Một việc làm hiếu thảo này sẽ mang tới vận khí tốt cho toàn xã hội, sẽ làm thức tỉnh lòng hiếu thảo tri ân báo ân của nhiều người hơn nữa.
Ngày nay, cuộc sống đã có bước phát triển vượt bậc so với trước đây. Xã hội xuất hiện nhiều đặc điểm riêng và cũng đang tạo ra những điều kiện để mỗi người có thể khẳng định vị trí xã hội, đồng thời khuyến khích họ lao động một cách sáng tạo để nâng cao đời sống mọi mặt của mình. Nhưng cũng lúc này, trong xã hội lại xuất hiện một số hiện tượng không phù hợp tính tích cực xã hội của con người, đặc biệt là không phù hợp các chuẩn mực của đạo đức.
Với lòng hiếu thảo cũng vậy, dư luận đã nhiều lần lên tiếng phê phán gay gắt hành vi 'bất hiếu' của một số cá nhân. Như: người thì hắt hủi, không quan tâm chăm sóc cha mẹ lúc về già; anh em chia nuôi bố mẹ theo lịch hằng tháng; người tranh giành nhà cửa, đất đai, có người đang tâm đánh đập cả cha mẹ...
Tuy nhiên, giữa cuộc sống công nghiệp với bao bộn bề, tất bật nơi thành thị hiện nay, lòng hiếu thảo vẫn được hun đúc qua nhiều cách, nhiều cung bậc và luôn lắng sâu như dòng chảy trong mỗi người con...
Câu chuyện cô bé Trung Quốc ngày nào cũng cố ăn thịt mỡ để cứu cha
Ngày nào Chen cũng ăn mỡ để mong cứu cha mình
Theo Chinanews, ông Li, 62 tuổi, được chẩn đoán mắc bệnh máu trắng từ tháng 9/2017. Ông đã trải qua 3 lần hóa trị, bệnh tình được kiểm soát, nhưng nếu muốn kéo dài sự sống, ông buộc phải ghép tủy.
Kết quả kiểm tra từ người nhà cho thấy chỉ có tủy của cô con gái 14 tuổi tên Chen là phù hợp nhất.
Tuy nhiên, ông Li kiên quyết phản đối, ông không muốn con gái hy sinh sức khỏe cho mình. Cô bé được sinh ra khi ông đã 48 tuổi, đó cũng là đứa con duy nhất của vợ chồng ông.
"Tôi không muốn liên lụy tới con gái mình. Nó còn quá nhỏ, còn bao nhiêu thứ phía trước", ông Li chia sẻ.
Trước đây, ông Li cũng giấu vợ con bệnh tật của mình. Chỉ đến khi con gái vô tình tìm thấy tờ giấy khám bệnh mới biết cha mình bị ung thư.
Mặc cha phản đối, Chen vẫn quyết tâm hiến tủy. Ngày ngày, cô bé cố gắng ăn nhiều hơn, đặc biệt là thịt mỡ, đồ ăn Chen từng rất ghét, để tăng cân. Cô bé nặng 44 kg, cần phải tăng 6 kg nữa mới đạt tiêu chuẩn, đủ sức khỏe hiến tủy cho cha.
Chen cũng rất sợ tiêm, ghét uống thuốc nhưng giờ mỗi ngày cô bé đều phải đến bệnh viện kiểm tra, làm xét nghiệm. Đến ngày 22/3 vừa qua, công việc truyền máu đã hoàn thành một nửa. Mọi thứ đang diễn ra khá trơn tru. Chen hy vọng cha mình sẽ không gặp biến chứng gì, có thể sống cùng em thật lâu.
Câu chuyện hai đứa trẻ hiến da đầu cứu cha
Hai em bé hiến da đầu cứu cha
Theo CCTVNews, cha của hai đứa trẻ là anh Wang Xiyong bị điện giật dẫn đến bỏng 91%. Tai nạn xảy ra từ tháng 8. Suốt 2 tháng qua, Wang đã phải trải qua 3 đợt ghép da. Bác sĩ cho biết lớp da ngoài bị hủy hoại trên diện rộng khiến việc ghép da chỉnh hình trở nên hết sức khó khăn.
Chi phí thuốc thang, phẫu thuật ghép da cộng với phí nằm viện ngày càng chồng chất vượt quá khả năng chi trải đối với một gia đình trên mức nghèo đói như nhà anh Wang. Số tiền bồi thường khiêm tốn của công ty điện nơi xảy ra tai nạn cũng không thấm vào đâu.
Ngày 16/9, vợ của Wang là chị Li Changmei nhận được một cuộc gọi từ các bác sĩ thông báo chồng chị khó qua khỏi nếu không được phẫu thuật ghép da ngay. Các bác sĩ gợi ý nên lấy da đầu của những đứa con để ghép cho người cha, đó là phương án an toàn nhất và đỡ tốn kém nhất. Chị Li kiên quyết từ chối, mặc dù các bác sĩ trấn an rằng làn da của trẻ em sẽ sớm hồi phục một cách tự nhiên.
Rời mắt khỏi giường bệnh của chồng, chị Li chạy ra ngoài trong cảm giác tuyệt vọng vì không biết mình phải làm gì trong hoàn cảnh này. Quay về nhà, người mẹ vô cùng ngạc nhiên khi hai đứa con 6 và 8 tuổi nói rằng muốn hiến da đầu để cứu cha và không hề do dự.
Thứ sáu vừa qua, Wang đã trải qua ca phẫu thuật ghép da từ chính da đầu của hai đứa con bé bỏng. Sau ca mổ thành công tốt đẹp, người cha rơi nước mắt trên giường bệnh khi cảm nhận tình yêu thương mà hai đứa con dành cho mình. Trải qua ca phẫu thuật lột da đầu hết sức đau đớn, các em vẫn cười tươi khi biết mình đã cứu được cha khỏi tay tử thần.
Tấm gương của hai đứa trẻ ở tuổi nhi đồng quên mình cứu cha đã trở thành biểu tượng của lòng hiếu thảo ở Trung Quốc. Các em được cộng đồng mạng ca ngợi là "anh hùng nhí quả cảm".
Bảo Trâm (t/h)/Khoevadep -
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét