắt ông vào ngục để răn đe nhưng vì niệm tình ông đã từng lập công nên liền thả ra, ai ngờ ông không những không cảnh giác và rút kinh nghiệm, ngược lại còn đi khoe khoang ông và thái tử Dương Dũng có mối quan hệ mật thiết, sau đó Dương Dũng bị thất sủng và bị phế truất. Giữa chốn đông người, ông lại kêu gào đòi công bằng cho Dương Dũng.

Văn Đế nổi giận gọi ông ta đến chất vấn: “Ta để Cao Dĩnh, Dương Tố làm Tể tướng, trước mặt mọi người ngươi nhiều lần buông lời gièm pha, nói rằng bọn họ bất tài, chỉ biết ăn cơm, thế là cớ làm sao? Ý ngươi nói hoàng đế ta đây cũng chỉ là phế vật đúng không?”

Hạ Nhược Bật chỉ biết quỳ gối xin khoan hồng, Văn Đế tước bỏ chức quan phế ông thành dân thường. Mặc dù một năm sau phục lại chức quan, nhưng không trọng dụng. Sau khi Tùy Dương Đế kế vị, vì ông trước mặt mọi người bình phẩm Dương Đế quá xa xỉ, cuối cùng bị Tùy Dương Đế giết chết.

Nỗi thống khổ mà hai cha con Hạ Nhược Bật phải dùng xương máu để đánh đổi, đã để lại cho nhân thế bài học rằng: “Ngậm miệng giấu lưỡi cho sâu, yên thân bất cứ nơi đâu”, cảnh báo chúng ta phải ghi nhớ rằng, nhiều lời thì sẽ mất lợi trước mắt, nên học cách im lặng giữ mình.

10 phần thông minh lanh lợi chỉ thể hiện 7 phần; lời nói khéo léo, sắc mặt cười lấy lòng, thì hiếm khi nhân đức

Tiêu Đại trong “Hồng lâu mộng”, từ nhỏ đã từng cùng Ninh quốc công trải qua chiến đấu vào sinh ra tử, ông ta từng lôi chủ nhân đang thở thoi thóp từ trong đống người chết ra ngoài. Không có cơm ăn, ông ôm bụng đói đi trộm đồ ăn cho chủ nhân ăn, không có nước uống, ông uống nước đái ngựa, nhường nửa bát nước xin được cho chủ nhân uống.

Vì những công lao đó, chủ nhân Ninh phủ đã phải nhìn ông với con mắt khác, không làm khó ông. Nhưng ông vô cùng căm ghét cuộc sống thối nát của con cháu đời sau nhà Ninh quốc phủ, ỷ vào ưu thế của bản thân mà tác oai tác quái. Nhưng vì không biết giữ mồm miệng, lúc nửa tỉnh nửa say, đã gọi hết gia nhân Ninh quốc phủ ra, cuối cùng bị nhốt lại, nhét đất và phân ngựa vào mồm.

Khổng tử nói: “Xảo ngôn linh sắc, tiên nhân hỹ”, ý rằng nói năng khéo léo, nét mặt giả bộ niềm nở, hạng người đó ít có lòng nhân. Người thông minh thật sự, miệng lúc nào cũng khôn khéo, trong lòng lúc nào cũng có tính toán, 10 phần thông minh thì chỉ thể hiện 7 phần, ba phần giữ lại để thể hiện sự chừng mực.

Người vàng ngọc ăn nói cẩn thận, bậc quân tử chậm lời ăn nói nhưng hành động nhanh nhẹn

Theo ghi chép trong “Khổng Tử gia ngữ – Quan chu”, thời Xuân Thu, Khổng Tử dẫn đồ đệ đi chu du các nước. Khi đến chiêm ngưỡng từ đường của thái tổ Hậu Tắc. Nhìn thấy bên phải bậc thềm, có một tượng người đúc bằng đồng. Nhưng kỳ lạ là, miệng của tượng đồng này bị bịt lại bằng ba vạch kẻ, bên trên có một hàng chữ: “Cổ chi thận ngôn nhân dã, giới chi tai! Vô đa ngôn, đa ngôn đa bại”.
Đó chính là điển cố của thành ngữ “Nói năng thận trọng”, mà từ cổ chí kim, các nhà hiền triết đều cảnh tỉnh chúng ta: nhất định phải cẩn thận! Không được nhiều lời, nhiều lời ắt có sai sót, lúc nào cũng phải giữ trạng thái thận trọng “như bước bên bờ vực thẳm, như bước trên lớp băng mỏng nước sâu”.

“Dịch kinh” cũng giảng rằng: “Cát nhân chi từ quả, táo nhân chi từ đa”,  ý rằng người có uy đức thì không nói nhiều, người giảo hoạt mới dùng nhiều lời để nói. Người có đạo đức cao sang, tự biết chỉ làm việc thiện thôi là chưa đủ, mà biết là chỉ lúc bất đắc dĩ mới nên mở miệng; người vội vàng hấp tấp, nóng vội thể hiện mình, phơi bày hết sự bực tức trong lòng, cuối cùng dẫn tới thất bại.

Nói – là một loại năng lực; im lặng, lại là một loại trí tuệ. Chúng ta mất 2-3 năm để học nói, nhưng lại mất mấy chục năm để học cách im lặng. Vì vậy, khi mở miệng nói, lúc nào cũng phải nhớ đến lời cảnh tỉnh “lưỡi là gốc rễ của lợi hại, miệng là cửa của phúc hoạ”, nói năng cẩn trọng, làm một người sáng suốt ăn nói có chừng mực, trong lòng biết tính toán.

                                                                                                                  Tuệ Tâm
                                                                                                              Nguồn: SOH

Không có nhận xét nào: