Nói đến Bát-nhã (Trí
huệ), các luận thường phân làm ba: Bát-nhã văn tự, Bát-nhã quán chiếu, và
Bát-nhã thật tướng. Bát-nhã văn tự là sự nghiên cứu ở cấp độ ý thức những bản
văn của hệ thống Kinh Bát-nhã. Sự nghiên cứu này chưa đủ để đi vào Bát-nhã,
phải thực hành Bát-nhã. Bát-nhã quán chiếu là sự thực hành Bát-nhã để đạt đến thật
tướng của Bát-nhã, tức là tánh Không.
Chân lý, hay thực tại,
đối với người Hy Lạp cổ là aletheia, lột bỏ sự che đậy, vén màn. Nhưng chân
lý hay thực tại thì không tự che đậy, không phủ màn. Sơ tổ Vô Ngôn Thông đã nói
về chân lý hay thực tại: “Không từng che dấu”, và “Khắp tất cả chỗ”. Thế thì sự
che đậy, phủ màn này là do chúng ta. Chính chúng ta tự bịt mắt mình bằng những
lớp màn chấp ngã chấp pháp để cái thấy về thực tại bị khúc xạ, méo mó, phân
mảnh.
Sự quán chiếu của
Bát-nhã là để lột bỏ những tấm màn ấy, đang ngăn che chúng ta với thực tại của
mọi sự vật là tánh Không, bởi vì sự vật thì từ vô thủy đến vô chung vẫn chính
là tánh Không: “Sắc tức thị Không, Không tức thị sắc”. Sự vật vẫn bình thường
là tánh Không như vậy. Nhưng chính sự bất bình thường của tâm, chính những bệnh
tật trong tâm của chúng ta khiến cho chúng ta thấy sắc chẳng phải là Không,
Không chẳng phải là sắc. Vậy thì Bát-nhã quán chiếu là chỉnh sửa lại cái thấy
cho đúng, thấy không điên đảo méo mó. Cái thấy đúng (chánh kiến) này giải thoát
chúng ta khỏi những bất bình thường, những bệnh tật thấy biết sai lầm của chúng
ta, cũng những thứ này nuôi dưỡng cho thế giới khổ đau sanh tử của chúng ta.
Dùng thuật ngữ hiện
đại thì Bát-nhã quán chiếu là giải cấu trúc, giải kiến lập (déconstruire) hệ
thống những mê lầm vô minh của chúng ta.
Tác phẩm Trung Đạo
luận hay Trung luận của Bồ-tát Long Thọ là một luận giải về tánh
Không. Nhưng thật ra, 27 phẩm của cuốn luận là 27 pháp quán để thấy ra tánh
Không: quán nhân duyên, quán sự đến đi, quán sáu giác quan, quán năm ấm, quán
sự nhiễm ô và người nhiễm ô, cho đến quán có không, quán Niết-bàn, quán 12 nhân
duyên… Những chữ “quán” này ngài Cưu-ma-la-thập phần nhiều dịch thành chữ
“phá”: phá nhân duyên, phá sự đến đi, phá sáu giác quan… Quán các tướng là để
phá các tướng do vọng chấp phân biệt tạo thành. Khi các giả tướng tiêu trừ đến
đâu thì thật tướng tánh Không hiện ra đến đó.
Kinh Đại Bát-nhã
có rất nhiều pháp quán chiếu, đủ mọi góc cạnh, đủ mọi phương diện, đủ mọi đối
tượng, cho đủ mọi khuynh hướng cá nhân. Ở đây chúng ta chỉ trích ra vài pháp
quán trong phẩm Vô Sanh thứ 26, để thấy con đường Văn, Tư, Tu của
Bát-nhã, để nghiên cứu, tư duy và thực hành Bát-nhã hầu thể nhập tánh Không.
Tánh Không này là Nền
tảng của mọi bậc thánh Thanh văn, Độc giác, Bồ-tát và Phật. Tánh Không là Nền
tảng của mọi tông phái Phật giáo. Phẩm Vô Sanh nói:
“Bát-nhã ba-la-mật hay
sanh và dung chứa tất cả pháp lành của Thanh văn, Độc giác Phật, Bồ-tát và
Phật”.
Phẩm Vô Sanh
bắt đầu từ những câu hỏi căn bản của ngài Xá-lợi-phất hỏi ngài Tu-bồ-đề trước
sự hiện diện của Đức Phật:
“Đại Bồ-tát thực hành Bát-nhã
ba-la-mật quán các pháp. Những gì là Bồ-tát? Những gì là Bát-nhã ba-la-mật?
Những gì là quán?
Ngài Tu-bồ-đề nói: Vì Vô
thượng chánh đẳng chánh giác mà phát đại tâm, người này gọi là Bồ-tát. Người
này cũng biết tất cả tướng tất cả pháp mà chẳng bám nắm, biết tướng của sắc cho
đến biết tướng của các pháp bất cọng nhưng cũng chẳng bám nắm”.
Phát Bồ-đề tâm, muốn đạt
đến tánh Không để cứu độ chúng sanh là con đường Bồ-tát. Bồ-đề tâm gồm đủ cả
giới và hạnh của Bồ-tát, gồm cả bi và trí. Tất cả giới hạnh ấy phải được tiến
hành trong sự không bám nắm, nghĩa là trong sự tương ưng với tánh Không. Bồ-đề
tâm tương đối do có phát nguyện, có thực hành này dần dần thể nhập vào Bồ-đề
tâm tuyệt đối, tức là tánh Không.
“Ngài Xá-lợi-phất hỏi:
Những gì là tất cả tướng, tất cả pháp?
Ngài Tu-bồ-đề nói: Nếu
dùng danh tự và các nhân duyên hòa hợp để biết các pháp, đây là sắc, thanh,
hương, vị, xúc, pháp, đây là pháp hữu vi, đây là pháp vô vi. Dùng danh tự ngôn
ngữ để biết các pháp thì gọi là biết tướng của pháp.
Như lời ngài
Xá-lợi-phất hỏi những gì là Bát-nhã ba-la-mật? Vì viễn ly nên gọi là Bát-nhã
ba-la-mật. Những gì là viễn ly? Viễn ly ấm, giới, nhập. Viễn ly ba-la-mật. Viễn
ly Không. Do đây nên viễn ly gọi là Bát-nhã ba-la-mật”.
Các pháp là do danh tự
và những nhân duyên hòa hợp mà có. Không có danh thì không có sự gọi tên phân
biệt sự vật này với sự vật khác. Không có những nhân duyên hòa hợp thì cũng không
có tướng của sự vật. Tướng do những nhân duyên sanh và những nhân duyên diệt
nên tướng không có tự thể, tướng không có tự tánh. Quán thấy các pháp chỉ là danh
tướng, duyên sanh nên vô tự tánh, như vậy là quán tánh Không của tất cả các
pháp. Bát-nhã quán chiếu hay Trí huệ quán chiếu là nhìn thấy thật tướng của tất
cả các pháp, thật tướng đó là tánh Không. Như vậy tánh Không là sự giải thoát
cho tất cả mọi tướng, nghĩa là giải thoát cho sanh tử.
Bắt đầu thấy tánh
Không là bắt đầu viễn ly (xa lìa). Các tướng tiêu dung đến đâu, tánh Không hiện
ra đến đâu thì viễn ly rộng ra đến đó. Viễn ly này là tự động vì tướng không có
thật thì bám nắm cái gì? Mọi pháp có đó, nhưng không cứng đặc, không cốt lõi,
không hình tướng, không có thật, như cầu vồng, như dợn nắng mà tưởng là nước,
như mắt nhặm thấy tóc rủ hay con ruồi trước mặt, như thấy hoa đốm giữa không
trung…
Sự viễn ly này không
chỉ áp dụng cho đối tượng cần viễn ly, mà cho cả chủ thể đang sử dụng những phương
tiện để viễn ly: “Viễn ly ba-la-mật. Viễn ly Không. Lại viễn ly bốn niệm xứ đến
viễn ly mười tám pháp bất cọng, viễn ly Nhất thiết trí. Do đây nên viễn ly gọi
là Bát-nhã ba-la-mật”.
“Những gì là Quán? Lúc
thực hành Bát-nhã ba-la-mật, đại Bồ-tát quán sắc chẳng phải thường chẳng phải vô
thường, chẳng phải vui chẳng phải khổ, chẳng phải ngã chẳng phải vô ngã, chẳng
phải không chẳng phải chẳng không, chẳng phải tướng chẳng phải vô tướng, chẳng
phải tác chẳng phải vô tác, chẳng phải tịch diệt chẳng phải chẳng tịch diệt,
chẳng phải ly chẳng phải chẳng ly. Thọ tưởng hành thức, các ba-la-mật… cho đến Nhất
thiết chủng trí cũng như vậy. Đây gọi là đại Bồ-tát quán các pháp khi thực hành
Bát-nhã ba-la-mật”.
Quán là phá các tướng
do bám nắm phân biệt mà có. Quán là phá các giả tướng để đưa chúng trở về thật
tướng của chúng là tánh Không. Các tướng không còn che đậy thì thực tại tánh
Không và cũng là thực tại tối hậu hiện ra: “Thấy các tướng chẳng phải tướng tức
thấy Như Lai” (Kinh Kim Cương).
“Ngài Xá-lợi-phất hỏi:
Do nhân duyên gì mà sắc chẳng sanh là chẳng phải sắc, cho đến Nhất thiết chủng
trí chẳng sanh là chẳng phải Nhất thiết chủng trí?
Ngài Tu-bồ-đề nói: Sắc
và sắc tướng rỗng không. Trong sắc rỗng không ấy không có sắc cũng không có
sanh, cho đến Nhất thiết chủng trí cũng như vậy. Do đây nên sắc chẳng sanh là
chẳng phải sắc, cho đến Nhất thiết chủng trí chẳng sanh là chẳng phải Nhất
thiết chủng trí”.
Sắc thọ tưởng hành
thức cho đến Nhất thiết chủng trí là rỗng không; rỗng không nên không có chỗ
sanh ra. Sắc cho đến Nhất thiết chủng trí đã chẳng sanh nên chúng không phải là
sắc cho đến Nhất thiết chủng trí. Chẳng sanh thì không có gì để gọi là sắc cho
đến Nhất thiết chủng trí.
Chữ “chẳng phải” ở đây
đồng nghĩa với chữ “chẳng phải” trong câu kinh Kim Cương đã trích dẫn ở
trên.
Quán sắc chẳng sanh,
mà vốn đã chẳng sanh nên chẳng phải sắc, đó là quán chiếu của Bát-nhã ba-la-mật.
“Ngài Xá-lợi-phất hỏi:
Do nhân duyên gì mà nói rằng sắc chẳng hai là chẳng phải sắc, cho đến Nhất
thiết chủng trí chẳng hai là chẳng phải Nhất thiết chủng trí?
Ngài Tu-bồ-đề nói: Có
sắc là có chẳng hai, cho đến có Nhất thiết chủng trí là có chẳng hai. Tất cả
những pháp này chẳng hợp chẳng tan, không sắc, không hình, không đối, một
tướng, tức là không có tướng. Do đây nên sắc chẳng hai là chẳng phải sắc, cho
đến Nhất thiết chủng trí chẳng hai là chẳng phải Nhất thiết chủng trí”.
Sắc là chẳng hai, là vô
tướng. Đã chẳng hai, vô tướng thì đó chẳng phải là sắc.
“Ngài Tu-bồ-đề nói:
Sắc chẳng khác vô sanh, vô sanh chẳng khác sắc. Sắc tức là vô sanh, vô sanh tức
là sắc. Do đây nên sắc ở trong không có hai. Cho đến Nhất thiết chủng trí cũng
như vậy”.
Sắc là vô sanh cho đến
tất cả các pháp là vô sanh. Đây là cái thấy giải thoát của Bát-nhã.
“Bấy giờ ngài Tu-bồ-đề
bạch với Đức Phật: Bạch Thế Tôn! Nếu đại Bồ-tát thực hành Bát-nhã ba-la-mật mà
quán các pháp như vậy thì thấy sắc là vô sanh, vì rốt ráo thanh tịnh vậy. Thấy thọ
tưởng hành thức vô sanh, vì rốt ráo thanh tịnh vậy. Cho đến thấy Phật và Phật
pháp vô sanh vì rốt ráo thanh tịnh vậy”.
Vì tất cả các pháp là vô
sanh cho nên tất cả đều rốt ráo thanh tịnh, nghĩa là chưa từng bị nhiễm ô bởi sanh
tử. Tại sao chưa từng bị nhiễm ô bởi sanh tử? Bởi vì trong Bát-nhã quán chiếu
thì sanh tử là vô sanh, chưa từng sanh ra nên chẳng có sự nhiễm ô và cái gì bị nhiễm
ô cả.
“Ngài Tu-bồ-đề nói với
ngài Xá-lợi-phất: Tôi chẳng nghĩ pháp vô sanh có sở đắc. Tôi cũng chẳng nghĩ
trong pháp vô sanh có được quả Tu-đà-hoàn, cho đến có được quả Độc giác Phật.
Tôi cũng chẳng cho rằng trong pháp vô sanh có Bồ-tát làm việc khó làm là chịu
khổ cho chúng sanh, Bồ-tát cũng chẳng dùng tâm khó làm để hành đạo. Tại sao
vậy? Vì nếu sanh tâm khó tâm khổ thì chẳng có thể lợi ích cho vô lượng vô số
chúng sanh.
Này ngài Xá-lợi-phất!
Ở đây Bồ-tát thương xót chúng sanh. Với chúng sanh, Bồ-tát tưởng như cha mẹ anh
em con cháu, cũng tưởng như thân mình. Thế nên Bồ-tát có thể lợi ích vô lượng vô
số chúng sanh, vì chỗ dụng vô sở đắc vậy.
Bồ-tát nên sanh tâm
như thế này: Như ngã là bất khả đắc, nơi tất cả chỗ, tất cả nội pháp ngoại pháp
cũng đều bất khả đắc. Nếu sanh tâm như thế thì Bồ-tát không có tâm khó tâm khổ.
Vì sao thế? Vì Bồ-tát này nơi tất cả chỗ, tất cả pháp đều chẳng lãnh thọ”.
Vì tất cả đều ở trong thật
tướng vô sanh nên sự chứng đắc của các bậc thánh và sự khổ đau của chúng sanh
đều vô sở đắc. Tánh Không có thể hòa giải và hợp nhất hai điều đối nghịch: Sự
tự giải thoát cho mình (Trí huệ) và làm việc cho sự giải thoát của người khác (Đại
bi).
“Ngài Tu-bồ-đề nói:
Đúng như vậy. Theo danh tự thế gian nên có trí, có đắc. Sáu loài sai khác cũng
do danh tự thế gian mà có, chẳng phải đệ nhất nghĩa đế.
Vì sao thế? Vì trong Đệ
nhất nghĩa đế (tánh Không) không có nghiệp, không có báo, không có sanh không
có diệt, không có tịnh không có cấu”.
Nghiệp và nghiệp báo
có ra là do tâm phân biệt dựa trên danh tướng hư vọng, từ ý nghiệp này sanh ra khẩu
nghiệp và thân nghiệp. Khi tâm và danh tướng đều Không, tâm và cảnh đều Không,
thì nghiệp và báo cũng không còn chỗ để mọc mầm, thành cây, ra quả. Ba nghiệp chấm
dứt thì sanh tử chấm dứt vậy.
“Ngài Xá-lợi-phất hỏi
tiếp: Pháp chẳng sanh sanh chăng? Pháp sanh sanh chăng?
Ngài Tu-bồ-đề nói: Tôi
chẳng cho rằng pháp chẳng sanh có sanh, cũng chẳng cho rằng pháp sanh có sanh.
Ngài Xá-lợi-phất hỏi:
Pháp chẳng sanh nào không cho là có sanh?
Ngài Tu-bồ-đề nói: Sắc
là pháp chẳng sanh, tự tánh nó rỗng không chẳng cho là có sanh. Cho đến Vô
thượng Bồ-đề là pháp chẳng sanh, tự tánh nó rỗng không chẳng cho là có sanh”.
‘Cái chẳng sanh cũng
chẳng sanh’, đây là một trong những Văn tự Bát-nhã rốt ráo, Quán chiếu Bát-nhã rốt
ráo và Thật tướng Bát-nhã rốt ráo.
Kinh tiếp tục những
đoạn về Bát-nhã quán chiếu:
“Ngài Xá-lợi-phất hỏi:
Thế nào là các pháp không có chỗ y tựa?
Ngài Tu-bồ-đề nói:
Tánh sắc thường Không, chẳng y tựa trong, chẳng y tựa ngoài, chẳng y tựa trung
gian. Cho đến tánh Nhất thiết trí thường Không, chẳng y tựa trong, chẳng y tựa
ngoài, chẳng y tựa trung gian. Do đây nên tất cả pháp không chỗ y tựa, vì tánh
thường Không vậy”.
Với sự quán sát liên
tục và tinh tế các pháp thường Không, không có chỗ y tựa, danh tướng của chúng
mờ nhạt dần nhường cho tánh Không hiển lộ. Khi những tấm màn che của phiền não
chướng và sở tri chướng đã bị loại bỏ một phần nào, người ta thấy trực tiếp tánh
Không, tức là Đệ nhất nghĩa đế. Thấy trực tiếp, dù còn chưa thật rõ, nghĩa là
từ đây người ta không bao giờ mất Nó nữa, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, thời
gian nào, không gian nào. Dùng chữ của kinh Pháp Hoa, đây gọi là Ngộ. Dùng chữ
của Thiền tông gọi là thấy Tánh. Rồi tiếp tục đi sâu vào và sống trong tánh
Không, thấm nhuần một cách trọn vẹn, đây là Nhập. Đến lúc chỉ còn là sự thanh
tịnh tuyệt đối, vì không còn manh mún nào của phiền não và danh tướng của sanh
tử.
Chúng ta trích một
đoạn về Bố thí ba-la-mật:
“Này ngài Xá-lợi-phất!
Thế nào là sự Bố thí ba-la-mật xuất thế gian? Chính là ba phần thanh tịnh vậy.
Những gì là ba? Lúc bố thí, đại Bồ-tát chẳng thấy có mình, chẳng thấy có người
nhận, chẳng thấy có vật bố thí, cũng chẳng trông mong báo đáp. Đây gọi là đại
Bồ-tát bố thí ba-la-mật ba phần thanh tịnh.
Lại lúc bố thí, đại
Bồ-tát bố thí cho chúng sanh mà không thấy có chúng sanh, đem sự bố thí này hồi
hướng vô thượng bồ-đề, thậm chí không thấy có tướng pháp vi tế nào”.
Bố thí mà an trụ trong
tánh Không thì càng bố thí người ta càng thâm nhập tánh Không. Bố thí là việc
làm phước đức. Không thấy có ba phần nên ba phần thanh tịnh là trí huệ quán
chiếu tánh Không. Cả hai, phước đức và trí huệ, được hợp nhất trong cùng một
quá trình. Nói cách khác, đây là sự hợp nhất của Phương tiện và Trí huệ.
Phần cuối của phẩm Vô
Sanh, chữ “niệm đại bi” được nhắc tới ba lần.
“Người thực hành
Bồ-tát đạo vì cứu tất cả chúng sanh nên tâm chẳng rời bỏ tất cả chúng sanh, bởi
vì chúng sanh vô sở đắc vậy.
Bồ-tát phải thường
chẳng rời niệm này: chính là đại bi niệm”.
Chỉ có trong Bát-nhã
ba-la-mật mới hợp nhất được hai thực tại, mà với thế gian là mâu thuẫn với nhau,
thành một. Đó là tánh Không vô sở đắc và đại bi chẳng rời bỏ chúng sanh.
“Ngài Tu-bồ-đề nói: Vì
chúng sanh không có nên niệm cũng không. Vì chúng sanh tánh Không nên tánh niệm
cũng Không. Vì pháp chúng sanh không có nên pháp niệm cũng không. Vì chúng sanh
ly nên niệm cũng ly. Vì chúng sanh rỗng không nên niệm cũng rỗng không.
Này ngài Xá-lợi-phất!
Vì sắc không có nên niệm cũng không. Vì tánh sắc không có nên tánh niệm cũng
không. Vì pháp sắc không có nên pháp niệm cũng không. Vì sắc ly nên niệm cũng
ly. Vì sắc rỗng không nên niệm cũng rỗng không. Cho đến Vô thượng bồ-đề cũng
như vậy.
Này ngài Xá-lợi-phất!
Đại Bồ-tát thực hành Bồ-tát đạo, tôi mong muốn vị ấy chẳng rời niệm này: chính
là đại bi niệm”.
Sự thấu đạt tánh Không
là Trí. Sự không bỏ chúng sanh là Bi. Trí và Bi phải có từ bắt đầu con đường,
khi phát Bồ-đề tâm. Bồ-đề tâm này là tương đối vì có sanh khởi, tác ý phát
nguyện, nhưng cũng gồm đủ sự song hành của sơ trí và sơ bi. Cho đến khi đạt đến
Bồ-đề tâm tuyệt đối (tức là tâm của các bậc giác ngộ) thì Trí viên mãn và Bi viên
mãn hợp nhất trong Bồ-đề tâm tuyệt đối này.
Chính nhờ tánh Không
mà Bi mới trở thành Đại. Nhờ tánh Không mà lòng bi mới mở rộng vô biên thành đại
bi. Nhờ tánh không vô tự tánh và vô ngại mà có sự hợp nhất trọn vẹn của Trí và
Bi. Một bậc giác ngộ thì có đủ ba thân hợp nhất: Pháp thân là Đại Trí, Báo thân
và Hóa thân là Đại Bi.
Phẩm này kết thúc bằng
đoạn kinh:
“Bấy giờ Đức Phật khen
ngợi: Lành thay, lành thay! Đây chính là Bát-nhã ba-la-mật của đại Bồ-tát. Vị
nào muốn nói thì phải nói như vậy. Tu-bồ-đề nói về Bát-nhã ba-la-mật đều là
tuân thừa ý của Phật. Đại Bồ-tát học Bát-nhã ba-la-mật phải học như lời tôn giả
Tu-bồ-đề nói.
Lúc ngài Tu-bồ-đề nói
phẩm Bát-nhã ba-la-mật, cõi đại thiên chấn động sáu cách.
Bấy giờ Đức Phật mỉm
cười.
Ngài Tu-bồ-đề bạch hỏi
nguyên do.
Đức Phật nói: Này
Tu-bồ-đề! Như ta nói Bát-nhã ba-la-mật tại quốc độ này, chư Phật ở trong vô số vô
lượng quốc độ trong mười phương cũng nói Bát-nhã ba-la-mật như vậy.
Lúc Đức Phật nói phẩm Bát-nhã
ba-la-mật, có mười hai na-do-tha người và trời được Vô sanh pháp nhẫn. Lúc chư
Phật mười phương nói Bát-nhã ba-la-mật cũng có vô lượng vô số chúng sanh phát
tâm Vô thượng Bồ-đề”.
Con đường Bồ-tát, con
đường hợp nhất của Trí và Bi, là con đường thực hành Bát-nhã ba-la-mật. Đây là con
đường chung và phổ quát cho mọi thế giới, mọi cõi để đến giải thoát và giác ngộ.
Nguyễn Thế Đăng
Văn Hóa Phật
Giáo số 166
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét