Thứ Tư, 15 tháng 4, 2020

ĐÔI LỜI VỀ “MÊ TÍN” – “CÂY GẬY ĐÁNH NGƯỜI” TRONG TAY NHỮNG TÍN ĐỒ KHOA HỌC

                                                    Quá trình hình thành và phát triển của Tỉnh hội Phật giáo Long An ...



Rất nhiều người đều hay dùng cụm từ “mê tín”. Khi ai đó nói về một vấn đề mới lạ, một vấn đề tâm linh, một vấn đề mà khoa học vẫn chưa phát hiện hoặc chưa thể kiểm chứng, hay một vấn đề nằm ngoài tri thức hiện tại của nhân loại,… thì đều bị gom lại mà dán nhãn là “mê tín”.

Kỳ thực rất ít người thử nghĩ xem “mê tín” rốt cuộc nghĩa là gì! Có lẽ nếu chịu suy nghĩ về nghĩa của từ “mê tín”, thì hẳn là người ta cũng không dùng nó một cách bừa bãi nữa, bởi lẽ rất nhiều việc trong cuộc sống chúng ta đều đang “mê tín”, và cần “mê tín”.
Không phải cứ tin vào những tà thuyết vô căn cứ thì gọi là “mê tín”. “Mê tín” nghĩa gốc là “tin vào cái gì đó tới mức mê mờ đi”. Điều này cũng tức là nói, nếu bạn quá tin vào người tình của bạn thì là bạn đang mê tín vào người tình, nếu bạn quá tin vào cha mẹ của bạn thì là bạn đang mê tín vào cha mẹ, nếu bạn quá tin vào bạn bè đồng nghiệp thì là bạn đang mê tín vào bạn bè đồng nghiệp, nếu bạn quá tin vào luật pháp thì là bạn đang mê tín vào luật pháp,…
Bản thân từ “mê tín” ấy chỉ đơn giản là quá tin vào điều gì đó mà thôi, không hề mang theo ý xấu hay âm mưu lừa đảo trục lợi gì cả, cũng chẳng phải là chuyện huyền bí ma quái nào cả.
Tin tưởng vào điều gì đó, có bị coi là sai? Các cặp đôi đang yêu nhau mà không tin vào “nửa kia” của mình thì sao có thể hạnh phúc? Trẻ con nếu không tin vào lời cha mẹ và người lớn thì sao có thể tiếp thu giáo dục? Khi đi học mà không tin vào tri thức được học thì còn đi học làm gì?
Bạn bè đồng nghiệp trong một công ty mà không tin lẫn nhau thì sao có thể tạo ra sản phẩm có ích cho xã hội? Cùng một cộng đồng sinh sống mà không tin lẫn nhau thì chẳng phải sẽ xuất hiện hỗn loạn?… Đương nhiên không phải bảo rằng con người ta gặp gì cũng tin, nghe ai nói gì cũng tin, mà chỉ là muốn nói trong cuộc sống sẽ có những vấn đề chúng ta nên tin tưởng và cần tin tưởng.
Hễ tin tưởng rồi, thì chẳng phải chính là “mê tín”? Vậy thì “mê tín” nào phải là điều gì xấu xa lắm đâu! Tại sao cứ nhắc đến điều gì đó mà chúng ta chưa biết rõ thì chúng ta lại kêu rằng “mê tín”, và tại sao cứ nghĩ đến “mê tín” thì chúng ta lại cho là xấu, là lừa gạt?
Kỳ thực do nền giáo dục và tư duy của xã hội thường bị định hướng, khiến chúng ta đôi lúc quan sát vấn đề rất phiến diện, nhiều điều chỉ nhìn một phía đã vội kết luận. Không phải chỉ có nói về chuyện “mê tín”, nhiều vấn đề khác cũng bị quy chụp oan uổng như vậy.
Ví như khi nói đến từ “địa chủ”, bản thân từ “địa chủ” ấy chỉ có nghĩa đơn giản là “chủ đất”, ai có đất cát thì chính là “địa chủ”. Anh có đất thì anh là địa chủ, tôi có đất thì tôi cũng là địa chủ, trong xã hội có rất nhiều người sở hữu đất đai, chẳng phải đều là địa chủ cả sao?
Vậy thì “địa chủ” ở đây có nghĩa gì xấu? Hoàn toàn không có gì xấu cả! Tuy vậy nhiều người cứ nghe đến “địa chủ”, liền liên tưởng tới những tác phẩm văn học hoặc những bài học lịch sử được học ở trường, rồi quy kết thành “địa chủ là giai cấp bóc lột, là bọn giàu có bất lương chà đạp dân nghèo, phía trên thì cấu kết quan lại, phía dưới thì đè đầu cưỡi cổ bóc lột người lao động, bên ngoài thì cấu kết với quân xâm lược để bán nước”,… Đây đều là bị người ta định nghĩa lại một cách có mục đích, bản thân “địa chủ” không mang nghĩa như vậy, và những người là “địa chủ” cũng không nhất thiết đều là người như vậy!
Ví như khi có ai đó nói đến “người nước ngoài”, nhiều người không hề biết là nước gì đã nghĩ ngay “người này đang nói về đế quốc Mỹ và bọn đồng minh của đế quốc Mỹ”.
Ví như khi những người già đang kể về thời ngày xưa của họ, nhiều thanh niên liền nghĩ “họ đang nói về thời phong kiến lạc hậu, nơi mà vua quan thi nhau bóc lột dân lành”.
Ví như khi có học giả nói tới vấn đề đạo đức của Nho giáo, nhiều bạn nữ liền nghĩ “họ đang nói về chuyện trọng nam khinh nữ, họ đang bắt tôi phải tuân thủ tam tòng tứ đức”,…
Đương nhiên “nước ngoài” không nhất thiết chỉ có “đế quốc Mỹ”, “thời phong kiến” không nhất định là lạc hậu, Nho giáo lại càng không phải lúc nào cũng giảng về “trọng nam khinh nữ”, tuy nhiên người ta đều đã quen tư duy như vậy rồi, hễ nghe những cụm từ ấy thì liền cho rằng nó phải là như thế! Đây không phải quy chụp một cách oan uổng thì là gì?
Trở lại vấn đề “mê tín”, “mê tín” quả thật đã bị quy chụp một cách oan uổng bởi những người theo chủ nghĩa vô Thần, khiến cụm từ này trở thành thứ gì đó rất hoang đường, rất dối trá.
Do xã hội đều đã nghĩ như vậy, nên từ “mê tín” này tự nhiên trở thành một thứ vũ khí có sức sát thương rất lớn, tác động rất mạnh lên những người có đức tin, có tín ngưỡng. Hễ ai nói về Thần, về Thiên Chúa, về Phật, về đạo Trời,… người đối diện chỉ cần buông một câu “Mê tín!” là người kia không nói tiếp được, thậm chí còn cảm thấy bị tổn thương.

Tuy vậy, dù bỏ qua mọi vấn đề về người yêu, bạn bè, cha mẹ, pháp luật… đã nêu ở trên, người ta vẫn là đang hằng ngày “mê tín”, chỉ là không nhận ra hoặc không dám thừa nhận mà thôi! Cái “mê tín” này vượt xa mọi “mê tín” vào các tôn giáo, cả người phương Đông lẫn người phương Tây, cả người vô Thần và người luôn công kích tôn giáo, đều đang “mê tín” vào nó chính là “mê tín” vào khoa học.
Thật vậy! Một vấn đề dù vô lý, dù hoang đường đến đâu, chỉ cần viết đằng trước vấn đề đó câu “khoa học đã chứng minh rằng” thì người ta sẽ tin ngay, đông đảo quần chúng sẽ ủng hộ ngay! Đương nhiên có cái là khoa học thật sự đã chứng minh được, nhưng cũng có cái là do người ta tự bịa ra rồi bảo rằng khoa học đã chứng minh, vậy mà rất nhiều người vẫn bị dẫn dắt theo, đây không phải “mê tín” thì là gì?
Ví như trước đây có trang Facebook chỉ viết một câu ngắn gọn “khoa học đã chứng minh kết hôn ở tuổi 26 sẽ hạnh phúc trọn đời”, liền được rất nhiều lượt share và like. Thật ra khoa học đã chứng minh điều này chưa? Là công trình của khoa học gia nào viết? Đăng trên tạp chí nào? Chúng ta hoàn toàn không hề biết! Chỉ một câu đơn giản (và vô lý) như vậy mà người ta cũng tin! Sao không ai lật lại mà suy nghĩ, xã hội có rất nhiều người đã kết hôn ở tuổi 26, nhưng nào phải ai cũng hạnh phúc đâu? Người ta quá “mê tín” rồi!
Dù bỏ qua những chuyện bịa đặt ấy, chỉ tin vào các vấn đề chân chính của các nhà khoa học, ấy cũng vẫn là “mê tín”.
Nếu nghĩ kĩ thì khoa học cũng là một loại tôn giáo: các nhà khoa học đi đầu trong lĩnh vực khoa học nào thì là “giáo chủ” trong lĩnh vực khoa học đó, những định nghĩa họ đặt ra là các “giáo điều”, những nhà khoa học ưu tú là các “giáo hoàng”, những nhà nghiên cứu và giảng dạy khoa học là các “linh mục”, những người không hề có chút thành tựu nghiên cứu khoa học nào mà vẫn tin nó răm rắp thì là các “giáo đồ”. Người ta chính là “mê tín” vào “tôn giáo khoa học”.

Thật ra khoa học là có căn cứ, nhưng nhiều thứ cũng chỉ là ngoại suy…
Người ta có quyền nói rằng họ tin vào khoa học vì nó đúng thực tế chứ không mơ hồ huyền hoặc như tôn giáo? Đúng là vậy! Ví dụ khoa học cho ta biết rằng một trái bóng bàn được ném lên sẽ bay theo quỹ đạo Parabol và rơi xuống đất theo đúng các định luật hấp dẫn của Newton. Có thể kiểm tra dễ dàng điều này, và nó chắc chắn không sai. Nhưng nếu chỉ từ một trường hợp đơn giản này mà kết luận toàn bộ khoa học đều đáng tin cậy, đều là chân lý tuyệt đối, thì cũng chỉ như ngó thấy con cá heo nhảy khỏi nước thì kết luận rằng mọi loài cá đều… biết bay!
Có những thứ người ta hoàn toàn tin một cách mê muội chứ chẳng cách gì biết nó đúng hay không. Ví dụ như các nhà khoa học kết luận rằng proton (hạt hạ nguyên tử) có tuổi thọ là 10^32 năm, hay vũ trụ bắt đầu phân chia thành không gian và thời gian sau Vụ Nổ Lớn khoảng 10^-43 giây (thời gian Planck), vật chất được chia nhỏ nhất là ở mức 10^-33 cm (kích thước nguyên thủy của vũ trụ), một con khỉ ngồi trước màn hình máy tính gõ loạn xạ thì chỉ cần thời gian đủ lớn (tính bằng những con số thiên văn) nó sẽ gõ ra được bất kỳ một tác phẩm văn học nào,…
Những cái đó thì một người không có kiến thức chuyên môn làm sao kiểm chứng được? Nhưng hầu hết mọi người vẫn tin, dù họ chẳng biết bằng cách nào mà các nhà khoa học kết luận được như vậy. Đó chẳng phải là tin một cách mê muội hay sao? Là “mê tín”, và còn hơn cả “mê tín” vào tôn giáo bình thường.
Tóm lại, khoa học cũng là một tôn giáo, và quá tin vào khoa học thì cũng là “mê tín”!
Đương nhiên tác giả bài viết không hề có ý chống đối khoa học, cũng không hề dùng tri thức hạn hẹp của mình để bảo rằng những phát hiện trên của khoa học là sai, chỉ là muốn mượn vấn đề này để chỉ ra rằng thật ra con người ta hằng ngày đều đang “mê tín”, “mê tín” vào rất nhiều thứ, và khoa học chính là thứ điển hình nhất mà ai cũng thấy được.
Qua đó, phần nào có thể khiến người ta nghĩ lại khi dùng cái cụm từ “mê tín” này để tấn công vào đức tin và các tín ngưỡng tâm linh của người khác.
Thế Di

Không có nhận xét nào: