Thứ Ba, 31 tháng 3, 2020

7 MÓN ĂN THƯỜNG ĐƯỢC DÙNG ĐỂ CẮT CƠN ĐÓI NHƯNG CHUYÊN GIA CHỈ RÕ TÁC HẠI KHỦNG KHIẾP

 Một số loại thức ăn hay đồ uống thường được bạn dự trữ để cắt cơn đói, nhưng thực ra nếu cứ duy trì sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của bạn.
Các nhà khoa học đã chỉ ra rằng để bụng đói quá lâu giữa các bữa ăn hay hoàn toàn bỏ bữa có thể sẽ khiến bạn ăn nhiều hơn dẫn đến dễ bị béo bụng, tăng cân hơn và nhiều hệ lụy khác đến sức khỏe. 
Trong nhiều trường hợp không còn lựa chọn nào khác để thỏa mãn cơn đói, bạn sẽ chọn lấy một món ăn bất kỳ có ngay trước mặt. Tuy nhiên, đây có thể là một sai lầm thật sự vì một số loại thức ăn hay đồ uống không chỉ không giảm bớt cơn đói mà còn gây đói nhiều hơn và kích ứng hệ tiêu hóa.
Dưới đây là những thực phẩm có thể giúp bạn cắt cơn đói tạm thời, nhưng về lâu dài việc lạm dụng sẽ ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe của bạn nếu chọn ăn vào lúc đói.
Bánh gạo
                                                  7 món ăn thường được dùng để cắt cơn đói nhưng chuyên gia chỉ rõ tác hại khủng khiếp  - Ảnh 1.
Độ giòn của bánh thường khiến bạn cảm thấy món ăn vặt này thật ngon lành nhưng bánh gạo thật ra lại không mang lại nhiều giá trị dinh dưỡng hay tạo cảm giác no. Món ăn vặt này có chỉ số đường huyết thực phẩm (GI) cao, ở mức 82. 
Theo một nghiên cứu, thực phẩm có chỉ số GI cao cung cấp nhiều năng lượng nhưng cuối cùng lại sẽ gây đói quá mức và khiến bạn ăn nhiều hơn. Do đó, bạn không nên ăn bánh gạo khi bụng đói để tránh nguy cơ ăn quá nhiều nhưng lại không mang đến giá trị dinh dưỡng nào.
Phomai
                                          7 món ăn thường được dùng để cắt cơn đói nhưng chuyên gia chỉ rõ tác hại khủng khiếp  - Ảnh 2.
Lúc bạn cảm thấy đói cũng là lúc lượng đường trong máu thấp và cần một nguồn năng lượng. Cách để vượt qua cơn đói lúc này tốt nhất là tiêu thụ carbohydrate (phân hủy thành glucose). Tuy nhiên, các thực phẩm có chất xơ và protein cũng sẽ giúp bạn duy trì mức năng lượng lâu hơn.
Vấn đề ở đây là phô mai không chỉ thiếu carbohydrate cung cấp năng lượng hay giảm cảm giác đói mà còn khiến bạn đói nhiều hơn. Phô mai có nhiều hợp chất protein gọi là casomorphin có thể gây ra phản ứng gây nghiện giống như thuốc phiện. Cùng với hàm lượng muối cao, việc ăn phô mai chỉ khiến bạn càng thèm ăn nhiều hơn mà thôi.
Khoai lang
                                              7 món ăn thường được dùng để cắt cơn đói nhưng chuyên gia chỉ rõ tác hại khủng khiếp  - Ảnh 3.
Ăn khoai lang khi đói sẽ gây tổn thương dạ dày vì các chất trong khoai lang kích thích dạ dày gây nên cho bạn cảm giác đầy bụng, khó chịu và ợ chua. Đặc biệt những người bị bênh dạ dày càng nên tránh xa khoai lang lúc đói. Nếu không bệnh sẽ càng nghiêm trọng hơn.
Thực phẩm chứa nhiều đường
                                                   7 món ăn thường được dùng để cắt cơn đói nhưng chuyên gia chỉ rõ tác hại khủng khiếp  - Ảnh 4.
Đường là một loại thực phẩm rất tốt cho tiêu hóa, giúp cơ thể hấp thụ thức ăn. Nhưng nếu đang đói bụng mà bạn lại ăn những loại thực phẩm chứa nhiều đường, tức là bạn đang làm tổn hại đến cơ thể và sức khỏe. Vì khi đó, lượng đường trong máu của bạn tăng cao đột ngột nên dễ mắc bệnh không có lợi cho cơ thể.
Sữa và sữa đậu nành
                                              7 món ăn thường được dùng để cắt cơn đói nhưng chuyên gia chỉ rõ tác hại khủng khiếp  - Ảnh 5.
Hai loại thức ăn này có chứa đạm cao, giàu vitamin nhưng nếu dùng nó vào đồ ăn nhanh để chống đói thì lại phản tác dụng. Vì lượng protein lúc này không làm đúng vai trò dinh dưỡng của nó, khiến cơn đói của bạn không được xoa dịu.
Quả chuối
                                       7 món ăn thường được dùng để cắt cơn đói nhưng chuyên gia chỉ rõ tác hại khủng khiếp  - Ảnh 6.
Quả chuối chứa rất nhiều nguyên tố magiê. Nếu như ăn chuối lúc bụng đói thì dĩ nhiên sẽ làm cho hàm lượng magiê ở trong máu tăng cao, tạo thành sự mất cân bằng giữa tỷ lệ canxi và magiê ở trong máu. Như vậy sẽ ảnh hưởng việc đưa máu lên tim và rất có hại cho sức khỏe.
Thức ăn cay
Việc ăn các thức cay nhiều khả năng sẽ gây kích ứng hệ tiêu hóa. Thông thường, dạ dày bắt đầu tăng cường sản xuất dịch tiêu hóa trước bữa ăn. Khi bạn ăn thức ăn cay, niêm mạc dạ dày sẽ bị kích thích và ảnh hưởng đến sức khỏe về lâu dài.
Các thực phẩm cay không thật sự gây ra các chứng ợ nóng hoặc loét dạ dày nhưng việc ăn cay thường xuyên có thể khiến cho hai triệu chứng này trở nên tồi tệ hơn. Do đó, dù bạn có bị hấp dẫn bởi vị cay của thức ăn đến đâu chăng nữa thì cũng không nên ăn chúng thường xuyên, đặc biệt là khi đói bụng quá.
M.H (th

Thứ Hai, 30 tháng 3, 2020

ĐỨC PHẬT VẪN NGỒI YÊN

                                                                        Bình Định: Tượng Đức Bổn Sư Thích Ca ngồi lớn nhất Đông Nam Á


 ĐỨC PHẬT VẪN NGỒI YÊN

Một ngày qua là một ngày trải nghiệm
Nhìn cuộc đời quán triệt thật mong manh
Kiếp người qua như chiếc lá lìa cành
Người tu Phật thức tỉnh từng giây phút

Thời đại này biết bao người ngã gục
Hãy ngồi yên như Đức Phật đã ngồi
Tập sống đời chia sẻ vậy mà vui
Trước cơn dịch lan tràn như thấm máu

Mong thế giới thoát qua cơn khổ não
Để cùng nhau ngồi lại mắt nhìn nhau
Rồi mai đây có về phố núi chẳng sầu
Ta vẫn muốn ngồi yên như Đức Phật.

              Tánh Thiện

MONG QUA ĐẠI DỊCH (Thơ xướng họa)

                                                                        corona virus




Mong Qua Đại Dịch

Cầu mong đại dịch chóng qua thôi
Thế giới giờ đây điêu đứng rồi
Phố xá đìu hiu đều đóng cửa
Thôn quê lặng lẽ thảy im hơi
Nhân sinh chết chóc, tâm sầu muộn
Vận nước lung lay, dạ bấn hồi
Vũ Hán Rô Na tràn mọi nẻo
Mỗi ngày mỗi lắm hỡi người ơi!

California, 29-03-2020
Trúc Nguyên-Thích Chúc Hiền ( Cảm đề)

Hoạ 1:
MONG QUA ĐẠI DỊCH
 Kính họa bài:”Mong Qua Đại Dịch” của Thầy Thích Chúc Hiền.

Xem lần đại dịch nhắc lòng thôi,
Ách nạn trần gian lướt đến rồi!
Xót lắm… đìu hiu nhà đóng cửa!
Thương nhiều… khổ cực bệnh tàn hơi.
Niềm đau vực dậy càng tâm lắng…
Nỗi hoảng ghìm lo đủ dạ hồi…
Co vid không tha ai hết thảy!
Luôn cùng giúp sức mọi người ơi…

30/3/2020
Minh Đạo (Kính họa)

 Họa 2:
Kính họa bài “ Mong Qua Đại Dịch” của Thầy Thích Chúc Hiền.
MONG QUA ĐẠI DỊCH

Khổ dịch thương người nguyện thoát thôi!
Tai ương ập đến nói không rồi…
Lên chùa giảm tiếp đều cài ngõ,
Xuống phố lơ kề chẳng hắt hơi.
Rõ ngẫm thời đau nguyền tính cải…
Cùng xem thế loạn quyết tâm hồi…
Luôn thầm cảm động lòng nhân đức…
Vật chất, tinh thần để nạn rơi…

30/3/2020
Viên Minh (kính họa)


Lê Trí Viễn Kính cảm họa:
ĐẠI DỊCH LAN TRÀN (Thủ vĩ ngâm)
Đại dịch lan tràn quyết cản thôi!
Đau thương ách nạn vẫn chưa rồi.
Bao người mệt mỏi ưu tư phận,
Vạn kẻ u buồn tắt lịm hơi.
Đúng lúc kề nhau lòng cởi mở,
Thành tâm sát cánh nghĩa qui hồi…
Nhân gian rõ hiểu đà chung sức,
Đại dịch lan tràn quyết cản thôi…
3/4/2020
Lê Trí Viễn

Họa 3:
Chung Tay Chống Dịch
Cảm họa bài:”Mong Qua Đại Dịch” của Thầy Thích Chúc Hiền.

Trần gian đại nạn khổ ôi thôi!
Há lẽ nhân gian chuyển kiếp rồi
Vũ Hán tiêu điều ngăn cấm cửa
Hoa Kỳ tan tác lặng im hơi .
Cô Vy Pháp Đức thêm sầu muộn
Vi Rút Ý Hàn chữa vảng hồi
Thế giới dịch tràn lan khắp nẻo
Chung tay chống dịch hỡi người ơi...!

California, 30-03-2020
Thích Đồng Thiện (Cảm họa)

https://hoavouu.com/p41a47634/mong-qua-dai-dich

Chủ Nhật, 29 tháng 3, 2020

TS NGUYỄN TƯỜNG BÁCH: “CORONA: BIẾN CỐ CỦA THẾ KỶ”

                                            

Khi tác giả viết những dòng này, đại dịch Corona đang tiếp diễn khốc liệt trên thế giới. Châu Âu đang ở cao điểm của dịch bệnh, số tử vong tại Ý đã cao hơn so với Trung Quốc.
Tại các nước Tây Âu khác như Tây Ban Nha, Pháp, Đức, Anh… số ca lây nhiễm vẫn đang tăng theo cấp số nhân. Tại Mỹ, người ta tiên liệu dịch còn bùng phát mạnh mẽ lên đến hàng chục triệu người. Châu Phi đã có trên 27 quốc gia bị nhiễm và không khó để đoán rằng, một khi dịch bệnh lan tỏa tại châu lục này thì số người mắc bệnh và tử vong sẽ tăng nhanh hơn các nơi khác trên thế giới.
Không ai nghi ngờ gì, rõ ràng đây là một nạn dịch lịch sử, xảy ra thình lình như một trận sóng thần giữa trời quang mây tạnh. Thế giới hoảng loạn chưa từng thấy, ta có thể nhắc lại lời Thủ tướng Đức Angela Merkel, biến cố này phải được xem là kinh hoàng nhất kể từ ngày chấm dứt Thế chiến thứ hai vào năm 1945.

Về độ nguy hiểm của dịch bệnh

Tới nay người ta tính khoảng 250.000 người nhiễm bệnh và con số tử vong ở khoảng trên 10...000 (*). Nếu ta dùng một phép tính đơn giản từ hai con số đó thì xác suất tử vong khoảng 4%. Tỷ lệ tử vong tại Vũ Hán được nêu chính thức trong tạp chí Nature Medicine ngày 9-3-2020 là 1,4%. Các tỷ lệ này thực ra không hề chính xác, vì con số người chết tương đối rõ ràng, nhưng số lượng thực sự người bị nhiễm thì lại rất mơ hồ. Khoảng 80% người bị nhiễm chỉ có triệu chứng rất nhẹ nên không mấy ai chịu thử. Đó là chưa kể nhiều nước trên thế giới khuyên dân chúng không nên vội thử vì sợ các trung tâm y tế quá tải như tại Anh hay Đức.
Vì lý do đó số ca bị nhiễm được cho là cao gấp 6 đến 10 lần so với con số được thông báo, tùy theo quốc gia. Trên cơ sở này, ta có thể nói tỷ lệ tử vong của Covid-19 tối đa là 1%. Con số nghe qua thì nhỏ, nhưng 1% của một triệu người là 10.000 nạn nhân và mỗi người chết là một thảm cảnh, một số phận, không ai được phép coi nhẹ. So với bệnh cúm mùa với tỷ lệ tử vong chỉ 0,1% thì bệnh Covid-19 nguy hiểm hơn, nhất là cho những ai có tiền sử bệnh án hay suy yếu đường hô hấp. Bệnh cúm mùa là bệnh của mùa đông. Tại Đức, mỗi năm có khoảng 850.000 người chết, trong đó khoảng 15.000-20.000 là nạn nhân trực tiếp của bệnh cúm mùa. So với số tử vong của bệnh cúm mùa thì số nạn nhân của Covid-19 rất nhỏ. Thế thì tại sao cả xã hội hoảng loạn?
Toàn thế giới rúng động vì hai lý do. Một, dịch bệnh lây lan quá nhanh, theo cấp số nhân. Hai, chưa có thuốc chữa, chưa có vắc-xin phòng bệnh. Xưa nay mọi lo ngại của ngành y tế trong mọi cơn dịch vốn đều vì hai lý do đó. Đó là nguyên nhân đích thực của cơn khủng hoảng toàn cầu hiện nay.
Thực ra, nhìn một cách toàn thể, thì dịch bệnh là một loại rủi ro tự nhiên của đời sống, nhất là trong một thời kỳ mà con người đi du lịch, tiếp xúc dễ dàng và nhanh chóng trên khắp thế giới như hiện nay. Đối với các nhà quản lý y tế vĩ mô thì một trong những giải pháp đối trị là cứ để dịch lan rộng nhưng trong vòng kiểm soát và hạn chế tử vong. Một khi dịch lan đến khoảng 60-70% quần chúng thì dịch tự ngưng vì con người đã miễn dịch. Giải pháp “mềm” này đã được bước đầu áp dụng tại Anh và Hà Lan trong những tuần qua nhưng nay đã bị bác bỏ vì thiếu hiệu quả và áp lực dư luận.
Hạ tuần tháng 3 năm 2020, thế giới áp dụng phương pháp “cứng” nhằm đối trị nạn dịch. Toàn cầu đang đứng trước một cơn khủng hoảng chưa từng có. Ngày 20-3, con số tử vong nằm ở mức 10.000 nhưng sự hoảng loạn đã lên cao ngang tầm của một cuộc chiến tranh quân sự.
Sự hoảng loạn bất ngờ này mang nhiều nét kỳ lạ, nằm xa một vấn nạn thuần túy y tế.

Xã hội rối loạn chưa từng có

Nước Anh đã từ bỏ thái độ phớt tỉnh trong việc đối trị dịch bệnh, họ thừa nhận sai lầm. Nước Đức đã bắt đầu phong tỏa một vài thành phố và khả năng lớn là họ sẽ phong tỏa toàn quốc. Các nước châu Âu khác như Ý, Tây Ban Nha, Pháp, Áo… đã dùng mệnh lệnh hành chánh, cấm dân chúng ra khỏi nhà trừ phi có lý do chính đáng. Tại Mỹ, tiểu bang California với khoảng 40 triệu dân cũng đã ra lệnh phong tỏa từ ngày 20-3.
Những ai đã sống tại châu Âu và Mỹ mấy mươi năm qua cũng đều ngơ ngác trước những cảnh tượng kỳ lạ của phố phường. Đó là những thành phố xem như đã chết, tê liệt, câm lặng. Thảng hoặc vài nơi bán hàng thì người mua đứng xa nhau cả mét, nhìn nhau bằng cặp mắt lo ngại. Họ vơ vét những món hàng xem ra chẳng thật cần thiết, xuất phát từ một nỗi lo vô cớ. Con virus Corona chưa lan đến nhưng sự sợ hãi đã tới trước.
Thế nhưng cái đảo lộn lớn nhất không nằm ngoài đường mà trong mọi gia đình. Trường học đóng cửa, trẻ con ở nhà và cần người trông giữ. Phụ nữ phải ở nhà trông con, trong đó có nhiều người làm trong ngành y tế, bệnh viện, nơi đang cần nhân lực. Một số người phải làm việc ở nhà, một số khác bắt đầu thất nghiệp, nỗi lo lắng và phẫn nộ ngày càng tăng. Vài nhà xã hội tiên liệu bạo lực trong gia đình sẽ tăng nếu vợ chồng con cái bị nhốt giữa bốn bức tường.
Điều đáng nói trong đại dịch này là, tuy số tử vong chưa gọi là cao, nhưng nó đã “thấm” vào mọi tế bào của đời sống, kể cả trong những góc cạnh vô danh nhất. Người ta kể đến với giọng bùi ngùi về những thảm cảnh trong viện dưỡng lão, nơi mà vợ chồng săn sóc nhau trong tuổi già, nay bị cấm gặp gỡ. Tài xế xe tải kẹt biên giới ròng rã vài ngày, phải cần tiếp tế thức ăn. Kiều dân cố “chạy” về quê hương trốn dịch bị kẹt trên đường. Những kẻ buôn bán lẻ, phục vụ công nhật trong ngành du lịch, khách sạn hay tiệm ăn, nay không còn thu nhập. Thậm chí người ăn xin nay cũng không còn “khách”.
Điều kỳ lạ trong trận dịch này so với SARS hay Ebola nhiều năm trước là toàn thể xã hội, từ tầng lớp cao cấp nhất đến góc tối nhất của đời sống, đều đang bị chao đảo và thiệt hại. Phải chăng tính chất đó báo hiệu một chuyển biến vĩ mô?


Kinh tế đảo lộn và suy thoái

Khoảng giữa tháng 2-2020 ta còn chứng kiến chỉ số Dow Jones của Mỹ nằm ở khoảng 29.400. Chưa đầy 6 tuần qua chỉ số này chỉ còn 19.000. Đó là một sự sụp đổ khoảng hơn 1/3 trị giá cổ phiếu. Các chỉ số tại thị trường chứng khoán châu Âu cũng thiệt hại tương tự. Sự mất giá này chưa từng có tiền lệ trong lịch sử. Không khó để biết rằng thế giới đang đứng trước một sự suy thoái nặng nề và lâu dài. Các đại công ty như Boeing tại Mỹ hay Lufthansa tại Đức phải cần hỗ trợ vốn của Nhà nước. Một số lớn xí nghiệp toàn cầu phải ngừng sản xuất, thậm chí phá sản. Vô số các công ty hạng trung lâm vào khủng hoảng vì thị trường tiêu thụ bất ngờ biến mất. Một số công ty khác bị đình trệ sản xuất vì thiếu nguồn cung ứng vật tư từ quốc gia bị dịch trước đó là Trung Quốc. Trong bối cảnh này, tính chất toàn cầu hóa lần đầu tiên cho thấy mặt trái của nó, đó là sự lệ thuộc quá nhiều vào các đối tác châu Á.

Sau công nghiệp thì ngành dịch vụ liên quan đến vận chuyển, du lịch, khách sạn hoàn toàn bị đình trệ vì dịch bệnh. Người ta dự đoán một số lớn hãng hàng không, tàu biển sẽ phá sản. Các ngành này vốn lớn mạnh nhờ tính chất toàn cầu hóa trong những thập niên vừa qua, trong đó yêu cầu chuyên chở hành khách và hàng hóa xuyên lục địa tăng cao hơn bao giờ hết.
Một mặt khác của nền kinh tế các nước là thành phần kinh tế gia đình, thành phần hành nghề tự do, họ cũng lâm vào cảnh túng quẫn. Đó là các loại kinh doanh tuy nhỏ, nhưng họ phải thuê nhân công, phải thuê mặt bằng... Một khi các thành phố bị phong tỏa, nguồn thu nhập của họ lập tức bị cắt. Họ đành sa thải nhân công và thường phải tiếp tục chi trả phí mặt bằng. Tỷ lệ thành phần đó nằm khoảng 5-10% trong một quốc gia. Tại một nước dân số hơn 80 triệu dân như Đức, thành phần đó lên đến khoảng 5 triệu người.
Trước tình hình kinh tế vô cùng bi đát, các chính phủ của Mỹ, Tây Âu và cộng đồng châu Âu dự kiến sẽ tung những gói hỗ trợ tài chánh khổng lồ để giải cứu. Nhưng “giải cứu” cũng chỉ là cho vay, làm sao có chuyện tặng không. Thường thì các công ty then chốt mới có khả năng thụ hưởng các chương trình này, trong đó một trong những giải pháp đáng chú ý là Nhà nước sẽ tham gia cổ phần, nói khác đi là công ty được “quốc hữu hóa”. Đây sẽ là một nét đáng chú ý về mặt kinh tế trong thời kỳ “hậu Corona”.

Dịch Corona – những điều có thể

Bên trên là những dòng miêu tả sơ lược về đại dịch Corona trong thời kỳ đầu của nó tại châu Âu và Mỹ. Thời gian còn lại của tháng 3 và hết tháng 4-2020 sẽ là sáu tuần quyết định sự phát triển của bệnh, tổn thất nhân mạng, tổn thất kinh tế và xáo trộn xã hội. Không ai biết được điều gì chắc chắn sẽ xảy ra.
Thế nhưng ngay trong thời gian này ta đã thấy đại dịch Corona biểu lộ nhiều điều đáng chú ý.
Một, nền kinh tế thế giới suy sụp trầm trọng, các chính phủ đã cạn kiệt đòn bẩy ứng cứu. Lãi suất là một trong những đòn bẩy quan trọng nhất của nhà nước, nay đã lùi về số không. Thời kỳ phồn vinh và phát triển của nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam, trong thời kỳ toàn cầu hóa nay đã qua. Ngược lại, nền kinh tế suy thoái này sẽ cần cả chục năm mới hồi phục, nó sẽ cần một sự tái cấu trúc. Nhiều công ty sẽ chết, một số khác ra đời. Nhiều ngành nghề biến mất, một số khác phát sinh.
Hai, sự toàn cầu hóa như mô hình hiện nay đã lộ ra những nhược điểm trầm trọng... Đó là sự lệ thuộc quá mức vào “cơ xưởng thế giới” Trung Quốc. Khi Trung Quốc ngưng sản xuất thì nhiều công ty Âu Mỹ phải chịu bó tay, chờ nguồn tiếp tế. Qua trận dịch này người ta bừng tỉnh về cái giá phải trả nếu mãi lệ thuộc vào một nguồn hàng và vào một quốc gia nhiều tham vọng. Hiệu ứng hiển nhiên của tình trạng này là người ta sẽ đa phương hóa các nguồn cung cấp trên thế giới.
Ba, nền y tế và an sinh xã hội trên thế giới và tại phương Tây đã lộ các nhược điểm chết người. Tại châu Âu và Mỹ, nền y tế chủ yếu là một hệ thống săn sóc sức khỏe, kéo dài tuổi thọ hơn là công cụ đối trị dịch bệnh bất ngờ. Tệ hại hơn nữa, nền y tế bị thương mại hóa trầm trọng, nhất là tại Mỹ. Đó là nơi người ta kinh doanh kiếm tiền, bệnh nhân trở thành khách hàng mua bán, ai không có tiền sẽ bị bỏ rơi. Đức là quốc gia mà mật độ giường bệnh cao nhất châu Âu, thế nhưng mặt trái của nó là các bệnh viện “khuyên” bệnh nhân mổ xẻ hơn mức cần thiết để làm kín chỗ giường bệnh.
Bốn, tâm thức xã hội của dân chúng phương Tây trở nên đáng lo ngại sau nhiều thập kỷ sống trong hòa bình và phồn vinh. Khi đại dịch đã hoành hành tại Trung Quốc và bắt đầu tràn đến châu Âu, con người vẫn coi nhẹ mối hiểm nguy này, cho rằng sẽ không chạm đến mình. Khi các cơ quan công quyền ban hành lệnh phong tỏa, nhiều người trẻ vẫn ngông nghênh xem thường, hoàn toàn không ý thức trách nhiệm mình trong xã hội. Một số khác thì có những hành động bất thường, như tàng trữ thức ăn, xăng dầu, thậm chí mua thêm súng đạn như tại Mỹ. Ý thức cộng đồng lẽ ra phải có thì nay nhường chỗ cho một dạng mới của bạo lực và vô cảm.
Năm, về mặt chính trị, đây là ý chính của bài này. Sau đại dịch Covid-19, nền chính trị trên thế giới có lẽ sẽ có những thay đổi to lớn. Chủ trương toàn cầu hóa, vốn đã bị các biến cố di dân ngăn chặn trong thời gian qua, nay sẽ quay đầu sau trận đại dịch này, như dự đoán của nhiều nhà quan sát. Cộng đồng châu Âu vốn đã bị chính sách của Tổng thống Mỹ cũng như biến cố Brexit của Anh làm suy yếu. Thêm vào đó, chính sách di dân và thái độ đóng cửa các nước Đông Âu làm phân hóa thêm cộng đồng gồm 27 nước này. Nay, trong đại dịch Covid-19, khi các quốc gia ai lo phần nấy, rút lui, tự phong tỏa và đóng cửa biên giới, cộng đồng châu Âu tự chấm dứt vai trò của mình, ít ra trong một thời gian nhất định. Trên phạm vi thế giới, thế đối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc càng căng thẳng. Nước Nga đang tổn thương nặng nề về giá dầu và kinh tế... Iran khủng hoảng toàn bộ thể chế và xã hội. Những điều kể trên có thể tăng cường độ từng ngày, ta không thể loại bỏ khả năng chiến tranh xảy ra bằng một mồi lửa nào đó. Khi khó khăn nội bộ chồng chất thì hiềm khích bên ngoài dễ phát sinh chiến tranh, lịch sử thế giới đã chỉ rõ.

Thay lời kết

Thế giới luôn chuyển biến và mọi chuyển biến đều có nhiều nguyên nhân, kể cả các nguyên nhân khó thấy. Đó là quy luật Duyên khởi về đời sống. Chúng ta không thể biết hết tất cả các yếu tố tác động lên một hệ thống vĩ đại, trong đó chúng ta đang sống. Nhưng điều rõ nét nhất là phần lớn nguyên nhân đều do con người gây nên. Dịch bệnh không phải là thiên tai như sóng thần hay động đất mà con người là tác nhân trực tiếp. Còn hệ thống chính trị và kinh tế xã hội thì quá hiển nhiên, con người đã xây dựng lên nó.
Thiên nhiên vốn rộng lòng. Một điều thú vị hiếm hoi trong thời kỳ này là thông tin về bầu không khí tại Vũ Hán và dòng nước xanh tại Venise (Ý). Chỉ sau vài tuần vắng bóng công nghiệp, bầu trời Vũ Hán vô cùng trong xanh như không ảnh cho thấy, so sánh với thời gian trước đó đen kịt một màu. Tại Venise, thủ đô du lịch của Ý, nơi mà du khách chê trách chất nước ngầu đục hôi hám trong các kênh rạch, cũng sau vài tuần vắng người, dòng nước xanh trong đã hiện ra, nhìn đến đáy, với cơ man nào là cá.
Những ai có tâm cần phải động lòng suy nghĩ trong đại dịch. Có lẽ chúng ta đã quá tàn phá thiên nhiên, sinh hoạt đã quá vô độ. Về mặt chính trị, các quốc gia đều quá ích kỷ, cho quyền lợi quốc gia mình là trên hết. Về mặt kinh tế, chúng ta đều quá chạy theo lợi nhuận, lấy con số tăng trưởng để làm thành tích, bất kể môi trường. Về mặt xã hội, chúng ta đều lấy tự do cá nhân làm chuẩn mực, coi thường cộng đồng và tha nhân.
Tất cả những thứ đó đã sinh ra các nhà lãnh đạo kỳ dị, các chủ trương bất thường, các phong trào theo chủ nghĩa dân tộc đang phát triển mạnh... Dù vậy, nhiều năm qua, thế giới vẫn chưa thức tỉnh.
Thế thì phải chăng đại dịch này là bài dạo đầu cho một sự sắp xếp lại, một cuộc tái cấu trúc vĩ đại?
(*) Số liệu ngày 20-3-2020: 245.859 người nhiễm, 10.031 tử vong
Nguồn: Viet-studies

NHIỀU NGƯỜI MỸ THIẾU THÔNG TIN VỀ COVID-19

Scott Isaacs là bác sĩ nội tiết trong hơn hai thập kỷ ở Atlanta, nhiều tuần qua điện thoại của ông reo liên tục bởi bệnh nhân hỏi "tôi phải làm gì".
Công việc của bác sĩ Scott 20 năm qua là chữa trị cho các bệnh nhân lớn tuổi mắc tiểu đường ở khu vực Atlanta. Ông chưa từng tưởng tượng một ngày, mình sẽ chiến đấu trên tuyến đầu chống đại dịch.
Nhiều tuần liền, điện thoại của ông reo liên tục. Các bệnh nhân tiểu đường - đối tượng có nguy cơ cao mắc Covid-19 muốn biết: Làm thế nào để được xét nghiệm? Dự trữ thuốc ra sao? Liệu ông có thể viết thư đến công ty đề xuất cho tôi làm việc tại nhà hay không?
Tuần trước, bác sĩ Isaacs đã gặp một y tá đang mang thai, cũng là bệnh nhân tiểu đường tuýp 1. Cô hỏi mình nên ở nhà bao lâu để tránh lây nhiễm, ông thành thực nói: "Tôi thật sự không có câu trả lời".
Bác sĩ Isaacs vốn quen với việc chữa bệnh dựa trên kiến thức chuyên khoa. Song dịch bệnh bùng phát bất ngờ đưa ông đến một lĩnh vực mới, chia sẻ trải nghiệm cùng nhiều chuyên gia y tế khác, làm việc như một bác sĩ chính của các bệnh nhân Covid-19 cần chăm sóc đặc biệt.
                          Tiến sĩ Scott Isaacs, một bác sĩ chuyên khoa nội tiết tại Atlanta. Ảnh: NY Times
Tiến sĩ Scott Isaacs, một bác sĩ chuyên khoa nội tiết tại Atlanta. Ảnh: NY Times
Rất nhiều người được đào tạo để xử lý các triệu chứng đặc thù và cố gắng bắt kịp diễn biến từ dịch bệnh theo tư vấn của chính phủ và các cơ quan y tế.
"Chúng tôi nghe được nỗi lo lắng từ các chuyên gia, những người chưa biết phải làm gì đối với bệnh nhân của mình. Bác sĩ da liễu, bác sĩ nhãn khoa hay thậm chí cả các nha sĩ", tiến sĩ Megan Ranney, một bác sĩ cấp cứu ở Rhode Island cho biết.
Tiến sĩ Sandra Weber, Chủ tịch Hiệp hội Bác sĩ Nội tiết Lâm sàng Mỹ nhận định, sự bùng phát của Covid-19 đã lập tức cho thấy người dân nước này phụ thuộc nhiều vào các chuyên gia y tế đến thế nào. Không phải ai cũng có bác sĩ cá nhân. Nhiều người dân không thường xuyên đến gặp bác sĩ nội khoa hoặc bác sĩ gia đình.
Khi cảm thấy lo lắng, họ có xu hướng gọi cho chuyên gia liên quan đến bệnh lý cụ thể mình đang có. Các bác sĩ tim mạch, phổi hay phụ sản được cho là rất phù hợp để tư vấn cho bệnh nhân về Covid-19. Song những người ở chuyên khoa khác gặp nhiều khó khăn khi lắng nghe câu hỏi họ không thường giải đáp trước đây.
Tiến sĩ Weber hỗ trợ bệnh nhân bằng cách cung cấp thêm thuốc men phòng trường hợp họ phải tự cách ly. Trong khi đó các bác sĩ tâm thần, đặc biệt là tại các khu học xá phải đối mặt với hàng loạt câu hỏi như đường lây nhiễm tiềm năng của virus. Khối lượng công việc, lịch học của họ cũng dày hơn.
Đối với Gauri Khurana, một bác sĩ tâm thần chủ yếu làm việc với sinh viên đại học, các câu hỏi liên quan đến Covid-19 khiến cô gặp nhiều khó khăn. Sinh viên có xu hướng lo lắng về yêu cầu tốt nghiệp hoặc sức khỏe cá nhân, liệu họ có khả năng mắc bệnh hay không.
"Tôi không nghĩ nhiều người trong số họ có bác sĩ cá nhân và ở thời điểm này, mọi người đều hoảng loạn, tự hỏi điều gì sẽ xảy ra. Có những bệnh nhân muốn bỏ học, chuyển đến Canada. Họ cảm thấy biết ơn đối với bất cứ lời khuyên nào, đặc biệt là từ một bác sĩ bởi giờ có quá nhiều thông tin sai lệch", cô nói.
Chính vì vậy tiến sĩ Khurana liên tục đọc các bài báo về nCoV, cố gắng hết sức để tư vấn cho các bệnh nhân của mình. Một số phương án được đề xuất bao gồm sử dụng thẻ tín dụng thay vì tiền mặt, đeo găng tay khi đi ra ngoài, mang theo vật dụng cá nhân…
                        Tiến sĩ Rajeev Jain, một bác sĩ tiêu hoá ở Dallas. Ảnh: NY Times

Tiến sĩ Rajeev Jain, một bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa ở Dallas đã điều trị cho lượng lớn bệnh nhân bị rối loạn tự miễn dịch. Để giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm cho họ, Jain đã huỷ bỏ một số buổi hẹn khám không cần thiết. Phần lớn thời gian ông trả lời các cuộc gọi từ bệnh nhân. Nhiều người thắc mắc liệu họ có nên ngừng sử dụng thuốc ức chế miễn dịch hay không. Sau khi tham khảo lời khuyên chung từ các hiệp hội tiêu hoá Mỹ, bác sĩ Jain cho rằng bệnh nhân nên tiếp tục điều trị bình thường.
Ông lo lắng nếu ngừng dùng thuốc, bệnh nhân có thể nhiễm các bệnh khác và phải nhập viện.
"Hiện tại đó là nơi chứa nhiều virus nhất. Đây là điều cuối cùng mà tôi muốn làm", ông nói.
Khi các bác sĩ chuẩn bị tinh thần bước vào một giai đoạn ngày càng khó khăn, đại diện các hiệp hội y tế cho biết họ đang nhanh chóng phát triển và phân bổ các nguồn lực để hỗ trợ công tác điều trị cho bệnh nhân.
Patrice Harris, Chủ tịch Hiệp hội Y khoa Mỹ cho biết đơn vị này đã phát triển một trung tâm tài nguyên trực tuyến về Covid-19 nhằm hướng dẫn các bác sĩ. Bà cũng nói thêm rằng hiệp hội đã nhận thức được khó khăn còn tồn tại và cố gắng giải quyết tình trạng thiếu thiết bị bảo hộ, bao gồm khẩu trang N95.
Dịch bệnh quét qua, nhiều cơ sở y tế đối mặt với những vấn đề không thể lường trước. Bác sĩ Isaacs cho biết phòng khám của ông đã 4 lần bị cướp khẩu trang, khăn diệt khuẩn và dung dịch khử trùng.
Trong khi đó, tiến sĩ Supriya Mahajan, chuyên gia thần kinh tại một phòng khám tư nhân ở Ohio cho biết cô phải đối mặt với tổn thất tài chính khi chuyển hầu hết các cuộc hẹn khám trực tiếp sang điều trị từ xa.
Dù gặp nhiều khó khăn, hầu như các y bác sĩ vẫn đặt lợi ích của bệnh nhân lên trước.
"Tôi đã nhắc nhở bản thân về việc vì sao mình chọn ngành y tế ngay từ đầu. Tôi cần phải cố gắng và làm hết những gì có thể để giúp đỡ các bệnh nhân", tiến sĩ Rajeev Jain chia sẻ.
Ngày 29/3, Mỹ tiếp tục là vùng dịch lớn nhất với 123.313 ca nhiễm, 2.211 ca tử vong và 3.231 người hồi phục. Số ca tử vong ở Mỹ đã tăng gấp đôi chỉ trong ba ngày, bao gồm một trẻ sơ sinh ở thành phố Chicago. New York, Washington và California là ba bang chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.
Thục Linh (Theo NY Times)