“Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận,
Đình tiền tạc dạ nhất chi mai.”
(Mãn Giác thiền sư, đời Lý)
Tết Nguyên đán sắp đến, chúng ta sống thêm một năm xa quê hương nữa. Nhớ đến ngày Tết ở quê nhà thuở trước, mọi người đều rộn rã vui mừng đón chào một mùa xuân mới:
“Thịt mở dưa hành câu đối đỏ
Cây nêu tràng pháo bánh chưng xanh”
Và trên hè phố tấp nập người qua lại, hình ảnh ông đồ già ngồi viết những vần thơ chúc Tết , cũng không thể thiếu trong bức tranh Xuân.
“Mỗi năm hoa đào nở
Lại thấy ông đồ già
Bày mực tàu giấy đỏ
Bên phố đông người qua…”
Vũ đình Liên ( Ông Đồ)
Chúng ta đang sống ở Canada, chúng ta đón xuân trong tiết trời buốt giá mùa đông , cây cối trơ cành, không gian bao phủ màu tuyết trắng. Cảnh lạnh lẻo nầy, làm chúng ta luyến nhớ những ngày nắng ấm ở quê nhà. Hơi ấm và hương vị thơm tho từ tách trà lan toả, có làm ấm lòng của những kẻ tha hương?
Uống trà, đọc thơ, ngâm thơ, chăm sóc chậu hoa thủy tiên… là một trong những thú vui tao nhã của người mình.
Bây giờ, chúng ta thử tìm lại hương Thiền trong những bài thơ Xuân…
Thơ Thiền là một loại thơ triết lý mà các thiền sư khi sáng tác đều có chuyên chở trong đó cái đạo vị thâm thuý của triết lý nhà Phật, về cuộc đời và người đời. Thơ Thiền, nói chung là một cánh rừng đầy kỳ hoa dị thảo, luôn luôn toả hương tịnh yên và thoát tục.
Thiền sư Mãn Giác ( ở vào thời Lý trong lịch sử nước ta) đã nhìn cảnh xuân rồi gửi gấm tâm tư của mình qua bài thơ Xuân như sau:
“ Xuân khứ bách hoa lạc
Xuân đáo bách hoa khai
Sự trục nhản tiền quá
Lảo tùng đầu thượng lai
Mạc vị Xuân tàn hoa lạc tận,
Đình tiền tạc dạ nhất chi mai.”
Mãn Giác thiền sư ( Xuân )
dịch:
“Xuân đi trăm hoa rung
Xuân đến trăm hoa cười
Trước mặt việc đi mãi
Trên đầu già đến rồi
Chớ bảo xuân tàn hoa rụng hết
Đêm qua sân trước một cành mai”
Ngô Tất Tố dịch ( Xuân )
Thiền sư Mãn Giác đã nhìn thấy cảnh Xuân và đã nhận định rằng thời gian và không gian là một dòng sinh diệt, biến chuyển luôn luôn . Mùa Xuân đến rồi mùa Xuân đi, mùa Xuân đi rồi thì hết mùa xuân. Hoa nở rồi hoa tàn, hoa tàn rồi hoa rụng. Việc gì ở đời đã xảy ra , rồi nó cũng sẽ qua, qua rồi cũng mất. Ngay cả con người cũng bị dòng sinh diệt của thời gian và không gian lôi cuốn:
“Xuân khứ bách hoa lạc,
Xuân đáo bách hoa khai..
Sự trục nhản tiền quá
Lảo tùng đầu thượng lai”
Mãn Giác thiền sư ( Xuân)
Nhưng đứng trước dòng sinh diệt, cũng đừng khẳng định rằng mùa Xuân đi rồi thì hoa rụng hết, vì đêm qua vẫn còn vương lại một cành mai nở ở trong sân chùa thanh tịnh mà thiền sư đang trụ trì. “Một cành mai”( nhất chi mai) ấy tức là cái “ chơn tâm” cái gì tốt đẹp vẫn trường tồn, vẫn vĩnh cửu trước dòng sinh diệt của thời gian:
“Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận,
Đình tiền tạc dạ nhất chi mai.”
Khái niệm về cuộc đời vô thường là một dấu ấn của triết lý đạo Phật. Sau ngày đạo Phật ra đời , trong triết học Tây phương có một triết gia là Heraclite cũng đã chủ trương mọi vật đều di chuyển như một dòng nước. Heraclite đã để lại câu nói thời danh là:
“ Bạn không thể nào bước vào hai lần trong cùng một dòng sông; vì nước mát luôn luôn trôi chảy qua người bạn. Mỗi ngày mặt trời đều đổi mới.” “ You cannot step twice into the same river; for fresh waters are ever flowing in upon you. The sun is new every day”…
Thiền sư Quang Giác ( đời nhà Tống bên Trung Hoa) nhân khi mùa Xuân đến, thì nhớ lại ngày nào mình vẫn còn niên thiếu mà bây giờ tuổi đời đã bảy mươi, thời gia trôi quá nhanh như dòng nước chảy và vấn đề sinh tử là một vấn đề mà con người không thể nào tránh khỏi . Thầy viết:
“Khứ niên phùng thanh xuân
Châu nhan ánh đào lý
Kim niên phùng thanh xuân
Bạch phát yểm song nhỉ
Nhân sanh thất thập niên
Tất nhược đồng lưu thủy
Bất liễu bản lai tâm
Sanh tử hà do ly”
Dịch:
“ Năm trước gặp thanh xuân
Má hồng khoe đào lý
Năm nay gặp thanh xuân,
Tóc bạc đầy cả mái
Người đời tuổi bảy mươi
Nhanh như dòng nước chảy
Chẳng ngộ tâm xưa nay,
Sanh tử làm sao khỏi”
Thích Thanh Từ thiền sư dịch