( Hình Internet )
“Chiếc áo không làm nên thầy tu”, một ngôi chùa dựng lên to đẹp chưa hẳn đã có Phật nếu như nơi ấy tăng nhân không thực tu chính mình, huống là một ngôi chùa “online”.
Thuở nhỏ, tôi thường thích theo bà lên chùa thắp hương bái Phật, đắm mình trong bầu không gian thanh tịnh trang nghiêm chốn Phật đường. Ngôi chùa nằm trên sườn núi chon von vùng ngoại ô, cách xa mọi thanh âm ô tạp của thành phố. Mới đến chân núi, tôi đã hít căng lồng ngực bầu không khí mát lành, tiếng chuông chùa từ xa vọng lại khiến tôi bất giác lặng im, thời gian như ngưng đọng trong vòm cây, kẽ lá…
Thời gian dần trôi, bà tôi cũng già yếu nên không thể lặn lội đường xa đi chùa lễ Phật được nữa. Thậm chí, bà không còn đủ sức lực để bước lên gian thờ Phật của gia đình. Thế nhưng, tôi thấy bà vẫn hiền hậu và khoan thai như thuở nào, bà vẫn dịu dàng bao dung trước lỗi lầm của tôi, cha mẹ tôi, như một người con Phật chân chính.
Cách đây vài hôm, một người bạn chia sẻ với tôi địa chỉ một ngôi “chùa online”, trong đó có cả phòng lễ Phật, phòng Cầu Siêu, và chức năng “thắp hương” y như thật. Tôi nghĩ ngay đến bà tôi, và chạy đến bên bà với suy nghĩ giúp bà được thoả tâm nguyện lên chùa bái Phật như xưa.
Nghe tôi hớn hở kể xong, bà mới mỉm cười ôn tồn nói:
“Con à! Cảm ơn con đã có lòng. Con biết không, mấy năm nay tuy bà già yếu không đi đâu được, nhưng bà vẫn thắp hương lễ Phật hàng ngày đấy”.
Tôi mở to mắt ngạc nhiên, còn bà khẽ nâng bàn tay lên trước ngực, rồi trỏ vào tim, và nói:
“Bà thắp hương lễ Phật ở đây này…”
Bất chợt, ký ức tuổi thơ ùa về trong tôi. Tôi nhớ một ngày rằm tháng giêng năm nào, trời lất phất mưa phùn, bà cháu tôi nắm tay nhau bước lên từng bậc thang dài và rộng trên sườn núi, rồi ngây người lặng ngắm ngôi chùa từ xa mái uốn cong cong như cài lên tóc mây mờ ảo. Gần tới nơi, tôi nhìn thấy bốn chữ Hán cổ uy nghi trước chánh điện, hỏi bà tôi mới biết bốn chữ ấy là: “Phật tại tâm trung”…
Tôi đang miên man nhớ lại kỷ niệm thời thơ bé thì giọng bà ấm áp tiếp lời:
“Thứ nhất là tu tại gia, thứ nhì tu chợ, thứ ba tu chùa. Con biết không, một người con Phật chân chính luôn làm theo lời dạy của Đức Phật, không làm điều ác, chỉ làm điều thiện, hướng vào nội tâm mà tu. Chừng nào con còn chiểu theo lời dạy của Đức Phật để tu tâm dưỡng tính, chừng ấy chư Phật sẽ chứng giám cho lòng thành của con, dù con không lên chùa thắp hương các Ngài cũng biết được. Vậy nên, những năm nay dù bà không thể lên chùa lễ Phật, bà vẫn cảm thấy thanh thản, bình yên”.
Ngày hôm đó, hai bà cháu tôi đã trò chuyện với nhau thật lâu. Tôi thấy mình dường như bé lại, là cô bé con lẽo đẽo cầm bó hoa lễ Phật theo bà thuở nào, say sưa nghe bà kể về Phật Pháp, về kiếp nhân sinh, và tâm nguyện cuối đời của bà. Tôi không ngờ bà tôi lại có một tấm lòng sáng trong, thiện lành và hiểu biết sâu sắc về Phật Pháp như vậy.
Bà kể rằng thuở xưa, khi Đức Phật Thích Ca Mâu Ni còn tại thế truyền đạo, mỗi ngày Ngài đều giảng Pháp cho các đệ tử, rồi vào thành khất thực hoá duyên, sau đó ai nấy trở về trong rừng đả toạ thực tu. Hoàn toàn không có chùa chiền nào vào thời gian ấy, nhưng giáo pháp của Ngài vẫn rực rỡ xán lạn khắp thế gian. Con người thời ấy đơn giản, thuần phác, bái Phật là để cầu đạo, tu hành giải thoát, chứ không phải để cầu xin phát tài, nổi danh, sinh con trai… như bây giờ.
Bà còn kể trong Kinh Kim Cang có viết: “Bất khả dĩ tam thập nhị tướng đắc kiến Như Lai” (Nghĩa là: Không thể nhận thức đức Như Lai qua một sắc thân có ba mươi hai tướng đẹp), và “Nhược dĩ sắc kiến ngã, dĩ âm thanh cầu ngã, thị nhân hành tà đạo, bất năng kiến Như Lai” (Nghĩa là: Kẻ nào muốn thấy Ta qua hình sắc và âm thanh, kẻ ấy hành tà đạo, chẳng bao giờ thấy được Ta). Vậy nên, không thể nhìn vào hình thức bên ngoài mà phán xét nơi nào có Phật. “Chiếc áo không làm nên thầy tu”, một ngôi chùa dựng lên to đẹp chưa hẳn đã có Phật nếu như nơi ấy tăng nhân không thực tu chính mình, huống là một ngôi chùa “online”.
Bà tôi đã ở tuổi gần đất xa trời, ở tuổi ấy, nhiều người bắt đầu lo sợ về cái chết, sợ phải xa lìa cháu con. Nhưng trái lại, bà tôi thật bình thản an yên, bà nói rằng bà chỉ mong sớm được gặp vị chân Phật. Rằng bà đã đến nhân gian quá muộn, nên không kịp vào thời được nghe Đức Phật Thích Ca Mâu Ni truyền Pháp. Nhưng kinh Phật dự ngôn rằng trong tương lai, đức “Phật Di Lặc hạ thế, giảng Pháp tam biến, độ hết tất cả chúng sinh hữu duyên”. Biết đâu bà tôi lại kịp gặp được Ngài?
Tôi thầm mong ước nguyện của bà tôi trở thành hiện thực, và tôi tin nó sẽ trở thành hiện thực. Bà tôi nhân từ, lương thiện, tín tâm kiên định với Phật Pháp, nhất định một ngày sẽ có thể đắc được chân Pháp, gặp được vị chân Phật hạ thế cứu độ chúng sinh.
Theo ĐKN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét