Thứ Sáu, 6 tháng 3, 2020

CANH BẠC TRĂM TRIỆU USD TỪ ĐIỀU CHẾ VACCINE ĐẾN THỬ THUỐC COVID-19

Tìm ra phương pháp phòng ngừa và điều trị Covid-19 là quá trình đầy khó khăn, dù thành công cũng chưa chắc đem lại “quả ngọt”.
Lịch sử phát triển vaccine không phải chặng đường bằng phẳng. Hai thập kỷ qua, nhân loại chứng kiến hai dịch bệnh chết chóc đều truyền từ động vật sang người là Ebola và Zika. Bệnh Ebola đã giết chết một nửa số người lây nhiễm, trong khi đó Zika làm tổn thương trẻ nhỏ trước khi chào đời.
Các hãng dược đầu tư hàng tỷ USD để nỗ lực bảo vệ những nhóm người dễ bị mầm bệnh ảnh hưởng nhất, song không có nhiều cơ hội gặt hái thành quả. Chưa có gì đảm bảo Covid-19 không diễn biến theo hướng tương tự. Nhưng các nhà khoa học vẫn đẩy nhanh quá trình nghiên cứu.
                                                                           Nhà khoa học tại Israeli làm việc trong phòng thí nghiệm ngày 1/3 để điều chế vaccine chống Covid-19. Ảnh: AFP
Nhà khoa học tại Israel làm việc trong phòng thí nghiệm ngày 1/3 để điều chế vaccine chống Covid-19. Ảnh: AFP.
Kể từ tháng 1, không lâu sau khi dịch bệnh bùng phát, Trung Quốc đã công bố trình tự gene của virus, đặt nền móng cho giới chuyên gia trong công cuộc tìm ra vaccine và biện pháp điều trị. Hơn 200 thử nghiệm lâm sàng được thực hiện, từ tổ hợp thuốc kháng HIV và cúm cho tới huyết tương chứa kháng thể của bệnh nhân đã hồi phục.
Nhiều hãng dược sẵn sàng đánh cược để đầu tư cho việc sản xuất vaccine, bất chấp những bài học từ quá khứ. Trong đợt bùng phát dịch Ebola, các nhà khoa học mất tới một năm để tìm ra vaccine, song không thu được lợi nhuận. Trong khi đó thuốc để điều trị căn bệnh này là Zmapp thậm chí chưa vượt qua thử nghiệm lâm sàng.
Vaccine cho Zika chỉ được dùng trên một vài người. Năm 2009, vaccine cúm lợn được phát triển một cách chóng mặt nhưng không đuổi kịp tốc độ lây lan của bệnh. Vụ dịch nhanh chóng tự suy yếu, các quốc gia đặt hàng lượng thuốc lớn buộc phải phá hợp đồng.
Phát triển một loại thuốc mới trong một đại dịch là vô cùng khó khăn và tốn kém. Song chính phủ Mỹ cho biết điều này sẽ thay đổi. Cơ quan Nghiên cứu và Phát triển Y sinh nước này cam kết tài trợ cho một số nghiên cứu.
Merck & Co là hãng dược lớn duy nhất vẫn sở hữu vaccine cho mầm bệnh mới. Vaccine Ebola của hãng này vừa được chấp thuận vào năm ngoái. Song hãng không tham gia vào cuộc đua chống Covid-19 năm nay.
Người đứng đầu hãng dược này cảnh báo, nếu dịch bệnh phát triển theo hướng tiêu cực như giới chức y tế lo ngại, cần đảm bảo mọi người đều được tiêm phòng đầy đủ. Nhưng không phải bệnh nhân nào cũng biểu hiện triệu chứng nghiêm trọng. Như vậy vaccine phải tuyệt đối an toàn để sử dụng cho cả những người khỏe mạnh. Đây sẽ là hành trình dài.
"Tôi rất thận trọng trong việc hứa hẹn về độ thành công và kịp thời của vaccine. Chúng tôi chưa từng sản xuất vaccine cho toàn thế giới", Julie Gerberding, cựu giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC), nói. Bà từng làm việc trong đại dịch SARS năm 2003.
Theo ông Anthony Fauci, Giám đốc Viện Dị ứng và Bệnh Truyền nhiễm Quốc gia, với tốc độ hiện tại, sẽ mất khoảng một năm để biết liệu quy trình điều chế có hiệu quả hay không. Trong 6 tháng tới, nếu virus lây lan rộng rãi và kết quả sơ bộ có triển vọng, ông cho biết sẽ kêu gọi các hãng dược nhanh chóng sản xuất "chấp nhận rủi ro".
"Có nghĩa là phải đầu tư hàng trăm triệu USD để phát triển một thứ mà bạn chỉ hy vọng là sẽ hiệu quả, không có bằng chứng rõ ràng. Nếu thấy được sự lây truyền bền vững từ người sang người, chúng tôi sẽ thúc đẩy quá trình này chấp nhận rủi ro", ông nói.
Các nhà sản xuất và giới chức y tế kỳ vọng tìm ra phương pháp điều trị Covid-19 dựa trên các loại thuốc sẵn có, từng dùng cho bệnh khác bao gồm cúm, HIV... Song nhiều nghiên cứu cho thấy loại thuốc đầu tiên được đưa vào sử dụng cho một căn bệnh mới thường không hiệu quả.
Zmapp từng được thử nghiệm trong đợt dịch Ebola năm 2014 là ví dụ điển hình. Ban đầu, thuốc đáp ứng các tiêu chuẩn, làm giảm tỷ lệ tử vong. Tuy nhiên kết quả sau 5 năm không như các nhà khoa học kỳ vọng. 49% người dùng thuốc vẫn qua đời vì căn bệnh.

Nhà khoa học cất thuốc thử phát hiện nCoV tại VũThanh, phía bắc thành phố Thiên Tân của Trung Quốc. Ảnh: Shutterstock
Nhà khoa học cất thuốc thử phát hiện nCoV tại VũThanh, phía bắc thành phố Thiên Tân của Trung Quốc. Ảnh: Shutterstock
Bên cạnh đó, bất cứ loại thuốc nào cũng có tác dụng phụ, đôi khi khá nghiêm trọng. Theo nghiên cứu của Tạp chí của Hiệp hội Y khoa Mỹ, trong 5 bệnh nhân Singapore được sử dụng thuốc HIV AbbVie để điều trị Covid-19, 3 người có dấu hiệu hồi phục, hai người còn lại tiếp tục chuyển biến xấu. Chỉ một người có thể chịu được các phản ứng phụ.
Trở ngại lớn nhất trong quá trình phát triển phương pháp phòng ngừa và điều trị Covid-19 là tốc độ và quy mô lây nhiễm toàn cầu. Trong đợt dịch SARS, virus lây lan nhanh chóng trong vòng 9 tháng, sau đó tự suy yếu, một phần nhờ vào nỗ lực và hợp tác quốc tế.
"Một vấn đề trong việc phát triển phương pháp điều trị là bạn cần các bệnh nhân dương tính để thử nghiệm chúng", Matt Frieman, người điều hành phòng thí nghiệm chuyên nghiên cứu về virus corona tại Đại học Y Maryland cho biết.
Nếu hiệu quả, ngành công nghiệp dược phẩm sẽ có được nhiều lợi nhuận. Thuốc Tamiflu điều trị cúm lợn của công ty Roche Holding AG đem lại nguồn thu 3 tỷ USD vào năm 2009. Bệnh nhân phục hồi chỉ sau một đến hai ngày sử dụng.
"Không có lối tắt, chỉ có khoa học. Mỗi virus đều có điểm yếu. Chúng tôi có những phương án hiệu quả nhắm đến những điểm yếu đó. Chúng tôi biết mình đang làm gì và cố gắng đẩy nhanh tốc độ nhất có thể", ông Frieman cho biết.
Thục Linh (Theo Bloomberg)


Không có nhận xét nào: