Ảnh qua NTD
Người xưa dạy “Bách thiện hiếu vi tiên” (trong trăm điều thiện thì hiếu đứng đầu), bởi vậy văn hóa truyền thống từ bao đời nay vẫn luôn đề cao chữ “hiếu”. Những người lương thiện hiếu thuận với song thân ắt sẽ được Trời xanh bảo hộ.
Trong cuốn “Tập phúc tiêu tai chi đạo” có ghi chép khá nhiều câu chuyện về lòng hiếu thảo, trong đó có bách tính bình dân, cũng có quan lại quyền quý, đều nhờ biết kính trọng và phụng dưỡng cha mẹ mà nhận được thiện báo.
Hiếu thuận với người mẹ mù lòa, đắc được đại công danh
Thôi Miện là người con hiếu thuận bẩm sinh. Hai mắt của mẫu thân ông đều bị mù, ông chạy chữa khắp nơi nhưng vô vọng. Thế là ông ở bên cạnh mẫu thân, phụng dưỡng bà suốt 30 năm, vô cùng cung kính, cẩn trọng. Ngay cả tối đến ông cũng không dám cởi mũ và áo khoác, để tiện trở dậy hầu hạ mẫu thân bất cứ lúc nào.
Mỗi khi thời tiết đẹp hay buổi sáng khung cảnh mỹ lệ, ông chắc chắn sẽ dìu mẫu thân ra ngoài dạo chơi, hoặc tới thăm hỏi bạn bè, thân thích, cười cười nói nói với mọi người, để mẫu thân có thể quên đi nỗi thống khổ vì mù lòa.
Sau này, mẫu thân qua đời, Thôi Miện thương tâm tới mức thổ huyết. Suốt đời ông nguyện làm người theo ý nguyện của mẫu thân vậy. Ông yêu thương huynh trưởng, chị gái, giống như yêu kính mẫu thân. Ông coi cháu trai, cháu ngoại như con cái của mình. Bổng lộc có được ông đều chia cho người thân, và nói: “Mẫu thân đã qua đời, ta không còn cách nào biểu đạt lòng hiếu thuận với mẫu thân. Còn nhớ khi người còn tại thế, luôn canh cánh trong lòng thương nhớ 5 người là huynh trưởng, chị gái, các cháu trai và cháu ngoại. Cho nên ta phải hậu đãi họ thật tốt, làm vậy có lẽ có thể an ủi được vong linh của mẫu thân trên thiên thượng!”
Sau này, Thôi Miện làm quan tới chức Trung Thư Thị Lang. Thôi Hựu Phủ, con trai ông trở thành một vị tể tướng hiền minh.
Người như Thôi Miện, quả thực là một bậc hiếu tử chân chính! Khi mẫu thân còn tại thế, có thể tận tâm khiến bà sống vui vẻ. Khi mẫu thân qua đời, vẫn có thể hoàn thành được tâm nguyện của bà. Vì ông tận hiếu với mẫu thân nên mới xứng có được công danh to lớn như vậy.
Thần giúp hiếu tử, lấy lại đất trồng Hạnh Nhân
Lữ Thăng thời nhà Minh từ nhỏ đã mất mẹ. Ông phụng dưỡng phụ thân vô cùng hiếu thuận. Phụ thân do tuổi cao, nên nửa đêm thường thức dậy đi tiểu, Lữ Thăng bèn ngủ cùng phụ thân, để tiện hầu hạ. Hằng đêm Lữ Thăng đều thức giấc 4, 5 lần, đưa cha già cao tuổi đi tiểu tiện.
Một năm nọ, gặp cảnh binh đao loạn lạc, đạo tặc hoành hành khắp nơi, Lữ Thăng bèn cõng cha trốn vào trong núi, đi được nửa đường thì gặp đám cướp hung bạo. Nhưng những tên cướp này sớm đã nghe danh hiếu thuận của Lữ Thăng, vô cùng cảm động, nên không gây khó dễ cho hai cha con ông.
Cha của Lữ Thăng bình thường rất thích ăn một loại Hạnh Nhân có vị ngọt. Lữ Thăng vì vậy mà trồng rất nhiều Hạnh Nhân gần nhà. Nhưng đất trồng Hạnh Nhân sau này lại bị hàng xóm chiếm mất.
Lữ Thăng bất lực, bèn viết một tấu chương, bẩm báo với Thần linh, cầu xin Thần giúp đỡ. Thần linh bèn khiển trách người hàng xóm, khiến cho người nhà của y đổ bệnh, và ra chỉ dụ rằng rằng: “Ngươi hãy ngay lập tức trả lại đất trồng Hạnh Nhân cho hiếu tử Lữ Thăng!”
Mãi tới khi người hàng xóm chiếm đất này trả lại đất trồng Hạnh Nhân cho Lữ Thăng, Thần linh mới khiến người nhà của y khỏi bệnh.
Trước sảnh nhà hiếu tử mọc cỏ thơm
Lý Quýnh Tú thời nhà Đường sinh ra đã hiếu thuận. Mẫu thân ông xuất thân nghèo hèn, vợ ông lại xuất thân phú quý, không nguyện ý hiếu thuận với mẹ chồng, và thường cậy thế trách mắng tì nữ trong nhà. Mẫu thân ông nghe thấy, trong lòng rất không vui.
Lý Quýnh Tú khuyên bảo vợ, muốn nàng ta khoan dung, nhân hậu và hiền thục hơn, nhưng nàng ta không chịu nghe theo. Lý Quýnh Tú bèn bỏ vợ. Có người hỏi ông: “Rốt cuộc là vì chuyện gì mà ông lại bỏ vợ?”
Ông nói: “Mục đích ta lấy vợ là muốn thê tử phụng dưỡng mẫu thân! Nhưng nàng ta không thể vui vẻ đối đãi với kẻ dưới, lại càng không muốn tận tâm tận lực phụng dưỡng mẹ chồng. Vậy thì, một người con dâu như vậy, sao có thể giữ nàng ta lại trong nhà?”
Tấm lòng hiếu thuận của Lý Quýnh Tú đã cảm động Trời xanh. Vì vậy trước sảnh nhà ông mọc lên cỏ thơm. Đường Trung Tông biết chuyện, bèn vì chuyện này mà hạ chiếu, khen ngợi đức hiếu thuận của ông.
Thượng Đế ban thưởng cho Ngô hiếu phụ
Thời nhà Tống có một người phụ nữ hiếu thuận họ Ngô (Ngô hiếu phụ), chồng mất sớm, lại không có con. Nhưng nàng hầu hạ mẹ chồng vô cùng hiếu thuận. Mẹ chồng tuổi cao, hơn nữa mắt lại có bệnh, nghĩ tới con dâu cô độc một mình, bèn nhận một người con nuôi, muốn gả nàng cho người đó.
Ngô hiếu phụ khóc nói với mẹ chồng rằng: “Từ xưa tới nay, liệt nữ không thờ hai chồng. Con đương nhiên nên dốc sức hầu hạ mẹ, xin mẹ yên tâm.”
Ngô hiếu phụ làm những công việc chân tay nặng nhọc cho nhà hàng xóm, kiếm chút tiền nuôi mẹ già. Thi thoảng có người tặng nàng đồ ăn ngon, nàng bèn mang về nhà cho mẹ chồng ăn. Một lần nọ, nàng nấu cơm chưa chín, thì mẹ của người hàng xóm có việc gấp, gọi nàng qua giúp. Mẹ chồng lo rằng cơm nấu quá lâu, sẽ bị cháy, bèn cho cơm vào trong hộp. Nhưng vì mắt nhìn không rõ, trên thực tế lại đổ cơm vào trong thùng rác.
Ngô hiếu phụ về nhà, nhìn thấy cũng không hỏi, mà vội vàng sang nhà hàng xóm xin ít cơm cho mẹ chồng ăn. Sau đó nàng dùng nước rửa sạch cơm bẩn, nấu lại để mình ăn.
Một hôm, nàng đột nhiên mơ thấy hai vị đồng tử mặc áo màu thanh thiên, cưỡi mây tới, đến trước mặt nàng, trong tay cầm thẻ bài nói rằng: “Chúng ta phụng ngọc chỉ của Thượng Đế, tới triệu mời Ngô hiếu phụ tấn kiến.”
Ngô hiếu phụ đến gặp Thượng Đế, Thượng Đế nói với nàng rằng: “Ngươi chỉ là một phụ nữ nông thôn, lại có thể nhọc nhằn, tận tâm phụng dưỡng mẹ chồng, quả thực khiến người khác phải kính trọng! Do vậy ta thưởng cho ngươi 1.000 quan tiền, mang về phụng dưỡng mẹ chồng. Từ nay về sau, ngươi sẽ không bao giờ phải làm việc chân tay nặng nhọc vất vả, kiếm tiền nuôi gia đình nữa.” Nói rồi lệnh cho hai tiểu đồng áo xanh đưa Ngô hiếu phụ về nhà.
Ngô hiếu phụ vừa tỉnh giấc, thì phát hiện thấy trên đầu giường quả nhiên có 1.000 quan tiền. Hơn nữa hễ dùng hết thì đầu giường lại xuất hiện 1.000 quan tiền khác, tuần nào cũng vậy, không bao giờ dứt!
Thế Di
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét